Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn phát biểu tại Diễn đàn.
Tham dự và phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết, hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang rất nỗ lực để vừa phát triển kinh tế bền vững vừa đảm bảo thực hiện các cam kết tại Hội nghị các Bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc (COP), đặc biệt là cam kết đóng góp có trách nhiệm về thực hiện các hành động giảm phát thải khí nhà kính cùng cộng đồng quốc tế. Đây là những mục tiêu tham vọng và đầy thách thức, đòi hỏi nguồn lực về tài chính và công nghệ vô cùng lớn.
Nhằm góp phần thực hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam tại COP 26, Bộ Xây dựng đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Xây dựng ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời giao nhiệm vụ cho các đơn vị triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả COP 26 với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong xây dựng công trình, sản xuất vật liệu xây dựng, phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị xanh, chống chịu với biến đổi khí hậu.
Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đánh giá cao vai trò và nỗ lực của các tổ chức, các doanh nghiệp sản xuất trong nước trong việc thúc đẩy các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh và đảm bảo phát triển bền vững, đồng thời nhận định, Diễn đàn là cơ hội để các cơ quan xây dựng và thực hiện chính sách, các doanh nghiệp cùng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về triển khai thực hiện các hoạt động kiểm kê khí nhà kính; các giải pháp xanh giảm phát thải; ứng dụng vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường; áp dụng giải pháp thiết kế cho công trình xây dựng để tận dụng tối đa các yếu tố có lợi của thiên nhiên; ứng dụng năng lượng tái tạo, thiết bị công nghệ phát thải carbon thấp; tiếp cận nguồn vốn xanh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn phát biểu tại Diễn đàn.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Vương Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh, cùng với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, tỉnh Bắc Ninh đã sớm định hướng bảo vệ môi trường, quan tâm đến văn hóa xã hội hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Bắc Ninh đã thể hiện quan điểm phát triển bền vững, kinh tế xanh trong các Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm và hàng năm. Trong quá trình thực hiện, Bắc Ninh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Theo công bố đánh giá chỉ số xanh cấp tỉnh do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ công bố vào tháng 4/2023, Bắc Ninh đứng thứ 3 cả nước.
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, ông Vương Quốc Tuấn cũng nhìn nhận, quá trình phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh nói chung và chuyển đổi năng lượng xanh, kinh tế xanh trong ngành Công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Do đó, Bắc Ninh mong muốn nhận được các ý kiến của các Ban, Bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, các nhà khoa học để có thể phấn đấu trở thành một hình mẫu tiêu biểu của cả nước về phát triển kinh tế xanh, bền vững.
Đề cập tới thực trạng tiêu thụ năng lượng tại Việt Nam thời gian qua, đại diện Bộ Công thương cho biết: Nhu cầu năng lượng tăng khoảng 10% trong giai đoạn 2001-2010, khoảng 7% trong giai đoạn 2011-2019 trong khi nhu cầu về điện tăng 13%/năm trong giai đoạn 2001-2010 và khoảng 9,71% trong giai đoạn 2011-2021; phát thải khí nhà kính từ ngành năng lượng chiếm khoảng 63% tổng phát thải khí nhà kính của Việt Nam năm 2010, khoảng 67,7% năm 2020, và sẽ chiếm khoảng 73,1% và 79,7% vào năm 2030 và 2050 theo kịch bản thông thường.
Quang cảnh Diễn đàn
Bộ Công thương đánh giá, trong tương lai, các nguồn năng lượng sơ cấp sẽ không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ năng lượng của nền kinh tế, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu năng lượng sơ cấp.
Về giải pháp chuyển đổi năng lượng xanh - kinh tế xanh ngành Công nghiệp, ông Kiều Văn Mát - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sông Đà Cao Cường cho biết, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất là yếu tố then chốt mang tính sống còn của doanh nghiệp. Trong xu thế phát triển của ngành sản xuất vật liệu xây dựng hiện nay, các doanh nghiệp luôn đặt bài toán làm thế nào để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, làm thế nào để tiết giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành…qua đó xác định rõ khoa học công nghệ chính là chìa khóa cho vấn đề liên quan. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần lựa chọn các giải pháp thay thế việc sử dụng các động cơ đốt trong dùng xăng, dầu bằng các động cơ điện vừa giảm phát thải, vừa giảm tiếng ồn, đồng thời đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt; xây dựng các đường ống dẫn nhằm tái tuần hoàn và sử dụng lượng nước dư thừa, tái sử dụng phế liệu trong quá trình sản xuất; hạn chế thải loại ra môi trường. Đi đôi với công tác cải tiến khoa học công nghệ cần trú trọng tới công tác đào tạo cán bộ, người lao động nhằm nâng cao trình độ, cải thiện hiệu quả sản xuất và xây dựng văn hóa doanh nghiệp, môi trường lao động lành mạnh và an toàn.
Theo ông Kiều Văn Mát, chính vì các lý do trên đây, Sông Đà Cao Cường luôn chú trọng cải tiến công nghệ, nâng cấp dây chuyền thiết bị nhằm tối ưu các công đoạn sản xuất: sử dụng công nghệ lò đốt biomass với nguyên liệu là mùn, trấu, phế thải nông nghiệp thay thế than đá vừa tiết kiệm tài nguyên, vừa giảm phát thải CO2, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm; áp dụng và cải tiến các công đoạn sản xuất sao cho có thể tận dụng tối đa phần năng lượng dư thừa của công đoạn này để tái tuần hoàn, tái sử dụng cho công đoạn khác.
Các diễn giả trao đổi ý kiến tại Diễn đàn
Tại Diễn đàn, các diễn giả tích cực trao đổi, thảo luận nhiều nội dung xoay quanh chủ đề Diễn đàn như: tài chính bền vững; xu hướng chuyển đổi năng lượng sạch; tác động của phát thải khí nhà kính và hành động ứng phó với biến đổi khí hậu; gia tăng hiệu suất và lợi ích ESG cho các khu công nghiệp…