|
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị (Ảnh: T/L). |
Dự Hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Lê Minh Khái – Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan Trung ương.
Tham dự tại điểm cầu Bộ Xây dựng có các đồng chí thành viên Ban Cán sự Đảng bộ; lãnh đạo các đơn vị hành chính trực thuộc Bộ; Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản; lãnh đạo các cơ quan báo chí thuộc Bộ.
|
Đồng chí Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế khái quát tình hình phát triển của đội ngũ doanh nhân Việt Nam. |
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Đảng đoàn VCCI báo cáo nội dung chủ yếu của Nghị quyết số 41; Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41; Chương trình hành động của Đảng đoàn VCCI thực hiện Nghị quyết số 41.
Các báo cáo tập trung vào những nội dung cốt lõi của Nghị quyết số 41; quan điểm, mục tiêu; nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Nghị quyết số 41; xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 41.
Đề cập khái quát tình hình phát triển của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, đồng chí Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết: Tính đến tháng 3/2024, cả nước có khoảng 920.000 doanh nghiệp đang hoạt động, nền kinh tế còn có sự tham gia của khoảng 32.000 hợp tác xã và 5,2 triệu cơ sở kinh tế cá thể phi nông nghiệp, đội ngũ doanh nhân đã lên đến hàng triệu người.
Tính đến hết năm 2022, Việt Nam đã có 172 doanh nghiệp và 325 sản phẩm là thương hiệu quốc gia. Trong đó, có một số thương hiệu quốc gia đã gây được tiếng vang và khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường khu vực và quốc tế.
"Đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, ngày càng khẳng định vai trò, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Một số doanh nghiệp phát triển đạt tầm khu vực và thế giới, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế" - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhận định.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển của đội ngũ doanh nhân, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Đồng chí Nguyễn Đức Hiển khẳng định đây được coi là kim chỉ nam để đội ngũ doanh nhân Việt Nam tự tin, vững bước, chung lòng chung sức xây dựng đất nước hùng cường, phát triển trong thời gian tới.
Đề cập đến một số nội dung chính của Nghị quyết 41, các đồng chí lãnh đạo báo cáo tham luận cho biết, mục tiêu tổng quát của Nghị quyết số 41 là phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc; có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước. Nghị quyết số 41 đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện Nghị quyết.
Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41 đã xác định mục tiêu giai đoạn từ nay đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp, trong đó hình thành và phát triển nhiều doanh nhân lãnh đạo các tập đoàn kinh tế mạnh, có tiềm lực, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, phát huy vai trò mở đường dẫn dắt các ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Đến năm 2045, phấn đấu một số doanh nhân làm chủ các tập đoàn có khả năng dẫn dắt các chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, tiến tới hình thành một số chuỗi giá trị của Việt Nam trong các ngành ưu tiên, có thế mạnh của đất nước…
|
Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Bộ Xây dựng (Ảnh: L.Đan). |
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị, sau Hội nghị này, các cấp, ngành, địa phương thường xuyên tổ chức nghiên cứu, học tập nắm vững những nội dung cốt lõi của Nghị quyết số 41.
Trong đó, bám vào Nghị quyết số 41 và các Nghị quyết, Kết luận của Đảng liên quan đến doanh nghiệp, doanh nhân để sớm thể chế hóa, cụ thể hóa, đồng bộ thể chế chính sách về phát triển doanh nhân; Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, phát huy sức mạnh của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, tạo môi trường thuận lợi, lành mạnh cho doanh nghiệp, doanh nhân phát triển và hội nhập quốc tế.
Trên cơ sở các mục tiêu tổng quát, đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 của Nghị quyết số 41, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các Bộ, ngành liên quan và địa phương cần cụ thể hóa thành mục tiêu gắn với từng ngành, lĩnh vực, địa phương; chuẩn bị tốt các điều kiện về nguồn lực và quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 41.
Các cấp, ngành, nhất là ngành Tuyên giáo, hệ thống cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, nhân dân, tạo sự thống nhất cao trong Đảng và xã hội về vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ doanh nhân trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước.
Tuyên truyền, vận động đội ngũ doanh nhân nhận thức sâu sắc về vai trò, sứ mệnh của mình trong tình hình mới. Mỗi Ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương phải tìm ra những nguyên nhân, tồn tại để có giải pháp khắc phục và định hướng, giải pháp xây dựng đội ngũ doanh nhân phát triển. Hoàn thiện chính sách pháp luật, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến cho sự nghiệp xây dựng đất nước.