Tăng cường phối hợp để giải quyết tốt tranh chấp lao động
Tỉnh Bình Dương, những năm gần đây, hay xảy ra các vụ việc tranh chấp lao động trong doanh nghiệp. Có vụ việc chỉ khoảng 200-500 lao động, nhưng có vụ việc lên tới cả nghìn lao động.
Ghi nhận gần đây nhất là vụ tranh chấp lao động xảy ra ở Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Hoàng Sinh (phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một) xuất phát từ việc công ty nợ lương công nhân. Hàng trăm công nhân lao động bức xúc, ngừng việc tập trung cả ngày và đêm để yêu cầu doanh nghiệp chi trả lương. Mâu thuẫn đẩy lên cao, tiềm ẩn nhiều vấn đề phát sinh.
Sau khi xảy ra vụ việc, Công đoàn tỉnh Bình Dương lập tức vào cuộc cùng ngành lao động, công an, ban quản lý KCN và UBND TP Thủ Dầu Một... tiến hành xử lý. Do có nhiều bên phối hợp nên đã nhanh chóng tìm ra hướng giải quyết sự việc. Công ty Hoàng Sinh sau khi có nguồn tiền từ hoàn thuế đã chi trả 2 tháng lương cho người lao động và vụ việc tạm lắng.
Theo một lãnh đạo Sở LĐTBXH tỉnh Bình Dương, vụ việc trên là một minh chứng cho thấy, hiệu quả từ việc các ngành chức năng cùng phối hợp với nhau để giải quyết tranh chấp lao động ở doanh nghiệp đông công nhân.
Theo ông Phạm Văn Tuyên - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Bình Dương, trong những năm qua, ngành và LĐLĐ tỉnh Bình Dương, ngành công an đã có nhiều phối hợp thực hiện, giải quyết tốt các vấn đề về quan hệ lao động tại doanh nghiệp. Về việc phối hợp giữa các bên trong thời gian tới, ông Phạm Văn Tuyên cho biết, từng ngành có thể ký quy chế phối hợp riêng với LĐLĐ tỉnh để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa các công tác liên quan giữa các bên trong những vụ việc cụ thể.
Trong khi đó, ông Trương Văn Phong - Phó Trưởng Ban quản lý KCN Bình Dương - cho rằng, cần có thêm sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương. Việc giải quyết tranh chấp cần lực lượng chính từ địa phương, chủ tịch UBND cấp huyện cần phối hợp để giải quyết các vụ việc tốt hơn.
Phối hợp để chăm lo tốt hơn đời sống của người lao động
Người lao động ở Bình Dương hầu hết là người nhập cư, đa số còn phải đi thuê trọ. Cuộc sống của người lao động chưa ổn định, còn tính tạm bợ. Khi xảy ra các biến cố như giảm việc làm, dịch bệnh, người lao động rất nhanh bị tác động xấu, gặp khó khăn. Khi đó, rất cần các gói hỗ trợ lớn từ chính quyền địa phương.
Ông Nguyễn Tấn Đạt - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương - cho biết, trong thời gian qua, LĐLĐ tỉnh đã kiến nghị và chính quyền tỉnh Bình Dương đã có nhiều đợt hỗ trợ lớn cho công nhân lao động khó khăn.
Ví dụ như, đợt dịch năm 2021, tỉnh Bình Dương đã hỗ trợ hàng trăm tỉ đồng tiền ăn, tiền thuê trọ cho công nhân lao động. Mỗi năm hỗ trợ trên 40 tỉ đồng để tặng quà Tết cho người lao động xa quê, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ở lại Bình Dương đón Tết từ nhiều năm nay.
Ngoài ra, tỉnh Bình Dương cũng hỗ trợ Công đoàn kinh phí xây dựng cơ sở vật chất để CNLĐ tham gia các hoạt động văn hóa, tinh thần.
Ký quy chế để sự phối hợp thường xuyên và bài bản hơn
Bà Nguyễn Kim Loan - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương - cho biết, đầu tháng 9.2024, UBND tỉnh Bình Dương và LĐLĐ tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội nghị ký quy chế phối hợp công tác giai đoạn 2024-2028.
Ông Nguyễn Lộc Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - nhận định, việc đưa ra quy chế phối hợp là cần thiết trong bối cảnh mới để công tác hoạt động giữa các bên trôi chảy, hiệu quả hơn, thường xuyên và bài bản hơn. Ông Nguyễn Lộc Hà đề nghị các sở ngành phối hợp chặt chẽ với LĐLĐ tỉnh Bình Dương trong các lĩnh vực để giải quyết tốt các vụ việc liên quan quan hệ lao động, an ninh trật tự tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp. Giải quyết tốt hơn các vấn đề học tập của con em, đời sống văn hóa tinh thần công nhân lao động.
https://laodong.vn/ldld-binh-duong/chinh-quyen-va-cong-doan-dong-hanh-cham-lo-nguoi-lao-dong-kho-khan-1396736.ldo