Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, giai cấp công nhân Việt Nam gồm “Tất cả những người không có tư liệu sản xuất, phải bán sức lao động mà sống, là công nhân. Bất kì họ lao động trong công nghệ hay là trong nông nghiệp, bất kì họ làm nghề gì, cũng đều thuộc về giai cấp công nhân”[1]. Tuy nhiên, “Chủ chốt của giai cấp ấy, là những công nhân ở các xí nghiệp như: Nhà máy, hầm mỏ, xe lửa…”.[2]
Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam. Với “Đặc tính cách mạng của giai cấp công nhân là: Kiên quyết, triệt để, tập thể, có tổ chức, có kỉ luật… giai cấp công nhân Việt Nam là một bộ phận hữu cơ của giai cấp công nhân thế giới, cũng có vai trò sứ mệnh lịch sử, trước hết đối với dân tộc của mình: “Chỉ có giai cấp công nhân lãnh đạo thì kháng chiến mới thắng lợi, kiến quốc mới thành công”.[3]
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Giai cấp công nhân Việt Nam đã đem ánh sáng Cách mạng Tháng Mười soi tỏ cho con đường cách mạng Việt Nam… Lần đầu tiên cách mạng Việt Nam có một Cương lĩnh chính trị toàn diện do Đảng của giai cấp công nhân đề ra. Cách mạng Việt Nam từ đó được giai cấp công nhân và chính đảng của nó thống nhất lãnh đạo, đã phát triển nhanh chóng và vững chắc”.[4]
Do vậy, bộ phận giai cấp còn lại và người lao động Việt Nam cần phải có một tổ chức, đó là tổ chức Công hội (hay còn gọi là Công đoàn), để “trước là để cho công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình với nhau, hai là để nghiên cứu với nhau, ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ, bốn là để giữ gìn quyền lợi cho công nhân, năm là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới”.[5]
Công đoàn là tổ chức rộng lớn của giai cấp công nhân, là chỗ dựa vững chắc, người cộng tác đắc lực của cơ quan nhà nước, là sợi dây chuyền nối liền giữa Đảng với quần chúng.
Thường xuyên quan tâm tới công tác Công đoàn, phong trào công nhân
Sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh được cụ thể hoá bằng việc, năm 1957, Người đã kí Sắc lệnh ban hành Luật Công đoàn, trong đó chỉ rõ mục đích của công đoàn: Phải cải thiện đời sống công nhân, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa của giai cấp công nhân nói riêng và nhân dân nói chung; đồng thời giao cho tổ chức công đoàn quyền quản lí, điều hành Quỹ bảo hiểm xã hội để duy trì hoạt động công đoàn và bảo đảm lợi ích thiết thực của người lao động.
Quan tâm, chăm lo, giáo dục tổ chức, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghiên cứu và nêu rõ 6 nhiệm vụ cơ bản của tổ chức Công đoàn, như “Công đoàn phải tuyên truyền đường lối, chính sách chung của Đảng…; Công đoàn phải giáo dục cho công nhân về đạo đức vô sản, đạo đức cách mạng; Công đoàn và cán bộ công đoàn phải học trước để hiểu biết khoa học; Nội bộ công nhân phải đoàn kết... Công đoàn phải lãnh đạo, hướng dẫn công nhân”.[6]
Đối với cán bộ công đoàn, Người căn dặn: “Cán bộ công đoàn phải là người hiểu biết sản xuất, đời sống, nguyện vọng của công nhân, viên chức, phải hiểu chính sách của Đảng, phải hiểu quản lí kinh tế, khoa học kỹ thuật…”[7]; và trong công tác: “Cán bộ công đoàn phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc và bàn bạc với công nhân”.[8]
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ rõ tầm quan trọng của tổ chức Công đoàn trong xây dựng xã hội mới: “Muốn tổ chức và phát triển lực lượng xây dựng to lớn của giai cấp công nhân thì cần có Công đoàn mạnh và cán bộ công đoàn tốt”.[9] Người rất chú trọng đến tính sáng tạo của đoàn viên công đoàn và cho rằng: “Nếu Công đoàn biết khuyến khích, áp dụng, cải tiến và phổ biến rộng rãi những sáng kiến ấy thì năng suất lao động sẽ nâng cao không ngừng”[10]…
Từ tiếp thu, vận dụng những tư tưởng cơ bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giai cấp công nhân và xây dựng Công đoàn Việt Nam, giai cấp công nhân Việt Nam đã không ngừng trưởng thành, đảm đương xuất sắc vai trò lãnh đạo cách mạng, tổ chức Công đoàn các cấp đã không ngừng đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động, dấy lên nhiều phong trào thi đua lao động sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao góp phần làm giàu cho đất nước. Các phong trào: “Thi đua ái quốc”, “Tăng gia sản xuất”, “Tất cả cho tuyền tuyến”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Năng suất - chất lượng - hiệu quả”, “Lao động giỏi”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Thi đua hai tốt”… của Công đoàn Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn lịch sử.
Ngày nay, tổ chức Công đoàn Việt Nam đang không ngừng phát triển, trở thành điểm tựa cho đông đảo công nhân, viên chức, lao động cả nước.
Công đoàn Việt Nam đã thực sự trở thành chỗ dựa tin cậy của Đảng và Nhà nước, là lực lượng đi đầu trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tiếp tục thực hiện “Đổi mới, sáng tạo, vì lợi ích của đoàn viên, công nhân, viên chức lao động, vì sự phát triển bền vững của đất nước”. Công đoàn phát triển, qua đó không ngừng xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam vững mạnh, xứng đáng là giai cấp tiên phong, là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, NXB CTQG, H. 2011, tr.256.
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, NXB CTQG, H. 2011, tr. 256.
[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, NXB CTQG, H. 2011, tr.395.
[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, NXB CTQG, H. 2011, tr.365.
[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, NXB CTQG, H. 2011, tr.330.
[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, NXB CTQG, H. 2011, tr.447.
[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, NXB CTQG, H. 2011, tr.682.
[8] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, NXB CTQG, H. 2011, tr.634.
[9] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 13, NXB CTQG, H. 2011, tr.432.
[10] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 13, NXB CTQG, H. 2011, tr.53.