Đối với cán bộ, đảng viên
Nói đến chống tham nhũng, không ít người nghĩ đến việc bắt bớ, kỷ luật, xử lý vi phạm. Tuy nhiên, trọng tâm của công cuộc này chính là “phòng ngừa”, giáo dục nâng cao ý thức, tăng cường xây dựng và giám sát để bảo đảm cán bộ, đảng viên “không thể, không dám, không muốn” tham nhũng. Đây được ví như quá trình “thanh lọc cơ thể” của Đảng, cùng với việc nhổ “cây mục” còn chú trọng chữa “cây ốm”, bảo vệ “rừng” như huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Với loài sâu mọt đục khoét Nhân dân cũng vậy. Nếu phải giết đi một con mà cứu được cả rừng cây thì việc đó là cần thiết, hơn nữa là nhân đạo”[1].
Đối với hệ thống kiểm tra, giám sát
Phải thẳng thắn nhìn nhận, số lượng lớn vụ việc, vụ án tham nhũng bị phanh phui, xử lý thời gian qua đã “kích hoạt” hệ thống báo động về tình trạng bất cập, yếu kém của công tác kiểm tra, giám sát. Tuy nhiên, việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống giám sát một cách toàn diện, phát huy vai trò giám sát trong và ngoài Đảng là hết sức cần thiết.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với các đại biểu dự họp báo sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Khóa XIII - Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN
Xét đến cùng, bản chất của tham nhũng xuất phát từ sự lệch lạc, tha hóa trong sử dụng quyền lực. Nếu không “nhốt” được quyền lực trong lồng dân chủ, pháp quyền và giám sát, thì khó có thể kiểm soát tham nhũng một cách triệt để. Cần tăng cường “mạng lưới lọc” trong vận hành, kiểm soát quyền lực, giảm thiểu tình trạng trục lợi trong sử dụng quyền lực nhà nước theo nguyên tắc “có quyền thì có trách nhiệm, dùng quyền phải chịu trách nhiệm, lạm quyền phải chịu trách nhiệm”. Đặc biệt, đối với cán bộ được giao quản lý các lĩnh vực nhạy cảm, như phân bổ vốn, phê duyệt dự án, hoạt động cấp phép, đấu thầu... phải nghiêm túc thực hiện chế độ giải trình, báo cáo, đặt mình dưới “tai mắt” của quần chúng nhân dân, thực hiện giám sát lẫn nhau cốt để cẩn trọng hơn trong sử dụng quyền lực mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã giao phó.
Để kiểm tra, giám sát có hiệu quả, cần tôn trọng, bảo vệ, khuyến khích hơn nữa quyền phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của của Nhân dân. Bên cạnh đó, cần mở rộng các kênh giám sát và phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, của báo chí đối với các chủ trương, chính sách liên quan thiết thân đến quần chúng; xây dựng và hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý các phản ánh về các hành vi vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật Nhà nước của cán bộ, đảng viên. Các cấp ủy đảng, chính quyền phải thực sự coi trọng, lắng nghe ý kiến phản hồi từ quần chúng để thường xuyên nâng cấp mình, sửa đổi mình để đáp ứng mong mỏi của Nhân dân.
Đối với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng
Càng nhiều cán bộ đánh mất mình càng chứng tỏ công tác giáo dục chính trị, tư tưởng còn yếu. Do đó, phải chú trọng hơn nữa đến công tác giáo dục chính trị, tư tưởng để kịp thời chấn chỉnh, “uốn nắn” những suy nghĩ, nhận thức lệch lạc của cán bộ, đảng viên, mới có thể phòng, chống “từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc” tình trạng tham nhũng.
Bởi theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Tư tưởng không đúng đắn thì công tác ắt sai lầm”[2]. Rõ ràng, giáo dục chính trị, tư tưởng không phải là liều thuốc đặc trị chữa dứt điểm bệnh “bất liêm”, nhưng nếu không coi trọng công tác này thì không thể vun bồi lý tưởng và niềm tin vững chắc cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Và khi cán bộ, đảng viên mất đi lý tưởng, niềm tin sẽ dẫn đến mất phương hướng, không những vượt “lằn ranh đỏ” với tư cách đảng viên mà thậm chí còn vượt cả giới hạn đạo đức của một con người. Do đó, phải làm sao giáo dục cán bộ, đảng viên luôn kiên định vững vàng, son sắt một lòng, “nêu cao lòng tự trọng, danh dự, không cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực”, “ít lòng ham muốn vật chất”, giữ gìn phẩm giá được nêu trong Quy định 144-QĐ/TW ngày 9.5.2024 của Bộ Chính trị thì mới thành công trong dựng “bức tường lửa” chống tham nhũng, thoái hóa.
Vì thế, trong giai đoạn hiện nay cần lồng ghép nội dung phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với đạo đức nghề nghiệp, tăng cường giáo dục văn hóa liêm chính, giáo dục tinh thần Đảng, kỷ luật Đảng để hình thành quan điểm, nhận thức đúng đắn về tiền bạc, danh dự, giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên giữ vững bản chất tiên tiến, tránh xa cám dỗ của “vòng xoáy kim tiền”. Cần tuyên truyền rộng rãi hơn nữa việc xử lý nghiêm minh những vụ việc điển hình đã bị truy tố, xét xử để cảnh báo những công bộc của dân phải luôn luôn ghi nhớ bổn phận, trách nhiệm của mình; khắc sâu lời thề trước Đảng, biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự; từ đó xây dựng tuyến phòng thủ tư tưởng và đạo đức vững chắc, giữ mình không rơi vào “hố sâu suy thoái”, sa lầy vào “vũng bùn tham nhũng”.
Đối với công tác tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ
Việc tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ là một nội dung gắn liền với tương lai, vận mệnh của Đảng, của đất nước. Đặc biệt, đứng trước yêu cầu chuẩn bị nhân sự cho Đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIV của Đảng, cần nhất quán “lấy phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ các mặt, uy tín và hiệu quả công tác làm căn cứ và tiêu chí cơ bản để đánh giá, lựa chọn, bố trí cán bộ phù hợp với công việc”[3]. Phải làm sao đẩy lùi, ngăn chặn, dẹp bỏ được tình trạng “chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy phiếu bầu”..., bảo đảm cán bộ được bầu, được cử, bổ nhiệm giữ chức danh lãnh đạo, quản lý phải “vừa hồng, vừa chuyên”, có bản lĩnh, có uy tín, có “mắt sáng”, “lòng trong”, “tay sạch” để “trăm họ được nhờ” mới hóa giải được mối nguy trong “công việc gốc” của Đảng.
Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về tuyển chọn, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý; tập trung giám sát có hiệu quả đối với từng khâu, từng bước trong quy trình giới thiệu, đề cử, kiểm tra, đánh giá, thảo luận, ra quyết định. Cá nhân giới thiệu người ứng cử vào vị trí lãnh đạo, quản lý phải chịu trách nhiệm đối với việc đề cử, giới thiệu của mình. Người đứng đầu phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, theo dõi sát sao cấp dưới, trong trường hợp cần thiết thực hiện việc tạm đình chỉ công tác theo Quy định 148-QĐ/TW ngày 23.5.2024 của Bộ Chính trị, người có sai sót trong việc lựa chọn, sử dụng nhân sự phải bị điều tra theo quy định của pháp luật. Đây chính là cuộc cách mạng tẩy trừ ô uế trong công tác “then chốt của then chốt”.
Xét cho cùng, vận mệnh và tương lai của một chính đảng phụ thuộc vào sự tín nhiệm của Nhân dân. Là cán bộ, đảng viên, là người dân chân chính, mỗi chúng ta cần tiếp tục đặt trọn niềm tin, nêu cao quyết tâm chính trị, kề vai sát cánh cùng Đảng, biến mình thành “chất keo kết dính” trong xây dựng khối đồng thuận, thống nhất một lòng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng ta đạt được những thành tựu to lớn hơn nữa. Với niềm tin đó, quyết tâm đó, nhất định tham nhũng, tiêu cực sẽ được ngăn chặn, đẩy lùi.
[1]. Nguyễn Chí Thắng, Nguyễn Ngọc Đào, Lê Kim Dung (2004), “Bác là Hồ Chí Minh”. Nxb Thanh niên, tr.72.
[2]. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.114.
ThS. Trương Thị Điệp Phó Trưởng Khoa Nhà nước và Pháp luật, Trường Chính trị TP. Đà Nẵng
Theo ĐBND