Sign In

Giá trị lý luận và thực tiễn trong tác phẩm Dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những yêu cầu về phẩm chất, năng lực đối với đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay

15:40 15/11/2023

1. Giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm Dân vận

Ngày 15-10-1949, trên Báo Sự Thật, số 120 đã đăng bài báo “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh (với bút danh X.Y.Z). Bài báo ra đời trong thời điểm cuộc kháng chiến, kiến quốc của dân tộc ta có những chuyển biến mới, đòi hỏi công tác vận động quần chúng của Đảng phải được chú trọng, tăng cường hơn nữa trong nhận thức và hành động nhằm động viên tối đa sức người, sức của cho kháng chiến, kiến quốc.  Tác phẩm “Dân vận” ra đời cách đây đã 70 năm, vậy mà cho đến ngày nay những vấn đề Người nêu lên từ hồi đó vẫn còn nguyên tính thời sự nóng hổi, vẫn luôn mới mẻ và hiện đại về giá trị tư tưởng, về đạo đức và văn hóa đối với công tác dân vận, đối với cán bộ phụ trách dân vận của Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể.

Tác phẩm rất ngắn gọn với dung lượng hơn 600 chữ, được thể hiện bằng ngôn ngữ giản dị, gần gũi với quần chúng; văn phong súc tích, có tính khái quát cao; kết cấu mạch lạc, chặt chẽ, dễ nhớ, dễ thuộc và dễ làm theo. Nội dung gồm 04 phần: Nước ta là nước dân chủ; Dân vận là gì?; Ai phụ trách dân vận?; Dân vận phải thế nào?

Vấn đề đầu tiên được Bác chỉ rõ cho cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần sâu sắc bản chất của nhà nước ta: “Nước ta là nước dân chủ”. Đó là nhà nước mà lợi ích, quyền hạn, trách nhiệm đều ở nơi dân, nhà nước của dân, do dân, vì dân, có dân là có tất cả. Nhờ bản chất tốt đẹp đó mà Đảng ta đã hiệu triệu được toàn dân đi theo Đảng tiến hành sự nghiệp giải phóng dân tộc và thực hiện công cuộc đổi mới đất nước thành công. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hành dân chủ thì phải giải quyết đồng bộ, nhất quán mối quan hệ giữa lợi ích, quyền hạn với nghĩa vụ của nhân dân như trách nhiệm kháng chiến, kiến quốc, trách nhiệm xây dựng chính quyền, xây dựng đoàn thể.

Đối với khái niệm “Dân vận là gì?”. Theo Bác, phải làm dân vận với tất cả mọi người, khơi dậy lòng yêu nước trong mỗi một con người, không để sót một ai, người nào cũng là đối tượng tranh thủ, vận động. Làm được việc đó, chính là thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết”. Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng ta, nhân dân ta, là một trong những nguyên nhân quan trọng để có “thành công, thành công, đại thành công”. Đi đôi với việc làm rõ dân vận là gì, Bác đã chỉ ra nhiệm vụ quan trọng của dân vận là vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân để thực hiện tốt chủ trương, đường lối, nhiệm vụ chính trị mà Đảng và nhà nước giao cho. Theo Bác để thực hành dân chủ, để vận động nhân dân thì không chỉ có tuyên truyền qua sách báo, mít tinh, khẩu hiệu, chỉ thị mà phải tìm mọi cách giải thích, nói rõ lợi ích, nhiệm vụ cho dân hiểu, dân tin. Đồng thời, muốn triển khai công việc nào cũng cần phải “bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành”. Bác còn căn dặn rất cụ thể: “trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân”, “khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng”. Thực hiện di huấn của Bác, Đảng ta đã tổng kết thành phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và “không kiểm tra coi như không lãnh đạo”.

“Ai phụ trách dân vận?”. Đó là “tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân đều phải phụ trách dân vận”. Bác nói đến cán bộ chính quyền trước, vì Đảng ta là Đảng cầm quyền, cán bộ chính quyền có chức năng ra quyết định về chính sách, về nhân lực và thực hiện chính sách ấy. Chính quyền còn có trách nhiệm tạo điều kiện và phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội để làm tốt công tác dân vận. Cùng với cán bộ chính quyền, cán bộ đảng, cán bộ các tổ chức chính trị - xã hội đều phải phụ trách dân vận. Cán bộ thì phải sâu sát, gắn bó với nhân dân, phải gương mẫu trước nhân dân, giúp nhân dân phát triển sản xuất.

“Dân vận phải thế nào?” để chúng ta thực hiện cho đúng. Bác Hồ đặt ra yêu cầu rất cao đối với đội ngũ cán bộ phụ trách dân vận phải “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Sáu tiêu chí mà Bác đặt ra vừa là tiêu chuẩn cán bộ phụ trách dân vận vừa là phương pháp làm dân vận để dân vận có hiệu quả. Đội ngũ cán bộ phụ trách dân vận gồm cán bộ của Đảng, chính quyền, đoàn thể và ngày nay là tất cả cán bộ trong hệ thống chính trị. Để thực hiện công tác dân vận thì đòi hỏi cán bộ phải có kiến thức “óc nghĩ”, phải biết nhìn xa, trông rộng, phải sâu sát cơ sở để nắm được tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân, phải nói đi đôi với làm, phải luôn luôn gương mẫu cả trong lời nói và hành động, “chân đi, miệng nói, tay làm”. Bác căn dặn cán bộ phụ trách dân vận “không chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh” nghĩa là khắc phục bệnh quan liêu, giấy tờ, xa dân, không tôn trọng dân, không quan tâm giải quyết những bức xúc, đề xuất, kiến nghị chính đáng của nhân dân. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Bác thường xuyên giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, cán bộ phải “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư” cho nhân dân noi theo.

Ảnh: Tác phẩm "Dân vận" đăng trên báo Sự Thật ngày 15/10/1949

Kết thúc tác phẩm “Dân vận”, Bác đã đưa ra một tổng kết vô cùng quan trọng cả về lý luận và thực tiễn: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Đó là một trong những nội dung rất cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh: tất cả vì dân, tất cả cho dân, có dân là có tất cả. Nơi nào làm dân vận không tốt thì khó thành công, nơi nào làm dân vận tốt thì nhiệm vụ khó mấy cũng hoàn thành.

Tác phẩm đã thể hiện sâu sắc tư tưởng trọng dân, tin dân, luôn gần gũi với Nhân dân để thấu hiểu dân tình, chăm lo dân sinh, nâng cao dân trí, thực hành dân chủ, phát huy sức mạnh của Nhân dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Là cơ sở lý luận để Đảng, Nhà nước ta đề ra các chủ trương, chính sách về công tác dân vận nói riêng, công tác xây dựng Đảng nói chung; là cẩm nang cho các tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị nghiên cứu, học tập, thực hiện tốt công tác dân vận, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay. Là tác phẩm tiêu biểu để mỗi tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, mỗi cá nhân cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nghiên cứu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chính vì tầm vóc to lớn của tác phẩm “Dân vận”, Trung ương Đảng đã lấy ngày 15-10 là Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng và là ngày Dân vận của cả nước.

2. Những yêu cầu về phẩm chất, năng lực đối với đội ngũ cán bộ dân vận trong giai đoạn hiện nay

2.1. Những yêu cầu về phẩm chất chung

Cán bộ dân vận - ở những cấp độ khác nhau, tùy theo từng vị trí công tác, họ có trách nhiệm hoạch định đường lối, chính sách phát triển của đất nước hoặc phương hướng, chủ trương hoạt động của một ngành, một địa phương, một đơn vị và chỉ đạo tổ chức thực hiện nó.

Đáp ứng yêu cầu ấy, cán bộ dân vận phải là người có phẩm chất chính trị tốt, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội, nắm vững chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tiếp thu được những tri thức khoa học hiện đại của thế giới, lại luôn luôn sâu sát thực tiễn Việt Nam, có tầm cao trí tuệ, có tư duy sáng tạo, góp phần tích cực xây dựng, hoàn thiện đường lối chính trị, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Cán bộ dân vận trong thời kỳ mới của cách mạng phải kết hợp sự vững vàng về chính trị, sự kiên định về nguyên tắc với tính năng động, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đội ngũ đó phải có năng lực tham mưu, tổ chức thực hiện thắng lợi các chủ trương đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đội ngũ cán bộ dân vận phải tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, luôn luôn gắn bó với nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân; phải có phẩm chất cách mạng trong sáng, cần, kiệm liêm, chính, chí công, vô tư. Trong điều kiện có chức, có quyền, hoạt động trong nền kinh tế thị trường mà vẫn sáng ngời đạo đức cách mạng, không bị tha hóa biến chất…

2.2. Yêu cầu về phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách.

Những chuẩn mực đạo đức mà người cán bộ dân vận cần đạt tới, đáp ứng yêu cầu mới phải bao gồm cả động cơ, tình cảm, ý chí và hành động. Nổi bật nhất trong những yêu cầu đạo đức đó, trước hết là ý thức tự hoàn thiện bản thân mình. Nếu cán bộ dân vận nhất là cán bộ đứng đầu cơ quan, đơn vị mà tự điều chỉnh để hoàn thiện mình sẽ là gương sáng cho tất cả mọi người.

Phẩm chất đạo đức của cán bộ dân vận thực chất và trước hết là tình cảm đối với cách mạng, là ý chí quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Đó là trách nhiệm đem lại lợi ích cho đất nước, cho nhân dân, cho đơn vị, cho tất cả mọi người. Đạo đức đó còn thể hiện trong điều hành, quản lý, trong giải quyết các vấn đề một cách khoa học, trung thực khách quan; trong đấu tranh khắc phục mọi tệ nạn tha hoá để hướng tới sự cao đẹp, lành mạnh hoá các quan hệ xã hội. Đạo đức hành động đòi hỏi người cán bộ dân vận phải có dũng khí trong đấu tranh chống tham nhũng, độc đoán, chuyên quyền, ức hiếp quần chúng; bảo vệ chân lý, bảo vệ sự thật, lẽ công bằng và các giá trị xã hội.

Tác phong và phong cách làm việc của người cán bộ dân vận nhất thiết phải đúng đắn. Nếu không có phong cách lãnh đạo đúng đắn, hợp lý, “gặp chăng hay chớ” thì rất khó thành công. Mỗi cán bộ dân vận đều có tác phong của mình. Tác phong riêng bao gồm rất nhiều chi tiết như các thủ pháp tốc ký, ghi chép, sử dụng tài liệu, xử lý thông tin, cách làm việc với cấp dưới, cách tiếp cận với cấp trên, cách sử dụng thời gian làm việc, cách giao tiếp, cách tổ chức hội họp, cách giao việc, kiểm tra công việc… Tuy nhiên, dù muôn màu muôn vẻ đến đâu thì tác phong riêng, về nguyên tắc, vẫn phải tuân thủ tác phong chung được xây dựng theo các quan điểm của Đảng và Nhà nước. Đó là tác phong sáng tạo, không chủ quan, có quan điểm khoa học đối với mọi hiện tượng xã hội, tính đòi hỏi cao đối với bản thân và cán bộ cấp dưới, tính kỷ luật, tính nghiêm túc trong mọi công việc, không quan liêu, hách dịch, cửa quyền, xa hoa, xa rời quần chúng. Phong cách làm việc của người cán bộ dân vận được biểu hiện hàng ngày trong công việc và trong bộ máy cơ quan. Nó được thể hiện qua các phương pháp, giải pháp để đạt đến mục tiêu của công việc. Tác phong, phong cách không phải là cái bất biến, cố định mà luôn biến đổi. Nó là một quá trình phát triển và hoàn thiện. Hiện nay, trong phong cách lãnh đạo, quản lý, người ta đặc biệt nhấn mạnh đến tính tháo vát, tính dẫn dắt. Người lãnh đạo, quản lý tháo vát có đặc tính luôn luôn phân tích công việc của mình, phát hiện nhanh và chính xác những vấn đề mới xuất hiện và suy nghĩ ngay đến đường hướng giải quyết, xử lý kịp thời, hợp lý.

2.3. Yêu cầu về kiến thức và năng lực vận động quần chúng nhân dân

Tầm quan trọng lịch sử của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đòi hỏi chúng ta phải khắc phục triệt để chủ nghĩa giáo điều, lối tư duy giản đơn về chủ nghĩa xã hội cũng như đường đi nước bước để phát triển đất nước. Không thể đạt tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh nếu chúng ta tự giới hạn trong những tư duy cũ, những thói quen của chủ nghĩa kinh nghiệm, nhiệt tình tách rời sự hiểu biết, lòng dũng cảm và ý chí tiến công cách mạng ở bên ngoài sự thấu hiểu những quy luật khách quan.

Cán bộ dân vận phải có kiến thức, trí tuệ, năng lực xứng đáng với chức vụ được giao phó. Đây chính là điều phân biệt cán bộ dân vận với đảng viên ở những bộ phận không phải làm công tác dân vận cũng như với người dân bình thường. Biết bao người dân bình thường đã tự nguyện hiến dâng tài sản và cả tính mệnh của mình vì sự nghiệp cách mạng, biết bao bà mẹ Việt Nam anh hùng đã hy sinh những đứa con thân yêu trong công cuộc kháng chiến cứu nước. Trong chiến đấu các chiến sĩ đã xung phong dưới làn bom đạn giặc, có những người lính đã lấy thân mình chèn pháo, lấp lỗ châu mai của địch, thử hỏi còn có đạo đức nào cao cả hơn thế. Làm người lãnh đạo đương nhiên cần có đạo đức nhưng thêm nữa phải tiêu biểu về trí tuệ, kiến thức, năng lực. Cán bộ dân vận của Đảng và Nhà nước ta được rèn luyện và có nhiều kinh nghiệm về cách mạng dân tộc dân chủ, về kháng chiến cứu nước nhưng trong điều kiện hiện nay với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang còn rất mới mẻ ở nước ta đòi hỏi người cán bộ dân vận phải phấn đấu nâng cao trình độ kiến thức và năng lực để đảm nhận vai trò của Đảng cầm quyền, hiểu biết sâu về công việc quản lý nhà nước, quản lý xã hội, về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, về xây dựng nền kinh tế thị trường có sự quản lý nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. 

Cán bộ dân vận cần có năng lực chỉ đạo tổ chức thực hiện. Với tư cách là người cán bộ dân vận thực hiện các vai trò lãnh đạo, quản lý đơn vị mình, người cán bộ phải biết cách tổ chức công việc. Trong đầu người lãnh đạo, quản lý phải rất sáng rõ cấu trúc bộ máy mà mình đang vận hành, nắm chắc chức năng, nhiệm vụ và đặc điểm của từng bộ phận, những bất hợp lý, những khuyết tật của nó (nếu có). Trên cơ sở đó, người lãnh đạo phải biết cách tổ chức công việc lãnh đạo, chỉ huy, điều hành của mình và có phương pháp kiểm tra hiệu quả công việc của cấp dưới. Có trí tuệ, có chuyên môn, có kỹ năng lãnh đạo, quản lý, có năng lực tổ chức thực hiện, miệng nói - tay làm, có phong cách chỉ đạo cụ thể, sâu sát thực tiễn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm là những yếu tố quan trọng của người cán bộ lãnh đạo, quản lý để đưa đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước đi vào cuộc sống.

Với đòi hỏi cao như vậy, cán bộ lãnh đạo, quản lý ngoài việc học tập ở nhà trường đều cần trải qua hoạt động thực tiễn từ cơ sở mà trưởng thành lên. Cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cấp trên phải qua làm lãnh đạo, quản lý ở cấp dưới và đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Cán bộ dân vận phải chú trọng công tác đào tạo cán bộ bao gồm: đào tạo cán bộ để thay thế những người chuyển đi nơi khác hoặc nghỉ hưu; đào tạo bồi dưỡng những chức danh cấp dưới trong bộ máy lãnh đạo và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ công chức; và đặc biệt là đào tạo cán bộ kế cận chính mình. Đào tạo cán bộ phải trở thành một tiêu chuẩn để đánh giá người lãnh đạo, người quản lý có năng lực, có tâm huyết hay không, trong đó đào tạo người kế nhiệm mình được coi là một nhiệm vụ không thể quên lãng.

Cán bộ dân vận phải biết làm công tác với con người, có khả năng đoàn kết, quy tụ cán bộ, tổ chức và động viên mọi khả năng của tập thể cán bộ trong đơn vị hoàn thành nhiệm vụ được giao. Cán bộ dân vận cần có năng lực lãnh đạo chính trị tư tưởng và lãnh đạo tổ chức, biết xây dựng và sử dụng bộ máy tổ chức. Đây là một trong những yêu cầu đối với cán bộ dân vận khác với cán bộ kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ.

Từ những yêu cầu nêu trên, có thể thấy người cán bộ dân vận không chỉ là con người hành động một cách chủ động, mà còn phải có năng lực làm việc, năng lực tổ chức quản lý, năng lực giáo dục quần chúng, năng lực tổng kết thực tiễn, năng lực giao tiếp đối thoại, tranh luận một cách dân chủ và có văn hoá. Những năng lực đó không hề có sẵn, không hình thành một cách ngẫu nhiên mà là kết quả của tập luyện, học hỏi, tích luỹ. Xuyên suốt tất cả các năng lực đó là năng lực phê phán, tự phê phán, sự nhạy cảm, khả năng điều chỉnh và thích ứng để thường xuyên đổi mới, điều chỉnh theo đúng quy luật. Điều này là đòi hỏi rất khắt khe đối với năng lực của cán dân vận. Năng lực thể hiện trước hết là năng lực chiến lược, chung đúc trong đó cả tri thức, kinh nghiệm, bản lĩnh chính trị, tài tổ chức và thuyết phục.

BAN DÂN VẬN ĐẢNG ỦY KHỐI



Nguồn tin: Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương

Tag:

File đính kèm