PGS,TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh dự và chủ trì Hội nghị. Cùng dự có đại diện các ban tham mưu Đảng ủy Học viện; đại diện Công đoàn Học viện; Đoàn Thanh niên; lãnh đạo các đơn vị tại Trung tâm Học viện;
Tại điểm cầu các Học viện trực thuộc có đại diện Ban Giám đốc Học viện trực thuộc; lãnh đạo các đơn vị nghiên cứu, giảng dạy; lãnh đạo Ban Quản lý đào tạo, Ban Thanh tra của các Học viện trực thuộc.
PGS,TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội nghị
Tại Hội nghị, đồng chí Trần Văn Thắng, Chánh Thanh tra Học viện đã trình bày Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo từ năm học 2013-2014 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Báo cáo nêu rõ, trong những năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) được quan tâm chú trọng, với sự vào cuộc, quyết tâm của toàn hệ thống Học viện và ý thức trách nhiệm, sự cố gắng của các đơn vị trực thuộc, các tổ chức, đoàn thể, báo chí, truyền thông và nhất là vai trò quan trọng của toàn thể đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, công tác PCTN đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động. Đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học viên, sinh viên trong toàn hệ thống Học viện cơ bản có ý thức rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, các lĩnh vực hoạt động của Học viện.
Sau khi Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, Giám đốc Học viện đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc quán triệt nghiêm túc nội dung Chỉ thị tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, học viên, sinh viên trong hệ thống Học viện với nhiều hình thức đa dạng như: thường xuyên lồng ghép nội dung PCTN vào các cuộc họp đơn vị, sinh hoạt chi bộ, họp liên tịch, họp giao ban giữa Ban Giám đốc với lãnh đạo các đơn vị; tổ chức các Hội nghị, quán triệt, phổ biến, tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ, giảng viên trong toàn hệ thống Học viện; duy trì tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11) hàng năm, trong đó có nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN, giáo dục cán bộ, công chức, viên chức, học viên, sinh viên góp phần nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật về PCTN.
Đồng chí Trần Văn Thắng, Chánh Thanh tra Học viện trình bày Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ
Trong 10 năm thực hiện Chỉ thị, các tạp chí, bản tin, Cổng thông tin điện tử của Học viện, trang http://thinhvuongvietnam.com đã thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về PCTN trên ấn phẩm tạp chí in và tạp chí điện tử; góp phần lan tỏa thông tin chính thống, tích cực, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, góp phần vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, xây dựng và phát triển đất nước. Học viện đã chủ trì, phối hợp cùng Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Tạp chí Cộng sản, Báo Nhân dân và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức phát động cuộc thi “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” với 03 lần tổ chức (năm 2021, 2022, 2023). Cuộc thi đã tạo được sức lan tỏa rộng rãi trong hệ thống chính trị trên khắp 63 tỉnh, thành phố.
Về việc xây dựng tài liệu giảng dạy, Học viện đã tổ chức xây dựng, hoàn thiện, phê duyệt chương trình, tài liệu giảng dạy về phòng, chống tham nhũng đối với các hệ đào tạo, bồi dưỡng trong hệ thống Học viện và các trường chính trị. Các tài liệu giảng dạy về phòng, chống tham nhũng do Học viện biên soạn đã được đánh giá công phu, nội dung kiến thức phong phú, kết cấu bố cục rõ ràng, hợp lý. Khi biên soạn nội dung phòng, chống tham nhũng các tác giả đã căn cứ vào các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các thông tin, tài liệu thực tiễn về công tác PCTN của đất nước; do dậy đã đảm bảo sự phù hợp giữa việc chuyển tải nội dung phòng, chống tham nhũng trong mỗi tài liệu đến từng đối tượng người học.
Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ Học viện trung tâm đến các Học viện khu vực
Đối với việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về phòng, chống tham nhũng cho giảng viên, Thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg, từ năm học 2013-2014, Học viện đã tích cực, chủ động tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về PCTN; đồng thời tổ chức các hội thảo khoa học với mục tiêu nâng cao nhận thức, cập nhật kiến thức cho cán bộ, công chức, giảng viên, học viên về công tác PCTN.
Trong 10 năm thực hiện Chỉ thị, Học viện đã tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho giảng viên toàn hệ thống Học viện, các trường chính trị về nội dung, phương pháp giảng dạy, cập nhật thông tin, tài liệu chuyên ngành (theo từng hệ đào tạo, bồi dưỡng) của từng đơn vị nghiên cứu, giảng dạy trong đó có nội dung PCTN; thực hiện lồng ghép, giảng dạy trong tất cả các hệ đào tạo, bồi dưỡng theo chuyên đề với thời lượng, nội dung hợp lý chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng; tổ chức các hoạt động ngoại khóa phù hợp với đặc thù của từng hệ đào tạo với một số hình thức như: báo cáo chuyên đề, tổ chức thi tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lồng ghép nội dung phòng, chống tham nhũng trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt chính trị… Giai đoạn từ năm 2013 đến nay, trong toàn hệ thống Học viện đã tổ chức giảng dạy nội dung phòng, chống tham nhũng cho 295.014 học viên các hệ lớp (Cao cấp lý luận chính trị, sau đại học, đại học chính trị, bồi dưỡng); tại các Trường Chính trị đã tổ chức giảng dạy nội dung phòng, chống tham nhũng cho 3.650.908 lượt học viên các hệ lớp hệ Trung cấp lý luận chính trị, các lớp bồi dưỡng...
Đại biểu tham luận tại Hội nghị
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12-6-2013 của Thủ tướng Chính phủ về đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại Học viện còn một số khó khăn, hạn chế như: Công tập huấn chuyên sâu cho đội ngũ giảng viên về nội dung phòng, chống tham nhũng chưa được thực hiện thường xuyên mà được tổ chức lồng ghép qua các khóa bồi dưỡng, tập huấn hàng năm do Học viện tổ chức; Công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá chất lượng nội dung giảng dạy về phòng, chống tham nhũng chưa được quan tâm đúng mức. Hiện nay, các đơn vị chức năng của Học viện chủ yếu chỉ tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá chất lượng giảng dạy chung thuộc chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Học viện, chưa có nội dung thanh tra, kiểm tra, đánh giá riêng về nội dung này.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo từ năm học 2013-2014 của Học viện đến nay. Các ý kiến đều khẳng định thông qua công tác giảng dạy nội dung phòng, chống tham nhũng cho các đối tượng khác nhau, ở từng loại cơ sở giáo dục, đào tạo, đặc biệt là đối tượng cán bộ trung, cao cấp ở Học viện, các trường chính trị đã góp phần tích cực nâng cao nhận thức nâng cao nhận thức, trách nhiệm và xây dựng thái độ, ý thức tự giác cho cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phát huy vai trò của xã hội, của các cơ quan nhà nước, tạo phong trào sâu rộng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, từng bước hình thành văn hóa phòng, chống tham nhũng; góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới.
Đại biểu tham luận tại Hội nghị
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, PGS,TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ghi nhận và biểu dương những kết quả các đơn vị trực thuộc Học viện đã đạt được trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng chí đánh giá cao Ban Thanh tra Học viện đã chỉ đạo tổ chức Hội nghị kịp thời, bài bản.
PGS,TS Hoàng Phúc Lâm nhấn mạnh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là sự nghiệp của toàn dân, của mọi cấp, mọi ngành, trong đó có nhiệm vụ của từng cán bộ, giảng viên Học viện - nơi có nhiệm vụ đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp; cán bộ nghiên cứu lý luận cho đất nước. Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg về việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo là việc làm cần thiết, có ý nghĩa sâu sắc.
Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện đề nghị các đơn vị cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN; tiếp tục quán triệt, rèn luyện ý thức, đạo đức cách mạng; tích hợp tất cả các nội dung đào tạo, bồi dưỡng phòng chống tham nhũng cho các đối tượng 1,2,3,4 và dự nguồn; tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn về công tác phòng chống tham nhũng đối với các giảng viên trong hệ thống Học viện và các trường chính trị về Cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; giao Ban Thanh tra Học viện là đầu mối hướng dẫn sơ kết, tổng kết, đề xuất khen thưởng đối với những nhà giáo có nhiều đóng góp cho công tác giáo dục, đào tạo về PCTN,...