Dự hội nghị có PGS,TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện; các đồng chí trong Ban Giám đốc, lãnh đạo Ban Quản lý khoa học, Ban Hợp tác quốc tế các Học viện trực thuộc; lãnh đạo các đơn vị chức năng, viện chuyên ngành trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cùng toàn thể cán bộ, công chức Vụ Quản lý khoa học, Vụ Hợp tác quốc tế.
Quang cảnh hội nghị
Phát biểu khai mạc hội nghị, PGS,TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện cho biết, năm 2023 là năm thứ 3 thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2023, đồng thời cũng là năm thứ 3 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Học viện. Với tinh thần đẩy mạnh đổi mới toàn diện và đồng bộ các mặt công tác, trong năm 2023, hoạt động khoa học và hợp tác quốc tế của Học viện đã đạt được những kết quả nổi bật trên các phương diện, góp phần tích cực vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, khẳng định uy tín, vị thế của Học viện.
Tại hội nghị, PGS,TS Dương Trung Ý đề nghị các đại biểu cùng trao đổi, chia sẻ về những kết quả, thành tựu đã đạt được trong năm 2023 và phân tích và làm rõ những hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc của công tác nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế trong toàn hệ thống Học viện. Từ đó thảo luận, trao đổi và thống nhất phương hướng, mục tiêu, dự báo triển vọng, các giải pháp, kiến nghị nhằm tăng cường, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả các hoạt động nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế của Học viện trong năm 2024.
PGS,TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện phát biểu khai mạc hội nghị
1. Về công tác nghiên cứu khoa học
Báo cáo được trình bày tại hội nghị cho biết, năm 2023, hoạt động khoa học của Học viện đã đạt được những kết quả toàn diện, nổi bật trên các phương diện: phát triển nhanh về quy mô nhiệm vụ khoa học, về số lượng và chất lượng các công trình khoa học và các cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học; có sự gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu khoa học và đào tạo, giữa hoạt động nghiên cứu khoa học với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; về xây dựng nguồn nhân lực khoa học chất lượng cao; về đổi mới cơ chế quản lý, xây dựng và tiếp tục hoàn thiện môi trường khoa học dân chủ và sáng tạo; gia tăng các nguồn lực tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động khoa học phát triển…
Năm 2023, Học viện đã tổ chức được hơn 47 hội thảo khoa học các cấp, trong đó có 5 hội thảo khoa học quốc tế, 5 hội thảo khoa học cấp quốc gia, 36 hội thảo/tọa đàm khoa học cấp bộ, liên bộ, nhiều hội thảo có tiếng vang lớn và sự lan tỏa sâu rộng. Đặc biệt, Học viện đã triển khai 09 đề tài cấp nhà nước thuộc chương trình KX.04/21-25 và 37 đề tài thuộc chương trình KX.02/21-25, 62 đề tài khoa học cấp bộ, 277 đề tài cấp cơ sở phân cấp và không phân cấp, v.v.. Trong đó, đáng chú ý là việc Học viện được Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chính phủ tin tưởng giao chủ trì Chương trình KX02/21-25 “Nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ đổi mới; triển khai có hiệu quả Chương trình: "Nghiên cứu, tuyển chọn và biên dịch những tác phẩm tiêu biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài”; Đề án Nghiên cứu, tổ chức biên soạn bộ sách phổ thông về tuyên truyền, phổ biến rộng rãi chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối đổi mới đất nước”... Qua các chương trình, đề tài nghiên cứu, Học viện đã chủ động xây dựng các báo cáo kiến nghị, gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và các ban, bộ, ngành ở Trung ương, địa phương.
Cũng trong năm 2023, Học viện chủ trì phối với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Báo Nhân dân, Tạp chí Cộng sản, Đài Truyền hình Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức rất thành công Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ Ba, năm 2023. Cuộc thi là điểm nhấn nổi bật, nằm trong chuỗi hoạt động sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của , thể hiện vai trò quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Qua Cuộc thi đã tiếp tục khẳng định nguồn lực to lớn và có chất lượng của đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên của Học viện trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
PGS,TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện phát biểu tại hội nghị
PGS,TS Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II tham luận tại hội nghị
Tham luận tại hội nghị, các đại biểu thẳng thắn nhận định, trao đổi về kết quả đạt được trong công tác nghiên cứu khoa học năm 2023; qua đó góp phần khẳng định vai trò, vị thế của Học viện trong công tác lý luận, phục vụ hoạch định đường lối, chính sách đổi mới, phát triển đất nước và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; tiếp tục góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, v.v..
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đã đạt được nêu trên, hoạt động nghiên cứu khoa học của Học viện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Chất lượng, hiệu quả của hoạt động nghiên cứu khoa học giữa các đơn vị trong hệ thống Học viện còn chưa thực sự đồng đều; việc ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học trong công tác đào tạo, bồi dưỡng còn có sự chưa đồng đều giữa các đơn vị, vẫn còn một số đơn vị có kết quả ứng dụng chưa thực sự tương xứng với tiềm lực nghiên cứu của đơn vị, việc chia sẻ thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khoa học còn hạn chế, v.v..
2. Về công tác hợp tác quốc tế
Hoạt động hợp tác quốc tế năm 2023 của hệ thống Học viện đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Năm 2023, Học viện được phê duyệt Kế hoạch hoạt động đối ngoại, trong đó có 47 đoàn ra, 45 đoàn vào, 50 hội nghị/hội thảo quốc tế; 10 hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và 04 thoả thuận quốc tế. Ngay sau khi được phê duyệt kế hoạch, Học viện đã khẩn trương triển khai các khâu chuẩn bị và tổ chức thực hiện: ban hành quyết định phê duyệt Kế hoạch đối ngoại cho các đơn vị thuộc và trực thuộc Học viện; dự kiến nội dung, chương trình, thành phần, đối tác làm việc... cụ thể từng hoạt động đối ngoại.
Công tác tham mưu xây dựng, tổ chức thực hiện các kế hoạch hoạt động đối ngoại năm 2023 của hệ thống Học viện ngày càng đi vào chiều sâu, mở rộng về số lượng; góp phần tích cực, hiệu quả vào thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng yếu của Học viện. Phương thức, hình thức triển khai các hoạt động hợp tác được đổi mới, đi sâu vào thực chất, thúc đẩy hợp tác trong nghiên cứu khoa học, đào tạo bồi dưỡng. Các nội dung hợp tác luôn bám sát quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam, tôn chỉ, mục đích, sứ mệnh, tầm nhìn, nhiệm vụ chính trị then chốt của Học viện. Công tác quản lý thống nhất các hoạt động hợp tác quốc tế của toàn hệ thống Học viện, đặc biệt là hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị triển khai kế hoạch và quy chế, quy định của Đảng, Nhà nước và Học viện ngày càng được cải thiện.
Đại biểu tham luận tại hội nghị
Đại biểu tham luận tại hội nghị
Việc quản lý và phối hợp triển khai các dự án, hoạt động phi dự án nhận viện trợ nước ngoài, chương trình chia sẻ tri thức quốc tế, ngày càng có chất lượng và hiệu quả; đặc biệt là Dự án Thành lập Trung tâm Việt-Úc, chương trình hợp tác với ADB, dự án hợp tác với Singapore (Temasek),… bảo đảm đúng quy định của Đảng, Nhà nước và của Học viện; bên cạnh đó, công tác phối hợp quản lý học viên quốc tế từng bước được cải thiện.
Tham luận tại hội nghị, các đại biểu nhận định, trong năm 2023, hoạt động hợp tác quốc tế của Học viện ngày càng được mở rộng về số lượng và nâng cao về chất lượng, hiệu quả, ngày càng đáp ứng tốt nhiệm vụ chính trị then chốt của Học viện. Tính chuyên nghiệp, chuyên môn, tích cực, chủ động trong tham mưu và triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế được nâng cao. Việc triển khai đoàn ra/đoàn vào chi tiết, kỹ lưỡng, đảm bảo mục tiêu, yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, theo các đại biểu, việc triển khai công tác hợp tác quốc tế cần tăng cường tính kế hoạch, hệ thống, khai thác và phát huy tốt sự tham gia của các đơn vị trong triển khai nhiệm vụ, tính tham mưu, dự báo và ứng phó đối với những tình huống phát sinh đột xuất đôi lúc còn chậm và bị động, v.v..
3. Phương hướng, nhiệm vụ năm 2024
GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện phát biểu tổng kết hội nghị
Kết luận hội nghị, GS,TS Lê Văn Lợi ghi nhận và biểu dương những thành tựu Học viện đạt được trong công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế năm 2023; trân trọng ghi nhận những ý kiến góp ý tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu, đồng chí đề nghị Vụ Quản lý khoa học, Vụ Hợp tác quốc tế cần tạo lập kênh để lắng nghe, thu nhận ý kiến góp ý để hoàn thiện, nâng cao chất lượng thực thi nhiệm vụ.
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, GS,TS Lê Văn Lợi yêu cầu cần xác định rõ hoạt động khoa học và hợp tác quốc tế của Học viện nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Học viện, các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
Do vậy, GS,TS Lê Văn Lợi đề nghị các hoạt động này cần bám sát và quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các nghị quyết của Đảng; bám sát chiến lược của Học viện. Trong công tác nghiên cứu khoa học cần nâng cao chất lượng nghiên cứu nhằm phục vụ một cách có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của Trung ương Đảng giao cho Học viện. Chú trọng đề cao hiệu quả, nâng cao tính ứng dụng và ý nghĩa thực tiễn của các công trình nghiên cứu khoa học để những đóng góp của Học viện ghi được dấu ấn vào các chủ trương, quyết sách chiến lược của Đảng, Nhà nước.
Đại biểu chụp ảnh chung tại hội nghị
Để thực hiện tốt yêu cầu nhiệm vụ trên, theo đồng chí Phó Giám đốc Học viện, cần xây dựng được quy trình trong thực thi nhiệm vụ đảm bảo tính dân chủ, khách quan, đúng người, đúng việc, phát huy tiềm năng chất xám, tạo môi trường, động lực làm việc tích cực. Tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị trong triển khai nhiệm vụ. Tích cực, chủ động khai thác, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất và các nguồn kinh phí phục vụ hoạt động khoa học, hợp tác quốc tế của Học viện, v.v.. Đối với công tác hợp tác quốc tế, cần quán triệt thực hiện quy định của Đảng và Nhà nước về công tác đối ngoại; tăng cường tính kế hoạch, hệ thống, quản lý thống nhất các hoạt động hợp tác.