Đại biểu dự buổi chia sẻ thông tin chuyên đề
Chủ trì buổi chia sẻ thông tin có PGS,TS Hoàng Văn Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; ông Marc Saxer, Giám đốc Văn phòng hợp tác khu vực châu Á, FES.
Dự buổi chia sẻ thông tin có cán bộ, lãnh đạo và giảng viên Viện Kinh tế chính trị học, Viện Chính trị học thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; cùng các cán bộ, chuyên viên Viện Friedrich Ebert - Văn phòng Việt Nam.
Địa kinh tế và địa chính trị có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại và gắn bó chặt chẽ với nhau. Trong khi nhân tố địa kinh tế ngày càng gia tăng sức nặng và tầm quan trọng trong chính trị quốc tế thì ngược lại, biến động và đảo lộn địa chính trị sẽ tác động đến địa kinh tế. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, mối quan hệ giữa địa kinh tế và địa chính trị ngày càng gắn bó chặt chẽ và đan xen vào nhau khó tách biệt cụ thể; toàn cầu hóa mở rộng phạm vi và gia tăng tốc độ tác động của những biến động địa chính trị và địa kinh tế cũng như sự tương tác của hai nhân tố đó.
Do vậy, theo các diễn giả, việc nhận thức đúng mối quan hệ giữa địa kinh tế và địa chính trị, vận dụng, xử lý hiệu quả các vấn đề địa chính trị và địa kinh tế trong hoạch định và thực thi chiến lược phát triển quốc gia, nhất là chiến lược đối ngoại và hội nhập quốc tế là chìa khóa quan trọng để đưa đất nước đi tới sự ổn định và thịnh vượng.
Các chuyên gia đến từ Viện FES khu vực châu Á trao đổi tại buổi chia sẻ thông tin
Tại buổi chia sẻ thông tin, hai bên cũng dành thời gian thảo luận về các vấn đề địa chính trị và địa kinh tế hiện nay và những tác động tới phát triển mỗi nước, từ đó tìm ra mối quan tâm chung và các khả năng hợp tác trong tương lai giữa hai đơn vị.
Trong thời gian qua, hợp tác giữa Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Viện FES tại Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, ý nghĩa trên các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, chia sẻ tri thức phát triển, đối thoại lý luận, v.v… Trong thời gian tới, hai bên định hướng mở rộng triển khai các hoạt động hợp tác mang tầm khu vực. Chuyến thăm này của Đoàn chuyên gia do Văn phòng FES khu vực châu Á tổ chức cũng nằm trong mục tiêu hợp tác này.
-----
Viện Friedrich-Ebert-Stiftung (FES) được thành lập vào năm 1925 và là quỹ chính trị lâu đời nhất của Đức. Đây là một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, trung thành với các tư tưởng dân chủ xã hội. Tên của Viện được đặt theo tên của vị tổng thống đầu tiên của Đức được bầu một cách dân chủ - ông Friedrich Ebert. Viện tiếp tục theo đuổi các lý tưởng của ông là xây dựng đường lối chính trị theo tinh thần tự do, đoàn kết và công bằng xã hội. Đây cũng chính là sứ mệnh mà Viện đã và đang thực hiện trong các chương trình giáo dục chính trị, hợp tác quốc tế cũng như các chương trình cấp học bổng và nghiên cứu.
Viện có văn phòng đại diện tại hơn 100 quốc gia ở châu Phi, châu Á, Trung Đông, châu Mỹ Latinh, châu Âu và Bắc Mỹ. FES chi khoảng một nửa tổng kinh phí hàng năm cho các hoạt động quốc tế. Đối tác của Viện là các tổ chức chính trị, kinh tế, các hiệp hội, tổ chức công đoàn, các trường đại học cũng như các cơ quan truyền thông và các tổ chức văn hoá.