Sign In

79 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam: Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập và rèn luyện QĐND Việt Nam

14:04 20/12/2023

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với bộ đội chủ lực và dân quân du kích Cao Bằng có nhiều thành tích tham gia

chiến dịch Biên giới năm 1950. Ảnh TTXVN

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người trực tiếp sáng lập, giáo dục và rèn luyện Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam. Trải qua 79 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, Quân đội ta luôn khắc ghi và thực hiện nghiêm lời dạy của Người: “Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” (1).

Xây dựng quân đội để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình

 
Ngay từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức được rằng, để thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng, cần phải tổ chức lực lượng vũ trang. Mục đích xây dựng quân đội của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tự vệ dân tộc: “Chúng ta phải ra sức bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình, cho nên chúng ta phải củng cố quốc phòng” (2). Điều này cho thấy, quan điểm về bạo lực cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện rõ tư tưởng nhân đạo và hòa bình.


Với tầm nhìn chiến lược, ngay từ những năm 1925-1927, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Người đã mở các lớp đào tạo để chuẩn bị nguồn cán bộ cho cách mạng Việt Nam. Trong Chánh cương vắn tắt của Đảng, Người đã xác định “tổ chức ra quân đội công nông”. Người từng khẳng định: “Dân tộc Việt Nam nhất định phải được giải phóng. Muốn giải phóng thì phải đánh phát xít Nhật và Pháp. Muốn đánh chúng thì phải có lực lượng quân sự”. (3). Do đó, quân đội ta ra đời phù hợp với quy luật khách quan, xuất phát từ chính nhu cầu, đòi hỏi do thực tiễn đấu tranh cách mạng của quần chúng, là kết quả từ quá trình phát triển của các tổ chức vũ trang của quần chúng.


Tháng 10/1941, Người chỉ đạo mở lớp huấn luyện quân sự tập trung đầu tiên tại Pác Bó để tiến tới thành lập đội vũ trang cách mạng. Tại đây, Người đã trực tiếp tham gia huấn luyện và biên soạn các tài liệu giảng dạy quân sự quan trọng như: “Mười điều kỷ luật”; “Cách đánh du kích”; “Những hiểu biết cơ bản về quân sự”…


Thực hiện Chỉ thị của Người, ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của QĐND Việt Nam) ra đời tại khu rừng Trần Hưng Đạo (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng). Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân có 34 đội viên được biên chế thành một trung đội có 3 tiểu đội do đồng chí Hoàng Sâm làm Đội trưởng, đồng chí Xích Thắng làm Chính trị viên. Bài diễn văn tại buổi thành lập của đồng chí Võ Nguyên Giáp đã khẳng định quyết tâm của toàn thể các đội viên: “Bao nhiêu căm hờn của dân tộc, bao nhiêu sự tàn khốc thê thảm đang chờ đợi một cuộc thanh toán. Chúng ta nguyện đem xương máu ra làm công việc đó. Chúng ta sẽ vạch cho toàn dân con đường sống duy nhất là con đường đoàn kết để vũ trang đứng dậy. Quân giải phóng sẽ tỏ ra mình là một đội quân của dân, của nước, đi tiên phong trên con đường giải phóng của dân tộc” (4).


Sự ra đời của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân là một tất yếu lịch sử trong sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân ta; là bước ngoặt trên con đường đấu tranh cách mạng của dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển của cách mạng lúc đó. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử đất nước có một quân đội kiểu mới do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện; một quân đội cách mạng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, mang bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc sâu sắc chiến đấu vì mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Chăm lo xây dựng QĐND Việt Nam thành một đội quân cách mạng vững mạnh về mọi mặt

 
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chăm lo xây dựng QĐND Việt Nam thành một đội quân cách mạng vững mạnh về mọi mặt.
Về tổ chức, Người cho rằng, phải lấy chi bộ Đảng làm hạt nhân lãnh đạo nhưng cũng phải có đầy đủ các thành phần dân tộc, vùng miền, người địa phương để nhằm phục vụ cho hoạt động sau này của Đội được thuận lợi.


Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định, xây dựng đội quân chủ lực trước hết là về phẩm chất chính trị phải vững chắc, tư tưởng cách mạng đúng đắn, để có thể đảm đương nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục, làm cho quần chúng giác ngộ, tin tưởng và đi theo cách mạng. Người nhấn mạnh, quân sự phải phục tùng chính trị: “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”. (5)


Người đặc biệt coi trọng xây dựng con người với phương châm “Người trước, súng sau”, tức là con người là nhân tố quyết định: “vũ khí là cần nhưng con người vác vũ khí, sử dụng vũ khí là quan trọng hơn”. (6)


Về xây dựng lực lượng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân gồm ba thứ quân: Vệ quốc quân (bộ đội chủ lực), bộ đội địa phương và dân quân du kích. Trong Chỉ thị của Người về việc thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, Người nêu rõ: “Sẽ chọn lọc trong hàng ngũ những du kích Cao - Bắc - Lạng số cán bộ và đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội chủ lực..., trong khi tập trung lực lượng để lập một đội quân đầu tiên, cần phải duy trì lực lượng vũ trang trong các địa phương cùng phối hợp hành động và giúp đỡ về mọi phương diện”. (7)


Sau này, tư tưởng về lực lượng vũ trang ba thứ quân đã phát triển, trở thành mô hình tổ chức quân sự độc đáo, sáng tạo của Đảng ta, phù hợp với cách đánh và nghệ thuật quân sự Việt Nam. Qua đó, đã phát huy hiệu quả sức mạnh toàn dân đánh giặc; kết hợp giữa chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy; tác chiến của các binh đoàn chủ lực với sự nổi dậy của quần chúng; phát triển và vận dụng sáng tạo, linh hoạt các chiến thuật tác chiến để tiêu diệt địch ở mọi lúc, mọi nơi và bằng mọi vũ khí, làm cho các đội quân viễn chinh xâm lược hùng mạnh nhất thế giới của thế kỷ XX phải sa lầy, lần lượt thất bại trong thế trận chiến tranh nhân dân vững mạnh, rộng khắp.


Về nghệ thuật quân sự, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải huy động “tập trung lực lượng” coi đây là nguyên tắc cơ bản của nghệ thuật chiến tranh. Nguyên tắc này tạo điều kiện thuận lợi cho việc lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh; về chiến thuật phải “vận dụng lối đánh du kích, bí mật, nhanh chóng, tích cực, nay Đông mai Tây, lai vô ảnh, khứ vô tung” (8).
Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định nhân tố quyết định đến sự trưởng thành và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam: “Quân đội ta có sức mạnh vô địch, vì nó là một quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục” (9). Do vậy, trong quá trình xây dựng và phát triển cần phải tăng cường sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội.


Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh phải không ngừng xây dựng, phát triển lực lượng, làm cho đội quân nhỏ bé ban đầu tiến lên nhanh chóng, trở thành một đội quân hùng mạnh. “Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam” (10).

Bản chất của QĐND Việt Nam là “từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân chiến đấu”

 
Về bản chất của quân đội, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định rõ: "quân đội ta là quân đội nhân dân. Nghĩa là con em ruột thịt của nhân dân. Đánh giặc để tranh lại độc lập thống nhất cho Tổ quốc, để bảo vệ tự do hạnh phúc của nhân dân. Ngoài lợi ích của nhân dân, quân đội ta không có lợi ích nào khác" (11). Có thể thấy, “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu” chính là bản chất của quân đội cách mạng, là nhân tố quan trọng góp phần làm nên sức mạnh tổng hợp của quân đội ta trước mọi kẻ thù, trong mọi hoàn cảnh.


Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh: “Nhân dân là nền tảng, là cha mẹ của bộ đội. Chính trị viên phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu bộ đội. Phải làm sao cho bộ đội được dân tin, dân phục, dân yêu” (12). Bác luôn nhắc nhở, là quân đội của nhân dân, bộ đội phải sẵn sàng giúp đỡ nhân dân, nhưng tuyệt đối “không động đến cái kim, sợi chỉ của nhân dân”, để “làm cho dân mến, khi sắp tới dân mong, khi đi dân tiếc”. (13)


Tự hào về QĐND Việt Nam, Bác còn khẳng định, cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam không chỉ đánh giặc giỏi mà còn là những người làm công tác dân vận giỏi, thực hiện tốt chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất: “Quân đội ta cũng đã góp phần tích cực xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa, làm tròn trách nhiệm của một quân đội cách mạng”. (14)


Không chỉ dõi theo mỗi bước trưởng thành của quân đội, cổ vũ, động viên cán bộ và chiến sĩ trước mỗi thắng lợi cũng như chia sẻ, rút kinh nghiệm trước mỗi trận ra quân chưa giành được thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn viết thư thăm hỏi, động viên, đồng cảm trước những mất mát, hy sinh  của các thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ... Đồng thời, Người cũng dành huy hiệu, những phần quà, cả cuốn sổ tiết kiệm của mình tặng các chiến sĩ... Người dành muôn vàn tình thương yêu cho tất cả cán bộ, chiến sĩ.


Không phụ lòng mong mỏi của Người, qua 79 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, QĐND Việt Nam luôn một lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, luôn giương cao ngọn cờ chiến đấu vì mục tiêu lý tưởng cao cả của Đảng, của giai cấp, của dân tộc; cùng với toàn dân hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, xây dựng chủ nghĩa xã hội; đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; thực hiện tốt chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân sản xuất; bảo vệ thành quả cách mạng, viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc, xây đắp nên truyền thống vẻ vang của quân đội anh hùng sinh ra từ một dân tộc anh hùng./.


Minh Duyên (TTXVN)

(1), (9), (14): Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 14, tr.435
(2): Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 9, tr. 226.
(3), (12): Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 5, tr. 370, 135
(4): Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1977
(5), (11): Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 7, tr.217, 334
(6): Trần Thị Minh Tuyết: Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, Nxb Lý luận Chính trị, H.2015, tr.143
(7), (8), (10): Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 3, tr. 539.
(13): Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 4, tr.116.

Tag:

File đính kèm