Sign In

Quản lý xã hội trong kỷ nguyên công nghệ số và chuyển đổi số ở Việt Nam

22:05 18/01/2024


Tóm tắt: Dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình hội nhập quốc tế, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành một nhiệm vụ trọng tâm và đột phá chiến lược ở Việt Nam. Công nghệ số và quá trình chuyển đổi số đang đem lại những thay đổi to lớn trong lĩnh vực đời sống xã hội. Bài viết chỉ ra rằng quá trình này cũng đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi giải pháp tổng thể nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của công nghệ số, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời phòng ngừa, ngăn chặn những hệ lụy phát sinh. Tác giả kết luận rằng sự phát triển và ứng dụng nhanh chóng công nghệ số ở nước ta đòi hỏi những thay đổi và giải pháp kịp thời về quản lý nhà nước theo hướng chuyển đổi số và công nghệ số, đào tạo nguồn nhân lực, nhằm quản lý phát triển xã hội hiệu quả và bền vững.
Từ khóa: Quản lý xã hội; Công nghệ số; Chuyển đổi số; Cách mạng công nghiệp 4.0.

1. Mở đầu
Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng và xem chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết 52-NQ-TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, và Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 411/QĐ-TTg ban hành ngày 31/03/2022 của Thủ tướng Chính phủ, đều xác định đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của  nền kinh tế. Đây cũng là cơ hội lớn để Việt Nam tiếp cận với trình độ phát triển của khu vực và thế giới.


Trong hơn 25 năm qua kể từ khi có mặt tại Việt Nam, mạng Internet đã thay đổi đời sống xã hội, gia đình và các cá nhân. Trong khi một số người gặp khó khăn trong việc làm quen và áp dụng các công nghệ mới thì không ít người trẻ đã thực sự lớn lên, hòa nhập cùng với kỷ nguyên kỹ thuật số. Là phương thức phát triển mới có tính đột phá, công nghệ số sẽ góp phần rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đất nước giai đoạn 2021-2030; thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; thực hiện quá trình chuyển đổi số toàn diện, thực chất, hiệu quả và bền vững.


Việt Nam được công nhận là một trong những quốc gia trong khu vực châu Á có công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) khá phát triển. Quá trình chuyển đổi số của Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh so với khu vực. Số lượng người dân sử dụng các ứng dụng di động trong 6 tháng đầu năm 2023 vượt ngưỡng 500 triệu, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ sử dụng internet băng thông rộng của Việt Nam là 98%, được hỗ trợ bởi hạ tầng kỹ thuật số chất lượng cao trên toàn quốc và khả năng truy cập rộng rãi vào điện thoại thông minh và Internet di động. Truyền hình số VTV Go với hơn 7 triệu người dùng hàng tháng trở nên quen thuộc trong xã hội với gần 1 triệu người dùng ở nước ngoài, trung bình 280 triệu lượt xem một tháng (Hà Thanh, 2023). Hạ tầng số được tăng cường đầu tư, phát triển với hàng chục ứng dụng di động phục vụ người dân. Theo thống kê xếp hạng của Liên minh Viện thông Thế giới (ITU) về 10 nước có nhiều công dân sử dụng công nghệ số thành thạo nhất, Trung Quốc đứng thứ nhất với 75,2 triệu người; Mỹ đứng thứ 2 với 41,3 triệu người. Theo sau là Ấn Độ, Brazil, Nhật, Mexico, Nga, Đức và Việt Nam đứng thứ 9 với 7,5 triệu người, Anh đứng thứ 10 với 7 triệu người. Với con số 100 triệu dân, đây là một thành tựu rất ấn tượng của Việt Nam so với các quốc gia có cùng trình độ phát triển.


Bài viết xem xét những thay đổi to lớn trong các lĩnh vực đời sống xã hội do sự phát triển của công nghệ số và chuyển đổi số đem lại. Quá trình này đặt ra nhiều cơ hội và thách thức, đòi hỏi giải pháp tổng thể nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 để phát triển bền vững, đồng thời phòng ngừa nguy cơ và ngăn chặn những hệ lụy phát sinh. Quá trình này đòi hỏi phương thức quản lý xã hội phù hợp với kinh tế số, xã hội số trong những năm tới ở Việt Nam.

2. Tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số ở Việt Nam 


Cho đến đến đầu thập niên 1990, hình thức giao tiếp xã hội chủ yếu là trực tiếp giữa hai hay nhiều người, trong hộ gia đình, trong cộng đồng, nơi làm việc, ngoài cửa hàng, trên đường phố. Điện thoại cố định khi đó còn rất hạn chế, tập trung ở các cơ quan, công sở và một số người khá giả. Phương tiện thông tin liên lạc được sử dụng chủ yếu là thư từ qua bưu điện và chuyển phát tay trực tiếp (Think Tank Vinasa, 2019). Việc liên lạc với những người thân quen ở nước ngoài càng bị hạn chế, rất khó khăn và chậm trễ, tốn nhiều thời gian. Sự phát triển nhanh của công nghệ viễn thông, mạng internet, thư điện tử, và điện thoại di động vào những năm 2000 và điện thoại thông minh, Skype vào những năm 2010 đã mở ra một thế giới mới cho các giao tiếp xã hội.


Ngày nay, thông qua sự phát triển của công nghệ thông tin hiện đại, phương thức con người giao tiếp với nhau đã có sự thay đổi căn bản ở Việt Nam. Các ứng dụng sau đó trở nên phổ biến, đặc biệt mạng wifi, đã giúp người dân Việt Nam liên hệ giao tiếp dễ dàng, chia sẻ với nhau không chỉ bằng lời nói mà cả bằng hình ảnh, cử chỉ, dù ở cách xa hàng trăm ngàn cây số. Facebook, Blog, Zalo và các mạng xã hội khác khuyến khích người dùng chia sẻ hình ảnh, video clip, thông tin cá nhân, bình luận và nếu ý kiến về cuộc sống và bản thân cũng như của người khác trên mạng (Thinktank Vinasa, 2019).


Khi điện thoại thông minh được sử dụng rộng rãi với các kết nối 3G, 4G, 5G, wifi với tốc độ truyền tin và lượng thông tin có thể được truyền qua mạng ngày càng cao, việc đưa ảnh, video clip và tin tức lên mạng xã hội trở nên thuận tiện ở mọi lúc, mọi nơi và không có khoảng cách. Những thông tin trước đây thường được chia sẻ trực tiếp trong gia đình hoặc trong một nhóm nhỏ bè bạn thì nay đến được với nhiều người, thậm chí không hạn chế số lượng, kể cả giữa những cá nhân chưa từng quen biết hay gặp nhau, và không có biên giới. 


Không chỉ ảnh hưởng và làm thay đổi các quan hệ xã hội, CMCN 4.0 còn có tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến việc làm, nhiều việc làm cũ  mất đi, đồng thời nhiều ngành nghề mới, việc làm mới nảy sinh. Lao động làm công việc giản đơn, lặp đi lặp lại, người vận hành máy móc sẽ có nguy cơ mất việc làm cao do bị thay thế bởi tự động hóa và robot thông minh.

 

Đồng thời, sự thiếu hụt lao động có kỹ năng cao diễn ra. Trí tuệ nhân tạo khiến cho nhiều nghề mới nảy sinh nhưng cũng khiến nhiều nghề hiện nay biến mất hoặc phải thay đổi. Có rất nhiều nghề sử dụng số lượng lớn lao động phổ thông như ở Việt Nam hiện nay sẽ bị thay thế bằng tự động hóa. Ranh giới giữa người lao động và chủ thuê trở nên mờ nhạt, lỏng lẻo, thách thức hệ thống quản trị nhân lực, tài chính và quan hệ lao động. Tác động của CMCN 4.0 và trí tuệ nhân tạo đang cấu trúc lại nghề nghiệp, việc làm, thu nhập và có thể dẫn đến sự phân hóa xã hội, chênh lệch mức sống, gia tăng bất bình đẳng nếu không đảm bảo được bao trùm xã hội. Đề không bị tụt hậu, các cấp lãnh đạo quản lý cần nhận thức về vai trò và yêu cầu cấp bách đào tạo nguồn nhân lực số, điều chỉnh chương trình đào tạo gắn với công nghệ số đồng thời xây dựng các chương trình tái đào tạo cho người lao động để có thể đáp ứng được yêu cầu mới trong sản xuất, kinh doanh.


Nhu cầu của cuộc sống và công việc trong thời chuyển đổi số đòi hỏi mỗi người phải biết nhiều hơn và do đó cần học, biết cách học, tự học và học suốt đời để tồn tại, cạnh tranh và phát triển (Think Tank Vinasa, 2019). Nhiều trẻ em nhập học và học sinh cấp tiểu học ngày hôm nay khi lớn lên sẽ làm những công việc mới chưa xuất hiện. Mỗi người lao động cần có khả năng xử lý thông tin, tư duy có hệ thống và đưa ra các quyết định tối ưu. Do tính chất công việc thay đổi rất nhanh nên buộc mỗi người, mỗi tổ chức phải có kỹ năng làm việc mới để thích ứng. Nguyên tắc này đòi hỏi chương trình giáo dục - đào tạo ở mọi cấp phải có những thay đổi tương ứng và điều chỉnh phù hợp để thích ứng với những biến đổi xã hội. Lĩnh vực giáo dục - đào tạo cần có những đột phá và nhanh chóng đổi mới trước  sự bùng nổ của CMCN 4.0 và trí tuệ nhân tạo. Đất nước có nguồn nhân lực tốt sẽ có cơ sở để đứng vững trước những thay đổi đó, và nguồn nhân lực này chỉ bền vững nếu đáp ứng được những yêu cầu của CMCN 4.0 và chuyển đổi số ngay từ hôm nay.


Ngành giáo dục và đào tạo phải không ngừng đổi mới, năng động, linh hoạt, xây dựng một “hệ sinh thái giáo dục” để có thể đáp ứng được những thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động, nguồn nhân lực của nền kinh tế số và xã hội số, tạo ra một thế hệ công dân có trình độ và năng lực phù hợp với đòi hỏi của thế giới thực-ảo mới, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, Đây là một thách thức rất lớn với các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Cần thay đổi nội dung và phương pháp giáo dục ở trong và ngoài trường học, khuyến khích xu hướng tự học và học cả đời. Phải chăng bốn trụ cột giáo dục mà UNESCO đề ra, vốn thường được xem là triết lý giáo dục của tổ chức này: “Học để biết, học để làm, học để tồn tại, học để chung sống” cũng là triết lý giáo dục và học tập của mỗi cá nhân, cộng đồng, tổ chức và cả quốc gia trong thời chuyển đổi số?


Ngày nay, y tế thông minh và y tế số được nhắc đến nhiều với khả năng ứng dụng công nghệ số và trí tuệ nhân tạo nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Xu thế ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y tế trở nên tất yếu. Nhiều quốc gia có nền y tế và công nghệ phát triển bậc nhất trên thế giới đã triển khai ứng dụng mô hình này vào công tác khám, chữa bệnh. Với các dữ liệu bệnh án có sẵn trong cơ sở dữ liệu, tình trạng sức khỏe và bệnh tật của bệnh nhân được theo dõi liên tục (như kiểm tra huyết áp, theo dõi nhịp tim, kiểm soát lượng đường, bào chế và kê đơn thuốc cho từng cá nhân…). Các ứng dụng này còn giúp cảnh báo cho con người cách điều chỉnh lại chế độ sinh hoạt, tập luyện thể dục thường xuyên để cải thiện sức khỏe của bệnh nhân. Dữ liệu lớn giúp thu thập thông tin hồ sơ bệnh nhân và hỗ trợ các công việc quản lý hoạt động tại bệnh viện. Với khả năng lưu trữ một lượng thông tin đồ sộ, xử lý và cảnh báo kịp thời trong những tình huống khẩn cấp, ứng dụng này có thể chuyển thông báo kịp thời đến bác sĩ điều trị và các bộ phận có liên quan, đồng thời phân tích dữ liệu, giảm thiểu chi phí, thời gian hội chẩn để đưa ra quyết định kịp thời và tối ưu nhất cho người bệnh.

3. Quản lý xã hội trong môi trường chuyển đổi số 


Có thể nói, công nghệ số và chuyển đổi số đang làm thay đổi rất nhanh mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, cộng đồng và mỗi cá nhân. Tốc độ xử lý thông tin và dữ liệu lớn sẽ ngày càng nhanh, đặc biệt ở các quốc gia có dân số đông, sống tích cực và sớm làm quen với công nghệ số như nước ta. Tuy chưa đạt thứ hạng cao về mức sống tính theo GDP bình quân đầu người song Việt Nam đang song hành với thế giới về mức độ phổ biến của sử dụng công nghệ số, kể cả các nước có nền kinh tế phát triển, ngay từ trong thời kỳ đầu của CMCN 4.0 như Việt Nam. 


CMCN 4.0 không chỉ là cách mạng về kinh tế số mà đi liền với nó là những biến đổi có tính đột phá trong đời sống xã hội. Sự kết nối, chia sẻ trong môi trường số cùng với công nghệ phân tích và xử lý dữ liệu lớn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật đang trở thành nguồn lực vô giá giúp cho việc ra quyết định quản lý hiệu lực, hiệu quả hơn, xây dựng một xã hội tốt đẹp, bao trùm hơn khi mọi người dân đều có thể hưởng lợi từ các thành tựu kinh tế - xã hội và thực hiện quyền công dân của mình. Đông đảo các tầng lớp dân cư ở Việt Nam đang chịu tác động hoặc chủ động tham gia vào công nghệ số, chuyển đổi số dưới các hình thức khác nhau. Trên thực tế, người dân cũng đang tham gia vào quản trị xã hội thông qua hoạt động của chính quyền số và cải cách hành chính, đóng góp ý kiến và hình thành dư luận thông qua mạng xã hội.
Trong kỷ nguyên chuyển đổi số, người dân có điều kiện, khả năng và có quyền được tham gia vào các quyết định chính sách có ảnh hưởng đến cuộc sống của mình. Sự tham gia tích cực, mang tính xây dựng của người dân là cơ sở để nhà nước quản lý xã hội hiệu quả hơn, đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội, tạo điều kiện tốt hơn để phát triển xã hội theo hướng bao trùm và bền vững. Việc nhà nước chủ động tạo điều kiện và thu hút sự tham gia rộng rãi của người dân, của cộng đồng xã hội vào các quyết sách quan trọng còn giúp tạo nên sự đồng thuận xã hội, tránh những sai lầm đáng tiếc trong quyết sách, đồng thời tăng cường khả năng thực hiện thành công các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, góp phần giảm tiêu cực và kiểm soát tham nhũng hiệu quả.


Công nghệ số đem lại những cơ hội phát triển cho con người, song đồng thời cũng tạo ra nhiều khó khăn, thách thức đối với quản lý phát triển xã hội, nhất là khi công nghệ đó có thể được sử dụng theo cách có hại cho cá nhân, xã hội, và an ninh quốc gia. Những tác động tiêu cực có thể thấy như sự thâm nhập của phần mềm gián điệp, tội phạm công nghệ cao với các trò lừa đảo, tống tiền, việc đánh cắp tài khoản cá nhân và các thông tin dữ liệu và bí mật đời tư, sự lan truyền của các văn hóa phẩm xấu, độc, và tình trạng bạo lực trên môi trường mạng,… Những hệ lụy này không chỉ làm thiệt hại tài chính mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển văn hóa, xã hội và con người cũng như nguy cơ bất ổn định chính trị - xã hội. 


An ninh kỹ thuật số, bảo mật thông tin luôn là một vấn đề trung tâm với cơ sở dữ liệu lớn được sử dụng trong nhiều lĩnh vực hiện nay. Bên cạnh việc tạo dựng các nền tảng hạ tầng số đảm bảo yêu cầu tiếp cận, an toàn dữ liệu, thì trong một thế giới siêu kết nối, thông tin tràn ngập, rất khó có thể kiểm định tính xác thực và độ tin cậy của thông tin, dữ liệu. Trong bối cảnh đó, tồn tại nhiều vùng xám về mặt pháp lý và quản lý được tạo ra  nhưng chưa có quy định cụ thể (ví dụ như hoạt động đánh thuế hải quan, chi phí logistics, đảm bảo an sinh xã hội cho người làm công, xử lý tranh chấp bản quyền, v.v…). Hiện vẫn có sự mơ hồ, thậm chí khó xác định về bản chất của các dịch vụ công nghệ số như Grab, Airbmb, là công ty taxi, kinh doanh khách sạn, hay chỉ là công ty công nghệ phần mềm? Lái xe Grab là nhân viên grab hay là lao động tự làm việc? Internet là không biên giới, song khả năng kiểm soát nhiều vấn đề liên quan như an ninh mạng, quyền riêng tư, quản lý thuế đang đặt ra những khó khăn, thách thức mà không phải quốc gia nào cũng xử lý được, đòi hỏi sự hợp tác quốc tế xuyên biên giới và toàn cầu. Những vấn đề về mặt pháp lý, an toàn, an ninh mạng và việc đảm bảo quyền riêng tư của người dùng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, cần có quy định pháp lý. Đạo đức xã hội trong sử dụng trí tuệ nhân tạo còn tồn tại nhiều vấn đề trong khi đó nhận thức, thói quen của lãnh đạo và người dân ở không ít địa phương còn chưa sẵn sàng cho phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số.


Nhà nước cần đầu tư thỏa đáng cho việc bảo đảm an toàn, tạo một môi trường chuyển đổi số lành mạnh và minh bạch nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của CMCN 4.0 đến phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội. Tuy nhiên, không ít bộ ngành có xu hướng “bảo hộ” dữ liệu, “nội địa hóa” dữ liệu trong phạm vi bộ, ban, ngành mình với những hạn chế chia sẻ, tiếp cận sử dụng. Sự lo ngại của giới chuyên gia về tác động của Luật An ninh mạng đến việc tham gia CMCN 4.0 và hội nhập quốc tế với tư duy: “quản đến đâu, cho mở đến đó” hiện nay (thay vì “mở đến đâu, quản đến đó” như thực hiện trước đây) sẽ gây rào cản và hạn chế sự phát triển, tăng chí phí xã hội và gây thiệt hại về kinh tế. Dữ liệu dân cư và trí tuệ nhân tạo phục vụ phát triển kinh tế số và xã hội số cần được quản lý và bảo vệ, song có rất ít ai biết dữ liệu cá nhân của mình được sử dụng như thế nào, khai thác vì mục đích gì và ai là người kiểm soát chúng? Những quan ngại như vậy tồn tại ở mức độ khác nhau đòi hỏi phải xây dựng thể chế đủ năng lực và đảm bảo trách nhiệm giải trình, với sự tham gia giám sát của dân trong việc tận dụng cơ hội của CMCN 4.0 và kỷ nguyên số.
 
Từ góc nhìn quản lý xã hội, các nghiên cứu đánh giá mới  đây về chuyển đổi số ở các nước (WEF, 2021; UNDP, 2021; Bong, 2023) thường nêu bật những lo ngại về sự bất bình đẳng xã hội ngày càng tăng, tập trung ở một số quốc gia và ngành công nghiệp nhất định. Do đó, sự chuyển đổi toàn diện và công bằng xã hội là mục tiêu quan trọng để lợi ích của công nghệ số và chuyển đổi số được phân phối công bằng cho tất cả mọi người. Lợi ích của CMCN 4.0 và phải đến được các lĩnh vực và tầng lớp xã hội khác nhau. Nguyên tắc này sẽ không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý xã hội mà còn giúp xây dựng một xã hội số tiến bộ, công bằng và tốt đẹp hơn trong tương lai.


4. Kết luận


Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số của Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định nhiệm vụ tích hợp công nghệ số một cách tự nhiên và mặc định vào mọi mặt của đời sống xã hội. Người dân và doanh nghiệp được kết nối, có khả năng tương tác, thành thạo kỹ năng số để sử dụng các dịch vụ số, từ đó hình thành các mối quan hệ xã hội mới trong môi trường số, xây dựng thói quen số và văn hóa số.


Tuy nhiên, thực tiễn phát triển kinh tế số, xã hội số đang và sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Nhân lực cho chuyển đổi số còn chưa đáp ứng được cả về số lượng, chất lượng, phân bổ chưa đồng đều. Chuyển đổi số không chỉ là quá trình số hóa dữ liệu hay tinh giản thủ tục, cải cách hành chính mà quan trọng hơn là sự thay đổi toàn diện về nhận thức và hành động trong quản lý phát triển xã hội, tạo điều kiện để người dân được hưởng lợi,  tham gia và quản lý, giám sát quá trình này. Đây là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của cách tiếp cận “quản trị linh hoạt” là hình thức quản lý xã hội phù hợp trước những tác động lan tỏa, nhanh chóng của CMCN 4.0. 


Việc tận dụng CMCN 4.0 còn chậm và chưa trở thành ưu tiên trong chiến lược phát triển và quy hoạch của nhiều bộ, ban, ngành và các địa phương. Phát triển nền kinh tế số, thay đổi thói quen và hành vi tiêu dùng trong xã hội không phải là điều đơn giản, dễ dàng mà có nhiều khó khăn, thách thức. Trong khi đó, mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, của Chương trình chuyển đổi số quốc gia, cũng như trong Chiến lược phát triển đất nước đến năm 2030 là kinh tế số sẽ chiếm 30% GDP. Đây là mục tiêu rất cao đòi hỏi Việt Nam, đòi hỏi cách tiếp cận và giải pháp đột phá để thực hiện thành công.


Trong điều kiện hiện nay, với mục tiêu phát triển bền vững, bao trùm, sự tham gia của người dân vào quản lý xã hội càng trở nên quan trọng, nhất là trong quá trình thực hiện chuyển đổi số và sự bùng nổ của công nghệ thông tin trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Quốc hội, Chính phủ đã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt chủ trương đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức và hoàn thiện thể chế để tạo thuận lợi cho tham gia cuộc CMCN 4.0, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số.


Từ nay đến năm 2030, cần tăng cường chuyển đổi số và phát triển công nghệ số nhằm thúc đẩy quá trình xây dựng kinh tế số, xã hội số với các biện pháp cụ thể sau đây:


1/ Nâng cao và phổ cập tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh tại các địa phương trên cả nước theo hướng trước mắt mỗi hộ gia đình đều có 1 điện thoại thông minh, hoàn thành việc hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo sao cho mỗi gia đình, mỗi người dân được tiếp cận với công nghệ số và được tham gia, thụ hưởng lợi ích từ chuyển đổi số.


2/ Phát triển và thúc đẩy sử dụng các nền tảng số dùng chung quốc gia, tập trung vào các lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh. Các bộ, ngành xác định và công bố nền tảng số quốc gia trong từng ngành, lĩnh vực và năm 2024 các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai sử dụng.
 
3/ Xây dựng và triển khai miễn phí nền tảng bồi dưỡng kỹ năng số cho người lao động và mọi người dân với những kiến thức cơ bản, đặc biệt là phổ cập ứng dụng trí tuệ nhân tạo để đổi mới nội dung bồi dưỡng hiện nay về chuyển đổi số và hạ tầng số.


4/ Thúc đẩy hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường mạng cần đi đôi với đảm bảo an toàn thông tin, dữ liệu cá nhân với mục tiêu ít nhất 70% thuê bao kết nối Internet được truy cập an toàn. Đẩy mạnh chương trình hành động phát triển kinh tế số và xã hội số để hoàn thành các mục tiêu đặt ra trong Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.


5/ Sớm đồng bộ, hoàn thành kết nối, và chia sẻ cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia với các cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương để thúc đẩy chuyển đổi số nâng cao hiệu lực, hiệu quả và hiện đại hóa công tác quản lý, giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp trên phạm vi cả nước.

 

GS.TS. Đặng Nguyên Anh

NCVCC, Nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bamford, R., G. Hutchinson and B. Macon-Cooney (2021), The Progressive Case for Universal Internet Access: How to Close the Digital Divide by 2030, Tony Blair Institute for Global Change, London. https://institute.global/policy/ progressive-case-universal-internet-access-how-close- digital-divide-2030.
2. Bong, G (2023), Trends in Recent Changes in Artificial Intelligence (AI) Technology Levels in Our Country and Major Countries. So“ware Policy & Research Institute.
3. Hà Thanh (2023), Việt Nam có hơn 500 triệu người dùng các ứng dụng di động hàng tháng. https://kinhtedothi.vn/ viet-nam-co-hon-500-trieu-nguoi-dung-cac-ung-dung-di- dong-hang-thang.html
4. Think Tank Vinasa (2019), Việt Nam thời chuyển đổi số. Nxb Thế Giới, Hà Nội.
5. UNDP (United Nations Development Programme) (2021), Digital, inclusive, accessible: Support to digitalisation of public services in Ukraine. https://www.ua.undp.org/ content/ukraine/en/home/projects/digital--inclusive--accessible--support-to-digitalisation-of-sta.html.
6. World Economic Forum (2021), The EDISON Alliance for Digital Inclusion. https://www.weforum.org/the-edison- alliance/home.


Tag:

File đính kèm