Sign In

Đại đoàn kết toàn dân tộc - đường lối chiến lược có ý nghĩa quyết định thắng lợi

23:06 30/01/2024

Bác Hồ với đồng bào dân tộc thiểu số. (Ảnh tư liệu)


Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, ông cha ta đã rút ra quy luật sinh tồn: đoàn kết là sức mạnh. Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc cũng là đường lối chiến lược, bài học lớn của cách mạng Việt Nam, được Ðảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng. Thực tế đã chứng minh, trong thế kỷ qua, phát huy sức mạnh vĩ đại của khối đại đoàn kết dân tộc, kết hợp với sức mạnh của thời đại, cách mạng Việt Nam đã chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, giữ vững non sông bờ cõi, viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc.

Lịch sử đã chứng minh đoàn kết là sức mạnh

 
Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, là cội nguồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam, với những giá trị, triết lý đạo đức và nhân sinh: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”, “Lá lành đùm lá rách”, “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”...


Tư tưởng “Chúng chí thành thành” (ý chí quần chúng làm nên bức thành kiên cố) đã quy tụ sức mạnh người dân, đứng chung chiến lũy đánh đuổi quân thù xâm lược, đứng vững trước thiên tai, cùng nhau dựng nước và giữ nước.


Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Ðảng ta - đã sớm xác nhận: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Ðó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước" (1). Sức mạnh và lực lượng đoàn kết của nhân dân là vô cùng vĩ đại, bởi: "Dễ mười lần không dân cũng chịu, Khó trăm lần dân liệu cũng xong" (2). Và chính Người đã vạch ra phương châm cho sự thắng lợi tất yếu của cách mạng: "Ðoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công" (3).


Thực hiện đại đoàn kết dân tộc là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Đảng chỉ có thể hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình nếu biết tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân trong Mặt trận Dân tộc thống nhất rộng rãi chống kẻ thù chung và xây dựng đất nước”.


Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị về việc thành lập Hội Phản đế đồng minh, hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, đánh dấu sự phát triển về chất của phong trào yêu nước, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


Từ đó đến nay, trải qua các giai đoạn cách mạng, Đảng ta luôn nhất quán chủ trương chăm lo khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xem đó là "việc gốc rễ" cho mỗi thắng lợi cách mạng. Càng trong khó khăn, thử thách, sức mạnh đoàn kết của dân tộc Việt Nam càng được khẳng định; được bạn bè thế giới ghi nhận, tán dương, bày tỏ sự cảm phục. Ví như, dù số đảng viên không lớn, với khoảng vài nghìn đảng viên, trong khi Quân đội vừa mới thành lập, nhưng Đảng ta đã tập hợp quần chúng thành một khối thống nhất vững chắc, nhất tề đứng dậy giành chính quyền, làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vĩ đại, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.


Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, cả dân tộc bước vào thời kỳ “kháng chiến kiến quốc”. Đây là thời kỳ vô cùng khó khăn khi ta phải đương đầu với cả giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm…  Với tư cách là người đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta tiếp tục giương cao ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc. Quốc hội ra đời với các đại biểu đến từ tất cả các tầng lớp trong xã hội, từ công nhân, nông dân, tiểu tư sản, người dân tộc thiểu số thuộc mọi ngành, lĩnh vực văn hóa, tôn giáo… Mặt trận dân tộc thống nhất với nhiều tên gọi khác nhau như: Mặt trận Liên Việt, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò quy tụ sức mạnh đoàn kết dân tộc, giúp nhân dân ta giành được những thắng lợi vĩ đại trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1954); chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), hoàn thành độc lập và thống nhất đất nước.


Sau ngày đất nước thống nhất, cả dân tộc lại bước vào những cuộc chiến đấu để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Trong chặng đường vừa xây dựng xã hội chủ nghĩa, vừa bảo vệ nền độc lập, đất nước lại hơn 10 năm chịu sự tác động, ảnh hưởng của bao vây, cấm vận và những khó khăn, trì trệ từ kinh tế-xã hội.


Thế nhưng, bằng sức mạnh to lớn của tinh thần đoàn kết, bằng máu và mồ hôi của lớp lớp người Việt Nam, đất nước đã vượt qua muôn vàn áp lực, khó khăn, thách thức. Một dải bờ cõi, tiền tiêu của Tổ quốc được giữ vững, chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia được bảo đảm; đất nước phát triển nhanh và bền vững. Trên chặng đường gian khó mà hào hùng đó, Đảng ta luôn xác định: đoàn kết là một chính sách dân tộc, là phương pháp cách mạng, là nguyên nhân thắng lợi của cách mạng Việt Nam. 

 

Vai trò lãnh đạo của Đảng trong xây dựng sức mạnh đại đoàn kết dân tộc

 
Kế thừa và phát triển tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tập hợp, đoàn kết và phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc, kiên trì và nhất quán quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về vai trò quyết định của quần chúng nhân dân trong lịch sử, khẳng định quần chúng nhân dân là người sáng tạo ra chế độ xã hội mới, là chủ nhân của sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.


Đại hội VI của Đảng (năm 1986) khởi xướng công cuộc đổi mới toàn diện, có nhiều quan điểm, chủ trương đổi mới đề cập trực tiếp đến vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc như: Trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”.  


Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (1991) của Đảng thông qua, đã khẳng định: “Đoàn kết là truyền thống quý báu và bài học to lớn của cách mạng nước ta...”.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng thông qua, đã khẳng định một trong năm bài học kinh nghiệm lớn rút ra từ thực tiễn phong phú của cách mạng nước ta, đó là: “không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết: đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Đó là truyền thống quý báu và là nguồn sức mạnh to lớn của cách mạng nước ta...”.


Đại đoàn kết toàn dân tộc được Đảng ta xác định là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện đường lối chiến lược đó, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, một lần nữa Đảng ta khẳng định “Mặt trận Tổ quốc đóng vai trò nòng cốt trong tập hợp, vận động Nhân dân, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội”.


Nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc, Đại hội XIII đã tiếp tục khẳng định đây là một quan điểm, chủ trương lớn cần được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nỗ lực củng cố, tăng cường trong chặng đường tiếp theo của cách mạng nước ta. Quan điểm chỉ đạo của Đại hội XIII xác định: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.


Cũng tại Đại hội XIII, Đảng ta đã xác định mục tiêu của cách mạng nước ta là “Phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.


Ngày 24/11/2023, trên cơ sở tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW “Về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”. Nghị quyết nêu rõ mục tiêu: “Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, niềm tin, khát vọng cống hiến và xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc; góp phần thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

 

Đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

 
 Với chủ trương, giải pháp đồng bộ, Đảng ta đã phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh toàn dân tộc với sức mạnh thời đại, đưa nước ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện, trước hết là đổi mới về kinh tế. Từ một đất nước nghèo, cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội lạc hậu, trình độ thấp, đến nay, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đang phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được củng cố, mở rộng. Hình ảnh và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao, đóng góp ngày càng tích cực, có trách nhiệm vào đời sống chính trị khu vực và thế giới... Đây là động lực, nguồn lực quan trọng, là cơ sở, niềm tin để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ; phát triển đất nước nhanh và bền vững.


Thời gian tới, mục tiêu phát triển đất nước được Đảng ta xác định là: “Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”. Đây là nhiệm vụ rất to lớn, vẻ vang, song cũng rất nặng nề, phức tạp, đòi hỏi Đảng, Nhà nước ta không chỉ có đường lối đúng đắn, chiến lược, kế hoạch, giải pháp đồng bộ, nâng cao sự quyết tâm của các cấp, ngành, lực lượng và cả hệ thống chính trị, mà còn phải phát huy được sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bởi lẽ, để hiện thực hóa “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, chúng ta cần huy động tổng lực nhiều nguồn lực. Vì vậy, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là một yêu cầu tất yếu, thực tiễn khách quan.


Phát biểu bế mạc tại Hội nghị Trung ương 8 (khóa XIII) ngày 8/10/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa nêu rõ: Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, đại đoàn kết toàn dân tộc luôn được xác định là đường lối chiến lược của Đảng; là nguồn sức mạnh, là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong mọi thời kỳ. Nền tảng vững chắc của đại đoàn kết toàn dân tộc là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo; là mối quan hệ bền chặt giữa Đảng và Nhân dân, là niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ; là sự đoàn kết giữa các giai tầng xã hội, giữa cộng đồng các dân tộc Việt Nam, giữa đồng bào theo tôn giáo và không theo tôn giáo, giữa những người theo các tôn giáo khác nhau; giữa người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài; là đoàn kết giữa Nhân dân Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hoà bình, tiến bộ trên thế giới. Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc làm điểm tương đồng.


Với những thành quả đã đạt được, dưới sự lãnh đạo bản lĩnh, trí tuệ của Đảng, sự quản lý điều hành năng động, sáng tạo của Nhà nước cùng tài năng, đức tính cần cù, ý chí và khát vọng vươn lên mãnh liệt của nhân dân ta, tiếp tục vận dụng bài học phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong bối cảnh lịch sử mới, chúng ta có đầy đủ cơ sở để vững tin vào sự hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc./. 

 

 

Diệp Ninh TTXVN (tổng hợp)


(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 7, tr 38.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 15, tr 280.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 13, tr 120.

Tag:

File đính kèm