Sign In

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ: Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân

22:05 02/05/2024

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung, của trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ nói riêng, là kết tinh sức mạnh của dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đó chính là thắng lợi của việc phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, “cả nước đồng lòng, toàn dân chung sức”, “tất cả vì tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

 

Đoàn kết, thống nhất trong Đảng

 
Thắng lợi của trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ là kết tinh của sức mạnh dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng ta. Và sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy, phát huy tối đa sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để làm nên chiến thắng lịch sử vĩ đại ấy.

Ngay từ đầu kháng chiến, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra những vấn đề thiết yếu, cơ bản nhất để lãnh đạo, dắt dẫn toàn dân, toàn quân ta trong cuộc chiến đấu trường kỳ. Trong đó, mục tiêu của cách mạng là giành độc lập và thống nhất đất nước, đi lên chủ nghĩa xã hội. Mục tiêu đó đã đáp ứng được nguyện vọng thiết tha của toàn thể nhân dân Việt Nam. Khi “ý Đảng, lòng dân” hợp làm một sẽ tạo nên một sức mạnh to lớn. Nhờ đó, Đảng ta có thể động viên, tổ chức được lực lượng kháng chiến trên toàn quốc. Và lực lượng vĩ đại đó đã biến mục tiêu cách mạng trở thành hiện thực.

Đặc biệt, thử thách lớn nhất trong trận Điện Biên Phủ là thay đổi cách đánh. Trên mặt trận Điện Biên Phủ, lúc đầu ta chọn cách “đánh nhanh, thắng nhanh” - tập trung toàn bộ chủ lực, tổ chức hiệp đồng giữa các binh chủng, mở cuộc tiến công tiêu diệt toàn bộ quân địch trong thời gian 3 đêm 2 ngày. Tuy nhiên, trong thời gian chuẩn bị, ta đã bám sát quân địch, theo dõi từng động tĩnh của chúng và phát hiện hệ thống phòng ngự của chúng ngày càng được xây dựng vững chắc hơn. Sau nhiều đêm thao thức, suy tính, cân nhắc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận Điện Biên Phủ - đã quyết định thay đổi cách đánh, chuyển từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Việc thay đổi kế hoạch ở phút cuối khi gần như mọi lực lượng đã ở vị trí sẵn sàng chiến đấu, tinh thần quân dân đang lên rất cao quả thật là một việc hết sức khó khăn. Đúng như sau này Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói đây là “quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình” (1).

Trước quyết định của Đại tướng, Đảng ủy đã thảo luận sôi nổi và cuối cùng đi đến nhất trí chuyển sang phương án “đánh chắc, tiến chắc”.Quyết định thay đổi cách đánh đã nhanh chóng được quán triệt từ Đảng ủy Chiến dịch đến các tổ chức đảng, các đại đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội, trung đội và từng cán bộ, đảng viên. Hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trên toàn mặt trận Điện Biên Phủ đã tập trung lãnh đạo tư tưởng, thống nhất nhận thức và hành động, ra sức chuẩn bị lực lượng về mọi mặt cho cách đánh mới.

Và thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ đã chứng tỏ rằng sự thay đổi cách đánh là hoàn toàn chính xác và có ý nghĩa quyết định đối với kết quả của chiến dịch. Nếu không có sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, nếu như chỉ có một vài ý kiến trái chiều khiến việc thay đổi cách đánh không được thực hiện, thì chắc hẳn sẽ không thể nào có một chiến thắng “lừng lẫy năm châu, trấn động địa cầu” như thế!

Như vậy, chính đường lối kháng chiến đúng đắn của Đảng ta với sự đoàn kết, thống nhất cao độ đã tập hợp, khơi dậy và phát huy được tiềm lực của toàn dân tộc, đồng thời tranh thủ được sự ủng hộ quốc tế, từ đó tạo ra sức mạnh to lớn, đánh thắng được kẻ địch mạnh hơn ta rất nhiều lần.

 

Phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

 
Từ xa xưa đến nay, ở thời nào cũng vậy, mỗi khi Tổ quốc ta đứng trước họa xâm lăng, cả dân tộc lại nhất tề đứng lên, “đem hết tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải”, quyết tâm đánh bại kẻ thù, bảo vệ non sông gấm vóc. “Qua bao thăng trầm lịch sử, lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam đã được tôi rèn, bồi đắp và kết tinh thành chủ nghĩa yêu nước. Đó là sự kết hợp hài hoà và chặt chẽ giữa lý trí và tình cảm dựa trên nền tảng vững chắc, trở thành máu thịt, thành lẽ sống, thành thế ứng xử thường trực của người Việt Nam, đặc biệt là trong những thời kỳ dân tộc phải đối diện với thách thức lớn lao, liên quan tới sự sống còn của giống nòi, dân tộc” (2). Tiếp nối và phát huy truyền thống yêu nước, tự lực, tự cường, khi thực dân Pháp xâm lược trở lại nước ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã nhất tề đứng lên kháng chiến và tạo ra sức mạnh to lớn, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.

Ngay từ những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến, cả nước đã hướng về miền Nam với nhiều hình thức ủng hộ miền Nam. “Chỉ 3 ngày sau khi quân Pháp gây hấn ở Sài Gòn-Chợ Lớn, ngày 26/9/1945, Chi đội 1 quân Nam tiến (gồm các đại đội Bắc Sơn, Bắc Cạn, Hà Nội xuất phát từ Hà Nội vào Nam; trên đường, chi đội được bổ sung thêm các đại đội Thanh Hóa và Nghệ An. Liên tiếp sau đó, các chi đội Bắc Bắc, Đông Triều, Hưng Yên, Nam Định, Hải Phòng, Kiến An, Hải Dương, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi... lên đường vào Nam chiến đấu” (3). Những đoàn quân "Nam tiến" đã biểu trưng cho ý chí Nam-Bắc một nhà, toàn dân đoàn kết của dân tộc ta.

Đến chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân khắp các địa phương trong nước đã đẩy mạnh nhiều hoạt động phối hợp. “Bộ Tư lệnh miền Đông Nam Bộ và miền Tây Nam Bộ phát động một đợt tiến công địch rộng khắp, tiêu diệt hàng trăm đồn bốt, tháp canh trong một thời gian ngắn và qua đó, giam chân một lực lượng quan trọng của địch, không cho chúng đi tiếp viện cho Điện Biên Phủ và các chiến trường khác. Quân và dân Liên khu 5 làm phá sản kế hoạch Átlăng của địch. Quân và dân Bình Trị-Thiên tiêu diệt nhiều đồn bốt quan trọng tại địa phương...” (4). Đó là những hoạt động phối hợp kịp thời hiệu quả của chiến trường toàn quốc với quân và dân ta ở chiến trường Tây Bắc-Điện Biên Phủ.

Thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị và lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Toàn dân, toàn Đảng và Chính phủ nhất định đem toàn lực chi viện cho Chiến dịch Điện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch này”, nhân dân ta, từ nông thôn đến thành thị, từ miền núi đến miền xuôi, từ trẻ đến già đã phát huy cao độ tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng ra sức thi đua xây dựng hậu phương vững chắc, thi đua giết giặc lập công, đóng góp sức người, sức của bảo đảm mọi điều kiện cho chiến trường, tiếp thêm ý chí quyết chiến, quyết thắng cho các lực lượng vũ trang ngoài mặt trận. “Với khẩu hiệu "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng", từ vùng tự do Việt Bắc, từ Liên khu 3, Liên khu 4, vùng mới giải phóng Tây Bắc cho đến các vùng du kích, các khu căn cứ địa ở đồng bằng Bắc Bộ, vùng Thượng Lào, tất cả đều dồn sức cho Điện Biên Phủ” (5).

Trong toàn bộ Chiến dịch, các địa phương đã huy động được 25.056 tấn gạo, 907 tấn thịt; 917 tấn thực phẩm khô; và 469 tấn thực phẩm khác… (6) Về phương tiện vận tải, cùng với việc sử dụng toàn bộ 16 đại đội ô tô vận tải hiện có lúc đó, ta còn huy động 20.991 xe đạp thồ, 11.800 mảng nứa và 500 ngựa thồ... (7). Trong cả trước và trong chiến dịch, hàng chục nghìn dân công, thanh niên xung phong đã tham gia làm và sửa chữa hàng trăm kilomet đường, nhiều bến, cầu; vận chuyển hàng chục nghìn tấn lương thực, thực phẩm, hàng nghìn tấn vũ khí trang bị, đạn dược tới mặt trận… Chỉ bằng sức người, bộ đội đã kéo những khẩu pháo nặng hơn 2 tấn qua núi cao. Đội quân xe đạp thồ với gần 21.000 chiếc, hoạt động liên tục trên suốt chiều dài gần 1.500km, là một sự kỳ diệu chưa từng có trong lịch sử…  Đây là những hoạt động phối hợp kịp thời của cả nước có tác động tích cực, trở thành nhân tố quan trọng bảo đảm thắng lợi cho chiến trường Điện Biên Phủ.

Như vậy, với đường lối đúng đắn, chủ trương, chính sách phù hợp, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã động viên được sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc tham gia kháng chiến, tạo nên chiến thắng oanh liệt Điện Biên Phủ, làm thất bại hoàn toàn âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp./.

Minh Duyên (TTXVN)

 

(1) Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Điện Biên Phủ 50 năm nhìn lại, Nxb Quân đội nhân dân, tr.314
(2) (3) (4) (5) Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử chân lý thời đại, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr. 66, 68, 69, 69
(6) (7) Chiến dịch Điện Biên Phủ: Sự kiện-Con số, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2024, tr.172, 171

Tag:

File đính kèm