1. Bối cảnh tình hình
Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã đưa đất nước ta bước sang một trang sử mới - trang sử hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do, đổi mới và phát triển, đồng thời cũng mở ra cho văn học, nghệ thuật nước nhà một không khí mới, không gian mới, giai đoạn văn hóa, văn nghệ thống nhất, giao hòa, phát triển trong tính tổng thể, toàn vẹn, tiến bộ và cách mạng, bắt nhịp, cổ vũ, đồng hành với công cuộc đổi mới và phát triển đất nước vì mục tiêu “Dân giàu, Nước mạnh, Dân chủ, Công bằng, Văn minh”. Tất nhiên, để có sự thăng hoa trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, chúng ta vừa phải biết tiếp nhận, kế thừa, sáng tạo những giá trị văn hóa, văn nghệ ưu việt, nhân văn, vừa phải hòa hợp, hòa giải, hóa giải những trở ngại, thách thức, có mặt phức tạp, do quan niệm, quan điểm chưa gặp nhau; những tác động từ mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế; những biến đổi mạnh mẽ, sâu sắc của hệ giá trị truyền thống và cả sự xâm lấn, ảnh hưởng của những trào lưu tư tưởng văn hóa từ bên ngoài.
Ở giai đoạn đầu, văn học nghệ thuật chịu tác động “đa chiều” của bối cảnh chính trị, kinh tế, xã hội; sự hòa hợp, chia sẻ giữa văn nghệ cách mạng và văn nghệ tiến bộ, có tinh thần dân tộc; sự pha trộn giữa thời bình và thời chiến; giữa cơ chế kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp và cơ chế thị trường; giữa cái cũ, cái quen thuộc và cái mới, cái khác,... khiến những người sáng tạo văn học, nghệ thuật khó tránh khỏi những ngỡ ngàng, lúng túng và cả sự háo hức trước những điều mới lạ, phong phú, có mặt phức tạp của đời sống xã hội.
Ngày 28-11-1987, Bộ Chính trị (khóa VI) ra Nghị quyết số 05-NQ/TW, “Về đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật và văn hóa, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học, nghệ thuật và văn hóa phát triển lên một bước mới”. Nghị quyết nhấn mạnh: “Khuyến khích tìm tòi, thể nghiệm mọi phương pháp, mọi phong cách vì mục đích đáp ứng đời sống tinh thần lành mạnh, bổ ích cho công chúng. Bài trừ các khuynh hướng sáng tác suy đồi, phi nhân tính”. Với Nghị quyết này, tinh thần dân chủ trong sáng tạo văn học, nghệ thuật được coi trọng, các thử nghiệm, sáng tạo được khuyến khích, giao lưu văn hóa được mở rộng...
Ngày 16-6-2008, Bộ Chính trị (khóa X) ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW, “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”. Nghị quyết nhấn mạnh: Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa, trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam. Nghị quyết lưu ý phát triển sâu rộng văn nghệ quần chúng, tập trung xây dựng, phát triển văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp. Trên cơ sở giữ gìn, phát triển, phát huy những giá trị của văn hóa, nghệ thuật dân tộc, tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, tiếp thu có chọn lọc các giá trị nhân văn, khoa học, tiến bộ của nước ngoài, đồng thời kiên quyết ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn áp đặt, “xâm lăng” văn hóa của các thế lực thù địch.
Ngày 16-1-2012, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) ra Nghị quyết số 12-NQ/TW về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Hơn 4 năm sau, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tiếp tục ban hành Nghị quyết Hội nghị Trung ương 04-NQ/TW, “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Các nghị quyết này như một luồng gió trong lành, mạnh mẽ, tiếp thêm năng lượng sáng tạo cho văn học nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sỹ. Hiện thực từ những “khoảng tối mờ chìm, khuất lấp” được giới văn nghệ quan tâm hơn. Nạn tham nhũng với những thủ đoạn tinh vi, táo tợn; các tệ nạn xã hội, như ma túy, mại dâm, buôn bán người qua biên giới...; vấn đề ô nhiễm môi trường, bảo vệ môi trường... được đề cập nhiều, là những đóng góp tích cực của văn học, nghệ thuật.
2. Tiến trình thống nhất, đổi mới và phát triển
2.1. Văn học: Trong số các nhà văn đi tiên phong trong đổi mới văn học, không ít người đã có thành tựu quan trọng từ trước và sau năm 1975 như Tố Hữu, Tô Hoài, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu, Nguyễn Khải, Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Minh Châu, Nguyên Ngọc, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Anh Ngọc, Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Hoàng Nhuận Cầm, Vương Trọng... Tiếp bước họ, đội ngũ của những người viết văn giai đoạn mới dần dần trưởng thành và đã có được những dấu ấn, kết quả nổi bật như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Lê Lựu, Nguyễn Duy, Trần Mạnh Hảo, Chu Lai, Nguyễn Mạnh Tuấn, Hồ Anh Thái, Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa, Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Bình Phương, Đỗ Bích Thúy... Văn học các dân tộc cũng có sự khởi sắc với Y Phương, Lò Ngân Sủn, Cao Duy Sơn, Inrasara...
Nguyễn Minh Châu là nhà văn tiêu biểu cho tinh thần đổi mới triệt để văn học Việt Nam những năm 80 thế kỉ XX trên 3 phương diện: phát hiện vấn đề, thay đổi lí thuyết và thực tiễn sáng tác, biểu hiện ở “Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành”, “Bến quê”, “Cỏ lau”, “Mảnh đất tình yêu”. Nguyễn Mạnh Tuấn thu hút được sự chú ý của dư luận với các cuốn tiểu thuyết giàu chất thời sự, như “Những khoảng cách còn lại”, “Đứng trước biển”, “Cù lao Tràm”; Nguyễn Khắc Trường với “Mảnh đất lắm người nhiều ma”; Dương Hướng với “Bến không chồng”. Đặc biệt là Nguyễn Huy Thiệp với sự xuất hiện của các truyện ngắn tiêu biểu, như “Tướng về hưu”, “Muối của rừng”, “Con gái thủy thần”, “Phẩm tiết”, “Vàng lửa”, “Kiếm sắc”... Bảo Ninh với “Nỗi buồn chiến tranh” (lúc đầu lấy tên là “Thân phận tình yêu”) ... Văn xuôi các dân tộc anh em cũng có sự khởi sắc với “Đọa đày” của Vi Hồng, các tác phẩm “Đàn trời”, “Chòm ba nhà”, “Ngôi nhà bên kia suối” của Cao Duy Sơn...
Ở các tác giả, tác phẩm nêu trên, những mảng hiện thực ít được phản ánh bấy lâu, nay được các nhà văn tập trung hơn, tạo nên những xu hướng mới như một sự nhận thức thêm về lịch sử, hiện thực. Trong ý thức sáng tạo của nhà văn, đã có những đổi thay quan trọng, thậm chí, có sự biến đổi trong “hệ hình ý thức nhà văn”. Quan hệ giữa nhà văn và hiện thực cuộc sống đã có những liên hệ và cái nhìn khác trước. Nhà văn đã nhìn hiện thực bằng con mắt khách quan hơn, đi sâu tìm hiểu, lý giải cả những mặt trái, phản ánh nhiều hơn, trực diện và dữ dội hơn những hạn chế và mặt trái của xã hội.
Xu hướng sử thi, viết về các đại tự sự có tính chất dân tộc, quốc gia, giai cấp, các sự kiện và nhân vật lịch sử tiêu biểu giảm dần, chất đời thường được tăng lên trong sự đổi mới ngôn ngữ nghệ thuật. Sự thay thế “cái nhìn sử thi” bằng “cái nhìn tiểu thuyết” là đặc điểm nổi bật của tiểu thuyết đương đại. Các nhà văn đề cao tinh thần phê phán, phản biện, tự ý thức của mỗi con người trên cơ sở của tinh thần nhân văn, nhân bản. Quan niệm con người kiểu sử thi - luôn vươn lên trở thành những biểu tượng về cái đẹp, cái hào hùng - trong văn học giai đoạn trước đã chuyển dần sang quan niệm con người thế sự với những trăn trở đời thường, có cả mặt tốt, mặt xấu. Văn xuôi viết về đề tài lịch sử, đặc biệt là tiểu thuyết, đã có những biến chuyển và bứt phá đáng quan tâm, có mặt đáng mừng. Bên cạnh những tác phẩm vẫn trung thành với lịch sử được ghi lại trong các cuốn sử biên niên là những tác phẩm mà lịch sử chỉ còn là cái cớ để nhà văn thể hiện những sáng tạo mới mang đầy chất thế sự - hiện tại của mình. Tính đối thoại với lịch sử, nhìn lại lịch sử, “phản cổ tích”, “giải huyền thoại”... đã tạo nên những phản ứng nhất định của dư luận và bạn đọc. Một số truyện ngắn viết về đề tài lịch sử của Nguyễn Huy Thiệp là những ví dụ tiêu biểu cho xu hướng vừa nêu. Ở một khía cạnh khác, Nguyễn Xuân Khánh với tiểu thuyết “Hồ Quý Ly”, “Đội gạo lên chùa”, “Mẫu thượng ngàn” lại là một đóng góp lớn cho những biểu hiện nghệ thuật mới của tiểu thuyết viết về đề tài lịch sử từ những góc nhìn văn hóa.
Khác với giai đoạn trước, ở giai đoạn văn học đương đại, văn xuôi đã có những bước chuyển mình đáng ghi nhận. Trường nhìn của tiểu thuyết được mở rộng đến nhiều góc cạnh của cuộc sống đời thường, đặc biệt, tiểu thuyết đã có những “khoảng dừng” cần thiết, hợp lý trước những góc khuất, những bi kịch của số phận con người. Nhân vật tiểu thuyết mang tính đa chiều, đan dệt chằng chịt những mối quan hệ. So với trước, kết cấu của tiểu thuyết cũng linh hoạt hơn; câu chuyện tiểu thuyết được dồn nén trong một không gian chật hẹp... Ở thể loại truyện ngắn, xuất hiện khá nhiều kiểu nhân vật mới - kiểu nhân vật chưa từng xuất hiện trong văn học (nhân vật cô đơn, nhân vật bản năng, nhân vật sám hối...). Một trong những sự thay đổi được coi là mang tính “bước ngoặt” của truyện ngắn đương đại chính là khả năng nhận diện, khám phá hiện thực bằng cái nhìn cá thể; sử dụng kiểu cốt truyện co giãn linh hoạt, cốt truyện lỏng lẻo hay kiểu kết cấu bỏ ngỏ...
Có thể coi những dấu hiệu chuyển mình nêu trên là giai đoạn khởi đầu và bùng nổ cho các thử nghiệm, tìm tòi các hình thức thể hiện mới về kết cấu, giọng điệu, phong cách, bút pháp, ngôn ngữ... tạo nên một cuộc cách tân trong văn học, đặc biệt là trong thể loại tiểu thuyết. Tất nhiên, không phải cuộc thử nghiệm nào cũng thành công, nhưng những thành tựu có được là rất đáng khích lệ.
Cùng với truyện ngắn và tiểu thuyết, ký cũng là một thể loại có nhiều đổi mới. Ký đương đại đã mạnh dạn, tự tin đi vào những góc khuất của đời sống hiện thực; trực diện, thẳng thắn bày tỏ quan điểm, thái độ cũng như những suy tư, trăn trở về cuộc sống mới. Từ sau năm 1986, phóng sự có cái nhìn đa diện, đa chiều hơn về hiện thực. Những khoảng tối, “mờ chìm”, “khuất lấp” của đời sống, những số phận con người và cả những điểm sáng, những nhân tố mới mang niềm tin, hy vọng... trong đó, đặc biệt là số phận người lính thời hậu chiến, số phận những con người trong cuộc hành trình đi tìm công lý, số phận con người trước sự nghiệt ngã của hoàn cảnh - là mảng hiện thực được thể hiện khá thành công trong phóng sự đương đại. Phóng sự “Cái đêm hôm ấy... đêm gì” của Phùng Gia Lộc viết về việc thu thuế, phí ở Thanh Hóa in trên báo Văn nghệ đã như một hồi chuông báo động về nạn “quan lại, chức dịch mới” o ép người dân nghèo. Hàng loạt các phóng sự tiếp theo về các hiện tượng đặc biệt đầy chất thời sự, như “Người đàn bà quỳ” (Trần Khắc), “Công lý, đừng quên ai” (Lâm Thị Thanh Hà), “Thủ tục làm người còn sống” (Minh Chuyên)... ra đời phản ánh những tồn đọng cần giải quyết của cơ chế và xã hội trên nhiều phương diện, đặc biệt là những phản biện sắc sảo về pháp luật, chính sách, những sai trái và bất cập của chính sách, cơ chế ở tầm vĩ mô. Ở góc độ này, văn học cùng báo chí đã góp phần quan trọng trong sự nghiệp đổi mới đất nước, phát hiện và giải quyết những yếu kém, tồn đọng, nan giải của xã hội trước yêu cầu đổi mới, nhu cầu hội nhập khu vực và quốc tế.
Tản văn cũng là một thể loại rất được ưa chuộng trong văn học vào những năm đầu thế kỷ XXI. Lực lượng tác giả viết tản văn rất hùng hậu. Ở thời kỳ đầu là Hoàng Phủ Ngọc Tường, Thế Mạc, tiếp theo là Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Việt Hà, Thảo Hảo (Phan Thị Vàng Anh)... Nổi bật là những tập tản văn xuất sắc đề cập đến muôn mặt cuộc đời, trong đó có một chủ đề mới - sinh thái nhân văn - của các tác giả: Hoàng Phủ Ngọc Tường (Nhàn đàm, Người ham chơi, Miền gái đẹp...), Nguyễn Quang Thiều (Mùi của ký ức, Những di sản sống đất Thăng Long, Có một kẻ rời bỏ thành phố, Trò chuyện về những cái cây đã chết...) đã đáp ứng nhu cầu tìm hiểu đời sống của bạn đọc đương đại.
Nói về văn xuôi đương đại, không thể không nói đến sự pha trộn thể loại, như một đặc trưng của văn học giai đoạn này, đó là chất ký trong tiểu thuyết và truyện ngắn; chất thơ trong truyện, chất truyện trong ký. Độ mờ nhòe giữa các thể loại, sự đan xen các loại ngôn ngữ, thể loại trong cùng một tác phẩm đã tạo nên dấu ấn đặc biệt trong văn xuôi tự sự đương đại.
Văn học hậu hiện đại vừa có sự ảnh hưởng từ văn học phương Tây, vừa ít nhiều mang tính nội sinh. Tuy nhiên, “hậu hiện đại” trong văn học Việt Nam cũng giống như nhiều trào lưu văn học, văn hóa khác, khi vào Việt Nam đều không mang tính triệt để, tức là nó không mang đầy đủ các đặc trưng của “hậu hiện đại” phương Tây. Khó có thể chỉ ra một nhà văn, nhà thơ hậu hiện đại “đích thực” trong văn học đương đại Việt Nam. Phong cách của nhà văn đương đại Việt Nam có sự đan xen giữa truyền thống và hiện đại, giữa hiện đại và hậu hiện đại, giữa cách viết cũ và việc sử dụng những thủ pháp nghệ thuật hậu hiện đại trong sáng tác.
Nói về thành tựu của văn học đương đại Việt Nam không thể không nói đến những đóng góp tuy còn khiêm tốn nhưng rất đáng chú ý của các nhà văn Việt Nam ở nước ngoài. Đó là Thu Tứ, Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyên Sa, Nguyễn Thụy Vũ, Nguyễn Bá Chung, Hoàng Khởi Phong, Nguyễn Huy Hoàng, Nguyễn Phan Quế Mai, Bích Yến...
So với văn xuôi, thành tựu của thơ đương đại có phần khiêm tốn hơn. Dù vẫn liên tục được đổi mới nhưng thơ vẫn chưa hình thành được các khuynh hướng, trường phái lớn. Nói đến sự đổi mới của thơ đương đại, không thể không nói đến sự đổi mới ở một số nhà thơ đã ít nhiều có thành tựu trước đó. Đó là độ “chín” và thành công của Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Quang Thiều, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Duy, Anh Ngọc, Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Trần Đăng Khoa, Hoàng Nhuận Cầm, Vương Trọng... ở chủ đề chiến tranh cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Những thập niên gần đây, nổi lên trào lưu thơ đề cao sự tự do của hình thức câu chữ và sáng tạo nghĩa mới. Những câu thơ trong xu thế thơ này hết sức tự do, gần với văn xuôi, thậm chí là nghiêng về tạo lập chữ, câu đơn giản. Việc không tuân thủ luật thơ truyền thống, phá vỡ cú pháp câu thơ, thể hiện ý tưởng bằng ngôn từ giản dị, kích thích tối đa suy tư của độc giả đã tạo nên một cách viết mới; những trăn trở, kiếm tìm những đề tài, chủ đề thơ mới, đi ra khỏi những giới hạn của truyền thống... là một xu hướng đáng chú ý trong thơ đương đại. Nổi bật trong xu hướng này là Nguyễn Quang Thiều, Dương Kiều Minh, Mai Văn Phấn, Trương Đăng Dung, Inrasara...
2.2. Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật
Bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập, việc tiếp nhận các lý thuyết và phương pháp nghiên cứu, phê bình lý luận hiện đại trên thế giới và vận dụng vào nghiên cứu, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam đã có những thành tựu đáng khích lệ, khiến cho công tác lý luận phê bình văn nghệ trở nên khởi sắc và có nhiều thành tựu mới mẻ. Các lý thuyết hiện đại như Thi pháp học, Văn học so sánh, Loại hình học, Tự sự học, Lý thuyết diễn ngôn, Phân tâm học… đã trở thành công cụ quen thuộc của đa số các nhà phê bình. Tác phẩm của các nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới được dịch, nghiên cứu, giới thiệu ở Việt Nam đã đem lại cho người phê bình, nghiên cứu văn nghệ một tầm nhìn mới, góp phần thay đổi tư duy, cách viết cũ. Xuất hiện những nhà nghiên cứu, phê bình mà các công trình của họ có sự tác động đến đời sống xã hội. Các thế hệ những nhà nghiên cứu, phê bình đã tạo nên một xu thế đổi mới trong phê bình và nghiên cứu văn nghệ. Trong số đó, Trần Đình Sử với Thi pháp học, Tự sự học và Đỗ Lai Thúy với Phê bình phân tâm học, Nhân học văn hóa đã tạo nên những ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều thế hệ các nhà phê bình và nghiên cứu sau họ.
Các giá trị văn học, văn hóa truyền thống trước đây chưa được nhìn nhận với một quan điểm hợp lý thì nay đã được mở rộng nghiên cứu, tìm hiểu trở lại dưới góc độ giá trị văn hóa, giá trị nghệ thuật, đem lại những tác động xã hội sâu rộng như việc đánh giá lại Phong trào Thơ mới, Tự lực văn đoàn, đưa Thơ mới vào giảng dạy trong trường phổ thông… Các giá trị của Văn xuôi quốc ngữ Nam Bộ, với các giả như Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Trọng Quản…; các tác giả như Hồ Biểu Chánh, trước đây chưa được đánh giá thỏa đáng thì nay đã được nghiên cứu một cách khoa học, khách quan hơn. Ngay cả các hiện tượng khá nhạy cảm như trường hợp Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Khôi, Trương Tửu, các nhà văn sáng tác trong vùng tạm chiếm (1946-1954) thời kháng chiến chống Pháp cũng được tiến hành nghiên cứu lại, cho thấy những đóng góp của họ cho sự phát triển của văn hóa, văn nghệ là rất đáng trân trọng. Nhiều nhà văn, nhà thơ, nghệ sỹ có liên quan đến vụ án Nhân văn-Giai phẩm trước đây được đánh giá lại, được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1996 gồm GS Cao Xuân Huy; NS Văn Cao; HS Bùi Xuân Phái; Đợt năm 2000 cho Nhà triết học Trần Đức Thảo; NS Nguyễn Văn Tý; Giair thưởng Nhà nước cho Nhà thơ Quang Dũng (2000); các nhà thơ Lê Đạt, Trần Dần, Phùng Quán, Yến Lan, Hoàng Cầm (tháng 2/2007). Trả lời phỏng vấn đài BBC ngày 22/02/2007, nhà thơ Hoàng Cầm tỏ ý nuối tiếc rằng các bạn cũ như Trần Dần, Phùng Quán, Phùng Cung.... đã không còn sống để nhận được giải thưởng hôm nay. Theo ông, thực tế là từ năm 1958 đến nay, tức là gần 50 năm, vụ Nhân Văn-Giai Phẩm mới "được giải tỏa”, cho thấy một không khí dân chủ, cởi mở trong đời sống văn học nghệ thuật đương đại. Ngay cả bộ phận văn học miền Nam từ 1954 đến 1975 cũng được nghiên cứu một cách hệ thống, đánh giá một cách khoa học và công bằng hơn. Bộ phận văn học hải ngoại, với những giá trị nhân văn tích cực, cũng được các nhà phê bình, nghiên cứu quan tâm ghi nhận.
Từ thành tựu của các công trình lý luận, phê bình văn học, chúng ta có thể khẳng định rằng lý luận, phê bình văn học đương đại Việt Nam đã đạt được những bước phát triển mới. Những thập niên cuối thế kỷ XX đến những thập niên đầu thế kỷ XXI, sự xuất hiện của những công trình, chuyên luận nghiên cứu có giá trị của các tác giả Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ, Phong Lê, Phương Lựu, Nguyễn Văn Hạnh, Trần Đình Sử, Mai Quốc Liên, Mã Giang Lân, Đinh Xuân Dũng, Trần Đăng Suyền, Phan Trọng Thưởng, Huỳnh Như Phương, Nguyễn Đăng Điệp, Lý Hoài Thu, Trần Khánh Thành, Bùi Việt Thắng, Vũ Thanh, Vũ Tuấn Anh, Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Bá Thành, Đỗ Lai Thúy, Lộc Phương Thủy, Trịnh Bá Đĩnh, Lê Huy Bắc, Nguyễn Thành… trong việc vận dụng có sáng tạo những phương pháp nghiên cứu văn học trên thế giới vào nghiên cứu tác giả, tác phẩm, khuynh hướng, trào lưu, trường phái của văn học Việt Nam một cách có hiệu quả.
Từ thời đầu đổi mới đến nay, lĩnh vực lý luận, phê bình văn học đã chứng kiến sự chuyển giao thế hệ hợp quy luật. Một thế hệ các nhà lý luận, phê bình trẻ có trình độ văn hóa và trình độ phê bình cao; có đam mê và giàu sáng tạo; có trình độ ngoại ngữ và khả năng tiếp kiến, tiếp biến các tư tưởng mới từ các hệ thống lý thuyết phương Tây (dù nhiều lúc đến mức thái quá, vượt ngưỡng) và vận dụng vào từng không gian văn học tương thích để giải mã tác phẩm. Đó là: Trần Mạnh Tiến, Trần Huyền Sâm, Phùng Gia Thế, Phùng Ngọc Kiên, Trần Ngọc Hiếu, Đỗ Văn Hiểu, Phan Tuấn Anh, Đoàn Minh Tâm… Những lợi thế về trình độ văn hóa, trình độ ngoại ngữ và sự nhạy bén trong tư duy khoa học, thao tác khoa học… đã giúp họ có những bứt phá và tạo đà khá vững chắc khi đi vào từng không gian văn học, từng đối tượng văn học cụ thể. Điều đáng ghi nhận ở họ là mỗi người đều có ý thức tự làm mới, không lặp lại mình và không chồng lấn, dẫm đạp lên nhau; trong “lối đi” riêng và lộ trình riêng của mình, mỗi người đều coi trọng việc học tập, kế thừa truyền thống lý luận, phê bình của các thế hệ đi trước; họ biết phát hiện và đề xuất nhiều hướng nghiên cứu mới.
Đội ngũ làm công tác lý luận, phê bình văn học đương đại đã có nhiều nỗ lực và biến chuyển, tuy nhiên, vẫn chưa có được những tác động thật sự mạnh mẽ, mang tính định hướng cho đời sống văn học. Nhiều tác phẩm phê bình văn học vẫn mang nặng tính hàn lâm. Các nhà lý luận, phê bình văn học trẻ đã và đang đồng hành cùng cuộc sống và văn học, tiếp tục khẳng định vị trí và chức năng của mình trong việc giải mã những giá trị lớn của văn học quá khứ và đương đại theo trình độ, phương pháp tiếp cận tốt hơn và đa dạng hơn.
Tuy nhiên, hoạt động lý luận phê bình văn học cũng gặp không ít khó khăn, nhất là còn ít các nhà lý luận, phê bình văn học dám dấn thân vào công việc nhọc nhằn này. Một số cây bút từng khẳng định uy tín, vị thế của mình trong giới lại thưa và yếu dần vì sức khỏe, tuổi tác; ngại va chạm, sợ bị “ném đá” lùi dần về “hậu trường” để nghiên cứu, khảo cứu, viết lịch sử văn hóa - văn nghệ, viết chân dung.
Trong khoảng hơn 10 năm gần đây, hoạt động lý luận, phê bình văn học chưa đồng đều ở các địa hạt (văn học dân gian, văn học hiện đại, văn học các dân tộc thiểu số…) và diễn ra ở những mức độ không giống nhau. Có thể nhận thấy các khuynh hướng phê bình chủ yếu hiện nay gồm: Phê bình truyền thống, phê bình dựa vào các lý thuyết nước ngoài và phê bình quy chụp, cực đoan thái quá. Trong đó, phê bình truyền thống là khuynh hướng dựa vào các nguyên lý của mĩ học mác-xít, đường lối văn học, nghệ thuật của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự chỉ đạo của các Nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Khuynh hướng này bám sát thực tiễn sáng tác, ghi nhận đóng góp của những tác phẩm gắn bó với đời sống hiện thực, phản ảnh hiện thực, góp phần thực hiện nhiệm vụ của đất nước, ngành, địa phương trong từng giai đoạn.
Phê bình dựa vào các lý thuyết nước ngoài như Thi pháp học, Chủ nghĩa cấu trúc, Ký hiệu học, Phân tâm học, Chủ nghĩa hiện đại, Mĩ học tiếp nhận, Chủ nghĩa hậu hiện đại, Phong cách học, Ngữ học, Tự sự học, Sinh thái học…) áp dụng vào phân tích tác phẩm (cũ và mới), mở ra cho người đọc những hướng tiếp cận mới đối với tác phẩm và tác giả. Nhìn chung, các công trình theo khuynh hướng này đa phần là những công trình còn mang tính thử nghiệm, tìm tòi về phương pháp và kỹ thuật phê bình. Cũng bởi lẽ, không phải lý thuyết mới nào đưa vào phê bình tác phẩm cũng phù hợp.
Trong bức tranh văn học đương đại, nhất là ở mảng Lý luận, phê bình văn học, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cũng có những đóng góp đáng ghi nhận. Hội đồng đã chủ động triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu lý luận, nắm bắt thực tiễn, kịp thời tư vấn giúp Ban Bí thư, Chính phủ, Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương những vấn đề thuộc về lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật. Hội đồng đã triển khai một số đề án, đề tài khoa học lớn như Lý luận văn học, nghệ thuật Việt Nam - Thực trạng và định hướng phát triển với 4 Đề tài khoa học cấp Nhà nước: Tư tưởng lý luận trung - cận đại ở Việt Nam; Tư tưởng lý luận văn nghệ ở Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến nay; Quá trình tiếp thu các tư tưởng lý luận văn nghệ nước ngoài vào Việt Nam từ đầu thế kỷ XX; tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm khoa học, tập huấn nghiệp vụ; tổ chức xét tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật xuất bản hằng năm; góp phần tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới; tham gia đấu tranh chống quan điểm sai trái trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật…
Bên cạnh nỗ lực và kết quả nêu trên, văn học Việt Nam đương đại cũng xuất hiện khuynh hướng hoặc nhầm lẫn, hoặc cố tình đi ra ngoài dòng chính, lệch lạc, cực đoan và sai lầm. Một số nhà văn đánh đồng, nhầm lẫn giữa chiến tranh chính nghĩa và chiến tranh phi nghĩa, chiến tranh xâm lược và chiến tranh chống xâm lược. Miêu tả cuộc chiến tranh thần thánh của dân tộc như một cuộc nội chiến. Một số người hoặc công khai, hoặc bóng gió ám chỉ, đả kích chế độ, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng đối với văn nghệ, kêu gọi “trí khôn nhà văn ở đâu?”, kích động văn nghệ sĩ “phản tỉnh”, “sám hối”, “rời bỏ chủ nghĩa xã hội”. Một số cuốn sách có nội dung lệch lạc, mơ hồ, nhìn cuộc sống u ám, định kiến, gây băn khoăn ở các mức độ khác nhau đối với người đọc, thậm chí, một số cuốn sách có nội dung sai trái, xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ chủ nghĩa xã hội của nước ngoài được dịch, xuất bản hoặc lén lút tán phát ở Việt Nam...
Ngày 3-3-2014, ở trong nước, nhà văn Nguyên Ngọc công khai tuyên bố thành lập cái gọi là Ban vận động thành lập “Văn Đoàn Độc lập Việt Nam” - một tổ chức bất hợp pháp, “tuyên bố” đây là một tổ chức “xã hội dân sự, ái hữu nghề nghiệp, hoàn toàn độc lập đối với mọi hệ thống tổ chức và thiết chế trong và ngoài nước”. Một số thành viên là những người đã có “thương hiệu” đả kích, nói xấu chế độ như Hà Sĩ Phu, Châu Xuân Diên, Vũ Thư Hiên...Bên cạnh những thành công, văn học đương đại cũng đứng trước các thách thức không nhỏ. Sự tác động tiêu cực của kinh tế thị trường khiến không ít nhà văn, nhà thơ sa đà vào lối viết dễ dãi, dung tục, thương mại hóa nghệ thuật, đi quá xa những chuẩn mực văn hóa và đạo đức xã hội. Những mâu thuẫn giữa hội nhập với yêu cầu tiếp thu có chọn lọc văn hóa ngoại lai và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc... đã tạo nên sự “dùng dằng” hay “lạc lối” của không ít văn nghệ sĩ.
2.3. Kịch
Kịch đương đại có sự phát triển đột xuất ở giai đoạn đầu của thời kỳ Đổi mới với tác giả Lưu Quang Vũ và một số tác giả khác như Xuân Trình, Tất Đạt, Hoài Giao, Thanh Hương, Nguyễn Khắc Phục, Doãn Hoàng Giang, Tào Mạt, Xuân Đức, Chu Thơm, Nguyễn Huy Thiệp… Ở các giai đoạn tiếp theo, kịch không còn sự sôi động như giai đoạn đầu nữa do nhiều nguyên nhân như loại hình này không còn những tác giả có khả năng thu hút người xem; các loại hình nghệ thuật nghe nhìn đã chiếm vị trí lấn át không chỉ với kịch mà với cả các loại hình văn học, nghệ thuật khác… Trong khoảng gần 10 năm từ 1978 đến lúc bị tử nạn (1988), Lưu Quang Vũ sáng tác hơn 50 vở kịch gây xôn xao dư luận bởi những vấn đề xã hội nổi cộm, bức xúc: sự lỗi thời của cơ chế quản lý cũ, sự xuất hiện của những mô hình tổ chức sản xuất mới; vấn đề đấu tranh chống tiêu cực trong mọi lĩnh vực; đấu tranh đẩy lùi nạn tham những, tệ quan liêu, cửa quyền; nhất là đời sống con người, thân phận con người… Những vở kịch của anh đã góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới văn học, đổi mới tư duy nghệ thuật của các nhà văn, nhà thơ và đông đảo công chúng. Kịch Lưu Quang Vũ không né tránh những vấn đề “nhạy cảm”, bắt đúng mạch của cuộc sống, cùng trăn trở, cùng băn khoăn với mọi người nên thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội. Những vở diễn nổi tiếng của anh như “Lời nói dối cuối cùng”, “Nàng Sita”, “Hồn Trương Ba da hàng thịt”, “Mùa hạ cuối cùng”, “Tôi và chúng ta”, “Nguồn sáng trong đời”, “Lời thề thứ 9”, “Điều không thể mất”… cho đến tận hôm nay vẫn được các đoàn kịch diễn lại và vẫn thu hút đông đảo khán giả.
Có thể nói, kịch đương đại đã làm thay đổi đời sống sân khấu, khiến cho loại hình nghệ thuật này gắn bó mật thiết với hiện thực cuộc đời, trong đó “khát vọng nhân bản của người nghệ sĩ đã hòa đồng cùng trách nhiệm của người công dân”. Năm 2000, hai vở kịch “Tôi và chúng ta”, “Lời thề thứ 9” của Lưu Quang Vũ đã nằm trong danh sách các tác phẩm của tác giả được giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật.
Cùng với Lưu Quang Vũ, các tác giả đã ghi dấu ấn những năm trước Đổi mới tiếp tục cho ra mắt những vở kịch mới. Đó là Xuân Trình (“Giấc mơ mầu hồng ngọc”, “Nửa ngày về chiều”, “Nghĩ về mình”, “Hai người mẹ”…); Xuân Đức (“Nhiệm vụ hoàn thành”, “Cuộc chơi”, “Người mất tích”, “Chuyến tàu tốc hành trong đêm”, “Cái chết chẳng dễ dàng gì”…); Chu Lai (“Hà Nội đêm trở gió”, “Ký ức lửa”, “Sóng muôn đời thao thức” (viết chung với nhà biên kịch Chu Thơm); Võ Khắc Nghiêm (“Bi kịch ngược chiều”, “Quy luật muôn đời”, “Bỉ vỏ”…); Hữu Ước (“Vòng xoáy”); Nguyễn Huy Thiệp (“Suối nhỏ êm dịu”, “Xuân hồng”, “Còn lại tình yêu”, “Gia đình Nhà tiên tri”, “Hoa sen nở ngày 29 tháng 4”…) …
Nếu như “bước ngoặt” quan trọng thứ nhất của kịch đương đại là giai đoạn đầu của thời kỳ Đổi mới thì “bước ngoặt” thứ hai được tính từ năm 1997, khi chủ trương xã hội hóa có hiệu lực và năm 2002, sân khấu thực hiện cơ chế tự chủ. Giai đoạn này, kịch đã hướng giới sáng tạo vào hai khuynh hướng: dựng lại những vở cũ, đi vào đề tài cổ tích, dân gian, đề tài lịch sử; và khuynh hướng đáp ứng nhu cầu giải trí của khán giả và kiếm tiền nuôi các đoàn nghệ thuật. Trong đó, khuynh hướng sáng tác thứ nhất được coi là “dòng mạch chính” của kịch đương đại ở giai đoạn “bước ngoặt” thứ 2 - từ năm 1997 đến nay.
Ở khuynh hướng này, bên cạnh các vở kịch tiếp tục khai thác đề tài cổ tích dân gian (“Dã Tràng”,“Ngày xửa ngày xưa”, “Cây tre trăm đốt”, “Những điều ước thần kỳ”, “Tấm lòng vàng”, “Dưới bóng đa huyền thoại”…), các nghệ sĩ đương đại tiếp tục chú ý nhiều hơn đến mạch cảm xúc dành cho đề tài lịch sử và đề tài đấu tranh cách mạng, thông qua đó gửi gắm thông điệp về cuộc sống đương đại. Đó là nghệ sĩ Hữu Danh - người giữ trọn ngọn lửa đam mê với hát bội, từng là diễn viên, đạo diễn, trở thành người viết kịch bản - với quan niệm phải mang hơi thở vùng đất mình đang sống vào tác phẩm, ông thực sự để lại dấu ấn phương Nam trong những kịch bản như “Lưu danh”, “Nước mắt quyền thần”, “Lê Công”… Đó là Phạm Văn Quý ghi dấu sự nghiệp viết kịch của mình vào “lúc khổ nhất, khó khăn, túng quẫn nhất” - năm 1986, từ kịch bản “Dòng đời vô tận” (1986) đến nay, với hàng chục vở kịch, ông trở thành người viết “vì tình yêu, vì niềm đam mê với sân khấu”, coi sân khấu là “cái nghiệp, là sự sống” của đời mình. “Người thi hành án tử”, “Trọn đời trung hiếu với Thăng Long”, “Tình sử Vương triều”, “Chiến trường không tiếng súng”, “Cạm bẫy và trừng phạt”, “Những người con Hà Nội”…là những tác phẩm được khán giả yêu thích góp phần tạo nên “kỳ tích” sáng đèn ở một số Nhà hát sân khấu phía Nam...
Hữu Ước với quan niệm yếu tố làm nên giá trị của một vở kịch chính là sự “áp sát” và phản ánh đời sống xã hội một cách chân thực, sâu sắc. Các tác phẩm của ông như “Quả báo”, “Khoảnh khắc mong manh”, “Vòng đời”, “Sếp rởm”, “Vòng vây cô đơn”, “Vòng xoáy”, “Người đàn bà uống rượu”, “Giấc mơ quan”… mang đậm dấu ấn của quan niệm ấy. Nhà văn Nguyễn Hiếu, cùng với nhiều cuốn tiểu thuyết, truyện ngắn, cũng tham gia viết nhiều tác phẩm kịch được chú ý như “Chuyện như thế thì cần phải nói” (hài kịch); “Bốn trái tim đau”; “Trò đùa của dân”, “Nước mắt đàn ông”; “Linh hồn đông lạnh”, “Hàng rào giữa hai nhà”, “Khi giàn mùng tơi gẫy rập”, “Chu Văn An - Người thầy của muôn đời”, “Kiều”... Nguyễn Quang Vinh, cùng với một số tiểu thuyết, kịch bản phim truyện, đã đóng góp cho sân khấu các kịch bản tốt như “Hồ Chí Minh, hồi ức màu đỏ”, “Chuyện tình bên dòng sông”, “Vú cát”, “Mắt phố”... Nguyễn Thế Kỷ “đau đáu nỗi niềm” về đề đề tài lịch sử, văn hóa, chiến tranh cách mạng, về sự cách tân nghệ thuật. Ngay từ tác phẩm đầu tay - “Chuyện tình Khau Vai” - đến những tác phẩm sau đó khẳng định một hướng đi đáng khích lệ trong lĩnh vực sân khấu (“Mai Hắc Đế”, “Hừng Đông”, “Thầy Ba Đợi”, “Hoa lửa Truông Bồn”, “Huyền Thoại Gò Rồng Ấp”, “Ngàn năm mây trắng”, “Nợ nước non”).
Một số vở kịch của các tác giả khác cũng đã cố gắng “thổi hồn thời đại” vào trong những “tích” xưa, như kịch “Tiên Nga” (Thành Lộc), kịch “Bên đàng dệt mộng” (Phạm Trường Long). Một số tác phẩm của các nghệ sĩ khác, như: “Ni sư Hương Tràng”, “Vua Phật” (Bùi Hữu Dược), “Chân mệnh” (Lâm Thị Huyền Trân), “Lý triều dựng nghiệp” (Hoàng Quỳnh), “Oan khuất một thời” (Lê Chức), “Châu về hợp phố” (Trần Văn Hưng), “Một thời để nhớ” (Trang Trần)… hay tác phẩm của Trần Đình Văn, Nguyễn Thị Minh Ngọc… cũng nằm trong mạch chính của kịch đương đại.
Cũng cần điểm qua khuynh hướng thứ hai của kịch đương đại, giai đoạn từ 1997 đến nay, dù nó không có đóng góp nhiều cho sự phát triển của kịch đương đại nhưng đã làm nên sự đa dạng về diện mạo của kịch giai đoạn 1997 đến nay. Khuynh hướng sáng tác của kịch ở giai đoạn “bước ngoặt” này là khuynh hướng sáng tạo theo “bầu chủ” - “bầu chủ” tự chủ toàn phần dưới hình thức “tư nhân hóa” phi nhà nước và mang tính thương mại, giải trí theo cơ cấu nhỏ lẻ, kiếm sống.
2.4. Điện ảnh
Sau năm 1975, miền Bắc và miền Nam thống nhất kéo theo những thay đổi của điện ảnh Việt Nam. Tại Sài Gòn, trước khi được đổi tên, những nhà làm phim miền Bắc được tiếp nhận những trang thiết bị, máy móc kỹ thuật của miền Nam. Họ cùng với những nghệ sĩ của miền Nam như các đạo diễn Lê Mộng Hoàng, Lê Hoàng Hoa... các diễn viên Thẩm Thúy Hằng, Kim Cương, Nguyễn Chánh Tín, Lý Huỳnh... hợp thành một đội ngũ làm phim đông đảo. Đề tài làm phim cũng đa dạng. Ngoài những phim về Chiến tranh Việt Nam, cũng có những phim nói về đề tài đô thị miền Nam. Trong giai đoạn này, điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh đóng vai trò quan trọng trong nền điện ảnh Việt Nam.
Xưởng phim Giải phóng - thành lập từ tháng 1 năm 1962 - được mở rộng quy mô, sản xuất nhiều loại hình phim, đổi tên thành Xưởng phim Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh. Xưởng phim Nguyễn Đình Chiểu được thành lập với tiền thân là hãng phim Alpha của Sài Gòn trước 1975. Cơ quan Phát hành phim và chiếu bóng Giải phóng chuyển thành Chi nhánh Phát hành phim Trung ương tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trung tâm tư liệu phim các tỉnh phía Nam được thành lập để quản lý, lưu trữ các phim của điện ảnh miền Nam trước 1975, đến tháng 9 năm 1979 trở thành Cơ sở II của Viện Tư liệu phim Việt Nam - nay là Viện Nghệ thuật và Lưu trữ Điện ảnh.
Bộ phim đầu tiên được ra đời “Bên lề 30 - 4”. Tiếp đó, Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện phim “Cô Nhíp” (1976) của đạo diễn Khương Mễ. Hãng phim truyện Việt Nam có “Ngày lễ thánh” do Bạch Diệp biên kịch và đạo diễn với các diễn viên Trà Giang, Như Quỳnh, Tuệ Minh, Trần Phương. Cũng năm 1976, Hãng phim truyện Việt Nam còn thực hiện một bộ phim đáng chú ý khác là “Sao tháng Tám”, đạo diễn Trần Đắc, diễn viên Thanh Tú, Đức Hoàn, Lê Dũng Nhi.
Ngoài 350 rạp chiếu phim, điện ảnh còn được phố biến nhờ 1.400 đội chiếu bóng lưu động. Đề tài chính của điện ảnh Việt Nam giai đoạn này vẫn là cuộc chiến tranh vừa kết thúc. Những bộ phim tiếp theo “Mối tình đầu” (1977), “Mùa gió chướng” (1978), “Mẹ vắng nhà” (1979)... và “Cánh đồng hoang” (1979) của Xưởng phim Tổng hợp là bộ phim dấu ấn nhất trong thời kỳ này.
Năm 1979, phim “Tội lỗi cuối cùng” của đạo diễn Trần Phương đã gây được tiếng vang lớn vì thoát khỏi cái bóng của dòng phim cách mạng mà nói về những đề tài xã hội. Cốt truyện phim khá giống phim “Vết thù trên lưng ngựa hoang” được làm năm 1971 tại miền Nam. Phim còn có bản nhạc rất nổi tiếng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Đời gọi em biết bao lần”.
“Cánh đồng hoang” do nhà văn Nguyễn Quang Sáng viết kịch bản, đạo diễn phim là Nguyễn Hồng Sến. Trước đó hai người đã hợp tác trong “Mùa gió chướng”, bộ phim đầu tay của Nguyễn Hống Sến trên vai trò đạo diễn, cũng là kịch bản đầu tay của Nguyễn Quang Sáng. Lấy bối cảnh vùng Đồng Tháp Mười, bộ phim phản ánh đời sống của một gia đình trong thời gian chiến tranh Việt Nam. Hai diễn viên chính của “Cánh đồng hoang” là Lâm Tới và Thúy An. “Cánh đồng hoang” đã giành được nhiều giải quan trọng trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 5 năm 1980 và Huy chương vàng tại Liên hoan phim Quốc tế Moskva, 1981.
Sang thập niên 1980, đề tài làm phim đã thực sự đa dạng. Đạo diễn Phạm Văn Khoa có hai bộ phim chuyển thể từ tác phẩm văn học, “Chị Dậu” (1980) từ tiểu thuyết “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố và “Làng Vũ Đại ngày ấy” (1983) từ “Sống mòn”, “Chí Phèo”, “Lão Hạc” của Nam Cao. Đạo diễn Đặng Nhật Minh cũng đã thực hiện những bộ phim được chú ý, “Thị xã trong tầm tay” (1982), “Bao giờ cho đến tháng Mười” (1984) và “Cô gái trên sông” (1986).
Một tác phẩm điện ảnh dấu ấn trong giai đoạn này là bộ phim dài hơi “Ván bài lật ngửa” của đạo diễn Lê Hoàng Hoa do Xưởng phim Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh sản xuất. “Ván bài lật ngửa” đã giành được Giải đặc biệt tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 6 năm 1983, Bông sen bạc và nam diễn viên chính xuất sắc tại lần thứ 7 năm 1985.
Từ tháng 4 năm 1975 đến năm 1985, điện ảnh Việt Nam đã thực hiện 149 bộ phim truyện ra mắt công chúng. Mỗi năm còn trung bình 12 phim hoạt hình và nhiều phim tài liệu. Năm 1986 hoàn thành 4 tập phim “Biệt động Sài Gòn” (làm từ 1982), là phim nhựa màu đầu tiên của điện ảnh Việt Nam.
Đến cuối thập niên 1980, khi Việt Nam bước sang giai đoạn Đổi mới thì điện ảnh rơi vào thời kỳ khủng hoảng. Những năm trước, trong thời kỳ bao cấp, các hãng phim được nhà nước cấp kinh phí để sản xuất phim, khâu phát hành phim do cơ quan khác quản lý. Đây là một trong những lý do làm giảm chất lượng phim. Thời kỳ này, sự cắt giảm ngân sách của Nhà nước làm cho điện ảnh không đủ kinh phí để sản xuất phim. Việc phân cấp các rạp và đội chiếu bóng về cho tỉnh, thành và quận, huyện được từ đầu thập niên 1980, tới thời gian này được thực hiện triệt để. Nhà nước bắt đầu xóa bỏ bao cấp dành cho điện ảnh, chuyển từ chế độ bao cấp sang chế độ hạch toán kinh tế, có sự tài trợ một phần của Nhà nước. Các máy móc thiết bị làm phim đã cũ kỹ, tiền của Nhà nước đầu tư cho điện ảnh cũng bị thất thoát.
Trong khi điện ảnh rơi vào bi kịch thì thể loại phim video mới xuất hiện và nhanh chóng đạt tới thời kỳ hoàng kim, thu hút một số lượng khán giả rất lớn (phim video đầu tiên là “Bỉ vỏ”, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyên Hồng) . Số lượng máy video tăng nhanh và rạp chiếu phim không còn sức hút với khán giả. Nhiều hãng phim điện ảnh chỉ còn sản xuất một hai phim một năm, và chuyển sang làm phim video.
Một vài tác phẩm thành công của thời kỳ này có thể kể đến “Người đi tìm dĩ vãng” chuyển thể từ tiểu thuyết “Ăn mày dĩ vãng” của nhà văn Chu Lai với các diễn viên Trần Lực, Thanh Mai, Lê Công Tuấn Anh, Thương Tín; “Đêm hội Long Trì” (1989) được chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, đạo diễn Hải Ninh, diễn viên Hoàng Cúc, Lê Vân; “Tình khúc 68” (1988) của đạo diễn Lê Mộng Hoàng với Thương Tín, Phan Vũ và “Vị đắng tình yêu” (1991) của Lê Xuân Hoàng.
Tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 10 năm 1993, “Vị đắng tình yêu” đã giành nhiều giải quan trọng: Bông sen Vàng, Đạo diễn Xuất sắc, Nam diễn viên chính Xuất sắc. Đây được xem là một bộ phim vừa thành công về doanh thu lẫn nghệ thuật.
Năm 1992, có hai bộ phim Pháp được thực hiện ở Việt Nam. “Người tình” (L'Amant) của đạo diễn Jean-Jacques Annaud dựa theo tiểu thuyết cùng tên của Marguerite Duras với sự tham gia của nữ diễn viên Pháp Jane March và diễn viên Hồng Kông Lương Gia Huy. Bộ phim thứ hai là “Đông Dương” (Indochine), đạo diễn Régis Wargnier và hai ngôi sao Catherine Deneuve và Vincent Perez. Đông Dương đã được trao giải Oscar cho phim nước ngoài hay nhất năm 1992.
Năm 1993, chương trình Chấn hưng điện ảnh cấp Nhà nước được Chính phủ phê duyệt và bước đầu triển khai. Mở đầu cho làn sóng các đạo diễn Việt kiều về Việt Nam làm phim. Năm 1985, đạo diễn Hồ Quang Minh từ Thụy Sĩ về nước thực hiện bộ phim “Con thú tật nguyền” của Hãng phim Giải Phóng. Tiếp đó ông làm các bộ phim “Trang giấy trắng” (1991), “Bụi hồng” (1996) và mang những phim này tham dự một số liên hoan phim quốc tế.
Năm 1993, đạo diễn trẻ người Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng thực hiện bộ phim đầu tay “Mùi đu đủ xanh” (L'Odeur de la papaye verte) tại Pháp. “Mùi đu đủ xanh” giành được giải Trẻ và giải Camera Vàng trong Liên hoan phim Cannes năm đó. Sang năm 1994, phim được đề cử tranh giải Oscar cho phim nước ngoài hay nhất và giành được giải César cho tác phẩm đầu tay.
Năm 1995, Trần Anh Hùng trở về Việt Nam làm phim “Xích lô” (Cyclo). Phim đã giành được giải Sư tử Vàng và giải FIPRESCI tại Liên hoan phim Venezia năm 1995. Năm 1999, Trần Anh Hùng thực hiện bộ phim thứ ba cũng ở Việt Nam - “Mùa hè chiều thẳng đứng” (À la verticale de l'été) với sự tham gia của nhiều diễn viên Việt Nam nổi tiếng: Lê Khanh, Như Quỳnh, Trần Quang Hải, Lê Tuấn Anh...
Cũng năm 1999, đạo diễn Việt kiều Mỹ Tony Bùi về nước làm “Ba mùa” (Three Seasons), một bộ phim với ba câu chuyện nhỏ xen kẽ với nhau, với sự tham gia của diễn viên người Mỹ Harvey Keitel trong vai một cựu chiến binh Mỹ trở lại Việt Nam tìm con gái. “Ba mùa” được công chiếu ở Việt Nam và đã thu hút được khán giả. Phim đoạt cả hai giải của khán giả lẫn giám khảo tại Liên hoan phim Sundance.
Sang thập niên 2000, làn sóng các đạo diễn Việt kiều về nước làm phim trở nên mạnh mẽ. Như Hồ Quang Minh với “Thời xa vắng” (2004), Việt Linh với “Mê Thảo - Thời vang bóng” (2003), Nguyễn Võ Nghiêm Minh với “Mùa len trâu” (2004), Đoàn Minh Phượng với “Hạt mưa rơi bao lâu” (2005), “Áo lụa Hà Đông” của Lưu Huỳnh (2006). Charlie Nguyễn với “Dòng máu anh hùng” (2007). Phim của những đạo diễn này đã giành được nhiều giải thưởng tại Liên hoan phim Việt Nam và họ cùng với các nhà làm phim trong nước tạo nên nền điện ảnh Việt Nam đương đại.
Từ giữa thập niên 1990 trở đi, điện ảnh Việt Nam bước dần ra khỏi thời kỳ khủng hoảng. Số lượng phim tăng lên. Ngoài những phim tiếp tục khai thác đề tài chiến tranh như “Hà Nội, mùa đông năm 1946” (1997) của Đặng Nhật Minh, “Ngã ba Đồng Lộc” (1997) của Lưu Trọng Ninh, “Đời cát” (1999) của Nguyễn Thanh Vân, “Ai xuôi Vạn Lý” (1996) của Lê Hoàng... các nhà làm phim đã hướng tới những đề tài đương đại: Vương Đức với “Những người thợ xẻ” (1998), Nhuệ Giang với “Thung lũng hoang vắng” (2000), Đỗ Minh Tuấn với “Vua bãi rác” (2002)...
Năm 2000, Liên hoan phim châu Á-Thái Bình Dương được tổ chức ở Hà Nội. Điện ảnh Việt Nam đã giành được nhiều giải quan trọng: Giải Phim hay nhất cho “Đời cát” của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, hai diễn viên Mai Hoa và Hồng Ánh trong “Đời cát” đạt hai giải dành cho nữ diễn viên chính và nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất. Trước đó, năm 1999, “Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai” của Trần Văn Thủy đạt phim ngắn hay nhất tại Liên hoan phim châu Á-Thái Bình Dương tổ chức ở Thái Lan.
Đầu thập niên 2000, các nhà làm phim Việt Nam cũng cố gắng làm những phim thu hút khán giả. Người đi đầu trong trào lưu làm phim thương mại là đạo diễn Lê Hoàng với “Gái nhảy” (2003) của Hãng phim Giải phóng. Tuy gặp phải sự phê bình mạnh mẽ của báo chí và đồng nghiệp, phim vẫn đạt kỷ lục về doanh thu, khoảng 12 tỷ đồng. Những năm tiếp theo, Lê Hoàng tiếp tục sản xuất những phim ăn khách khác như “Lọ lem hè phố” (2004), “Nữ tướng cướp” (2005), “Trai nhảy” (2007).
Điện ảnh trở thành một thị trường với nhiều hãng phim tư nhân tham gia. Trong đó có những hãng phim khá mạnh như Thiên Ngân và Phước Sang. Năm 2004, Thiên Ngân tung ra “Những cô gái chân dài” của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng với một chiến dịch quảng cáo rầm rộ. Bộ phim có nhiều điều mới so với điện ảnh Việt Nam: một trang web riêng cho phim, cuộc thi vẽ poster, soundtrack được làm riêng cho phim với ca sĩ nổi tiếng. Không chỉ thành công về thương mại, bộ phim này còn là bộ phim tư nhân đầu tiên tham gia Liên hoan phim Việt Nam (lần thứ XIV, 2005) và đã đạt giải Bông sen Bạc.
Những năm 2005, 2006, thị trường phim Việt Nam trở nên sôi động với nhiều bộ phim, phần lớn do các hãng tư nhân sản xuất. Một số rạp chiếu hiện đại tiếp tục được xây dựng cải tạo. Trong đợt chiếu phim chiếu Tết 2007, với những bộ phim thương mại: “Võ lâm truyền kỳ”, “Trai nhảy”, “Chuông reo là bắn”, điện ảnh Việt Nam giành được khán giả trước những phim nước ngoài. Bên cạnh đó, một số phim nhà nước đặt hang như “Sống cùng lịch sử” (chi phí lên 21 tỷ đồng), thì gần như không có khán giả.
2.5. Âm nhạc
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nền tân nhạc Việt Nam có nhiều thay đổi. Để xây dựng một chế độ mới, lãnh đạo đất nước đã tiến hành cuộc cách mạng sâu rộng về văn hóa, tư tưởng, đấu tranh chống tàn dự văn hóa cũ của đế quốc và tay sai; tiến hành cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, áp dụng một số chính sách mới trong kinh tế. Thời kỳ đầu, các dòng nhạc vàng bị cấm hoặc rất hạn chế, các ca sĩ nhạc vàng được khuyến khích chuyển sang hát nhạc truyền thống cách mạng (nhạc đỏ). Một số văn nghệ sỹ, trong đó có nhạc sỹ, ca sỹ ra nước ngoài định cư. Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc nổ ra. Đề tài sáng tác chủ yếu trong giai đoạn này là ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi đất nước, quê hương, chiến tranh cách mạng: “Viếng lăng Bác”, “Miền Nam Nhớ mãi ơn Người”, “Lời Bác dặn trước lúc đi xa”, “Đảng đã cho ta một mùa xuân”, “Dáng đứng Bến Tre”; “Tổ quốc yêu thương”, “Quê hương”, “Đất nước lời ru”; Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh”, “Huyền thoại Mẹ”, “Bài ca không quên”, “Thuyền và Biển”, “Gửi em chiếc nón bài thơ”, “Giai điệu Tổ quốc”, “Tình ca Tây Nguyên”; ca ngợi các phong trào lao động tập thể, thanh niên tình nguyện: “Em ở nông trường anh ra biên giới”, “Hồ núi Cốc”, “Trị An âm vang mùa xuân”, “Tàu anh qua núi”, “Đêm thành phố đầy sao”, “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ”, “Mùa xuân từ những giếng dầu”, “Ơi cuộc sống mến thương”, “Bài ca xây dựng”, “Bài ca người thợ mỏ”, “Tình ca Vũng Tàu”… Các nhạc sĩ tiêu biểu trong giai đoạn này là: Chu Minh, Phạm Tuyên, Thuận Yến, Diệp Minh Tuyền, Hoàng Vân, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Thế Hiển, Nguyễn Nam, Nguyễn Văn Hiên, An Thuyên, Phó Đức Phương, Phong Nhã, Trần Tiến, Nguyễn Ngọc Thiện...
Ca sĩ kiêm nhạc sĩ Trần Tiến chịu ảnh hưởng của phong trào du ca trước năm 1975 đã có những sáng tác mới lạ thời bấy giờ được công chúng yêu mến: “Mặt Trời bé con”, “Tùy hứng lý qua cầu”, “Tạm biệt chim én”..
Sau Đại hội VI của Đảng, Đảng đề ra chủ trương đổi mới tư duy, xóa bao cấp, văn hóa nghệ thuật được cởi mở, Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (HTV) đã tổ chức các cuộc thi Tiếng hát truyền hình tạo cơ hội cho nhiều ca sĩ trẻ thành danh. Hội thi tiếng hát Hoa Phượng Đỏ dành cho lứa tuổi học sinh.
Tại các địa phương phía Nam, nhiều bài hát từ các nước phương Tây được các ca sĩ trình bày lời ngoại ngữ và lời Việt (do Khúc Lan dịch): “Tình cha”... hay phong trào hát nhạc Hoa lời Việt của các ca sĩ: Minh Thuận, Nhật Hào, Tú Châu, Lam Trường,...
Nhạc tình ca (còn gọi là nhạc sến do đa số viết theo điệu Bolero và có giai điệu buồn với nội dung chủ yếu là mô tả tâm trạng thất tình) được tiếp tục phát triển với các nhạc sĩ Vinh Sử, Hàn Châu và các giọng ca Đình Văn, Ngọc Sơn, Chế Thanh, Thùy Dương,...
Nhiều Trung tâm băng nhạc được thành lập như: Bến Thành AV, Sài Gòn Audio, Hãng Phim trẻ, Kim Lợi Studio, Trùng Dương AV...
Đã xuất hiện nhiều nhạc sĩ hòa âm phối khí như: Quốc Dũng, Bảo Chấn, Sỹ Dan, Tùng Châu, Quốc Trung, Mạnh Trinh, Trần Thanh Tùng, Quang Phúc, Đức Trí, Hoài Sa, Lê Quang, Lý Huỳnh Long,... Nghề mix nhạc (DJ) cũng xuất hiện và phát triển.
Bên cạnh đó dòng nhạc dân ca phát triển mạnh mẽ: “Vọng cổ buồn” (Minh Vy), “Đêm Gành Hào nghe điệu Hoài Lang” (Vũ Đức Sao Biển), “Quê em mùa nước lũ” (Tiến Luân), “Duyên phận” (Thái Thịnh),...
Một số ca sĩ Việt Nam có mong muốn vươn ra thị trường âm nhạc thế giới và đã đạt được một số thành công nhất định: Mỹ Tâm được Đài Truyền hình ABC xếp hạng 6 trong số các ca sĩ châu Á thành công nhất; Hồ Quỳnh Hương đoạt giải Liên hoan âm nhạc tại Bình Nhưỡng; Sơn Tùng M-TP là nam ca sĩ tiêu biểu của dòng nhạc V-pop. Thành công với các ca khúc nhạc trẻ mà giới trẻ ngưỡng mộ, đặc biệt là sự nổi lên của làn sóng nhạc Hàn Quốc, nên nhiều ca sĩ đã bắt chước model của Hàn Quốc và các giai điệu âm nhạc của nó. Đến năm 2017, dòng nhạc trẻ đã trở nên phổ biến toàn Việt Nam, ở YouTube, nhiều bài hát đã đạt được 100 triệu lượt xem, như “Lạc trôi” (Sơn Tùng M-TP), “Vợ người ta” (Phan Mạnh Quỳnh), “Bống bống bang bang” (365daband),...
2.6. Mỹ thuật
Nền mỹ thuật Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Tuy gặp nhiều khó khăn, sự cản trở của đế quốc, áp đặt lên nền kinh tế xã hội, ngay cả nền mỹ thuật, thiếu thốn về chất liệu, nguyên liệu sáng tác nhưng các hoạ sỹ thời kỳ này vẫn không ngừng sáng tác, tạo ra được nhiều tác phẩm với giá trị lịch sử khá cao, có nhiều tác phẩm ngày nay được dùng làm tài liệu vô giá của lịch sử nước nhà một thời máu lửa và hào hùng, nhiều tên tuổi tác giả thành danh không chỉ trong nước mà cả trên thế giới, mỗi hoạ sỹ một phong cách riêng, nhưng tất cả cũng vì mỹ thuật, vì cái đẹp, vì nền độc lập của nước nhà như: Hoạ sỹ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Sáng, Diệp Minh Châu.. phần lớn các tác phẩm này ra đời với mục đích cổ vũ, động viên khích lệ, ca ngợi công cuộc chiến đấu cho nền độc lập nước nhà của quân dân Việt Nam, đồng thời vạch trần bộ mặt xấu xa, bẩn thỉu của bọn đế quốc..
Từ năm 1975 đã hội tụ thành một dòng chảy lớn mà thành tựu đã được ghi nhận bằng vô số những cuộc triển lãm lớn của cá nhân, của nhóm, .. và nhất là triển lãm mỹ thuật toàn quốc mở đều đặn năm năm một lần, điều này chứng tỏ rằng khuynh hướng con đường phát triển của nền mỹ thuật Việt Nam khi đất nước thống nhất đã được quan tâm hơn, chú trọng hơn rất nhiều, mở ra một hướng đi lên mạnh mẽ của nền mỹ thuật. Đến đây mỹ thuật đã có dấu hiệu của sự chuyển mình từ một nền mỹ thuật gắn bó với chiến tranh đang bước sang phản ánh cuộc sống hoà bình xây dựng xã hội chủ nghĩa như tác phẩm: “Phố cổ” (Bùi Xuân Phái) đây là tác phẩm được vẽ bằng sơn dầu, diễn tả một góc nhỏ phố cổ của Hà Nội, là đề tài luôn được Bùi Xuân Phái say mê khám phá, sáng tác. Những cảnh phố vắng với những đường nét xô lệch, mái tường rêu phong, những đầu hồi và mái ngói đen sạm màu thời gian luôn xuất hiện trong tranh của ông.
Tranh của hoạ sỹ Bùi Xuân Phái gợi cho mỗi người đi xa luôn khát khao, cảm nhận được nỗi thiếu vắng Hà Nội một cách sâu sắc. Đằng sau những hình ảnh ngõ Phất Lộc, cây đa cổ thụ ở ngõ Gạch hay ngõ Hàng Mắm.. người xem tìm thấy vẻ đẹp của thủ đô Hà Nội qua những thăng trầm của lịch sử. Vì thế, người yêu nghệ thuật đã đặt tên gọi cho những tác phẩm về phố cổ Hà Nội của ông là “Phố Phái”. Cùng với Bùi Xuân Phái còn rất nhiều hoạ sỹ khác nữa, với các tác phẩm mang nội dung cuộc sống hàng ngày bình dị: “Điện về bản” (Hà Cắm), “Bộ đội về bản Mèo” (Trần Lưu Hậu), “Ngày vui có Bác” (Xuman)..
Sau 5 năm đất nước bước vào kỷ nguyên mới, triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 1980 thực sự là một cuộc hội tụ lớn của nghệ thuật tạo hình cả nước, là một bước tiến vượt bậc, bộc lộ tiềm năng sáng tác mới hứa hẹn bước phát triển mạnh mẽ trong những năm tới - nhất là về mặt ngôn ngữ nghệ thuật. Tiêu biểu một số tác phẩm như: “Tượng Bác Hồ bên suối Lênin” (Diệp Minh Châu), “Mẹ chiến sỹ” (Hoàng Trầm), “Đảo tiền tiêu” (Tạ Quang Bạo)..
Ngày nay vẫn không ít nhiều tác giả vẫn đang rất say sưa với đề tài cách mạng, tình cảm, tình quân dân, tuy cuộc kháng chiến đã qua những ký ức trong một số người hoạ sỹ lão thành vẫn còn như ngày nào. Họ một phần phục hồi lại ảnh cũ, một phần họ vẽ theo sự hồi tưởng, ký ức của chính mình như tác phẩm: “Bà má Mậu Thân” là tác phẩm với chất liệu phấn màu, bố cục chỉ có bà mẹ với người lính trẻ. Nhưng gây cho người độc một cảm giác ấm áp, chứa chan tình cảm, và trên khuôn mặt của bà má Mậu Thân này có vẻ gì đó trầm tư, chịu nhiều đau khổ, có thể người phụ nữ này đã khóc rất nhiều, nhưng khuôn mặt này thật hiền hậu, tiêu biểu của các bà mẹ miền Nam anh hùng, còn anh lính trẻ trong vòng tay của má mắt nhìn xuống, hình như anh đang suy nghĩ, đang cảm nhận tình cảm thiêng liêng ấy. Đây quả là một tác phẩm đẹp cả về nội dung lẫn bố cục, là móc xích giữa nghệ thuật thời thống nhất với kháng chiến.
Không riêng nội dung thay đổi mà chất liệu mỹ thuật thời này cũng đa dạng, phong phú hơn rất nhiều, các hoạ sỹ hầu như không bị gò bó vào một khuôn khổ nào, họ thoả thích sáng tác, chất liệu mỗi người một khác nhau: mau dầu, sơn dầu, phấn màu, mực nho, mực bột, sơn mài.. sự đa dạng của chấ liệu, đã nâng cao phong phú cho các tác phẩm.
Với sự hoà nhập thực sự của nghệ sỹ hai miền Nam - Bắc và sự có mặt của các hoạ sỹ lão thành: Nguyễn Văn Tỵ, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Tự Nghiêm.. đã góp phần làm cho mỹ thuật Việt Nam có sự phát triển hẳn lên, có sự tìm tòi là dấu hiệu của việc đổi mới nghệ thuật, báo hiệu trước cho sự đổi mới của xã hội một xã hội văn minh - giàu mạnh.
Sau Đại hội VI của Đảng (1986) khẳng định đường lối đổi mới, đi vào kinh tế thị trường, mọi người, mọi ngành phải “tự cởi trói”, “tự cứu mình” thì mỹ thuật cũng cuốn vào dòng chảy ấy với sự nỗ lực và sáng tạo lớn lao. Chỉ trong vòng có 5 năm (1984 - 1989) đã có 118 triển lãm của 3778 lượt tác giả, trưng bày 8879 tác phẩm là cả một sự “bung ra” với nhiều đề tài đời thường.
Cuộc sống con người cơ bản về vật chất đã đầy đủ, thì nhu cầu về mặt tinh thần của họ cũng càng cao hơn, họ đi tìm cái đẹp trong hội hoạ, chính thế mỹ thuật càng ngày càng phát triển nhằm phục vụ cuộc sống. Hơn 65 năm qua, Hội Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động chuyên môn cho hội viên thông qua các trại sáng tác, các chuyến đi thực tế, hỗ trợ sáng tác, việc công bố tác phẩm, in sách, hội thảo, tọa đàm... Hội cũng phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, các cơ quan liên quan tổ chức những triển lãm lớn như: Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, Triển lãm về đề tài Lực lượng vũ trang và Chiến tranh cách mạng, Triển lãm Đồ họa quốc tế, Festival Mỹ thuật Trẻ, Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam ở nước ngoài...
Từ năm 1996, để động viên các hội viên và các nghệ sĩ tạo hình trong toàn quốc tham gia sáng tác, đưa mỹ thuật đến với công chúng cả nước, Hội Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức và phối hợp với các tỉnh, thành đăng cai các triển lãm mỹ thuật khu vực. Gần 190 cuộc triển lãm với hơn ba vạn tác phẩm của hàng nghìn tác giả là hội viên và chưa hội viên được chọn trưng bày.
(Còn tiếp)
PGS, TS, Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ[1]
[1] Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương