Sign In

Quảng Nam: Nấm bào ngư của chị Thảo luôn được các khách hàng lựa chọn tin dùng

00:00 24/03/2023
Nhận thấy kinh tế của gia đình còn nhiều khó khăn, chị Châu Thị Kim Thảo, sinh năm 1983, hội viên phụ nữ thôn Phước Ninh, xã Quế Thuận, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam đã luôn trăn trở tìm cách nâng cao thu nhập để ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững.

Chị Thảo đang chăm sóc nấm

Nhận thấy quê nhà có diện tích đất rộng, có nhiều điều kiện thuận lợi để trồng nấm bào ngư, chị Thảo mạnh dạn đầu tư mở trang trại nấm với 1.000 bịch phôi. Sau hai năm chăm sóc, đưa sản phẩm ra thị trường, chị thu về với lãi ròng hơn 100 triệu đồng. Tuy nhiên, khi mua phôi làm sẵn ở ngoài thì giá thành cao, trừ các khoản chi phí thì lợi nhuận không được nhiều nên chị đã có ý tưởng tự sản xuất phôi để lấy thành phẩm. Qua nghiên cứu, tìm hiểu kiến thức trên sách, báo và được Hội LHPN xã mời tham dự các hoạt động tập huấn, kinh doanh, khởi nghiệp… chị mạnh dạn vay vốn nhập nguồn nguyên vật liệu và mua sắm máy móc, các vật dụng thiết yếu. Ban đầu khi chế biến bịch phôi, để diệt hết các vi khuẩn, nấm mốc và các loại nấm gây hại khác, chị đã sử dụng lò đốt bằng than, củi. Tuy nhiên, hình thức này tốn rất nhiều thời gian, công sức lại gây ảnh hưởng đến môi trường. Được Hội LHPN huyện, xã tư vấn, chị đầu tư mua máy hấp bằng điện, từ đó đã nâng cao chất lượng và tăng số lượng sản phẩm. Qua một năm nuôi trồng, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng được sự động viên, giúp đỡ của Hội LHPN huyện và xã chị đã kiên trì vượt qua thử thách.

Có thể nói rằng, sản phẩm nấm bào ngư hiện nay trên thị trường rất nhiều, đa dạng, phong phú, tuy nhiên, để đánh giá được chất lượng nhất là khách hàng tiêu thụ, là sự tin dùng của khách hàng với sản phẩm. Sản phẩm của chị khi đem tới chợ đầu mối luôn được lựa chọn trước tiên vì màu sắc đẹp, tai nấm to, dày. Hiện nay, sản phẩm đã có chỗ đứng trên thị trường ở các chợ đầu mối nông sản trong và ngoài địa phương… Hằng năm, chị thu về trên 200 triệu đồng. Hiện gia đình chị đã thoát nghèo, xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm các trang thiết bị cần thiết. Cơ sở nấm của chị còn tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động với mức từ 5 đ- 6 triệu đồng/người/tháng.

Năm 2019, nấm bào ngư của chị được công nhận là sản phẩm đặc trưng của xã Quế Thuận; năm 2022 được UBND huyện tặng giấy khen có thành tích xuất sắc trong công tác Khởi nghiệp - Chuyển đổi số - Sản phẩm OCOP góp phần phát triển kinh tế - xã hội huyện Quế sơn giai đoạn 2017 - 2022. Được biết, ngoài việc chăm lo phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống vươn lên thoát nghèo, chị Thảo còn là tấm gương điển hình về tham gia nhiệt tình các phong trào của địa phương và Hội phụ nữ.

Minh Ánh

Tag:

File đính kèm