Tại khuôn viên Trường Mầm non Trà Thanh ở thôn Vuông, xã Trà Thanh, nhiều cây xanh, tiểu cảnh trang trí được cắt tỉa gọn gàng, khá sạch đẹp. Ngoài phòng học còn có thêm các khu chức năng khác như phòng làm việc của giáo viên, khu vui chơi cho trẻ… Có được kết quả đó cũng một phần nhờ cô giáo Hiền không quản ngại đường xa để đến các nơi, vận động các mạnh thường quân “trợ sức” xây trường. “Bằng trách nhiệm của một người công tác trong ngành giáo dục, tôi hiểu rằng, ở nơi mà phần lớn phụ huynh là người Cor, thuộc diện hộ nghèo, đời sống khó khăn thì việc vận động đóng góp từ phụ huynh là điều khó khăn. Sau nhiều đêm trằn trọc, tôi nảy ra ý định đi xin ở nhiều nơi, gần có, xa có”, cô Hiền bộc bạch.
Để thuyết phục mạnh thường quân, đối với cô Hiền chỉ đơn giản là trái tim yêu thương con trẻ và sự khát khao thay đổi vùng cao Trà Thanh. Điều đó đã làm lay động nhiều người, dần dần, Trường Mầm non xã Trà Thanh được nhiều đoàn thiện nguyện biết đến. Năm 2019, nhóm thiện nguyện Tam Kỳ Project (tỉnh Quảng Nam) đã đến thăm, tài trợ hơn 450 triệu đồng để xây dựng lại ngôi trường tại vị trí an toàn hơn, cách vị trí cũ khoảng 2km. Niềm vui nối tiếp niềm vui, khi một doanh nhân ở TP. Hồ Chí Minh đã ủng hộ hơn 840 triệu đồng để nhà trường tiến hành xây dựng tiếp điểm trường lẻ thôn Gỗ, đầu tư đầy đủ trang thiết bị, phục vụ việc dạy và học. Cô Hiền cũng là người trực tiếp vận động được nguồn kinh phí 450 triệu đồng để xây dựng mới điểm trường lẻ của Trường Mầm non Trà Xinh, ở thôn Trà Kem, xã Trà Xinh.
Bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng của các em được cô Hiền xin hỗ trợ từ mạnh thường quân
Hằng tuần, cô Hiền và các cô giáo trong trường sẽ thay phiên nhau nấu cho trẻ những món ngon nhất, những món ăn mà các em hiếm khi được ăn ở nhà. Khẩu phần ăn luôn đa dạng để lúc nào các em cũng cảm thấy ngon miệng, đảm bảo dinh dưỡng và không ngán. Kinh phí nấu ăn 4 triệu đồng cho 4 điểm của trường trong một tháng là số tiền mà anh Phạm Văn Dũng, quê ở xã Phổ Thuận, thị xã Đức Phổ, hiện đang sinh sống và làm việc ở TP.Hồ Chí Minh đã tài trợ thông qua “cầu nối” là cô Hiền. Số tiền đó đã làm ấm lòng các cô giáo, các cô nuôi đứng bếp. Các cô đã dùng số tiền vào việc đi chợ, mua thực phẩm giàu dinh dưỡng, chế biến các món ăn cho trẻ.
Chị Hồ Thị Hạnh ở thôn Vuông, xã Trà Thanh xúc động vui mừng nói: “Cuộc sống đồng bào Cor nơi đây còn khó khăn đủ bề. Các em ở nhà có gì ăn nấy, chủ yếu là ít rau, măng rừng, muối và cá suối bắt được. Từ ngày có những bữa ăn ngon, các em chăm chỉ đến trường hơn, đầy hào hứng khi nghe nhà trường thông báo tuần này nấu gì, ăn gì. Chúng tôi thấy thế cũng mừng vui lắm, an tâm hơn khi gửi con ở trường để đi làm, phát triển kinh tế”.
Từ thực tế, nguồn nước mà gia đình trẻ và các trường sử dụng thường là công trình tự chảy từ sông, suối, không đảm bảo vệ sinh nên cô Hiền đã vận động hàng trăm triệu đồng để khoan 7 cái giếng, mỗi giếng trị giá 40 triệu đồng tại một số điểm trường trên địa bàn huyện. Trong đó, tại các điểm trường của Trường Mầm non Trà Thanh có 3 giếng. Không chỉ vận động xây trường, lớp, mà cô còn vận động các mạnh thường quân hỗ trợ quần áo, sách vở, khu vui chơi cho các em và kinh phí để sửa chữa, xây nhà cho người dân do ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ; hỗ trợ người dân lúc hoạn nạn đột xuất…
Cô Hiền cùng các em Trường Mầm non Trà Thanh
Nguồn quỹ từng được các tổ chức, cá nhân hỗ trợ đến nay lên tới khoảng 2 tỷ đồng, bao gồm cả tiền mặt và hiện vật. “Tôi ghi chép kỹ lưỡng, rồi nhập vào máy tính, rành mạch thông tin về nhà hảo tâm, mạnh thường quân, số tiền quyên góp, thời gian nhận ủng hộ… để dễ nhớ, lúc cần thì mở ra kiểm tra lại. Đó chính là bằng chứng tạo sự tin tưởng cho những người hướng về trường và người dân nơi đây biết mình đặt niềm tin đúng chỗ”, cô Hiền cho hay.
Ông Hồ Văn Thịnh, Chủ tịch UBND xã Trà Thanh cho biết, trường trước kia chỉ là những lớp học ọp ẹp, tạm bợ. Lớp học được dựng lên từ tranh, tre, vách nứa trong rừng, nằm vắt vẻo trên dông đất cao. Mùa hè, cái nắng gắt rọi xuyên qua những khoảng hở trên mái rát đến cháy mặt, mùa mưa bão, nơi dạy và học ướt nhẹp, lạnh thấu xương. Giờ đây, chứng kiến hình ảnh những đứa trẻ tung tăng đến trường, ê a đánh vần, múa hát, vui chơi cùng cô giáo, khác xa với khoảng thời gian đầy khó khăn, vất vả trước đây ai cũng vui mừng, hạnh phúc.