Tại hội nghị, đã có 11 phát biểu góp ý, phản biện sâu sát, phù hợp thực tiễn trên tinh thần dân chủ, tập trung vào các vấn đề trọng tâm gồm: sự cần thiết của văn bản dự thảo; những tác động của cơ chế, chính sách hiện nay đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và ở ấp, khóm trên địa bàn tỉnh nói chung, cán bộ Hội tại cơ sở nói riêng; phân tích, đối chiếu những nội dung trong dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh, tính phù hợp với Nghị định 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 của Chính phủ “Quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố”, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Hầu hết ý kiến đều cho rằng việc quy định cụ thể vị trí, chức danh, chế độ chính sách đối với đội ngũ này là rất cần thiết nhằm động viên, khuyến khích họ tích cực tham gia công việc ở địa phương trong điều kiện toàn tỉnh đang thực hiện chủ trương tinh gọn tổ chức, bộ máy chính quyền ở cấp xã.
Những ý kiến phản biện giúp cơ quan chuyên môn cũng như các cấp, các ngành có nhìn nhận, đánh giá đa chiều những vấn đề đặt ra trong Nghị quyết. Từ đó quyết định tính khách quan, toàn diện khi được thông qua để Nghị quyết mang tính khả thi cao.
Thông qua hoạt động phản biện đã kịp thời góp ý đối với quy định chức danh, chế độ đối với những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ấp, khóm và người trực tiếp tham gia công việc ở ấp, khóm trên địa bàn tỉnh An Giang; góp phần thiết thực vào quá trình ban hành văn bản, đảm bảo thực hiện nghiêm túc chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tinh gọn tổ chức, bộ máy chính quyền ở cấp xã và hoạt động có hiệu lực, hiệu quả đáp ứng nhu cầu tình hình thực tế các địa phương hiện nay.
Sau hội nghị này, dự thảo Nghị quyết Quy định về chức danh, chế độ đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở ấp, khóm và người trực tiếp tham gia công việc ở ấp, khóm trên địa bàn tỉnh sẽ được Sở Nội vụ - cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản trình HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tại kỳ họp cuối năm 2024.