Sign In

Phú Thọ: Phụ nữ dân tộc thiểu số nắm bắt cơ hội làm kinh tế

00:00 23/03/2023
Là một cán bộ Hội tâm huyết, biết tận dụng cơ hội làm kinh tế, chị Hà Thị Hồng Hái đã cùng hội viên phụ nữ xây dựng nhóm liên kết đặc sản xứ Mường, phát huy nội lực của địa phương, phát triển kinh tế và tăng thêm thu nhập cho gia đình, góp phần quảng bá sản phẩm sẵn có.

Chị Hà Thị Hồng Hái (bên trái) và chị em trong Tổ Liên kết giới thiệu, quảng bá sản phẩm đặc sản xứ Mường

Dám nghĩ, dám làm, vượt lên những khó khăn, thử thách để tìm đến cuộc sống tốt đẹp, một tương lai tươi sáng hơn là những gì mà người phụ nữ người dân tộc Mường Hà Thị Hồng Hái đã thể hiện bằng hành động cụ thể.

Chị Hái sinh năm 1980, là Chủ tịch hội LHPN xã Văn Miếu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Chị là một cán bộ Hội năng nổ, nhiệt tình, yêu văn hóa và ẩm thực xứ Mường của mình. Nhìn thấy cơ hội để chị em phụ nữ địa phương có thể tận dụng mang lại thu nhập, chị đã đứng ra thành lập "Tổ Liên kết giới thiệu, quảng bá sản phẩm đặc sản xứ Mường".

Chị Hà Thị Hồng Hái - Chủ tịch hội LHPN xã Văn Miếu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ

Từ 4 thành viên ban đầu là cán bộ, hội viên Hội Phụ nữ, đến nay Tổ đã có hàng chục cộng tác viên tham gia, tạo nên một "cộng đồng" cung cấp đặc sản xứ Mường, lan tỏa sản phẩm đến đông đảo người tiêu dùng.

Chị Hái cho biết, 4 thành viên của Tổ đều là cán bộ nhà nước, hội viên phụ nữ nên các chị tranh thủ làm ngoài giờ, chủ yếu điều hành mạng lưới cộng tác viên thu mua sản phẩm của bà con để giao lại cho các điểm đầu mối, tạo thu nhập cho bà con.

"Chúng tôi giao bán hàng tại các điểm bán Thái Nguyên, Hà Nội, Sơn La, một số xã, huyện trong tỉnh. Lượng thu mua mỗi ngày cho bà con có khi lên tới vài tạ thực phẩm. Từ đó, bà con có động lực để làm dưa muối, chăn nuôi cung cấp thịt lợn rừng, gà sạch, trồng rau sạch, cho thu nhập ổn định", chị Hái cho biết.

Các sản phẩm sạch của Tổ Liên kết đã đi đến nhiều tỉnh, thành

Bước đầu, sản phẩm địa phương chưa có đầu ra, mặc dù đã quảng bá trên mạng xã hội nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tiêu thụ vẫn còn nhỏ lẻ. Từ khi phân phối sản phẩm theo mô hình Tổ Liên kết, các chị đã đẩy mạnh được đầu ra, tạo thêm công ăn việc làm và tăng thu nhập thêm cho chị em phụ nữ. Bình quân thu nhập của các thành viên, cộng tác viên trong Tổ vào khoảng 2-2,5 triệu đồng/tháng, góp phần cải thiện kinh tế gia đình.

Theo chị Hái, thuận lợi của phụ nữ dân tộc làm kinh tế chính là lợi thế về sản phẩm vùng miền. Với những hiểu biết về chính đặc sản của quê hương, các chị có thể làm ra những sản phẩm ngon, sạch, lạ được nhiều người yêu thích.

Tuy nhiên, cái khó khi làm kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số là điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, một số chị em chưa tiếp cận được với phương thức bán hàng công nghệ số nên sản lượng đầu ra chưa cao.

Đến nay Tổ đã có hàng chục cộng tác viên tham gia, tạo nên một "cộng đồng" cung cấp đặc sản xứ Mường, lan tỏa sản phẩm đến đông đảo người tiêu dùng

Trong thời gian qua, mặc dù các sản phẩm của nhóm đã được chế biến và đóng gói, đưa ra quảng bá nhưng vẫn rất khó khăn trong việc tìm đầu ra cho các sản phẩm như măng chua, măng giang, muối chua, măng ớt, chè và một số các sản phẩm khác của nhóm.

"Tuy nhiên, khi liên kết lại, chị em có động lực cùng nhau vượt khó, cố gắng vươn lên và tự tin hơn khi tham gia hoạt động kinh tế", chị Hái chia sẻ.

Là một cán bộ hội phụ nữ, chị Hái mong muốn mô hình kinh tế liên kết sẽ giúp chị em dân tộc thiểu số phát triển kinh tế và tăng thêm thu nhập cho gia đình. Không chỉ có thế, chị còn mong muốn góp phần quảng bá sản phẩm sẵn có ở địa phương.

Các sản phẩm của Tổ liên kết trưng bày tại hội chợ

Chị Hái cũng như nhiều chị em phụ nữ ở xã Văn Miếu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ là những phụ nữ dân tộc thiểu số điển hình về tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất, nỗ lực vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu chính đáng. Những thành quả đạt được của các chị đã góp phần tô thắm thêm hình ảnh đẹp của người phụ nữ dân tộc thiểu số, xứng đáng là tấm gương sáng để chị em phụ nữ học tập và noi theo.

PNVN

Tag:

File đính kèm