Sign In

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định và Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN dự, chỉ đạo Đại hội Hội Nông dân tỉnh

09:38 21/09/2023
Ngày 20/9, Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Bình Định lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2023 – 2028, đã diễn ra trọng thể tại Trung tâm hội nghị tỉnh Bình Định (TP. Quy Nhơn). Dự, chỉ đạo Đại hội có đồng chí Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định và Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Xuân Định...

5 vấn đề gợi mở cho Hội Nông dân Bình Định trong nhiệm kỳ tới

Đồng chí Nguyễn Xuân Định - Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và đồng chí Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội.
 

Về dự Đại hội, còn có 300 đại biểu tiêu biểu, ưu tú, đại diện cho 222.258 cán bộ, hội viên toàn tỉnh.
 

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, đồng chí Nguyễn Xuân Định - Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã biểu dương những thành tích mà Hội Nông dân Bình Định đã đạt được trong nhiệm kỳ 2018 – 2023. 
 

Tại Đại hội này, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Định nhấn mạnh và gợi mở thêm 5 vấn đề để Đại hội thảo luận, xem xét, quyết định.
 

Một là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, Nghị quyết của Hội, các vấn đề liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
 

Tăng cường công tác giáo dục truyền thống yêu nước, phát huy tinh thần lao động cần cù năng động sáng tạo, xây dựng tình làng nghĩa xóm, nếp sống văn minh, ý chí tự lực tự cường khát vọng vươn lên của nông dân.
 

Thông qua việc biểu dương các gương tiên tiến điển hình, gương người tốt việc tốt trong các phong trào thi đua yêu nước, gắn với đẩy mạnh Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và phong trào Dân vận khéo, khơi dậy khát vọng vươn lên, phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng thôn nông mới.
 

Hai là: Thường xuyên chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ chủ chốt các cấp Hội đảm bảo tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có khả năng tập hợp, vận động và luôn sáng tạo trong công tác lãnh, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công tác Hội và phong trào nông dân, có trách nhiệm chăm lo và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân.
 

Cán bộ Hội các cấp phải gắn bó với cơ sở, sâu sát với hội viên, nông dân, lắng nghe, thấu hiểu và phát huy vai trò chủ thể của hội viên, nông dân trên các lĩnh vực.
 

Phải chân đi, mắt thấy, tai nghe, miệng nói, tay làm, óc nghĩ như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 

Phải tâm huyết, trách nhiệm, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, có tư duy nhận thức nhạy bén "tự tin trong tham mưu, khéo léo linh hoạt trong tuyên truyền vận động", "được dân tin, dân học tập và dân làm theo".
 

Ba là: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung phương thức hoạt động theo hướng thiết thực hiệu quả, lấy lợi ích và nguyện vọng chính đáng của hội viên, nông dân làm mục tiêu, động lực và nội dung hoạt động của Hội.
 

Tổ chức tốt các hoạt động dịch vụ tư vấn hỗ trợ nông dân về vốn, tín dụng, vật tư nông nghiệp, chuyển giao kiến thức khoa học công nghệ, hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản, chú trọng đào tạo nghề cho hội viên, nông dân theo phương thức "nông dân dạy nông dân".
 

Bốn là: Các cấp Hội cần phát huy vai trò trung tâm và nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới.
 

Tập trung chỉ đạo, đổi mới phương thức tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, đảm bảo nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức lan toả rộng rãi.
 

Động viên, khuyến khích và tạo điều kiện để những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, nông dân đạt danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc làm nòng cốt xây dựng các mô hình kinh tế, nhất là kinh tế tập thể, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái…
 

Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Xuân Định (đầu tiên bên phải) tặng Bằng khen của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho Hội Nông dân tỉnh Bình Định về thành tích xuất sắc trong nhiệm kỳ 2018 - 2023. Ảnh: ND


Năm là: Chủ động tham gia xây dựng Đảng chính quyền, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Cán bộ Hội các cấp phải sâu sát cơ sở, thường xuyên nắm chắc tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tâm tư nguyện vọng và kiến nghị chính đáng của hội viên, nông dân.
 

Thấu hiểu và chia sẻ với nông dân, đồng hành cùng nông dân, vì hội viên, nông dân.
 

Kịp thời tham mưu cho các cấp ủy Đảng và phối hợp với chính quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc của hội viên, nông dân.


Kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nông dân

Ông Hồ Quốc Dũng – Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định cho biết, với tinh thần "Đoàn kết - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển", Đại hội có nhiệm vụ thảo luận và quyết định các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng và phát triển Hội trong 5 năm tới, góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra.
 

Trên tinh thần đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cơ bản thống nhất với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và phát triển Hội trong 5 năm tới do Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh khóa XVI trình Đại hội và lưu ý, nhấn mạnh thêm một số nội dung để Đại hội thảo luận, xem xét, quyết định.
 

Thứ nhất: Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, công tác Hội và phong trào nông dân gắn với chức năng, nhiệm vụ của Hội và điều kiện thực tế của địa phương, để tổ chức thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đã đề ra. 
 

Thứ hai: Tập trung củng cố, kiện toàn tổ chức; nâng cao chất lượng hội viên và hoạt động của chi, tổ Hội; mở rộng mặt trận đoàn kết nông dân, để ngày càng nhiều nông dân tham gia vào tổ chức Hội; tập hợp ngày càng đông nông dân tham gia các phong trào, các cuộc vận động do Hội phát động. 
 

Thứ ba: Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức và nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động trong nông dân, nhất là các phong trào: Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, nông dân hưởng ứng tham gia xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường, bảo vệ an ninh Tổ quốc...
 

Qua đó, tiếp tục tuyên truyền, vận động nông dân phát huy vai trò chủ thể, hưởng ứng cùng cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể ở địa phương đẩy mạnh công cuộc xây dựng nông thôn mới; xây dựng làng, xã an ninh, an toàn; bảo vệ môi trường sống bền vững. 
 

Phát huy tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết, giúp nhau trong khó khăn, hoạn nạn của bà con nông dân tỉnh nhà; phát hiện, biểu dương, khen thưởng kịp thời các nhân tố điển hình, các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong các phong trào hoạt động của Hội. 
 

Thứ tư: Tiếp tục hướng dẫn, khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; xây dựng các mô hình sản xuất kinh doanh mới... nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống gia đình. 
 

Cùng với đó, cần tiếp tục động viên nông dân đoàn kết hỗ trợ nhau cùng phát triển, để ngày càng có nhiều hộ nông dân vượt khó, vươn lên thoát nghèo, ngày càng có nhiều hộ nông dân khá giả. 
 

Thứ năm: Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tổ chức cho nông dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. 
 

Kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những vấn đề bức xúc của nông dân để chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy và chính quyền các cấp các giải pháp giải quyết, tháo gỡ kịp thời, có hiệu quả những vấn đề cụ thể liên quan đến đời sống, sản xuất của nông dân, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân, tạo sự đồng thuận ngày càng cao trong xã hội.

Nguồn: Danviet.vn

Tag:

File đính kèm