Sign In

Bắc Kạn: Hội viên, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi góp sức xây dựng nông thôn mới

15:04 28/04/2023
(Cổng ĐT HND)- Năm 2022, các cấp Hội đã chủ động, sáng tạo lãnh đạo cán bộ, hội viên, nông dân triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân đạt kết quả 18/19 chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra.

Nhiều tấm gương, mô hình điển hình trong phát triển kinh tế được nhân rộng, tạo nên khí thế thi đua sôi nổi trong toàn thể hội viên.

Phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiếp tục phát triển sâu rộng, thu hút hội viên tích cực đăng ký đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Hiệu quả của phong trào đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Kinh tế đảm bảo, đời sống người dân ấm no, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngày càng được giữ vững. Nhiều tấm gương sản xuất, kinh doanh giỏi đã và đang góp sức người, sức của vào xây dựng nông thôn mới.
  
Điển hình là anh Chu Đức Thuận ở thôn Quyết Thắng, xã Tân Tú (huyện Bạch Thông). Sau nhiều năm phát triển chăn nuôi bò, từ 2 con bò cái đầu tiên, đến nay gia đình anh Thuận luôn duy trì đàn bò trên 15 con, có thời điểm nuôi trên 20 con, bê cái thì để nuôi sinh sản tăng đàn, bê đực bán thịt lấy tiền đầu tư cho việc bán chăn thả.
 
Để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn bò, ngoài việc chăn thả trên các khe đồi, bãi cỏ, anh trồng thêm cỏ ở bãi đất hơn 0,4 ha xung quanh chuồng trại, vườn nhà để làm thức ăn cho bò. Vào vụ thu hoạch lúa, gia đình thu rơm rạ và tận dụng phụ phẩm nông nghiệp khác của bà con địa phương về cất giữ hỗ trợ thêm nguồn thức ăn cho đàn bò.
  
Không chỉ vậy, anh cũng rất chú ý đến khâu vệ sinh chuồng trại, thường xuyên tiêu độc khử trùng, tiêm phòng các loại dịch bệnh, đảm bảo chuồng trại luôn thoáng mát về mùa hè, ấm vào mùa đông. Nhờ vậy đàn bò của gia đình ít bị bệnh. Sau 10 năm chăn nuôi bò, trừ mọi chi phí, bình quân gia đình anh thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.
 
 
Hay chị Triệu Thị Dự - chi Hội trưởng chi Hội ND thôn Bản Làn, xã Phương Viên (huyện Chợ Đồn) vay vốn qua kênh Quỹ HTND và ngân hàng gần 400 triệu đồng đầu tư mua máy móc, làm nhà xưởng sản xuất và kinh doanh gạch bê tông không nung cách đây 6 năm. Nhờ tích cực học hỏi, rút kinh nghiệm, đến nay gạch không nung tại xưởng sản xuất của gia đình chị Dự có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, bền nên được nhiều khách hàng trong vùng tin dùng lựa chọn.
 
Đến nay, mỗi ngày cơ sở của chị sản xuất bình quân được 3.500 viên, giá thành mỗi viên gạch thấp hơn gạch nung bình thường do dây chuyền sản xuất, công nghệ đã được nội địa hóa tối đa. Trừ mọi chi phí, chị thu nhập gần 700 triệu đồng/năm và tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động người địa phương với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.
 
Ngoài ra, chị còn mở cửa hàng bán hàng tạp hóa, giải khát, dịch vụ karaoke, giặt chăn màn. Từ sản xuất gạch và mở dịch vụ, 03 năm nay, chị thu nhập bình quân gần 01 tỷ đồng/năm và 3 năm liền đạt hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh và năm 2021 đạt cấp Trung ương.
 
Với vai trò là chi Hội trưởng, chị Dự hỗ trợ, cho tạm ứng gạch xây nhà trước không tính lãi đối với hội viên, nông dân trong chi Hội có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra chị còn tổ chức cho hội viên đi học tập các mô hình phát triển kinh tế, hỗ trợ vốn không tính lãi cho các hộ xây dựng mô hình kinh tế, đẩy mạnh các phong trào thi đua của Hội… Nhờ đó, những năm qua chi Hội ND thôn Bản Làn luôn là đơn vị dẫn đầu trong thực hiện công tác Hội và phong trào nông dân của xã.
 
Chị Nguyễn Thị Hồng Minh- Giám đốc HTX nông nghiệp Tân Thành, xã Nông Thượng (thành phố Bắc Kạn) lại khởi nghiệp thành công với cây nghệ nếp bản địa. Hiện HTX đã xây dựng được vùng nguyên liệu rộng lớn với tổng diện tích trên 160ha tại thành phố Bắc Kạn và các huyện: Pác Nặm, Chợ Đồn, Ba Bể, Na Rì. Hàng năm, HTX thu mua trên 5.000 tấn nghệ cho bà con nông dân với giá ổn định.
 
Đến nay, HTX đã sản xuất được trên 20 sản phẩm từ củ nghệ nếp đỏ và củ nghệ nếp đen. Thị trường tiêu thụ sản phẩm đã vươn rộng ra 16 tỉnh, thành phố trên cả nước, đối tác là các công ty xuất nhập khẩu, công ty dược phẩm, công ty sản xuất curcumin, nhà thuốc. Doanh thu của HTX đạt trên 15 tỷ đồng/năm, lợi nhuận trên 1 tỷ đồng.
 
Ngoài ra, gia đình chị Minh còn duy trì, phát triển mô hình VACR. Mô hình sản xuất, kinh doanh tổng hợp của gia đình đã tạo việc làm cho 30 lao động với thu nhập bình quân từ 5 - 7 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, chị còn hướng dẫn kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cho 20 hội viên, nông dân; giúp đỡ hiệu quả cho 10 hộ lượt hộ khó khăn về vốn, giống, kỹ thuật, kinh nghiệm để phát triển sản xuất, kinh doanh; ưu tiên cung cấp giống, hỗ trợ phân bón trả chậm... cho hơn 300 hộ nghèo, cận nghèo khi triển khai vùng trồng nguyên liệu cho HTX. Gia đình chị còn gương mẫu đi đầu trong xây dựng gia đình văn hóa, tham gia nhiệt tình trong các hoạt động Hội, xây dựng nông thôn mới, đóng góp vào các hoạt động nhân đạo, từ thiện… Chị nhiều năm liền đạt danh hiệu Hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh, được Trung ương Hội trao chứng nhận Hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương giai đoạn 2016 - 2019.
 
Còn nhiều tấm gương, mô hình điển hình trong phát triển kinh tế được nhân rộng, tạo nên khí thế thi đua sôi nổi trong toàn thể hội viên như: Hộ ông Quản Trọng Quỳnh (xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn) với mô hình trồng trọt, chăn nuôi, thu lãi 1,5 tỷ đồng/năm; mô hình trồng cây ăn quả của các hộ ông Nguyễn Văn Sử, Lưu Chấn Thụ (Bạch Thông)… cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Qua phong trào đã giúp các địa phương xây dựng vùng sản xuất hàng hóa như: Bí xanh thơm (huyện Ba Bể); dong riềng (huyện Na Rì); chè (xã Như Cố, huyện Chợ Mới); cam, quýt (các xã Quang Thuận, Dương Phong của huyện Bạch Thông); hồng không hạt (huyện Chợ Đồn), chăn nuôi vỗ béo trâu bò (huyện Pác Nặm)…
 
Thực hiện “Thỏa thuận hợp tác giữa Hội ND Việt Nam và Bưu điện Việt Nam về hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa, giai đoạn 2021 - 2025”, Hội đã hướng dẫn hội viên xây dựng tài khoản để mua, bán hàng qua mạng nhằm đưa sản phẩm của địa phương đến tay người tiêu dùng thuận lợi và an toàn. Đến nay, toàn tỉnh có gần 19.000 tài khoản tham gia, 195 sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn.
  
Hội còn vận động hội viên, nông dân tích cực hưởng ứng chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Năm 2022, cán bộ, hội viên trong tỉnh đóng góp được gần 1,2 tỷ đồng, hiến được trên 40.000m2 đất, trên 12.900 công lao động để xây dựng nông thôn mới.
 
Điển hình như chị Trần Thị Toan - chi Hội trưởng chi Hội ND thôn Nà Rẫy, xã Thanh Vận (huyện Chợ Mới). Để thu hút, tập hợp nông dân, chị thường xuyên thăm, nắm tình hình, tâm tư, nguyện vọng của hội viên để vận động tham gia tổ chức Hội, đồng thời kịp thời động viên, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc. Nhờ vậy, các phong trào, hoạt động tại Chi hội mang lại hiệu quả thiết thực. Đến nay, chi Hội ND thôn Nà Rẫy có tổng số 46 hội viên tham gia sinh hoạt, đạt tỷ lệ tập hợp trên 80%.
 
Tiêu biểu là công tác vận động hội viên, nông dân tham gia phát triển mô hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp, hiện chi Hội đã thành lập được Tổ hợp tác sản xuất bánh phồng khẩu sli với 12 hội viên tham gia; tuyên truyền, vận động được 06 hội viên tham gia mô hình trồng dưa chuột bao tử với tổng diện tích hơn 3000m2, đồng thời liên kết với Công ty TNHH Việt Nam Misaki tiêu thụ sản phẩm với giá 3.000 đồng/kg, dự kiến năng suất đạt khoảng 05 tấn/1000 m2; vận động được 10 hộ hội viên trồng ngô sinh khối với tổng diện tích gần 01ha.
 
Không những vậy, chị Toan còn động viên hội viên tích cực hưởng ứng chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia thực hiện tiêu chí môi trường, xây dựng và duy trì mô hình “Sạch nhà, tốt ruộng” đạt hiệu quả, qua đó cảnh quan đường làng, ngõ xóm luôn xanh, sạch, đẹp; vận động 100% hội viên ký cam kết thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, gia đình văn hóa... Các phong trào hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, hoạt động từ thiện được hội viên nhiệt tình hưởng ứng tham gia. Chi Hội còn vận động hội viên ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 cho Miền Nam được 240,5 kg gạo, 11kg bún khô, 11kg bí xanh, 05 thùng mì tôm. Hàng năm tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia xây dựng Quỹ hội, Quỹ HTND đạt và vượt chỉ tiêu giao.
 
Chị Toan còn tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, vận động các hội viên cùng thực hiện như: Chuyển đổi từ nuôi lợn sang nuôi gà, vịt, cá, dê…; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng kết hợp với mô hình chăn nuôi trên đất vườn, đất ruộng và đất rừng sản xuất, canh tác, luôn sử dụng giống mới năng suất cao, áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác. Do vậy năng suất lúa đạt khoảng 4-5 tấn thóc/vụ, thu nhập từ mô hình của gia đình chị đạt trên 90 triệu đồng/năm.
  
Thực hiện sự phân công của Tỉnh ủy giúp đỡ xã khó khăn xây dựng nông thôn mới, Hội ND tỉnh đã giúp đỡ xã Nông Hạ (huyện Chợ Mới) thực hiện các tiêu chí về: Thu nhập, hộ nghèo, tổ chức sản xuất, văn hóa, môi trường và an toàn thực phẩm, hệ thống chính trị. Cụ thể: Hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn vay từ ngân hàng CSXH, Quỹ HTND để đầu tư phát triển sản xuất; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân liên kết với Công ty TNHH Việt Nam MISAKI trồng và tiêu thụ 3ha cây dưa chuột, 2,5ha cây kiệu; vận động cán bộ, công chức, người lao động cơ quan Hội ND tỉnh ủng hộ 5 triệu đồng giúp xã đầu tư xây dựng nông thôn mới; xây dựng và duy trì 01 mô hình tự quản về an ninh trật tự, an toàn giao thông với 42 hội viên tham gia; xây dựng và duy trì tốt 3 mô hình “Sạch nhà, tốt ruộng” tại các thôn…
 
Thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, nghị quyết của Hội cho cán bộ, hội viên, nông dân; vận động hội viên thực hiện phong trào thi đua sản xuất kinh doanh, đóng góp ngày công lao động, vật liệu, hiến đất xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản; vận động cán bộ, hội viên tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.
Xuân Phương

Tag:

File đính kèm