Đến nay, rượu Bàu Đá được biết đến là một trong những đặc sản nổi tiếng của Bình Định, 13 cơ sở có sản phẩm đạt OCOP 3 - 4 sao.
Mở hướng đi riêng
Về xóm Bàu Đá, chúng tôi tìm đến cơ sở sản xuất rượu Bàu Đá Hoa Thưởng của ông Lê Văn Thưởng (60 tuổi), người có hơn 40 năm gắn bó với nghề nấu rượu Bàu Đá. Ông Thưởng hiện là Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và kinh doanh rượu Bàu Đá Bình Định.
Ông chia sẻ: “Người nấu rượu Bàu Đá không giấu trong mình bí quyết gia truyền nào. Gạo nấu thành cơm, để nguội, đánh tơi rồi trộn men, cho vào xô nhựa ủ khô hai ngày đêm, sau đó cho nước vào ủ thêm ba ngày đêm cho dậy men rồi nấu, đơn giản vậy mà thành rượu”.
Theo ông Thưởng, để có nồi rượu thơm ngon, người ta phải dùng gạo trì để nấu, mỗi mẻ 5kg gạo, nấu đúng 6 tiếng đồng hồ và chỉ cất được 2,5 - 3 lít rượu. Mỗi ngày cơ sở của ông sản xuất tầm 10 lít rượu, tùy vào số lượng khách hàng đặt mua. Cơ sở sản xuất 3 sản phẩm chính gồm: rượu gạo, rượu gạo nếp và rượu đậu xanh. Giá bán trên thị trường 40.000 - 60.000 đồng/lít. Đồ nghề làm rượu, người ta sử dụng nồi đồng, nắp đất; ống dẫn rượu từ lò ra chum làm làm bằng tre, nay thay bằng ống nhôm. Chum đất hứng rượu phải được bịt kín để tránh rượu bay hơi. Trong thời gian nấu, thông thường để lửa liu riu, nhưng vẫn phải thường xuyên lắng nghe giọt rượu nhỏ nhanh hay chậm để thêm hay bớt lửa. Chính vì cách nấu cẩn thận này mà rượu Bàu Đá có hương vị rất tinh khiết và đậm đà.
Nói về tên gọi Bàu Đá, ông Thưởng cho hay: Cái tên này xuất phát từ xa xưa, tên của một bàu (ao) nước ngày xưa cả làng dùng chung, cũng chính là nguồn nước để chưng cất rượu Bàu Đá. Nguồn nước để tạo nên “chất rượu” vẫn là nguồn nước được rỉ ra từ mạch ngầm của Bàu Đá ngày xưa. Bàu nước xưa giờ đã cạn, thành ruộng lúa bốn mùa tươi tốt.
Ông Phạm Văn Anh, người nấu rượu lâu năm tại thôn Cù Lâm, cho hay: Khi xưa, ở làng nghề nấu rượu Cù Lâm hầu như nhà nào cũng làm nhưng qua thời gian, làng nghề gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm nên chỉ còn lại 29 hộ có tâm huyết muốn giữ lại nghề nấu rượu thủ công của cha ông. Thôn bây giờ chỉ có những người có độ tuổi 40 - 60 nấu rượu thủ công mà người xưa truyền lại. Con cháu ở làng này hầu như đi làm ăn xa để mong có cuộc sống tốt hơn.
Với tâm huyết giữ gìn, phát triển làng nghề nấu rượu Bàu Đá, ông Lê Văn Thưởng tìm hướng đi riêng để nâng tầm sản phẩm bằng cách kết nối với công ty lữ hành đưa du khách đến tham quan, trải nghiệm về cách nấu, thưởng thức rượu và bán các sản phẩm rượu Bàu Đá. Ông cũng đưa sản phẩm tham gia các lễ hội, hội chợ với mong muốn thương hiệu rượu Bàu Đá được biết đến rộng rãi hơn.
|
Ông Lê Văn Thưởng, Chủ tịch Hiệp hội sản xuất rượu Bàu Đá (Bình Định) |
“Tuy hiện nay, rượu Bàu Đá đã có thị trường tiêu thụ tốt, nhưng muốn làng nghề phát triển cầ sự hỗ trợ thêm. Để sản phẩm được biết đến rộng rãi, các ngành chức năng tỉnh Bình Định cần đẩy mạnh quảng bá làng nghề gắn với phát triển du lịch. Có như thế mới bảo tồn, lưu giữ được nét truyền văn hóa của làng nghề rượu Bàu Đá, mang đậm bản sắc văn hóa Bình Định”, ông Thưởng chia sẻ.
Quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP
Bà Nguyễn Thị Vinh Hằng, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Lộc, cho biết: Đối với làng nghề nấu rượu Bàu Đá, xã luôn tạo điều kiện để người dân vay vốn mở rộng làng nghề. Thời gian tới, địa phương cũng sẽ làm lại đường giao thông vào thôn này, xây dựng thêm bãi đỗ xe, tập trung đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, phát triển du lịch địa phương để du khách trong và ngoài tỉnh biết đến làng nghề nhiều hơn, giúp bà con tăng thêm thu nhập.
Làng nghề nấu rượu Bàu Đá tại thôn Cù Lâm hiện có 29 hộ nấu rượu theo phương thức truyền thống, trong đó 13 cơ sở đạt chuẩn sản phẩm OCOP 3 - 4 sao. Năm 2007, UBND tỉnh Bình Định công nhận Làng nghề rượu Bàu Đá Cù Lâm đạt tiêu chí làng nghề truyền thống. Rượu Bàu Đá Bình Định đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể vào năm 2011 với bộ quy chuẩn về chất lượng sản phẩm, nhận diện thương hiệu.Quy trình sản xuất rượu Bàu Đá.