Nguồn vốn thiết thực hiệu quả
Là hộ gia đình được vay vốn từ những chương trình tín dụng chính sách (25 triệu đồng để làm nhà ở và 50 triệu đồng chương trình hộ nghèo để phát triển sản xuất trồng 3ha cà phê và 2ha mắc ca…). Ông Vàng A Đa ở bản Tát Hẹ (xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên) cho hay: Nhờ được vay nguồn vốn kịp thời và nhanh chóng từ Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Điện Biên mà gia đình tôi có điều kiện để xây dựng nhà cửa, phát triển kinh tế… Đến nay gia đình tôi đã có của ăn của để, kinh tế ngày càng vững vàng.
Cũng giống như gia đình ông Đa ở bản Tát Hẹ, gia đình bà Lò Thị Thuỷ ở bản Phiêng Ban (xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) cũng được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Điện Biên để làm công trình nước sạch. Bà Thủy cho hay: Từ khi được vay vốn tín dụng chính sách gia đình tôi đã đầu tư xây dựng công trình nước sạch, dẫn nước về nhà để dùng; giờ đây nguồn nước sạch đã chảy về tới tận nhà, chỉ cần vặn vòi là có nước dùng, tôi cảm thấy rất vui mừng khi được tiếp cận nguồn tín dụng này.
Ông Hoàng Ngọc Thương – Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Điện Biên cho hay: Đó chỉ 02 trong số hàng nghìn hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Điện Biên, thời gian qua đã được tiếp cận và vay vốn tín dụng chính sách, những nguồn vốn kịp thời đã phát huy được nhiều hiệu quả tích cực. Trong 15 năm qua, với vai trò, trách nhiệm là thành viên Ban chỉ đạo xây dựng Nông thôn mới tỉnh Điện Biên, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Điện Biên đã thường xuyên bám sát các Nghị quyết, Chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên; tích cực tham mưu trong công tác rà soát, xác nhận đối tượng vay vốn là hộ nghèo, cận nghèo theo quy định làm căn cứ giải ngân nhanh chóng nguồn vốn vay ưu đãi được giao… chủ động tham mưu và tích cực chỉ đạo các hoạt động tín dụng chính sách xã hội theo hướng tập trung ưu tiên tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, các xã trọng điểm xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, đã có 79.310 hộ gia đình là hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách đang được thụ hưởng nguồn vốn tín dụng ưu đãi, chiếm 56,7% số hộ dân trên địa bàn.
Từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, nhiều hộ dân nông thôn đã đẩy mạnh đầu tư thâm canh cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô sản xuất, phát triển dịch vụ, tạo việc làm và nâng cao thu nhập. Đồng thời đầu tư xây dựng công trình vệ sinh, nước sạch; sửa chữa và nâng cấp nhà ở, tiện nghi sinh hoạt; con em nông dân có điều kiện tài chính tiếp tục theo học các trường đào tạo nghề, các trường cao đẳng và đại học để có cơ hội việc làm.
“Trụ cột” trong xây dựng nông thôn mới
Hiện Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Điện Biên đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn và giải ngân các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn nhanh chóng. Với 20 chương trình tín dụng, tổng dư nợ đạt 4.717 tỷ đồng (Trong đó dư nợ cho vay hộ nghèo, cận nghèo đạt 2.313 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 49% tổng dư nợ. Ngoài ra, một số chương trình tập trung giải ngân tại các vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS, vùng khó khăn như: Chương trình nước sạch và VSMTNT 202 tỷ đồng; chương trình hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn 804 tỷ đồng; chương trình hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở 85 tỷ đồng; cho vay DTTS theo NĐ 28 là 114 tỷ đồng....)
Để các chương trình tín dụng chính sách đến với người dân được chuyển tải nhanh, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Điện Biên đã chủ động đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội (Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh và Hội Phụ nữ tỉnh Điện Biên) để thành lập các Tổ tiết kiệm và vay vốn… Thông qua 4 tổ chức đoàn thể đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền và chủ động hỗ trợ các hộ có nhu cầu vay vốn, hoàn thành các thủ tục cần thiết để giải ngân, không để người dân chờ đợi lâu.
Từ đó có thể thấy rằng nguồn vốn tín dụng chính sách ở Điện Biên thời gian qua được xây dựng và phát triển theo một chuỗi, nhằm phục vụ từ người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo nguyên tắc ưu tiên hộ nghèo đến hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo... bao phủ các nhóm đối tượng thụ hưởng góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở địa phương và là “trụ cột” quan trọng trong Chương trình xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Điện Biên để đạt được những kết quả tích cực.