Hội ND tỉnh Hà Giang đã trực tiếp tổ chức 40 lớp tập huấn
kiến thức về kinh tế tập thể cho 2.048 cán bộ, hội viên, nông dân.
Tại Hà Giang, thực hiện Đề án mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các cấp Hội thường xuyên phối hợp với các thành viên Ban chỉ đạo của tỉnh, huyện ủy, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị tư vấn hướng dẫn các chủ thể sản xuất (HTX, tổ hợp tác, chi, tổ Hội nghề nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh giỏi...) phát huy các ý tưởng, sáng tạo, cải tiến nâng cao chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm; hoàn thiện hồ sơ, đăng ký nhãn hiệu, công bố chất lượng sản phẩm.
Hội còn chú trọng công tác thông tin tuyên truyền, phối hợp với các cơ quan truyền thông của tỉnh xây dựng các chuyên mục, bài, phóng sự, tập trung tuyên truyền sâu rộng về nội dung Chương trình OCOP. Đồng thời, các sở, ban, ngành của tỉnh, các huyện, thành phố tuyên truyền Chương trình OCOP trên các website của đơn vị và tại các hội nghị, hội thảo cấp tỉnh, huyện, các cuộc họp, hội nghị, các buổi sinh hoạt chi, tổ Hội, qua đó nhận thức của cán bộ, hội viên, nông dân về tầm quan trọng, ý nghĩa của Chương trình được nâng lên rõ rệt.
Có nhiều đổi mới, sáng tạo trong việc phát động, triển khai, tổ chức thực hiện phong trào Hội tham gia xây dựng NTM. Hội ND tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo các cơ sở tích cực tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM tập trung vào các tiêu chí 2, 3, 5, 6, 7, 8.
Hội đã vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp. 5 năm qua (2018-2023), Hội đã trực tiếp tổ chức 40 lớp tập huấn kiến thức về kinh tế tập thể cho 2.048 cán bộ, hội viên, nông dân; tham gia tư vấn, hướng dẫn thành lập mới được 88 HTX và 87 tổ hợp tác trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp.
Hội hướng dẫn xây dựng được 150 mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả, giá trị kinh tế cao, tiêu biểu như: Mô hình vải lai chín sớm tại 3 xã Phan Sào Nam, Tam Đa, Đình Cao (huyện Phù Cừ); mô hình trồng quất cảnh trong lu với 20 hộ tham gia tại xã Thắng Lợi (huyện Văn Giang), tổng số vốn 3 tỷ đồng trên tổng diện tích 2ha; mô hình trồng nhãn chín sớm và hoa công nghệ cao, thu nhập từ 500 triệu - 1 tỷ đồng/năm và tạo việc làm ổn định cho 10 lao động địa phương với mức thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/tháng tại xã Ngọc Thanh (huyện Kim Động)...
Các cấp Hội tích cực vận động hội viên, nông dân tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn với tổng số tiền đóng góp trên 140 tỷ đồng; 77 nghìn ngày công; hiến gần 100 nghìn m2 đất để xây dựng NTM. Kết quả đã tham gia làm mới, sửa chữa 290 km đường giao thông; kiên cố hóa, sửa chữa 233km kênh mương; trên 800 cầu cống các loại; đồng thời duy trì 159 mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường.
Hội còn tham gia phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế ở địa phương theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); tiêu thụ được trên 116,5 tấn nông sản các loại; phối hợp tổ chức, tham gia 20 hội chợ quảng bá, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp.
Tại Nam Định, phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng NTM, với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân hưởng thụ”, những năm qua, các cấp Hội đã vận động, hướng dẫn nông dân thực hiện tốt công tác dồn điền đổi thửa, hiến đất, đóng góp công sức làm đường thôn xóm, liên thôn, liên xã; vận động nông dân ủng hộ, xây dựng kết cấu hạ tầng, các thiết chế văn hóa. 5 năm qua (2018 - 2023), hội viên, nông dân tiếp tục hiến 74.338 m2 đất; góp 10.629 ngày công và đóng góp trên 120 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.
Có 209/209 cơ sở Hội, 2.018/2.018 chi Hội có mô hình, việc làm cụ thể trong tham gia xây dựng NTM. Hội ND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng thành công mô hình “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình”. Đến nay, mô hình đã được triển khai và nhân rộng ở 100% cơ sở Hội và 1.455 chi Hội. 100% cơ sở Hội có mô hình bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, toàn tỉnh trồng mới 204 hàng cây nông dân với tổng chiều dài 95,86 km; nhận chăm sóc 209 hàng cây với chiều dài 163,4 km.
Các cấp Hội và các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi đã trực tiếp hỗ trợ hàng nghìn con giống các loại, hàng nghìn ngày công và hàng tỷ đồng cho các hộ về giống, vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, tạo việc làm cho lao động. Đến nay, Hội ND tỉnh triển khai kế hoạch vận động xây dựng Quỹ “Mái ấm nông dân”, hỗ trợ nâng cấp, xây mới nhà ở cho 50 hội viên, nông dân có hoàn cảnh khó khăn (bình quân 50 triệu/nhà). Nhân dịp Tết Nguyên đán hàng năm, các cấp Hội trực tiếp tặng 500-1000 suất quà, trị giá mỗi suất quà từ 300-500 nghìn đồng cho hội viên, nông dân có hoàn cảnh khó khăn.
Hội còn tích cực vận động hội viên, nông dân tham gia thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng NTM”, tham gia đóng góp xây dựng hương ước, qui ước về nếp sống văn hoá trong việc cưới, việc tang. Các cấp Hội đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các ban ngành, đoàn thể vận động nông dân đóng góp ngày công, tiền của xây dựng các công trình phúc lợi như: Nhà văn hoá, khu thể thao, khu vui chơi… Đến nay trên địa bàn nông thôn đã hình thành nhiều đội dân vũ, bóng chuyền hơi, góp phần nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho người dân nông thôn.
Tại Kon Tum, xác định công tác tuyên truyền, vận động là một trong những nhân tố quyết định sự thành công của công cuộc xây dựng NTM, Hội ND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo Hội ND các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, Đô thị văn minh” gắn với phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, kết hợp với việc triển khai Kết luận số 08-KL/TU ngày 24/02/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” trên địa bàn tỉnh…
Trung bình hàng năm các cấp Hội đã vận động trên 12.000 hộ nông dân đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Phong trào đã có sự lan tỏa rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, các hộ sản xuất kinh doanh giỏi đã tích cực giúp đỡ hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn về kinh nghiệm sản xuất, việc làm và quyên góp ủng hộ được 2.292 triệu đồng, 42.213 ngày công lao động, hỗ trợ cây, con giống trị giá 3.747 triệu đồng, giúp đỡ cho 823 hộ hội viên thoát nghèo...
Các cấp Hội phối hợp với ngành chức năng liên quan đẩy mạnh công tác vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp; gắn xây dựng mô hình kinh tế tập thể với xây dựng chi, tổ Hội ND nghề nghiệp. Trong 5 năm (2018-2023), Hội đã vận động hướng dẫn thành lập được 42 chi Hội nghề nghiệp/636 thành viên, 187 tổ Hội nghề nghiệp/2.515 thành viên; phối hợp thành lập được 30 HTX/530 thành viên, 50 tổ hợp tác/558 thành viên, xây dựng được 326 mô hình điểm về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản... để hội viên, nông dân đến tham quan, học tập và làm theo. Thông qua các mô hình, chi tổ Hội ND nghề nghiệp, tổ hợp tác, HTX... đã giúp nhiều nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Thực hiện tiêu chí số 17 về bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn, các cấp Hội đã xây dựng 06 mô hình thu gom rác thải trong sinh hoạt bảo vệ môi trường nông thôn; 03 mô hình điểm “Di dời chuồng trại ra xa nhà ở"; thành lập các câu lạc bộ “Nông dân với môi trường”; tổ chức Cuộc thi “Nông dân tìm hiểu kiến thức và pháp luật về nước sạch và vệ sinh môi trường”...; tổ chức hàng trăm hội nghị tập huấn tuyên truyền, vận động hướng dẫn cán bộ, hội viên, nông dân thu gom túi nilon, bao gói hóa chất thuốc bảo vệ thực vật, thu gom rác thải trong sinh hoạt; tổ chức thực hiện sản xuất nông nghiệp tuần hoàn quy mô nông hộ, trang trại, tổ hợp tác, HTX... nhằm phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp.
Hội còn phối hợp với chính quyền, công an, quân đội tuyên truyền, vận động 91.470 lượt hội viên, nông dân tham gia bảo đảm an ninh, quốc phòng; xây dựng 101 mô hình tự quản về an ninh, trật tự; tích cực động viên con, em nông dân thực hiện tốt Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Dân quân tự vệ và chính sách “Hậu phương quân đội”, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn luôn được các cấp Hội chú trọng.
Thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng trong hội viên, nông dân về ý nghĩa, mục tiêu của phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM)”; quán triệt và thực hiện đầy đủ phương châm “huy động nội lực tại cộng đồng là chính”, tiếp tục coi trọng vai trò làm chủ của người dân và thực hiện đúng nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng” trong tất cả các tiêu chí xây dựng NTM, từ đó thu hút sự tham gia tích cực hơn nữa của hội viên, nông dân, đồng thời tạo sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong quá trình tổ chức thực hiện.