Sign In

Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà tiếp Hội đồng Kinh doanh châu Âu – ASEAN

11:05 28/06/2024
Ngày 27/6, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà đã có buổi tiếp Hội đồng Kinh doanh châu Âu – ASEAN (EU-ABC) tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Tham dự buổi tiếp, về phía EU-ABC có Ông Jens Rubbert – Chủ tịch EU-ABC (Trưởng đoàn) và Ông Dominik Meiehle - Chủ tịch Eurocham (Đồng Trưởng đoàn), cùng đại diện các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam và ASEAN như APCO, Standard Chartered, Siemens, Prudential, Michelin,…


Quang cảnh buổi làm việc

 

Về phía NHNN có sự tham dự của Lãnh đạo các Vụ Chính sách tiền tệ, Tín dụng các ngành kinh tế, Quản lý ngoại hối, Hợp tác quốc tế, Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước và Cơ quan Thanh tra, Giám sát ngân hàng.

Đây là Đoàn công tác thường niên của EU-ABC và các công ty thành viên để trao đổi về những vấn đề mà cộng đồng doanh nghiệp châu Âu quan tâm nhằm tìm kiếm cơ hội kinh doanh và thúc đẩy các kênh thương mại, đầu tư giữa Châu Âu và Việt Nam. Buổi làm việc tập trung vào các chủ đề bao gồm: (i) Định hướng chính sách của NHNN; (ii) Những ưu tiên của NHNN về các vấn đề ổn định tài chính, phát triển bền vững trong lĩnh vực ngân hàng, tín dụng xanh, và kế hoạch phổ cập kiến thức tài chính cho người dân và tăng cường năng lực cho khu vực công; (iii) Cập nhật định hướng chính sách của NHNN đối với hoạt động đại lý bảo hiểm của ngân hàng thương mại; (iv) Định hướng chính sách và những vấn đề ưu tiên của NHNN đối với hoạt động tài chính vi mô.

image

Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà phát biểu tại buổi làm việc

 

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà đánh giá cao các buổi làm việc thường niên với EU-ABC và ghi nhận kinh nghiệm và sự tiên phong của EU trong các lĩnh vực như tài chính bền vững, đổi mới công nghệ và đầu tư xanh. Phó Thống đốc cho rằng việc nâng cao mối quan hệ hợp tác giữa ASEAN và EU-ABC là rất cần thiết trong việc nhận diện các thách thức liên quan tới thương mại toàn cầu, chuyển đổi số và biến đổi khí hậu, trong bối cảnh nhiều nước ASEAN đang trải qua giai đoạn khó khăn khi phải nỗ lực cân bằng mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển bền vững.

Chia sẻ về định hướng chính sách của NHNN trong năm 2024, Phó Thống đốc cho biết NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hoà, chặt chẽ với chính sách tài khoá và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng tưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát năm 2024 bình quân khoảng 4-4,5%, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng; đảm bảo an toàn hoạt động của các TCTD.

Cũng trong năm 2024, NHNN tập trung đẩy mạnh triển khai cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu theo Quyết định số 689/QĐ-TTg và Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 nhằm góp phần đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh; Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng, các quy định an toàn hoạt động ngân hàng… theo hướng chặt chẽ, an toàn hơn và phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế.

Về mục tiêu phát triển bền vững trong lĩnh vực ngân hàng, tín dụng xanh, NHNN đã ban hành Quyết định số 1408/QĐ-NHNN ngày 26/7/2023 phê duyệt Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Trong đó, các nhiệm vụ cụ thể dành cho các đơn vị NHNN và các TCTD đã được đặt ra nhằm thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Trong lĩnh vực tài chính vi mô, NHNN đang trong quá trình tham mưu các cấp có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật đối với hệ thống các tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô đảm bảo phù hợp với định hướng của Chính phủ; đồng thời, đảm bảo phát triển hệ thống các tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô hoạt động an toàn, hiệu quả và bền vững theo đúng tôn chỉ, mục đích, mở rộng sự tiếp cận sản phẩm, dịch vụ tài chính đa dạng cho người nghèo, người thu nhập thấp, các doanh nghiệp siêu nhỏ.

Phát biểu tại cuộc họp, Ông Jens Rubbert, thay mặt phía Đoàn EU-ABC cảm ơn NHNN đã dành thời gian làm việc với đoàn và chúc mừng NHNN về thành công trong công tác điều hành chính sách tiền tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô năm 2023. Ông cho rằng NHNN là một nhân tố quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam, góp phần củng cố niềm tin và duy trì sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Phía EU-ABC cũng ghi nhận những nỗ lực của NHNN trong việc ban hành và thực thi Luật TCTD sửa đổi, và đặc biệt là các biện pháp nhằm khơi thông dòng vốn tín dụng cho các tỉnh thành. EU-ABC hy vọng rằng NHNN sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các cam kết liên quan tới kinh tế xanh tại COP26, tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp EU tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực năng lượng.

image

Phó Thống đốc chụp ảnh kỷ niệm với Đoàn Hội đồng Kinh doanh EU- ASEAN

 

Kết luận buổi họp, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho rằng với diễn biến kinh tế trong nước và thế giới biến động khó lường, mục tiêu xuyên suốt của NHNN tiếp tục là bình ổn lạm phát, duy trì tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô nhằm tiếp tục thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Trong quá trình đó, Phó Thống đốc hy vọng EU-ABC sẽ tiếp tục hỗ trợ NHNN trong các lĩnh vực mà cả bên đều quan tâm, bao gồm hợp tác về năng lượng, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và huy động nguồn vốn tư nhân để phát triển hạ tầng.

Vụ HTQT (Ảnh: MT)

Tag:

File đính kèm