Tham dự hội thảo có các đại biểu đến từ các tổ chức chính trị - xã hội, lãnh đạo các cơ quan Bộ, ngành trực thuộc Chính phủ, đại diện lãnh đạo các NHNN chi nhánh, Hiệp hội ngân hàng, cùng đại diện lãnh đạo các tổ chức tín dụng (TCTD), các công ty tài chính tiêu dùng...
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã tập trung thảo luận 03 nội dung chính, bao gồm: (i) Đánh giá thực tiễn phát triển tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân, những đóng góp của tín dụng tiêu dùng trong đẩy lùi “tín dụng đen” và những vấn đề đặt ra hiện nay; (ii) Chia sẻ về các giải pháp, chính sách của Ngành ngân hàng cũng như các bộ, ngành đã triển khai trong thời gian qua nhằm phát triển thị trường tín dụng tiêu dùng lành mạnh, an toàn và bền vững và (iii) Thảo luận, đề xuất các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển lành mạnh thị trường tín dụng tiêu dùng, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của người dân, hỗ trợ hiệu quả cho công tác đẩy lùi tín dụng đen.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn cho biết, tín dụng tiêu dùng luôn đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Trong đó, việc đẩy mạnh cho vay tiêu dùng được xem là một giải pháp thiết yếu góp phần hạn chế việc tiếp cận vốn từ những kênh không chính thức, điển hình là “tín dụng đen”. Theo số liệu thống kê, hiện nay quy mô của thị trường tín dụng tiêu dùng toàn cầu đã tăng trưởng mạnh, đạt khoảng 11 nghìn tỷ đô la năm 2023 và tiếp tục duy trì xu hướng tăng, dự kiến đạt 15 nghìn tỷ đô la trong 5 năm tới.
Mặc dù vậy, cũng theo Phó Thống đốc, cần phải nhìn nhận thẳng thắn một số mặt hạn chế trong hoạt động tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam gần đây, khi đã xuất hiện tình trạng tội phạm lợi dụng môi trường mạng xã hội để tổ chức hội nhóm với mục đích truyền bá, hướng dẫn nhau cách không phải trả nợ, thực hiện hành vi lừa đảo, các công ty mạo danh... những vấn đề này đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động tín dụng tiêu dùng của các TCTD nói riêng và sự phát triển ổn định, lành mạnh của thị trường tín dụng tiêu dùng nói chung.
Bà Nguyễn Thị Hiền – Phó Viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng trình bày tham luận tại Hội thảo
Chia sẻ tại Hội thảo về chủ đề này, Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng cho biết, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã sớm ban hành kế hoạch hành động với 07 nội dung trọng tâm để tiếp cận toàn diện và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động tín dụng, đặc biệt ưu tiên đến việc phát triển theo hướng an toàn, hiệu quả. Trong nhiều năm, thông qua những văn bản chỉ thị, hướng dẫn, NHNN đã chỉ đạo các TCTD xây dựng chương trình tín dụng, các gói cho vay tiêu dùng phù hợp với các nhóm đối tượng khác nhau (cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid...). Bên cạnh đó, NHNN cũng ban hành kế hoạch hành động phù hợp với bối cảnh phát triển thực tiễn, chẳng hạn những chương trình nhằm mục đích đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong lĩnh vực tín dụng (phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, đăng ký vay trực tuyến, nộp hồ sơ ekYC, ký hợp đồng điện tử qua kênh internet/mobile banking...). Đến nay, tổng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng tại Việt Nam đã đạt khoảng 2,8 triệu tỷ đồng, tương đương 20% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, trở thành một phần quan trọng trong cơ cấu tín dụng của hệ thống các TCTD.
Bà Mai Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết thêm, đầu tháng 7 vừa qua, NHNN đã ban hành các Thông tư hướng dẫn, trong đó có Thông tư 12/2024/TT-NHNN (sửa đổi bổ sung Thông tư số 39/2016/TT-NHNN) về hoạt động cho vay của TCTD đã bổ sung quy định về các khoản vay có giá trị nhỏ. Cụ thể, các khoản vay tối đa dưới 100 triệu đồng thì TCTD chỉ cần yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin tối thiểu về mục đích sử dụng vốn vay và khả năng tài chính của khách hàng trước khi quyết định cho vay.
Ông Lê Hồng Phúc, Phó Tổng giám đốc Agribank trình bày tham luận tại Hội thảo
Chia sẻ dưới góc nhìn của một TCTD tiếp cận trực tiếp tới hoạt động tín dụng tiêu dùng ở vùng nông thôn, ông Lê Hồng Phúc, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết, hiện nay hoạt động vay vốn tín dụng tiêu dùng cho người dân đã dễ dàng hơn rất nhiều khi mạng lưới chi nhánh ngân hàng phủ sóng rộng khắp cả nước. Đối với những khu vực vùng sâu, vùng xa không có phòng giao dịch hay chi nhánh, Agribank đã cung cấp những ô tô lưu động thực hiện các hoạt động tín dụng hàng tuần như cho vay, thu nợ, huy động tiết kiệm... Theo ông Phúc, những hoạt động này được triển khai khá nhanh chóng, thuận lợi, thường xuyên và nhận được sự quan tâm của khách hàng, đã góp phần không nhỏ trong công cuộc thúc đẩy tín dụng tiêu dùng, đẩy lùi "tín dụng đen".
Toàn cảnh Hội thảo
Để khai thác được tiềm năng của thị trường tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam và giải quyết những tồn tại, thách thức, tại Hội thảo, các đại biểu, chuyên gia đã đề xuất một số kiến nghị, giải pháp trọng tâm. Đó là tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; tăng cường công tác quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống của các TCTD, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, hướng dẫn việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa hoạt động tín dụng tiêu dùng, tạo điều kiện để TCTD đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, bám sát với nhu cầu thị trường, đồng thời có thể phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm ứng dụng công nghệ cao.
Ngoài ra, các đại biểu tham dự Hội thảo cũng đề xuất cần tăng cường sự phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền các cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng đến mọi tầng lớp nhân dân, giúp hiểu đúng về các kênh cung cấp tín dụng chính thức cũng như thấy được các hệ lụy, hậu quả của “tín dụng đen”. Bản thân các TCTD rà soát, đổi mới phương thức cung cấp thông tin, cách thức tiếp cận khách hàng vay để người dân hiểu đúng, đầy đủ về các sản phẩm, dịch vụ.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn cảm ơn và ghi nhận các ý kiến đóng góp, kiến nghị, đề xuất của các đại biểu tham dự. Theo Phó Thống đốc, thị trường tín dụng tiêu dùng Việt Nam được đánh giá là còn nhiều tiềm năng để phát triển. Vì vậy, để khai thác được tiềm năng của thị trường và giải quyết những tồn tại, thách thức nêu trên, trong thời gian tới, các TCTD phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Công an trong việc kết nối khai thác dữ liệu thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đẩy mạnh các giải pháp ứng dụng dữ liệu này trong hoạt động tín dụng tiêu dùng; Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
HP / Ảnh: MT