Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong những tháng đầu năm 2024, kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Mặc dù kinh tế trong nước xu hướng phục hồi nhưng vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, ảnh hướng lớn đến hoạt động của ngành Ngân hàng. Biểu hiện rõ nhất là tăng trưởng tín dụng của hệ thống các TCTD thấp (mặc dù NHNN và các TCTD đã rất nỗ lực triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy); Lãi suất, tỷ giá chịu nhiều áp lực,.... Tất cả những diễn biến này ảnh hưởng không thuận lợi đến điều hành chính sách tiền tệ của NHNN và hoạt động kinh doanh của các TCTD.
Để triển khai hiệu quả mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo sát sao, quyết liệt. Ban Lãnh đạo NHNN thời gian qua rất quan tâm, tổ chức nhiều buổi làm việc để trao đổi, nắm bắt tình hình thực tiễn, yêu cầu các TCTD thực hiện nghiêm túc chủ trương của nhà nước, đặc biệt, luôn nhấn mạnh vai trò tiên phong, dẫn dắt thị trường của 4 ngân hàng thương mại nhà nước, trong đó có Vietcombank.
Căn cứ diễn biến, tình hình thực tế hiện nay, Ban Lãnh đạo NHNN có buổi làm việc với cán bộ chủ chốt hệ thống Vietcombank để nắm bắt thực tiễn công tác điều hành, kết quả triển khai các giải pháp cụ thể của Vietcombank, đồng thời tìm hiểu các khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất từ cơ sở.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cùng các đồng chí trong Ban Lãnh đạo NHNN chủ trì buổi làm việc
Báo cáo tình hình hoạt động của Vietcombank, đồng chí Lê Quang Vinh - Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành Vietcombank cho biết, bám sát nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ năm 2024, chỉ đạo của NHNN tại Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 15/01/2024 và các văn bản chỉ đạo liên quan, Ban Lãnh đạo Vietcombank quán triệt phương châm hành động “Chuyển đổi - Hiệu quả - Bền vững” và quan điểm chỉ đạo điều hành “Trách nhiệm – Quyết liệt – Sáng tạo” chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, nhất quán xuyên suốt để nỗ lực thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch trong bối cảnh thị trường có nhiều khó khăn. Đến nay, tổng tài sản tăng trưởng 4,3%; Huy động vốn thị trường 1 giảm 1,9% so với cuối năm 2023 do Vietcombank chủ động điều hành để đảm bảo tiết giảm chi phí đầu vào trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng chậm những tháng đầu năm 2024 và do Vietcombank thực hiện theo định hướng giảm lãi suất huy động, duy trì mặt bằng lãi suất huy động thấp.
Dư nợ tín dụng tăng 7,68% so với cuối năm 2023; tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN (TT11) ở mức 1,13%, được kiểm soát phù hợp kế hoạch được giao.
Tại Vietcombank, tốc độ giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhanh hơn lãi suất tiền gửi: So với cùng kỳ 2023, lãi suất cho vay khách hàng VND bình quân 6 tháng 2024 giảm ~2,3 điểm %, trong khi lãi suất huy động vốn (thị trường I) VND bình quân 6 tháng chỉ giảm ~1,5 điểm %. Vietcombank tiên phong và chủ động áp dụng nhiều chính sách ưu đãi giảm lãi suất cho khách hàng. Tổng số tiền lãi đã giảm theo các chương trình giảm lãi suất và áp dụng lãi suất ưu đãi trong 6 tháng đầu năm 2024 khoảng 2.900 tỷ đồng.
Kết quả đánh giá tổng quan 11 chỉ tiêu theo kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính và hiệu quả sử dụng vốn ngân sách nhà nước được NHNN giao cho thấy 8/11 chỉ tiêu đã được Vietcombank thực hiện theo tiến độ; 3/11 chỉ tiêu còn lại đang chậm so với kế hoạch.
Vietcombank đã nhận rõ các thách thức trong thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2024 nên 6 tháng đầu năm đã triển khai các công việc cho từng mảng hoạt động để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động kinh doanh với kỳ vọng đạt được kết quả tích cực hơn trong các tháng còn lại của năm 2024.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng phát biểu tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng cùng các đại biểu dự buổi làm việc đã trao đổi, thảo luận làm rõ hoạt động của Vietcombank trong 6 tháng đầu năm.
Ban lãnh đạo NHNN và cán bộ chủ chốt của Vietcombank cho rằng, Vietcombank đã tiếp tục khẳng định vị thế, uy tín là ngân hàng hàng đầu Việt Nam về chất lượng, hiệu quả hoạt động. Với quy mô tín dụng đứng thứ 4 hệ thống, Vietcombank là một trong các ngân hàng tiên phong, đi đầu trong triển khai các chủ trương, chính sách tiền tệ, tín dụng, lãi suất và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN; góp phần ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tang trưởng kinh tế. Nhờ đó, Vietcombank hoàn thành vượt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 6 đầu năm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (đến 30/6 đạt 7,68%). Kết quả triển khai Chương trình tín dụng 30 nghìn tỷ đồng cho vay lĩnh vực lâm sản, thủy sản, hoạt động tín dụng xanh vượt mức cam kết và kết quả giảm lãi suất huy động, cho vay luôn thuộc nhóm dẫn đầu thị trường.
Cùng với đó, Vietcombank tiên phong triển khai các giải pháp tiên tiến để nâng cao năng lực quản trị hoạt động (đặc biệt là quản trị rủi ro) theo thông lệ quốc tế; tích cực chuẩn bị cho việc áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao, tiến tới Basel III.
Vietcombank có nhiều nỗ lực triển khai các mục tiêu, giải pháp nêu tại phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 theo sát tiến độ đề ra và đã đạt được những kết quả tích cực; đặc biệt là trong việc nâng cao năng lực tài chính và xử lý nợ xấu. Vietcombank tích cực tham gia vào quá trình xử lý các TCTD yếu kém, được kiểm soát đặc biệt theo chỉ đạo của NHNN, đóng góp tích cực trong việc đảm bảo an toàn hoạt động và quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD theo chủ trương của Đảng, Chính phủ.
Mặt khác, Vietcombank tích cực, đổi mới, sáng tạo trong chuyển đổi số, phát triển các dịch vụ ngân hàng số, hệ sinh thái số và đầu tư cho công tác bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật thông tin, góp phần giúp Vietcombank trở thành ngân hàng hàng đầu trong việc mở rộng số lượng khách hàng và tiếp tục phát huy vai trò chủ đạo trong hệ thống thanh toán ngoại tệ.
Vietcombank tích cực triển khai công tác hỗ trợ an sinh xã hội theo chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, NHNN và các cấp có thẩm quyền. Các mặt công tác khác như công tác pháp chế, công tác tổ chức, cán bộ, công tác Đảng, đoàn thể… cũng đang được Vietcombank triển khai tích cực, hiệu quả.
Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành Lê Quang Vinh báo cáo tình hình hoạt động của Vietcombank
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đánh giá cao nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn của cán bộ, công nhân viên, người lao động Vietcombank và đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong thời gian qua. Theo Thống đốc, Vietcombank là một trong những định chế tài chính lớn và lâu đời nhất cả nước, đã và đang từng bước phát triển bền vững, toàn diện cả về quy mô và chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, trước bối cảnh thị trường còn nhiều biến động khó lường, tập thể lãnh đạo và người lao động Vietcombank cần tiếp tục đoàn kết, kiên trì, phát huy lợi thế, thế mạnh sẵn có, biến thách thức thành cơ hội, biến khó khăn thành động lực hành động để phát triển, không ngừng nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của Vietcombank.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, thời gian tới hoạt động của ngành Ngân hàng nói chung, Vietcombank nói riêng còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Do vậy, Thống đốc yêu cầu Ban lãnh đạo các cấp của Vietcombank tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn hệ thống Vietcombank nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động và triển khai nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được giao, đặc biệt là các nhiệm vụ, giải pháp tại các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và NHNN.
Trong đó, Vietcombank tiếp tục phát huy vai trò chủ lực trong triển khai các chủ trương, chính sách tiền tệ, tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN. Tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả, thực chất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, đặc biệt là các giải pháp thúc đẩy tín dụng và giảm lãi suất cho vay. Chủ động tháo gỡ, xử lý các khó khăn, vướng mắc cho khách hàng vay vốn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hiệu quả, thực chất. Đồng thời, kịp thời nhận diện và có các giải pháp phòng ngừa, hạn chế rủi ro tín dụng; Nâng cao trách nhiệm, hiệu quả truyền thông để truyền tải sâu rộng đến các doanh nghiệp, người dân, hiệp hội ngành nghề, các cấp, các ngành, các địa phương về các chương trình, chính sách tín dụng, lãi suất; những khó khăn, thách thức cần các cấp, các ngành, các địa phương, các hiệp hội ngành nghề… cùng chung tay tháo gỡ.
Trong công tác quản trị hoạt động, toàn hệ thống Vietcombank cần thường xuyên rà soát tổng thể các mặt hoạt động để có các giải pháp nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác quản trị hoạt động và kịp thời nhận diện các rủi ro, phát hiện sai phạm, triển khai các giải pháp phòng ngừa, cảnh báo, xử lý nghiêm túc, đúng quy định. Trong đó lưu ý một số vấn đề sau:
Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật và của NHNN liên quan đến công tác quản trị, điều hành, tập trung các khắc phục các tồn tại, hạn chế. Đối với hoạt động cấp tín dụng, đặc biệt quan tâm kiểm soát chặt chẽ, thường xuyên mức độ tập trung tín dụng đối với một khách hàng, nhóm khách hàng và lĩnh vực cho vay, hoạt động cấp tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; thực hiện tốt quản lý nợ xấu và công tác xử lý nợ xấu, không để phát sinh tiêu cực, thất thoát.
Thường xuyên rà soát, đánh giá chất lượng danh mục cấp tín dụng; tăng cường kiểm tra, giám sát việc giải ngân vốn vay, sử dụng vốn vay sau giải ngân, kiểm tra, đối chiếu công nợ của khách hàng (đặc biệt là đối với khách hàng là doanh nghiệp có dư nợ lớn) và phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các địa phương nắm bắt đầy đủ, chính xác các thông tin cần thiết về khách hàng vay vốn. Đối với các hoạt động đầu tư, cần thường xuyên rà soát, nhận diện và có giải pháp phòng ngừa từ sớm, từ xa các rủi ro, vướng mắc, nguy cơ, không để thất thoát vốn nhà nước;…
Quang cảnh buổi làm việc
Đối với công tác phòng, chống rửa tiền: Chấp hành nghiêm túc các quy định về phòng, chống rửa tiền, đặc biệt là Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022. Trong đó, cần quan tâm rà soát, bố trí nguồn nhân lực phù hợp; đào tạo cán bộ có đủ trình độ nhận diện được các giao dịch đáng ngờ từ các giao dịch lớn và kịp thời xử lý hoặc báo cáo các cơ quan chức năng theo quy định; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với công tác này.
Vietcombank tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của Ban Kiểm soát và bộ phận kiểm tra, kiểm toán nội bộ của Vietcombank.
Vietcombank tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đề ra và góp phần cùng toàn Ngành hoàn thành các mục tiêu đặt ra,...
Về công tác an ninh, an toàn, bảo mật thông tin và hệ thống thanh toán, Vietcombank cần tiếp tục chú trọng thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt và bảo đảm an ninh, an toàn, hoạt động liên tục các hệ thống công nghệ thông tin để mang lại nhiều tiện ích hơn cho doanh nghiệp, người dân trong sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, góp phần thực hiện chủ trương chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số của Đại hội đảng lần thứ XIII.
Về công tác thể chế, Vietcombank cần tích cực tham gia vào quá trình hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến hoạt động ngân hàng; Tập trung rà soát, hoàn thiện đầy đủ, đồng bộ các quy định, quy trình nội bộ cho phù hợp với Luật Các TCTD năm 2024 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật; Chủ động rà soát, đề xuất xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh từ các Luật hiện hành có ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng để báo cáo Thống đốc và Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban.
Vietcombank cần tiếp tục làm tốt các mặt công tác khác như công tác tổ chức, cán bộ, công tác Đảng, đoàn thể, công tác truyền thông… Trong đó, đặc biệt quan tâm truyền thông, giải thích về các chủ trương, chính sách, giải pháp điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính Phủ và NHNN để các cấp, các ngành, các địa phương và dư luận xã hội hiểu đúng, hiểu đầy đủ, đồng thuận với mục tiêu, giải pháp điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính Phủ, NHNN; thường xuyên theo dõi, xử lý kịp thời các sự cố truyền thông (nếu có).
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đề nghị ngay sau buổi làm việc, Hội đồng quản trị, Ban Điều hành, Ban Kiểm soát, các tổ chức đảng, đoàn thể của Vietcombank tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị thuộc Vietcombank tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, thực chất các nhiệm vụ được giao, tiếp tục phát huy vai trò chủ đạo trong triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và NHNN, đóng góp tích cực hơn nữa cho sự phát triển chung của đất nước và của Ngành.
Tin: CKH- Ảnh: ĐK