Sign In

Điều hành chính sách tiền tệ đạt được nhiều kết quả quan trọng

18:12 11/11/2024
Sáng ngày 11/11, tại phiên họp chất vấn của Đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã trả lời về công tác điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) nhằm kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới nhiều biến động.


Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn

Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát

Trả lời các vấn Đại biểu Quốc hội quan tâm, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, kể từ Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, là Kỳ họp Thống đốc NHNN trả lời chất vấn các đại biểu đến nay, kinh tế thế giới biến động phức tạp, khó lường. Đại dịch Covid-19 được kiểm soát nhưng hệ lụy và tác động vẫn còn dai dẳng. Căng thẳng chính trị, thương mại gia tăng, lạm phát tăng cao trên phạm vi toàn cầu. Chính sách tiền tệ thắt chặt nhanh và mạnh ở nhiều nước khiến mặt bằng lãi suất thế giới tăng cao.

Trước bối cảnh khó khăn nêu trên, NHNN đã luôn kiên định mục tiêu, bình tĩnh, chủ động theo dõi sát diễn biến kinh tế, tiền tệ quốc tế và trong nước để điều hành các công cụ và giải pháp chính sách với liều lượng, thời điểm hợp lý với từng bối cảnh, phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa với các chính sách kinh tế vĩ mô khác. Hoạt động ngân hàng đã có đóng góp tích cực đối với việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ ngoại hối.

Trên thế giới, diễn biến thị trường tiền tệ biến động phức tạp, đồng đô la Mỹ cũng biến động ở mức cao, tác động mạnh đến thị trường ngoại hối trong nước. Để ổn định thị trường này rất khó khăn, bởi phụ thuộc vào cung cầu ngoại tệ thực, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, quan điểm của NHNN cũng bám sát vào mục tiêu theo luật định, đó là góp phần kiểm soát lạm phát sẽ góp phần ổn định đồng Việt Nam. Việc điều hành tỷ giá và ngoại hối cũng theo hướng phù hợp với diễn biến linh hoạt của thị trường hiện nay, cho phép được dao động biên độ cộng trừ 5%. 

Thống đốc nêu rõ, trong trường hợp tỷ giá có biến động quá lớn, NHNN sẽ kịp thời can thiệp bán ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu cho người dân. Bên cạnh đó, NHNN cũng chú trọng công tác truyền thông để doanh nghiệp và người dân hiểu hiểu rõ về định hướng chính sách.

Đối với việc giảm lãi suất, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, để ổn định tỷ giá mà giảm lãi suất sẽ tác động đến tỷ giá. Vì vậy, thời gian qua NHNN phải cân bằng, thực hiện mục tiêu giảm lãi suất để hỗ trợ cho doanh nghiệp của người dân, nhưng nếu giảm lãi suất quá nhiều sẽ tác động làm tăng tỷ giá, có thể tạo tâm lý không yên tâm của nhà đầu tư nước ngoài nếu tỷ giá không ổn định.

image

Đối với chất vấn của ĐBQH về điều hành lãi suất và quản lý dự trữ ngoại hối, Thống đốc nêu rõ, việc tiếp tục giảm lãi suất hay không hoàng toàn phụ thuộc vào diễn biến kinh tế thế giới, trong nước, đặc biệt là diễn biến về thanh khoản, tình trạng của hệ thống ngân hàng. Thời gian qua, ngành Ngân hàng đã giảm mặt bằng lãi suất khá nhiều so với các nước; Cùng với việc theo dõi tình hình trong nước và thế giới để điều hành lãi suất phù hợp, NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay.

Theo Thống đốc NHNN, khi Fed giảm lãi suất, thoạt đầu có vẻ áp lực đối với tỉ giá và thị trường ngoại hối được giảm bớt, tuy nhiên tỉ giá và thị trường ngoại hối chịu rất nhiều tác động của nhiều yếu tố. Không chỉ yếu tố lãi suất của Fed mà còn phục thuộc vào nhu cầu thực sự của nền kinh tế. Nếu chúng ta cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, cung - cầu thuận lợi thì tỷ giá sẽ thuận lợi hơn. Trên tinh thần kiên định mục tiêu điều hành để ổn định giá trị VND, NHNN sẽ có giải pháp để làm cho VND hấp dẫn hơn, khuyến khích người dân chuyển hóa ngoại tệ sang VND.

Ưu tiên đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, mục tiêu điều hành của NHNN vừa phải góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng vẫn vừa phải đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống Ngân hàng, trong đó an toàn hoạt động của hệ thống Ngân hàng là vấn đề cần phải đặt lên trên hết, trước hết. Bởi, nếu hệ thống các TCTD tiềm ẩn rủi ro, có hệ lụy rất lớn đối với nền kinh tế, bởi tác động lan truyền của nó.

Tăng trưởng tín dụng của Việt Nam có đặc thù là vốn dựa vào hệ thống ngân hàng rất nhiều, nên đã có giai đoạn tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống bình quân trên 30%; có những năm tăng lên đến hơn 50%, dẫn đến hệ lụy và rủi ro đối với hệ thống ngân hàng, nhất là những ngân hàng yếu kém huy động vốn ngắn hạn nhưng lại cho vay trung và dài hạn. Do vậy, NHNN căn cứ vào diễn biến thực tế; và trong nhiều năm qua, NHNN đã áp dụng hạn mức tín dụng để điều hành. khi phân bổ và thông báo hạn mức tín dụng cho các TCTD, NHNN đều phải đánh giá trên cơ sở xếp hạng các TCTD, cũng như khả năng mở rộng tín dụng của các TCTD. Cùng với đó, NHNN thường xuyên giám sát và cảnh báo những TCTD tăng trưởng cao và tiềm ẩn rủi ro.

Cũng liên quan đến vấn đề quản lý tăng trưởng tín dụng, Thống đốc cho biết, sau phiên chất vấn tháng 5/2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 62/2022/QH15. NHNN đã tổ chức các cuộc tọa đàm để phân tích, đánh giá, rà soát kỹ lưỡng về tình hình thực trạng của nền kinh tế Việt Nam hiện nay cũng như tình hình của các TCTD. Xét trong bối cảnh hiện nay, NHNN chưa thể bỏ cách thức điều hành theo hạn mức tín dụng.

Theo Thống đốc NHNN, với thực trạng nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào vốn của hệ thống ngân hàng, nếu chúng ta không kiểm soát, để mỗi TCTD tăng trưởng tín dụng đến vài chục phần trăm như những năm trước đây thì cũng tiềm ẩn những rủi ro. Nhất là khi phân khúc của thị trường tài chính đáp ứng nhu cầu về trung, dài hạn như trái phiếu doanh nghiệp, cổ phần, cổ phiếu…vẫn còn chưa giải quyết được vấn đề về vốn dài hạn, thì việc bỏ hạn mức tín dụng là chưa thực hiện được.

image

Thống đốc cũng nêu rõ, thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã linh hoạt hơn trong các giải pháp đáp ứng nhu cầu tín dụng như: cấp hạn mức tín dụng theo đánh giá, xếp loại của cơ quan thanh tra giám sát NHNN; cân nhắc đối với những mục tiêu ưu tiên của Chính phủ trong từng giai đoạn (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, bất động sản…). Đến cuối năm 2023, NHNN đã thực hiện thông báo tăng trưởng tín dụng của cả năm 2024 cho tất cả các TCTD.

NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2024 là 15%. Tuy nhiên, cần theo dõi diễn biến để có thể điều chỉnh tăng giảm tùy theo tình hình thực tế. Tăng trưởng tín dụng sẽ thường tăng cao trong hai tháng cuối năm. Do đó, khả năng đạt được chỉ tiêu này cũng khả thi cao. Riêng về nợ xấu, nếu nguyên nhân nợ xấu là do yếu tố khách quan thì NHNN cũng khó kiểm soát. Còn về bản thân các TCTD, NHNN đã chỉ đạo tăng cường các biện pháp kiểm soát nợ xấu bằng cách thẩm định kỹ các khoản vay, đối tượng vay, thận trọng, cân đối các nguồn vốn.

Phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ và tài khóa

Liên quan đến nội dung về chiến lược để bảo đảm linh hoạt, khả năng tự chủ chính sách tiền tệ trong dài hạn, Thống đốc cho rằng, Việt Nam là một nền kinh tế mở, có độ mở cửa lớn nhất so với các nước trên thế giới, do đó, các dòng thương mại, đầu tư luân chuyển nhanh, mạnh. Các dòng vốn ngắn hạn có thể tức thời đảo chiều, dòng vốn trung, dài hạn thì khó đảo chiều hơn. Vì thế, điều hành chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới và NHNN Việt Nam đối mặt với áp lực lớn, đòi hỏi ngân hàng trung ương các nước chuẩn bị tâm thế sẵn sàng để ứng phó linh hoạt với các diễn biến, kiên định mục tiêu đề ra, thực hiện giải pháp đồng bộ, linh hoạt, đúng liều lượng, đúng thời điểm, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ ngoại hối. 

Để có thể chuẩn bị từ sớm, từ xa, NHNN và các bộ, ngành đã tăng cường công tác phân tích, dự báo. Tuy nhiên, với những diễn biến khó lường, phức tạp của kinh tế thế giới, thậm chí công tác dự báo cũng trở nên rất khó khăn. Điều quan trọng hơn nữa, vì chính sách tiền tệ chỉ là một trong các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, thường được sử dụng để giải quyết các vấn đề ngắn hạn, nên rất cần phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để xác định được mức độ, liều lượng phù hợp của từng chính sách.

CKH

Tag:

File đính kèm