Tại buổi làm việc, Đồng chí Ngô Hồng Phước, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Kiên Giang báo cáo thời kỳ 2021-2025, thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN, đồng thời phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) địa phương theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ngân hàng Kiên Giang đặt ra ba trụ cột mục tiêu: (i) Nâng cao kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động ngân hàng. (ii) Không ngừng cải thiện môi trường hoạt động đảm bảo hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang phát triển an toàn, bền vững. (iii) Nâng cao hiệu quả hoạt động ngân hàng phục vụ phát triển KT-XH tỉnh Kiên Giang, tối ưu hóa lợi ích xã hội trên cơ sở hài hòa lợi ích của Khách hàng và Ngân hàng. Bám sát các trụ cột mục tiêu, kết quả hoạt động ngân hàng trên địa bàn luôn đáp ứng yêu cầu của địa phương, được lãnh đạo tỉnh ghi nhận và đánh giá cao, góp phần quan trọng vào sự phát triển KT-XH của tỉnh.
Đến nay, toàn tỉnh hiện có 51 tổ chức tín dụng (TCTD) hoạt động (gồm 32 Ngân hàng và 19 Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND)), trong đó có 01 trụ sở chính Ngân hàng TMCP Kiên Long.
Quang cảnh buổi làm việc
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, ngành Ngân hàng Kiên Giang đã nỗ lực triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng qua tăng cường chỉ đạo, giám sát theo phương châm không để tổ chức, cá nhân có phương án, dự án khả thi, đủ điều kiện vay vốn không tiếp cận được vốn vay; phối hợp các ngành để tập trung khơi thông các kênh tiềm năng như kinh tế nông nghiệp, nông thôn, sản phẩm OCOP…;tăng cường truyền thông lãi suất, các chương trình tín dụng ưu đãi, sản phẩm tín dụng ưu đãi và đẩy mạnh thực hiện Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp thường xuyên, xuyên suốt trong chỉ đạo, điều hành. Nhờ vậy, tín dụng trên địa bàn tăng 1,3% so cuối năm 2023, đạt 117.312 tỷ đồng, đảm bảo cung ứng kịp thời, thông suốt, tập trung vốn phục vụ sản xuất kinh doanh tại địa bàn (chiếm trên 78% tổng dư nợ, tăng 2,86% so cuối năm 2023), các lĩnh vực ưu tiên, các cơ chế, chính sách tín dụng, các động lực tăng trưởng của tỉnh tiếp tục tăng trưởng khá (tín dụng nông nghiệp nông thôn tăng 1,1%; xuất khẩu tăng 2,97%; tín dụng chính sách xã hội tăng 3,56% ).
Đồng chí Ngô Hồng Phước, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh cho biết thêm, các TCTD trên địa bàn tích cực triển khai các chương trình tín dụng trọng điểm theo ngành, lĩnh vực và đạt được một số kết quả nhất định; các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng như cơ cấu lại lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN, tiếp tục giảm lãi suất cho vay (mức giảm khoảng 0,5%/năm so cuối năm 2023).
Đề án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu trên địa bàn tiếp tục được đẩy mạnh. Công tác thanh tra, giám sát tiếp tục được tăng cường nhằm phòng chống ngăn ngừa vi phạm pháp luật, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng trên địa bàn. Thông qua đó, nổi lên một vấn đề đáng lưu ý và kịp thời đưa ra khuyến cáo, cảnh báo đối với các TCTD trên địa bàn.
Các dịch vụ thanh toán được chú trọng phát triển, tiến trình thực hiện Đề án thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số trong ngành ngân hàng trên địa bàn gắn với xây dựng xã hội số tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt; công tác quản lý nhà nước về chấp hành hoạt động ngoại hối, kinh doanh vàng theo hướng tăng cường kiểm tra giám sát, góp phần ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và thị trường vàng trên địa bàn; tăng cường hiệu quả truyền thông và phối hợp; công tác cải cách hành chính được triển khai thực hiện tốt, giúp tổ chức tín dụng, doanh nghiệp thuận lợi trong hoạt động, tiết kiệm thời gian, chi phí.
Phát biểu kết luận, Đồng chí Đào Minh Tú, Phó Thống Thường trực biểu dương và ghi nhận sự chỉ đạo tích cực và quản lý tốt của NHNN chi nhánh tỉnh trên địa bàn, nhất là trong công tác phối hợp với địa phương. Phó Thống đốc cũng đánh giá cao sự tích cực và nhìn nhận đánh giá thẳng thắn của các TCTD trên địa bàn.
Về nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới, Phó Thống đốc yêu cầu ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang các nội dung cụ thể:
Về phía các TCTD trên địa bàn, Phó Thống đốc đề nghị:
Thứ nhất, cần nhận thức trách nhiệm của bản thân từng TCTD, trách nhiệm đối với doanh nghiệp (bao gồm doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hộ nông dân, cá nhân…) và trách nhiệm đối với xã hội (trách nhiệm cộng đồng).
Thứ hai, thấm nhuần quan điểm hành động của Thủ tướng “Biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”, mạnh dạn hành động tập trung tín dụng, tăng cường tín dụng cho vay nhưng không hạ chuẩn tín dụng, hỗ trợ cho doanh nghiệp nhưng phải đảm bảo an toàn. Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của NHNN trong việc phân loại, đánh giá khách hàng để có hành xử đúng và kịp thời có đề xuất với chính quyền địa phương, NHNN và Hội sở chính.
Thứ ba, giảm lãi suất và các loại phí công khai, minh bạch bằng cách tiết kiệm chi phí, chủ động tích cực, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa ngân hàng và doanh nghiệp.
Thứ tư, bên cạnh Hội nghị kết nối phạm vi lớn do NHNN chi nhánh tổ chức, bản thân các TCTD cần tiếp tục kết nối ngân hàng - doanh nghiệp theo từng phân khúc cụ thể.
Thứ năm, đề nghị nêu cao đạo đức nghề nghiệp, kịp thời nắm bắt và có hướng xử lý nghiêm đối với các vấn đề tiêu cực, vi phạm kỷ cương, kỷ luật thị trường. Đoàn kết, cạnh tranh lành mạnh trên cơ sở chỉ đạo điều phối NHNN.
Thứ sáu, tiếp tục thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN trên cơ sở đánh giá thực hiện đúng quy định, sát với thực tế nhưng không để phát sinh lợi dụng. Tiếp thu đầy đủ các hướng dẫn văn bản dưới luật mới và các cơ chế chính sách mới đảm bảo thực hiện đầy đủ, đúng quy định.
Thứ bảy, đẩy mạnh các chương trình tín dụng như: Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay đối với chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; khai thác triệt để chương trình tín dụng 30.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản…
Phó Thống đốc nhấn mạnh, tiếp tục thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính, cơ chế về tài sản bảo đảm, hạn mức tín dụng.
Đối với công tác truyền thông Phó Thống đốc cho biết, sắp tới NHNN ban hành Quy chế hoạt động truyền thông ngành Ngân hàng, nhằm đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong hoạt động truyền thông, phát ngôn, cung cấp thông tin và xử lý thông tin trong ngành Ngân hàng, góp phần nâng cao nhận thức, niềm tin công chúng, ổn định hoạt động tiền tệ và ngân hàng…
Về phía NHNN chi nhánh tỉnh Kiên Giang, Phó Thống đốc đề nghị NHNN chi nhánh chủ động phân tích, đánh giá kinh tế của tỉnh, tư vấn cho chính quyền địa phương. Tập trung xử lý vấn đề nóng; tháo gỡ khó khăn nhất là trong lĩnh vực ưu tiên, các vấn đề tỉnh quan tâm; theo dõi chỉ đạo đôn đốc nhằm thiết lập trật tự kỷ cương trong điều hành. Là trung tâm đầu mối tháo gỡ khó khăn cho ngân hàng; rà soát, đánh giá hoạt động của các TCTD có dư nợ thấp. Tiếp tục triển khai Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp thường xuyên/ truyền thông qua nhiều hình. Thanh tra kiểm tra thực hiện tăng cường, xử phạt nghiêm minh.
PV