Phát biểu tại Diễn đàn, Bà Lữ Thị Thu Hiền, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dự trữ ngoại hối nhà nước (NHNN) nhận định, trước bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, mang đến những thay đổi to lớn trong mọi khía cạnh của đời sống từ kinh tế, xã hội đến văn hóa…, đặc biệt đối với ngành tài chính – ngân hàng, sức mạnh chuyển đổi của tiền kỹ thuật số trong hệ thống thanh toán và vai trò quan trọng của chuẩn điện ISO20022 đã góp phần định hướng cho thị trường tài chính trong tương lai.
ISO20022 được biết đến là bộ chuẩn điện quốc tế phục vụ cho giao tiếp trong các lĩnh vực thanh toán, chứng khoán, đầu tư cũng như thương mại quốc tế cho phép xử lý liền mạch các giao dịch thanh toán. Khả năng tích hợp và cấu trúc dữ liệu của nó giúp nâng cao tính minh bạch, tốc độ và bảo mật của các giao dịch, tạo nền tảng vững chắc cho hệ sinh thái tài chính kỹ thuật số. Tuy nhiên, hành trình hướng tới một hệ sinh thái tài chính không biên giới này cũng tồn tại nhiều khó khăn, thách thức xuất phát từ các mối đe doạ an ninh mạng luôn hiện hữu, đòi hỏi các tổ chức, cơ quan quản lý phải điều chỉnh khuôn khổ các quy định liên quan đến phòng chống rửa tiền (AML), xác minh thông tin khách hàng (KYC) để bảo vệ cho hệ thống thanh toán cũng như quyền lợi của người dùng.
Bà Lữ Thị Thu Hiền, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dự trữ ngoại hối nhà nước (NHNN) phát biểu tại Diễn đàn
Hiện nay, tổ chức Swift đã thông báo thời hạn chấm dứt sử dụng chuẩn điện MT đối với các điện thanh toán xuyên biên giới, tuy nhiên, để đảm bảo quá trình chuyển đổi diễn ra suôn sẻ, hệ thống vẫn cho phép sử dụng song song cả hai định dạng tin điện cũ (MT) và mới theo ISO 20022 (MX) tới tháng 11 năm 2025. Việc triển khai chuẩn điện ISO20022 đòi hỏi các ngân hàng cần chuẩn bị, đánh giá kỹ lưỡng và đầu tư nguồn lực triển khai một cách nghiêm túc để sẵn sàng nhận và gửi điện MX trước thời hạn tháng 11/2025.
Tại phiên thảo luận của Diễn đàn, chuyên gia của Swift và đại diện 03 tổ chức tín dụng đã triển khai thành công bộ chuẩn điện ISO 20022 (bao gồm BIDV, Citibank và HSBC) cùng nhau trao đổi, chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn, trong quá trình triển khai áp dụng ISO 20022 cũng như các lợi ích mà chuẩn điện ISO20022 mang lại. Các ngân hàng đều đồng thuận rằng, ISO 20022 đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống thanh toán của ngành ngân hàng, mở rộng kết nối và khả năng liên thông các hệ thống thanh toán, nâng cao tính minh bạch cũng như đơn giản hoá các quy trình nghiệp vụ. Tuy nhiên, để triển khai áp dụng chuẩn điện ISO20022 một cách hiệu quả, mỗi ngân hàng cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá mức độ ảnh hưởng của chuẩn điện mới đối với các hệ thống/phân hệ và qui trình nghiệp vụ xử lý giao dịch của ngân hàng mình, nên thực hiện triển khai theo từng phần, và thực hiện việc kiểm thử toàn qui trình (end to end) thật kỹ lưỡng. Đây là một dự án chuyển đổi chuẩn điện hết sức phức tạp, yêu cầu các ngân hàng đặc biệt chú ý để thực hiện đúng tiến độ theo yêu cầu của tổ chức Swift. Đồng thời, các diễn giả cũng đưa ra những bài học thực tế, lời khuyên hữu ích về mặt công nghệ, kỹ thuật xuất phát từ kinh nghiệm triển khai của các tổ chức tín dụng, đặc biệt là ứng dụng sinh trắc học, trí tuệ nhân tạo AI trong quản lý rủi ro, an ninh mạng hướng tới “hệ thống thanh toán không biên giới” thông suốt, liền mạch.
HY Ảnh: Mạnh Thắng