Sign In

Cổng thông tin điện tử

Đảng Cộng sản Việt Nam

Tránh hình thức trong kiểm điểm

13:06 24/10/2023
(ĐCSVN) - Thời điểm này, các cấp ủy, tổ chức đảng trong cả nước đang chuẩn bị bước vào thực hiện việc kiểm điểm tập thể, cá nhân gắn với đánh giá phân loại tổ chức đảng, đảng viên cuối năm. Làm thế nào để công việc này thật sự thực chất, tránh hình thức là vấn đề không thể không đặt ra?

leftcenterrightdel
Kiểm điểm, đánh giá, xếp loại tổ chức Đảng, đảng viên cuối năm là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng cũng như chất lượng đội ngũ đảng viên. 

Kiểm điểm, đánh giá, xếp loại tổ chức Đảng, đảng viên cuối năm là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng cũng như chất lượng đội ngũ đảng viên; góp phần thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở từng địa phương, đơn vị, đặc biệt, khắc phục được các hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy.

Những năm qua, công tác quan trọng này luôn được các cấp ủy, đảng viên thực hiện nghiêm túc. Theo đó, nhiều đơn vị đã có văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết về kiểm điểm và đánh giá xếp loại đối với tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo quản lý hằng năm với tinh thần, lấy kết quả kiểm điểm của tập thể làm cơ sở để kiểm điểm cá nhân; lấy kết quả kiểm điểm của cá nhân để bổ sung, hoàn chỉnh kiểm điểm tập thể...

Qua việc kiểm điểm, đánh giá phân loại tổ chức đảng, đảng viên một cách khách quan, thực chất đã giúp mỗi đảng viên có ý thức “tự soi, tự sửa”, phấn đấu rèn luyện, tu dưỡng và thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của đơn vị, của mỗi đảng viên..

Thế nhưng, vẫn phải nhìn nhận thẳng vào sự thật đó là vẫn còn một số cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên… còn chưa nhận thức đầy đủ và thờ ơ về mục đích, ý nghĩa của việc kiểm điểm, đánh giá chất lượng cuối năm. Từ đó dẫn đến công tác chuẩn bị kiểm điểm tập thể, cá nhân ở một số nơi chưa thật tốt, quá trình kiểm điểm chưa sâu, chưa thẳng thắn, vẫn còn tình trạng né tránh, nể nang, ngại va chạm. Việc xếp loại đảng viên có nơi còn có biểu hiện bệnh thành tích, “dễ người dễ ta”.

Thậm chí có đảng viên copy lại báo cáo của năm cũ. Điều này đồng nghĩa với những ưu điểm, hạn chế của cả một năm chỉ được “di truyền” từ năm nọ sang năm kia. Và như thế phần giải pháp khắc phục hạn chế cũng được “bê” từ năm này sang năm khác, người đảng viên chỉ làm kiểm điểm kiểu đối phó, làm cho xong chứ không thực hiện các giải pháp khắc phục triệt để những hạn chế của cá nhân.

Chưa hết, một số báo cáo kiểm điểm tập thể, cá nhân còn chung chung hoặc chủ yếu nêu thành tích, chưa xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân đối với những khuyết điểm, hạn chế. Một số nơi kiểm điểm tập thể chưa gắn với trách nhiệm cá nhân… Lại có nơi chỉ tập trung kiểm điểm việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn mà chưa quan tâm đúng mức đến kiểm điểm tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống nên việc phát hiện, ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chưa được kịp thời…

Để kịp thời khắc phục những hạn chế nêu trên, ngày 4/10/2023, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quy định số 124-QĐ/TW về kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị. Quy định 124-QĐ/TW thay thế cho Quy định số 132-QĐ/TW ngày 8/3/2018. Quy định 124 gồm 4 chương và 19 điều, giảm 1 điều so với Quy định 132 nhưng lại bổ sung nhiều nội dung mới.

Theo đó, mục đích của Quy định số 124-QĐ/TW nhằm nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, tự soi, tự sửa, thấy được ưu điểm để phát huy, hạn chế, khuyết điểm để khắc phục; chủ động phát hiện, ngăn chặn biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, tổ chức, cơ quan, đơn vị nhất là người đứng đầu và từng cán bộ, đảng viên; bảo đảm trung thực, công tâm, khách quan, công khai, đạt được kết quả thực chất.

Nội dung đặt ra của việc kiểm điểm đảng viên là làm rõ kết quả đạt được, khuyết điểm, yếu kém, hạn chế và nguyên nhân, giải pháp cũng như thời gian khắc phục.

Đáng lưu ý, Quy định nhấn mạnh đến việc lấy kết quả đánh giá, xếp loại của tập thể làm căn cứ để xác định tỷ lệ các mức xếp loại của đơn vị, cá nhân trực thuộc; lấy kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức làm cơ sở liên thông trong đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên; qua đó để có cơ sở xây dựng các tiêu chí đánh giá, xếp loại theo hướng giảm định tính, tăng định lượng thông qua sản phẩm cụ thể, bảo đảm sự khách quan, công bằng trong đánh giá, xếp loại.

Đồng thời bổ sung căn cứ kiểm điểm, đánh giá, xếp loại nội dung về: Tính gương mẫu, ý thức tổ chức kỷ luật, văn hóa giao tiếp, tác phong, lề lối làm việc của cá nhân; tinh thần đổi mới, năng động, sáng tạo vì lợi ích chung để đồng bộ với các quy định của Bộ Chính trị.

Đối với cá nhân là người đứng đầu, ngoài những nội dung kiểm điểm cá nhân để xác định trách nhiệm, thẩm quyền của người đứng đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ, còn phải kiểm điểm rõ nhiều nội dung, như: Khả năng quy tụ, đoàn kết nội bộ và xử lý những vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm; kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương của Đảng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương. Sự gương mẫu của vợ, chồng, con trong chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước....

Thiết nghĩ, để Quy định số 124-QĐ/TW thực sự phát huy hiệu quả, trước hết mỗi cấp ủy và bản thân từng đảng viên cần nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác đánh giá chất lượng hằng năm. Vấn đề này cũng đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ra rất rõ: “Việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình cần được chuẩn bị thật chu đáo, chỉ đạo tỉ mỉ, chặt chẽ; tiến hành nghiêm túc, thận trọng; làm đến đâu chắc đến đó, đạt kết quả cụ thể, thực chất. Hết sức tránh làm lướt, làm qua loa, hình thức, chiếu lệ. Khắc phục tình trạng xuê xoa, nể nang, thậm chí biến cuộc họp tự phê bình và phê bình thành nơi vuốt ve, ca tụng lẫn nhau; đồng thời cũng ngăn chặn, tránh tình trạng lợi dụng dịp này để “đấu đá”, “hạ bệ” nhau với những động cơ không trong sáng”.

Cùng với đó, cần bám sát những điểm mới theo Quy định số 124-QĐ/TW để xây dựng kế hoạch kiểm điểm tập thể, cá nhân. Thực hiện đánh giá đa chiều, chặt chẽ, công khai, đúng quy trình, nguyên tắc, theo tiêu chí, bằng sản phẩm cụ thể, có sự so sánh giữa các vị trí tương đương và công khai kết quả.… Và trong quá trình này, người đứng đầu cấp ủy phải thật sự làm gương.

Có thể nói, công tác kiểm điểm, đánh giá, xếp loại tổ chức đảng, đảng viên cuối năm chính là dịp để mỗi tổ chức đảng, đảng viên tự soi, tự sửa lại mình. Kết quả kiểm điểm cũng là căn cứ quan trọng để quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ; góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên… Chính vì vậy, mỗi tổ chức đảng và bản thân mỗi cán bộ, đảng viên cần nêu cao hơn nữa tinh thần tự phê bình và phê bình, thật sự phát huy tính dân chủ trong đảng. Có như vậy công tác kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể, cá nhân mới thật sự nghiêm túc, thực chất, đạt hiệu quả cao.

Đặc biệt, ngay sau kiểm điểm, xếp loại chất lượng đảng viên, mỗi cấp ủy và cán bộ, đảng viên phải xây dựng kế hoạch, xác định rõ các giải pháp khắc phục hạn chế, yếu kém, khuyết điểm. Và quan trọng hơn cả vẫn là thực hiện kế hoạch đó một cách nghiêm túc, bằng tất cả tinh thần của người đảng viên chân chính.../.

Thu Hà

Tag:

File đính kèm