Cán bộ, đảng viên mắc bệnh này sẽ đánh mất vai trò tiên phong, vì làm việc gì cũng mưu cầu vụ lợi, mánh khóe, nơm nớp lo âu bị phanh phui. Đây là mối nguy trong Đảng cần phải triệt hạ tận gốc bằng những giải pháp mạnh mẽ, trong đó chú trọng xây dựng nền đạo đức chính trị, liêm chính, công minh.
Trăm thứ hệ lụy dai dẳng
Bệnh “nhận vơ” thành tích, đùn đẩy, lo sợ trách nhiệm đẻ ra trăm thứ tác hại trong đời sống cán bộ, đảng viên hiện nay, song hệ lụy trước tiên đó là làm băng hoại đạo đức, biến con người thành cá nhân chủ nghĩa, gây mất đoàn kết nội bộ. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều lần người đứng đầu Đảng ta đã nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải giữ gìn phẩm chất trong sáng.
Sự hoài nghi, đố kỵ, ghen ghét, sợ người khác, tổ chức khác hơn mình nên lúc nào cũng tìm mọi cách để “đứng trên đầu, trên cổ” người ta, bằng các thủ đoạn chạy chọt, vơ vét thành tích, đùn đẩy trách nhiệm cho người khác... Nhưng tiếc thay, thành tích mà họ có được là thành tích ảo, sức mạnh giả tạo. Đây chính là căn nguyên làm mất sự dân chủ, đoàn kết nội bộ, gây mất niềm tin trong cán bộ đảng viên, quần chúng nhân dân.
|
Tranh của MẠNH TIẾN |
Ở góc độ kinh tế-xã hội, bệnh “nhận vơ” thành tích, đùn đẩy, lo sợ trách nhiệm cũng chính là hành vi tham nhũng, gây thiệt hại về vật chất cho Đảng, Nhà nước, kìm hãm sự phát triển nói chung. Bởi thông thường những cán bộ, đảng viên mắc phải căn bệnh này thì lòng tham không đáy. Một khi họ đã tranh được công, đổ được tội, thu lợi bất chính thì sẽ tiếp tục có những hành động tham ô khác, không từ một thứ gì miễn là vun vén lợi lộc cho mình. Các chuyên gia cũng nhận định, căn bệnh vơ thành tích, đùn đẩy trách nhiệm này cũng sẽ gián tiếp tác động đến việc ban hành chính sách. Hay nói cách khác để có lợi cho bản thân, họ sẽ “chạy” các chính sách theo hướng mang lợi cho họ, không nghĩ đến tập thể.
Trong bối cảnh hiện nay, tình trạng đùn đẩy, sợ trách nhiệm diễn ra khá phổ biến, có tác động trực tiếp tới sự phát triển của các lĩnh vực, ngành và sự vững mạnh của các tổ chức. Căn bệnh lo sợ trách nhiệm khiến cán bộ, đảng viên không dám làm, triệt tiêu sự sáng tạo, đổi mới; làm cho nhiều công việc trở nên trì trệ, ách tắc, không khai thông được nguồn lực, kìm hãm sự phát triển.
Tại Kỳ họp Quốc hội lần thứ bảy, khóa XV mới đây, lý giải nguyên nhân vì sao đầu tư công sau 4 tháng đầu năm 2024 chỉ đạt 17,46% kế hoạch, trong đó hơn 310 dự án có tỷ lệ giải ngân 0%; 28 địa phương giải ngân dưới mức trung bình của cả nước? Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng một phần là do tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm còn khá nặng nề. Hệ quả là làm chậm quá trình phát triển của tổ chức, sự tiến bộ của cá nhân, nghiêm trọng hơn làm giảm sút niềm tin trong quần chúng với Đảng, Nhà nước, chế độ.
Đấu tranh ngăn chặn căn bệnh “nhận vơ” thành tích, đùn đẩy, lo sợ trách nhiệm là nhiệm vụ cấp bách của Đảng ta hiện nay. Bởi như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng”. Một trong những điểm mới nổi bật ở Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đó là đã đề ra mục tiêu trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng: Kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"...
Theo số liệu của Ban Nội chính Trung ương, trong năm 2023, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 19 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; thi hành kỷ luật 105 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó 22 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến tháng 2-2024. Trong số đó, không ít cán bộ, đảng viên từng là những tấm gương với nhiều thành tích.
Liều kháng sinh điều trị căn bệnh nguy hại
Đấu tranh với căn bệnh “nhận vơ” thành tích, đùn đẩy, lo sợ trách nhiệm là nhiệm vụ cấp bách nhưng không phải ngày một, ngày hai. Bởi đây là cuộc chiến mà "địch" ở phía bên trong ta, không có giới tuyến rõ ràng, phức tạp vì khó nhận định tội; cần phải kiên trì, kiên quyết, lâu dài, vừa xây, vừa chống. Và đặc biệt là cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, từ thay đổi nhận thức chính trị đến hành động.
Trước hết, các tổ chức đảng cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, nhất là biểu hiện tranh thành tích, đùn đẩy trách nhiệm. Thực tế, rất nhiều cán bộ, đảng viên vẫn nhận thức mơ hồ, cho rằng “vơ thành tích”, “đùn đẩy trách nhiệm” là làm lợi cho tập thể mình.
Đó là cách lý giải ngụy biện bởi thành tích ảo để lại trăm hệ lụy, về lâu dài làm suy yếu sức mạnh của Đảng. Do vậy, các tổ chức đảng cần thường xuyên đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, nhất là thông qua hội họp, sinh hoạt hoặc lồng ghép vào các hoạt động phong trào, giúp cán bộ, đảng viên nâng cao nhận thức về những chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới theo Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9-5-2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Song cùng với đó, để tránh việc đùn đẩy trách nhiệm, mỗi cán bộ, đảng viên không ngừng phát huy trách nhiệm của bản thân trong tự phê bình và phê bình, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt đảng. Một mặt cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa; phát huy những điểm mạnh, tự sửa những khuyết điểm, hạn chế; mặt khác đóng góp cho đồng đội trên tinh thần xây dựng, phê bình việc chứ không phê bình người; cùng nhau học tập, nâng cao chất lượng công tác, tiến bộ. Đây cũng là giải pháp nâng cao sức chiến đấu của tổ chức đảng trước những thói hư, tật xấu.
Để chữa bệnh lo sợ trách nhiệm đòi hỏi phải có cơ chế chính sách khuyến khích, đãi ngộ cán bộ, đảng viên trong thực thi nhiệm vụ. Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14-KL/TW ngày 22-9-2021 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung với những tư duy mới. Trong đó có một điểm rất đáng chú ý đó là đề cao cán bộ: Dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm.
Trên tinh thần này, mỗi cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần 4 “dám”, đặc biệt là dám chịu trách nhiệm. Mặt khác cấp ủy, tổ chức đảng cần có đánh giá khách quan về cán bộ 4 dám, vì thực tế cán bộ xông xáo, dám nghĩ dám làm thì dễ sai, thậm chí nhiều lần sai, do vậy cần phải công tâm khách quan, vừa giúp cán bộ, đảng viên nhận ra khuyết điểm, lại vừa giúp họ sửa sai, đột phá, sáng tạo vì tập thể; đồng thời có các chính sách đãi ngộ để họ phát huy sáng tạo, đổi mới.
Các tổ chức đảng cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên. Thời gian qua, không ít cán bộ sai phạm nhưng ngay trong tập thể không phát hiện ra; thậm chí che giấu, sợ liên lụy mất thành tích, rồi “mũ ni che tai”, “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Điều này cho thấy công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng chưa làm tròn trách nhiệm.
Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” viết năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng răn dạy: “Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi”. Trên tinh thần ấy, mỗi tổ chức đảng cần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiên quyết loại trừ ra khỏi đảng những cán bộ, đảng viên tranh công, đổ lỗi; động cơ không trong sáng, gian dối, để giữ gìn sự trong sạch của tổ chức đảng. Đồng thời, phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong giám sát, kiểm tra cán bộ, đảng viên.
Để xảy ra căn bệnh “nhận vơ” thành tích, đùn đẩy, lo sợ trách nhiệm cũng phải nhìn nhận thẳng vấn đề đó là công tác thi đua, khen thưởng thời gian qua chưa thực sự hữu hiệu. Bằng chứng là nhiều nơi, khen thưởng chưa kịp thời, chưa đúng người, cào bằng, thậm chí thiếu chính xác, dẫn đến chưa tạo động lực phấn đấu. Giải quyết vấn đề này, vừa qua Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2024 với nhiều điểm mới, đột phá.
Theo đó, việc khen thưởng cần bảo đảm tính toàn diện, hợp lý; đúng nguyên tắc, quy trình; hướng về cơ sở, người trực tiếp lao động; trên quan điểm thành tích đến đâu khen thưởng đến đó, khen thưởng phải kịp thời từ những việc làm tốt, hành động ý nghĩa; tạo động lực cho cán bộ, đảng viên có niềm tin, động lực thi đua mới bằng khả năng của mình.
Trị bệnh chủ nghĩa cá nhân nói chung, bệnh “nhận vơ” thành tích, đùn đẩy, lo sợ trách nhiệm nói riêng là nhiệm vụ lâu dài của Đảng ta. Trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, công việc này càng quan trọng, cấp thiết, đòi hỏi sự kiên trì, kiên quyết của cả hệ thống chính trị, có như vậy mới đạt được như kỳ vọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Mỗi cá nhân cũng trở nên tốt hơn, phát huy được nhiều hơn phẩm chất và năng lực của mình”.
“Thành công ít, thì suýt ra nhiều. Còn khuyết điểm thì giấu đi, không nói đến. Thành thử cấp trên không hiểu rõ tình hình mà đặt chính sách cho đúng” (Chủ tịch Hồ Chí Minh). |
Theo QĐND