Sign In

Cổng thông tin điện tử

Đảng Cộng sản Việt Nam

Luật Thủ đô (sửa đổi): Tạo cơ chế vượt trội, đột phá để giải quyết các bất cập

21:42 12/12/2023
 

Chọn cỡ chữ A a  

 

   

(ĐCSVN) - Luật Thủ đô sửa đổi phải xây dựng các cơ chế đặc thù, vượt trội, đột phá, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện để xây dựng, phát triển Thủ đô xứng đáng với vị trí là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp và an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.

leftcenterrightdel
Các đại biểu tại buổi tọa đàm. 

Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2012 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2013. Đây là văn bản pháp lý quan trọng quy định vị trí, vai trò, trách nhiệm và chính sách xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô. Tuy nhiên, qua hơn 10 năm thi hành Luật Thủ đô, việc thực hiện một số mục tiêu, giải pháp, quy định được đề ra trong Luật còn nhiều tồn tại, hạn chế đòi hỏi cần thiết xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Thủ đô hiện hành; tăng tính chủ động, tự chủ và xây dựng hệ thống chính trị của Hà Nội thực sự tinh gọn, hiệu quả.

Theo dự kiến, Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ hoàn thành trước ngày 31/12/2023 với mục tiêu khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Thủ đô hiện hành; tăng tính chủ động, tự chủ và xây dựng hệ thống chính trị của Hà Nội thực sự tinh gọn, hiệu quả. Sau đó, sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Để chuẩn bị cho việc sửa đổi Luật Thủ đô, thời gian qua, Thành phố Hà Nội đã tiến hành đồng thời tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 6/1/2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011-2020 và đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, yêu cầu mới phát triển Thủ đô theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW cao hơn trước, bởi Hà Nội không chỉ là Thủ đô của cả nước mà còn là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ của quốc gia. Đặc biệt là phát triển Hà Nội trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

Đặc biệt, trong lần sửa đổi này, dự thảo Luật Thủ đô có nhiều quy định mang tính đột phá để tạo cơ hội phát triển xứng tầm cho Hà Nội cũng như góp phần thúc đẩy liên kết và phát triển Vùng Thủ đô. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với hai vị khách mời. Đó là:

- Luật gia Nguyễn Hồng Tuyến, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Hà Nội

- PGS.TS Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội.

PV: Câu hỏi đầu tiên xin được gửi tới Luật gia Nguyễn Hồng Tuyến. Luật Thủ đô 2012 thực hiện đã hơn 10 năm, trong quá trình thực hiện Luật Thủ đô, Hà Nội đã đạt những kết quả quan trọng, rất đáng khích lệ đóng góp vào sự phát triển của Thủ đô về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục… Vậy vì sao chúng ta hướng đến mục tiêu sửa đổi Luật Thủ đô lần này?

leftcenterrightdel
Luật gia Nguyễn Hồng Tuyến: Mục tiêu xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi, đó là phải xây dựng các cơ chế đặc thù, vượt trội, đột phá, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện Luật Thủ đô

Luật gia Nguyễn Hồng Tuyến: Chúng ta hướng tới sửa đổi Luật Thủ đô lần này vì 2 lí do. Thứ nhất, vào năm 2022, Bộ Chính trị đã ban hành 3 nghị quyết về phát triển Thủ đô và liên quan đến phát triển Thủ đô. Đó là Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong Nghị quyết 15 xác định mục tiêu đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là thành phố văn hiến, văn minh, hiện đại và trở thành trung tâm động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới; phấn đấu phát triển ngang tầm với Thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Vào ngày 24/1/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong Nghị quyết 06 đã xác định là xây dựng, tổ chức thực hiện đầy đủ, đồng bộ các thể chế, cơ chế, chính sách để phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành Thủ đô thông minh, hiện đại, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa trong liên kết vùng, đô thị trong cả nước.

Ngày 23/11/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 30-NQ/TW, về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong Nghị quyết 30 cũng xác định là phải hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển vùng mang tính đột phá, xây dựng thể chế để liên kết vùng đủ mạnh, đảm bảo hiệu quả điều phối và liên kết phát triển vùng.

Lý do thứ hai, đó là trong 10 năm thực hiện Luật Thủ đô năm 2012, chúng ta đã thu được rất nhiều thành tựu nổi bật về kinh tế, văn hóa, giáo dục, trật tự đô thị, trật tự xã hội, quốc phòng, an ninh... Tuy nhiên, việc thực hiện một số mục tiêu, giải pháp quy định đề ra trong luật còn nhiều tồn tại, hạn chế. Đó là việc xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý quy hoạch chung, quản lý quy hoạch chuyên ngành, rồi quản lý không gian, nhất là không gian ngầm, quản lý công trình kiến trúc cổ, bảo toàn phát triển văn hóa, rồi quy hoạch, xây dựng nhà ở, vấn đề về quản lý dân số, quản lý sử dụng đất, rồi chính sách an sinh xã hội... vẫn còn những tồn tại khi triển khai thực hiện các chính sách này.

Chính vì hai lý do đó mà chúng ta phải sửa đổi Luật Thủ đô để kịp thời thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển Thủ đô theo Nghị quyết 15, Nghị quyết 06 và Nghị quyết 30 nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập trong quá trình thực hiện Luật Thủ đô năm 2012. Mục tiêu xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi, đó là phải xây dựng các cơ chế đặc thù, vượt trội, đột phá, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện Luật Thủ đô để xây dựng, phát triển Thủ đô xứng đáng với vị trí là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp và an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.

PV: Những trao đổi của Luật gia Nguyễn Hồng Tuyến đã nêu lên khá đầy đủ sự cần thiết và mục tiêu hướng đến của việc sửa đổi Luật Thủ đô. PGS.TS Bùi Thị An có bổ sung gì thêm không ạ?

PGS.TS Bùi Thị An: Về những lí do cơ bản sửa đổi Luật Thủ đô tôi đồng tình với luật sư Nguyễn Hồng Tuyến. Tuy nhiên, phải nhấn mạnh thế này, bởi vì vị trí của Thủ đô rất quan trọng và đặc biệt, vì đó là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước... Trong Nghị quyết 15 đã thể hiện yêu cầu Hà Nội đến năm 2030 phải là thành phố văn hiến, văn minh, hiện đại và theo Nghị quyết 30 thì Hà Nội phải là đầu tàu thúc đẩy cho vùng sông Hồng. Những yêu cầu đó là vô cùng quan trọng... 

Trong khi đó, phải nói hơn 10 năm thực hiện Luật Thủ đô năm 2012, chúng ta đã làm được nhiều nhưng cũng còn không ít tồn tại. Hơn nữa, trong 63 tỉnh, thành thì Thủ đô là một và chỉ có một Thủ đô có Luật, cho nên yêu cầu này lại vô cùng lớn và rất là trọng trách. Thêm nữa, về mặt nội lực, vị trí địa lý thì giữ nguyên nhưng việc tăng dân số cơ học rất lớn, năm sau tăng hơn năm trước, tức là giữa nhu cầu khách quan và nội lực không đáp ứng được. Cho nên Luật Thủ đô 2012 có những phần chưa tích hợp được, còn những bất cập cho nên phải sửa đổi... 

leftcenterrightdel
PGS.TS Bùi Thị An: Trong 63 tỉnh, thành thì Thủ đô là một và chỉ có một Thủ đô có Luật, cho nên yêu cầu này lại vô cùng lớn và rất là trọng trách. 

Luật gia Nguyễn Hồng Tuyến đã nói về mặt như quy hoạch đô thị, môi trường, giáo dục, văn hóa..., Luật Thủ đô 2012 đã ban hành. Tuy nhiên, nó chưa có sự khăng khít, đồng bộ lẫn nhau... Đấy là những nguyên nhân rất cơ bản mà chúng ta phải sửa Luật Thủ đô này, phải làm thế nào để cho Luật Thủ đô bây giờ mang tính chất đặc thù, vượt trội.

Giai đoạn vừa rồi, tôi thấy, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã tổ chức rất nhiều diễn đàn để lắng nghe ý kiến của Nhân dân Thủ đô, từ cán bộ khoa học, từ các chuyên gia, từ các sở, ban, ngành, từ các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghiệp... Đến bây giờ, tôi nghĩ về cơ bản có lẽ cũng đáp ứng được một phần để Luật Thủ đô tới đây sẽ thể hiện được sự đặc thù, vượt trội...

PV: Nghị quyết số 15-NQ/TW đã cụ thể hóa, xác định cụ thể mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp hết sức rõ ràng. Một trong những yêu cầu đặt ra đó là Luật Thủ đô (sửa đổi) phải được đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật. Vậy nếu Luật này được thông qua, chúng ta cần lưu ý gì trong vấn đề áp dụng pháp luật? Câu hỏi này xin mời Luật gia Nguyễn Hồng Tuyến.

Luật gia Nguyễn Hồng Tuyến: Một trong những nguyên nhân dẫn đến tồn tại trong quá trình thực hiện Luật Thủ đô năm 2012, đó là Luật Thủ đô năm 2012 chưa quy định về áp dụng pháp luật Thủ đô, cho nên đã hạn chế hiệu lực của Thủ đô trong quá trình thực hiện. Chính vì vậy mà Luật Thủ đô sửa đổi đã dành Điều 4 quy định về áp dụng pháp luật Thủ đô. Điều 4 quy định hai Khoản: Khoản 1 là trong trường hợp mà luật có quy định khác nhau giữa Luật Thủ đô và Luật, Nghị quyết của Quốc hội thì sẽ áp dụng Luật Thủ đô để thực hiện.

Khoản 2, quy định trong trường hợp mà các văn bản quy phạm pháp luật khác có các quy định liên quan đến chính sách ưu tiên hoặc thuận lợi hơn quy định của Luật Thủ đô thì cho phép các đối tượng được ưu tiên lựa chọn cái ưu tiên nhất cho mình để thực hiện.

Đấy là hai quy định liên quan đến áp dụng Luật Thủ đô. Chúng tôi cho rằng, với quy định tại Điều 4 này thì sau khi Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành thì chúng ta có thể áp dụng pháp luật một cách rất toàn diện mà không chịu sự vướng mắc từ văn bản pháp luật khác. Việc quy định Điều 4 này cũng là nhằm tạo cơ sở pháp lý để xử lý những xung đột pháp luật trong quá trình thực hiện Luật Thủ đô.

Chúng tôi cho rằng, khi Luật Thủ đô có hiệu lực thì chúng ta sẽ áp dụng thật đầy đủ, đúng quy định tại Điều 4, sẽ tạo được rất nhiều thuận lợi trong quá trình xử lý các xung đột pháp luật trong hiện tại.

PV: Nội dung quan trọng trong việc sửa đổi Luật Thủ đô lần này theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW là phải xây dựng cơ chế, chính sách vượt trội. Đồng thời, tăng quyền và giao quyền cho Hà Nội triển khai thực hiện các lĩnh vực để phát triển xứng tầm với những cơ chế, chính sách vượt trội, đột phá đó. Xin PGS.TS Bùi Thị An chia sẻ rõ hơn về nội dung này?

PGS.TS Bùi Thị An: Những tồn tại của Luật Thủ đô 2012 đã gây ra bất cập cho Hà Nội. Đó chính là việc không đồng bộ trong pháp luật. Tôi rất đồng tình với Luật gia Nguyễn Hồng Tuyến khi trao đổi về Điều 4 trong dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi. Điều này cho phép Thủ đô áp dụng Luật Thủ đô nếu như khác với những luật trước. Tôi cho rằng đây là điều vô cùng quan trọng về mặt pháp luật.

Tôi lấy ví dụ về việc thu hút người tài chẳng hạn. Thủ đô cũng đã có chính sách trải thảm đỏ nhưng khó thu hút, không giữ được người tài. Đấy là vấn đề mà nguyên nhân là do chưa có những cơ chế vượt trội để triển khai. Rồi giáo dục thủ đô chẳng hạn. Dân số Thủ đô tăng rất nhanh, nhu cầu người dân cũng tăng rất nhanh nhưng diện tích chỉ có hạn mà Chủ tịch Hà Nội cũng không có được thẩm quyền quyết định để xây thêm trường ở đâu nữa vì vướng theo quy hoạch rồi.

leftcenterrightdel
PGS.TS Bùi Thị An và Luật gia Nguyễn Hồng Tuyến đều tâm đắc với Điều 4 trong dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi . 

Hay việc sửa chữa, cải tạo các chung cư cũ, nhu cầu của dân đòi hỏi phải sửa ngay những chung cư cũ nát nhưng khi triển khai lại vướng rất nhiều nội dung do liên quan đến luật pháp... Đấy là những bất cập liên quan đến việc không đồng bộ của luật pháp. Cho nên lần này chúng ta phải có những chính sách vượt trội.

Thế thì vượt trội như thế nào? Tôi nghĩ điều này là vô cùng quan trọng. Cụ thể như chính sách tài chính chẳng hạn. Việc để lại cho Hà Nội bao nhiêu % từ nguồn thu ngân sách để tái đầu tư, trong đó Chủ tịch Hà Nội, Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội có quyền quyết những phần gì? Nếu không rõ ràng thì lại cũng như tất cả các luật liên quan đến tài chính thì Hà Nội không thể trả lương thêm cho người tài, không thể giữ chân, thu hút người tài cống hiến cho Thủ đô...

Hay quay trở lại vấn đề giáo dục. Theo quy định thì mỗi lớp có 45 học sinh trung học cơ sở, nhưng Hà Nội hiện tại đa phần mỗi lớp toàn đến 50 học sinh, thậm chí còn hơn vì Hà Nội không có thêm diện tích đất để xây trường. Do đó, nếu không có cơ chế vượt trội để Chủ tịch Hà Nội có thể “xé rào” lấy đất xen kẹt hoặc đất chỗ nào đó trước đây chưa đúng với quy hoạch cho hạ tầng giáo dục nhưng nay cần thì có thể triển khai, miễn là không trục lợi… Nếu không Hà Nội khó có thể xây thêm trường trong nội đô.

Hay cơ chế về môi trường. Hà Nội hiểu rộng ra là không chỉ của riêng Hà Nội, không chỉ của riêng Thủ đô. Hà Nội của cả nước. Hà Nội là nơi hấp dẫn cho du lịch,... nên việc đầu tư cho môi trường trong sạch cũng rất quan trọng. Nhưng bây giờ muốn đầu tư về môi trường thì phải cần một lượng kinh phí rất lớn. Trong khi bản thân nguồn thu của Hà Nội cũng chưa đủ, xã hội hóa cũng chưa đủ. Thế bây giờ phải làm thế nào thì lại phải cho cơ chế tài chính liên quan đến môi trường...

Tôi nói một số ví dụ như thế để thấy rằng, nếu như không cho Hà Nội có cơ chế đột phá thì tôi cho rằng Hà Nội cũng sẽ lại dậm chân tại chỗ, không hơn gì các tỉnh khác. Hà Nội hiện còn rất nhiều khó khăn chồng chất do đó lần này có cơ chế vượt trội thì tôi nghĩ là rất tốt.

Riêng tôi, về cơ chế vượt trội, tôi xin đề nghị tập trung vào mấy cơ chế vượt trội về tài chính; nguồn nhân lực; đào tạo, thu hút, bồi dưỡng nhân tài; cơ chế liên quan đến cán bộ... Làm thế nào để Hà Nội bứt phá thật sự chứ không lại dàn hàng ngang thì không đạt yêu cầu...

PV: PGS.TS Bùi Thị An vừa đề cập đến việc đào tạo, thu hút, bồi dưỡng nhân tài. Vậy chính sách về thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi có điểm gì mới so với các quy định hiện hành? Và nếu các quy định này được thông qua, sẽ mang lại các lợi ích gì cho Thủ đô?

PGS.TS Bùi Thị An: Một trong hai nhân tố rất quyết định cho phát triển bền vững đất nước nói chung và Thủ đô nói riêng, đó là thể chế và nguồn nhân lực. Thể chế thì hiện nay, Chính phủ, Quốc hội... đã và đang triển khai hoàn thiện một cách rất mạnh mẽ cho phù hợp thực tế. Luật Thủ đô sửa đổi là một trong những câu chuyện đó.

Thứ hai, trong Luật Thủ đô thì tôi nghĩ rằng Thủ đô phải chú trọng đến việc thu hút nhân tài và nâng cao chất lượng nguồn lực là hoàn toàn đúng. Lịch sử đã chứng minh, tất cả các nước, đặc biệt đối với nước ta thì yếu tố con người có vai trò quyết định. Nguyên nhân của mọi nguyên nhân là do công tác cán bộ. Mà công tác cán bộ chính là công việc liên quan đến con người. Cho nên việc chú ý đến chuyện chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng của những nhân tài để xây dựng Thủ đô là rất đúng. Bởi vì máy móc, thiết bị dù có hiện đại đến mấy thì cũng phải là do con người. Con người ban hành ra các chủ trương, chính sách để tổ chức thực hiện. Cho nên lần này trong Luật Thủ đô sửa đổi, tôi hy vọng rằng mỗi cơ chế đặc thù về việc phát hiện, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng và quản lý cũng như đãi ngộ nhân tài sẽ là một yếu tố rất quan trọng giúp cho Thủ đô phát triển bền vững, đột phá.

Thật sự mà nói Việt Nam chúng ta không thiếu người tài. Vấn đề bây giờ quy tụ họ lại, tổ chức họ lại, định hướng cho họ, tạo môi trường cho họ làm việc, cống hiến. Tôi nghĩ là nếu Thủ đô làm được việc đấy trong Luật Thủ đô lần này thì trong những năm tới Thủ đô sẽ có bước đột phá một cách bền vững...

PV: Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) 2023 chính là một cơ hội rất lớn, tạo lợi thế để Hà Nội phát triển, vươn lên tầm vóc mới, vị thế mới không chỉ của cả nước mà còn trong khu vực và thế giới. Trong 9 nhóm chính sách quan trọng trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), theo Luật gia Nguyễn Hồng Tuyến, đâu là giải pháp quan trọng nhất và vì sao?

Luật gia Nguyễn Hồng Tuyến: Theo tôi giải pháp quan trọng nhất để thể chế hóa 9 nhóm chính sách vào Luật Thủ đô sửa đổi, đó là phải tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh cho thành phố Hà Nội. Kỳ họp vừa qua của Quốc hội khóa 15, khi thảo luận tổ về Luật Thủ đô, các đại biểu Quốc hội cũng xác định rất rõ là luật này có thể gọi là Luật phân cấp, phân quyền. Cho nên giải pháp quan trọng nhất đó là phân cấp, phân quyền mạnh cho Thành phố Hà Nội. Hay nói cách khác là phải trao cho Hà Nội rất nhiều các cơ chế đặc thù để thực hiện phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô đạt mục tiêu như trong Nghị quyết 15 đã nêu là trở thành thành phố văn hiến, văn minh, hiện đại.

Thế còn trong 9 nhóm chính sách để thể chế hóa vào dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi, tôi tâm đắc nhất là chính sách tổ chức chính quyền Thủ đô. Đây là một Chương mới, chúng ta muốn xây dựng các chính sách đặc thù, vượt trội, đột phá thì chính sách đầu tiên để đưa vào Luật Thủ đô đó là phải xây dựng, tổ chức chính quyền của Thành phố Hà Nội. Nó phải khác với các quy định liên quan đến tổ chức chính quyền của các thành phố, của các tỉnh khác.

leftcenterrightdel
PGS.TS Bùi Thị An: Tôi hy vọng rằng mỗi cơ chế đặc thù về việc phát hiện, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng và quản lý cũng như đãi ngộ nhân tài sẽ là một yếu tố rất quan trọng giúp cho Thủ đô phát triển bền vững, đột phá.  

Lý do mà tôi tâm đắc với chính sách số 1 này là muốn thực hiện tốt các nhiệm vụ đã được quy định trong Luật Thủ đô thì phải có tổ chức chính quyền năng động, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh gọn, phải có đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; phải có chính sách để thu hút nhân tài để đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là phải có những chính sách liên quan đến chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Thủ đô. Trong quy định của luật sửa đổi lần này thì phải nêu lên được các chính sách đối với người lao động, nhất là những chính sách về tiền lương, chính sách về bảo hiểm xã hội, chính sách an sinh xã hội và các chính sách khác...

Tôi thấy trong dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi lần này đã có quy định liên quan đến chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Thủ đô. Đó là ngoài lương ra thì còn có phần gọi là bù đắp về lương nữa để đảm bảo cuộc sống của của người lao động và có như thế mới có thể phát triển Thủ đô bền vững và đảm bảo với cái mục tiêu đã đề ra.

PV: Và câu hỏi cuối cùng xin được hỏi cả hai vị khách mời là: Hai vị khách mời có kỳ vọng và đề nghị gì đối với các quy định tại Luật Thủ đô sửa đổi?  

PGS.TS Bùi Thị An: Tôi rất kỳ vọng sau khi Luật Thủ đô sửa đổi được Quốc hội bấm nút thông qua, Hà Nội sẽ có đủ cơ chế mang tính đặc thù để có thể bứt phá lên được như Luật gia Nguyễn Hồng Tiến đã nói. Tức là có cơ chế phân cấp, phân quyền rõ ràng, trao trách nhiệm nhưng phải cho nhiều quyền hơn để những người đứng đầu của Thành phố Hà Nội, các đồng chí có quyền quyết những việc liên quan đến Hà Nội với những điều kiện đặc thù thì mới bứt phá được. Muốn thế nên có những điều khoản cụ thể hơn trong chuyện trao trách nhiệm, trao quyền.

Tôi hy vọng Quốc hội sẽ bấm nút thông qua Luật Thủ đô với những cơ chế đặc thù rất vĩ mô nhưng lại rất chi tiết để Luật Thủ đô khi thi hành mới khả thi, qua đó sẽ xây dựng Thủ đô trở thành thành phố văn hiến, văn minh, hiện đại theo đúng như Nghị quyết 15 cũng như 30 của Bộ Chính trị...

Luật gia Nguyễn Hồng Tuyến: Là công dân Thủ đô, tôi rất là kỳ vọng vào việc xây dựng và ban hành Luật sửa đổi. Khi mà được Quốc hội thông qua, tôi tin rằng Luật Thủ đô sửa đổi là cơ sở pháp lý vững chắc để triển khai thực hiện tất cả các nhiệm vụ phát triển Thủ đô đã được quy định trong luật. Đặc biệt là sẽ đảm bảo được mục đích trong quá trình xây dựng Thủ đô. Đó là trao cho Hà Nội cơ chế đặc thù, đột phá cụ thể và khắc phục những tồn tại, khó khăn trong quá trình thực hiện luật năm 2012. Từ đó xây dựng Thủ đô trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục rồi hướng tới là Thủ đô thông minh, đặc biệt là xanh, sạch, đẹp, có sự lan tỏa trong toàn vùng.

Tôi mong muốn Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để quy định cho Thủ đô thêm nhiều chính sách đặc thù để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật Thủ đô năm 2012 trong một số lĩnh vực như: quy hoạch chung, quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch không gian, không gian ngầm, những vấn đề liên quan đến chính sách an sinh, chính sách quản lý xã hội, chính sách quản lý đất đai và một loạt các chính sách khác trong luật... Bởi trong dự thảo luật sửa đổi lần này đã có những quy định rồi nhưng mà tôi thấy vẫn còn thiếu. Ví như cơ chế về tài chính, cho phép Hà Nội được giữ lại bao nhiêu từ nguồn thu ngân sách để đầu tư lại phát triển Thủ đô thì đều phải có những quy định cụ thể hơn nữa thì mới có thể thực hiện tốt được...

PV: Xin trân trọng cảm ơn hai vị khách mời./.

Nhóm PV

Tag: