Sign In

Cổng thông tin điện tử

Đảng Cộng sản Việt Nam

Hành trình thắp sáng ngọn lửa tri ân

06:15 27/07/2023

(ĐCSVN) - Nhớ lời nhắn nhủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt 76 năm qua, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” chăm sóc gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công đã trở thành tình cảm, trách nhiệm của toàn xã hội.

Những tấm gương sáng, lay động lòng người

Trong những ngày tháng 7 đầy ý nghĩa, 300 đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu đến từ khắp mọi miền trên cả nước vừa hội tụ tại TP Huế để tham dự Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2023.

Họ là những người mẹ, người vợ, người con trung hậu đảm đang; là những cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, những người tham gia kháng chiến bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học và những thương binh, bệnh binh tiêu biểu cho ý chí vươn lên, tinh thần vượt khó. 

 300 đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu từ khắp mọi miền trên cả nước vừa hội tụ tại TP Huế để tham dự Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2023.

Trong số 300 đại biểu, có 8 Mẹ Việt Nam Anh hùng, có Mẹ tuổi đã rất cao như Mẹ Nguyễn Thị Điềm 98 tuổi, Mẹ Ngô Thị Diện 97 tuổi - những người Mẹ cao cả, xứng đáng 8 chữ vàng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến khen tặng cho người phụ nữ Việt Nam "Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang".

Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Hữu Tài, 83 tuổi, sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại Sài Gòn. Người đã mất đi người chồng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và mất đi người con trong cuộc chiến tranh biên giới và làm nghĩa vụ quốc tế. Với ý chí kiên cường bất khuất của mình, Mẹ giấu nước mắt để tiếp tục cùng đồng chí đồng đội tham gia hoạt động cách mạng, bản thân mẹ là thương binh, đã chịu nỗi đau của cơ thể khi hứng chịu bom rơi, đạn lạc trong quá trình hoạt động và trong thời gian bị địch bắt, tù đày.

Anh hùng Hồ Đức Vai, người dân tộc Paco từng vinh dự 5 lần được gặp Bác Hồ. Trong gia đình ông có đến 3 Anh hùng Lực lượng vũ trang. Họ là biểu tượng sừng sững giữa đại ngàn Trường Sơn, đồng thời là tấm gương cho sự chiến đấu ngoan cường, mưu lược một thời của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, ông là người đầu tiên tự nguyện mang họ Hồ để về phổ biến trong đồng bào các dân tộc thiểu số. Tên của ông cũng được Bác Hồ đặt.

Cá nhân Anh hùng Hồ Đức Vai đã được tặng thưởng nhiều huân, huy chương như: hai Huân chương Chiến công hạng Nhất và hạng Hai; Huân chương Quân công hạng Ba; Huân chương Độc lập hạng Ba; Huy chương vì sự nghiệp đại đoàn kết; 3 Huân chương niên hạn 1, 2, 3 và rất nhiều bằng khen và huy hiệu khác…

Nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang kiên trung Phan Thị Ngọc Tươi tham gia hoạt động cách mạng khi mới 13 tuổi. Là sĩ quan cao cấp của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam, sau thời gian huấn luyện, bà chính thức trở thành chiến sĩ của đơn vị T30 an ninh tỉnh Bến Tre và liên tiếp lập được nhiều chiến công vang dội cho cách mạng trong thời kỳ đó.

Về hội tụ tại TP Huế, còn có nhiều đại biểu thân nhân liệt sĩ - những người đã vượt qua đau thương, mất mát, khó khăn, tiếp bước các thế hệ cha anh, không ngừng nỗ lực phấn đấu, đóng góp tích cực vào xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp. Đó là câu chuyện của người vợ liệt sĩ Nguyễn Thị Cách, đến từ huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương khiến nhiều người xúc động. Bà chưa bao giờ có đủ thời gian hạnh phúc trọn vẹn bên người chồng thân yêu của mình. Hai người chưa kịp có với nhau người con nào, hiện tại bà vẫn đang sống một mình cùng với sự đồng cảm, đùm bọc của gia đình, làng xóm. Bà đã “Biến đau thương thành hành động”, ngậm ngùi nuốt nước mắt vào trong, và trở thành tấm gương tiêu biểu ở địa phương.

Người thương binh Quách Hồng Cư đến từ quê hương Thái Bình. Trở về với đời thường, ông đã thành lập và phát triển công ty với các lĩnh vực vận tải, kinh doanh xăng dầu, khách sạn, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động, với doanh thu hàng tỷ đồng. Ông tích cực tham gia các hoạt động xã hội, ủng hộ địa phương hàng trăm triệu đồng để thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nông thôn mới.

Khi mới 17 tuổi, bà Kiều Thị Phương đã xung phong tham gia du kích tại địa phương. Chưa tròn 20 tuổi, trong một trận chiến khốc liệt, bà đã phải hứng chịu những viên đạn xuyên qua cơ thể của mình, vĩnh viễn mất đi một phần thân thể ở hông trái với 50% thương tật, đi lại vô cùng khó khăn, nhưng bà vẫn tiếp tục hoạt động, cống hiến cho cách mạng cho tới ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. Sau giải phóng, bà cùng gia đình lại vào kinh tế mới tại tỉnh Đắk Lắk, tham gia công tác phụ nữ tại địa phương, làm chi hội trưởng trong thời gian được 30 năm, bà luôn phát huy tinh thần đoàn kết giúp nhau làm kinh tế, sống gương mẫu tại địa phương.

Đây thực sự là những tấm gương sáng, lay động lòng người, động viên, khích lệ, truyền cảm hứng, tạo động lực, lan tỏa tinh thần vượt khó vươn lên cho mỗi chúng ta.

76 năm Đền ơn đáp nghĩa

Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu từng căn dặn: "Các chiến sĩ đã hy sinh xương máu để giữ gìn đất nước... Các chiến sĩ thật xứng đáng với Tổ quốc và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên những người con yêu quý như thế".

Nhớ lời nhắn nhủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt 76 năm qua, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” chăm sóc gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công đã trở thành tình cảm, trách nhiệm của toàn xã hội.

Đời sống của người có công và gia đình người có công với cách mạng không ngừng được nâng lên và cải thiện về vật chất và tinh thần. Đến nay, 99% hộ người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú, 99% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ.

Đó là thành quả của việc ban hành và triển khai toàn diện các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Mới nhất, để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, mới đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2023/NĐ-CP ngày 21/7/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP, theo đó mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng tăng thêm 26,5% và được áp dụng từ 01/7/2023.

Năm nay, nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh Liệt sĩ, Chủ tịch nước đã ký Quyết định

tặng quà cho gần 1,4 triệu người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng năm 2023.

Thủ tướng Chính phủ đã xem xét phê duyệt quy hoạch mạng lưới các cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm hình thành một hệ thống cơ sở có đủ quy mô, năng lực đáp ứng yêu cầu nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công; đảm bảo người có công được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc toàn diện cả về thể chất và tinh thần.

Một điểm sáng nữa trong chính sách người có công là nỗ lực triển khai giải quyết hồ sơ tồn đọng. 6 năm qua, các cơ quan chức năng đã giải quyết hơn 7.000 hồ sơ. Trong đó, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với hơn 2.400 liệt sĩ, hơn 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.

Trong quá trình giải quyết hồ sơ tồn đọng của người có công, đã ghi nhận những câu chuyện vô cùng xúc động. Có những trường hợp các cụ hy sinh từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đặc biệt có trường hợp đã hy sinh 91 năm đến nay mới đủ điều kiện xác nhận liệt sĩ. Đó là trường hợp cụ Phạm Khánh ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

Hay đặc biệt hơn là trường hợp của liệt sĩ Trang Hồng Vinh (huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh). Ông nguyên là hiệu tín viên (báo vụ viên), hy sinh năm 1953, nằm ở Chiến khu R, nhưng không còn đồng đội, hồ sơ, chứng cứ. Và vào ngày 21/7/2023, với rất nhiều những nỗ lực của các cơ quan chức năng, liệt sĩ Trang Hồng Vinh đã được Thủ tướng Chính phủ xác nhận và trao Bằng Tổ quốc ghi công trong niềm vui vô hạn của thân nhân và ngành bưu chính-viễn thông.

Cùng với đó, phong trào "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng", Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa", "Nghĩa tình đồng đội"… ngày càng phát triển, được đông đảo các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng với tinh thần trách nhiệm, ý thức xã hội cao.

Việc xây dựng, nâng cấp, tu bổ mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ được quan tâm đầu tư; công tác tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được triển khai tích cực, có hiệu quả, làm ấm lòng hương hồn các anh hùng, liệt sĩ đã khuất và góp phần giảm bớt nỗi đau cho những người ở lại.

Theo báo cáo, trong giai đoạn 2012-2022, chúng ta đã dành hơn 357.000 tỷ đồng để thực hiện chế độ đối với người có công và thân nhân, gia đình người có công.

Cùng với đó, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, phong trào "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng" ngày càng phát triển sâu rộng, được xã hội đồng tình, hưởng ứng, trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc. Cả nước đã vận động được trên 13.000 tỷ đồng để hỗ trợ hộ gia đình người có công xây dựng mới trên 84.000 căn nhà và sửa chữa trên 69.000 căn nhà tình nghĩa; tặng gần 126.000 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách với trên 1.000 tỷ đồng và hỗ trợ một số trường hợp đặc biệt khó khăn, 2.988 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các tổ chức nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời.

“Có thể nói, những kết quả đó mang đậm nghĩa tình, tri ân sâu nặng đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng, phần nào đã xoa dịu những đau thương, mất mát của những người ở lại, thể hiện được trách nhiệm của chúng ta đối với những người đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc vĩ đại của dân tộc” - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung bày tỏ.

Nối mạch nguồn tri ân

Đã 76 năm kể từ Ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7) lần đầu tiên được phát động, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, phong trào "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng" đã trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc.

Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo người có công và thân nhân với tấm lòng trân trọng, biết ơn sâu sắc và trách nhiệm cao cả. Chúng ta đã làm được nhiều việc có ý nghĩa, nhưng vẫn chưa thể bù đắp hết những công lao hy sinh của các anh hùng liệt sỹ, thương binh đã hy sinh cả cuộc đời mình, tính mạng mình vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Chúng ta vẫn day dứt, trăn trở khi đời sống của một bộ phận thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình người có công với cách mạng còn khó khăn; nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính...

Chúng ta vẫn day dứt, trăn trở khi nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính... 

Trước những day dứt, trăn trở đó, tại Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện thật tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đẩy mạnh hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.

Trong đó tập trung vào phát huy mạnh mẽ truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây", quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chỉ thị của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác người có công với cách mạng, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.

Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện và thực hiện tốt hơn nữa chính sách, pháp luật đối với người có công kịp thời, hiệu quả, bảo đảm người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên trong địa bàn với tinh thần không để người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước ta.

Tăng cường thu hút nguồn lực xã hội, thực hiện tốt các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" như: Xây dựng "Nhà tình nghĩa", Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa", tặng "Sổ tiết kiệm tình nghĩa", phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam Anh hùng...; góp phần bù đắp những thiệt thòi của người có công và gia đình có công với cách mạng.

Thủ tướng lưu ý, các cấp chính quyền cơ sở tạo điều kiện thuận lợi, nghiên cứu ban hành các cơ chế, biện pháp hỗ trợ cụ thể, thiết thực, hiệu quả, phát huy vị trí, vai trò của người có công, thương binh, bệnh binh và gia đình, nhất là trong phát triển sản xuất kinh doanh, kinh tế hộ gia đình, đóng góp ngày càng nhiều cho cộng đồng và xã hội, đất nước.

Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nhất là cho thế hệ trẻ về lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc bằng nhiều hình thức phong phú, nội dung đa dạng, sâu sắc trên nhiều phương tiện với cách làm mới, sáng tạo theo phương châm "dễ nghe, dễ nhìn, dễ hiểu, dễ đi vào lòng người và dễ làm theo, noi gương".

“Với trách nhiệm lớn lao và nghĩa tình sâu nặng, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Nhân dân ta nguyện tiếp tục chăm lo chu đáo để xoa dịu nỗi đau, thấm giọt nước mắt, làm vơi đi nỗi nhớ, để đời sống vật chất, tinh thần của người có công ngày càng được nâng lên đầy đủ và tốt đẹp hơn”, Thủ tướng nhấn mạnh./.

 

Tú Giang

Tag:

File đính kèm