Sign In

Cổng thông tin điện tử

Đảng Cộng sản Việt Nam

“Xếp bút nghiên lên đường ra trận” - bản anh hùng ca của một thế hệ hoài bão, dấn thân

23:47 12/12/2024
Trong những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có một phong trào không chỉ đi vào lịch sử dân tộc mà còn khắc sâu vào trái tim của bao thế hệ, đó là phong trào “Xếp bút nghiên lên đường ra trận” của thanh niên, học sinh và sinh viên miền Bắc, đặc biệt ở Thủ đô Hà Nội. "Xếp bút nghiên" không chỉ là tinh thần tự nguyện của lớp người trẻ tuổi, mà còn là biểu tượng rực rỡ của tinh thần yêu nước và lòng nhiệt huyết của thanh niên Việt Nam trước lời hiệu triệu của Tổ quốc.


 

“Xếp bút nghiên lên đường cầm súng/Học người xưa đi cứu non sông”

 Từ mùa thu năm 1964, tiếng gọi của Tổ quốc đã vang lên giữa những giảng đường bộn bề sách vở. Những năm tháng ấy chiến tranh lan rộng, tiếng bom đạn của đế quốc Mỹ dội vang khắp miền Bắc. Cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn quyết liệt. Miền Bắc thực hiện vai trò là hậu phương lớn, vừa phải đối mặt với cuộc chiến tranh phá hoại ác liệt từ không quân Mỹ, đồng thời, nhiệm vụ chi viện cho miền Nam cũng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Ngày 9/8/1964, Trường Đại học sư phạm Hà Nội phát động phong trào Ba sẵn sàng với khẩu hiệu: Sẵn sàng chiến đấu và gia nhập lực lượng vũ trang; Sẵn sàng học tập và lao động xây dựng cuộc sống mới; Sẵn sàng đi tới nơi nào mà Tổ quốc cần đến. Phong trào “Ba sẵn sàng” như một mồi lửa, đã thổi bùng tinh thần tự nguyện dấn thân của thế hệ trẻ, đặc biệt là trong giới học sinh, sinh viên miền Bắc. Với tinh thần “nước còn giặc còn đi đánh giặc, chiến trường giục giã bước hành quân,” sinh viên các trường đại học Thủ đô đã rời ghế nhà trường, xếp lại bút nghiên, sách vở lên đường tòng quân, tham gia lực lượng trùng điệp của lớp lớp thanh niên cả nước đi đánh giặc.

Từ Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đại học Y, cho đến các trường sư phạm, một làn sóng thanh niên tự nguyện xung phong đã nhanh chóng lan tỏa. Những con số thống kê không diễn tả hết được sự hy sinh và nhiệt huyết của một thế hệ, nhưng vẫn khiến chúng ta vô cùng cảm phục: gần 90% sinh viên các trường đại học tại Hà Nội đã viết đơn, sẵn sàng rời bỏ giảng đường để ra chiến trường, tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả vì độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Từ năm 1965 đến 1972, khoảng 30.000 học sinh, sinh viên, giảng viên của hơn 30 trường đại học, trung học miền Bắc đã trực tiếp gia nhập các đơn vị quân đội. Riêng giai đoạn cao trào từ năm 1970 đến 1972, hơn 10.000 sinh viên các trường đại học ở Hà Nội lên đường nhập ngũ. Đông nhất là sinh viên các trường Đại học Bách khoa, Tổng hợp, Nông nghiệp, Xây dựng, Kinh tế kế hoạch (nay là Kinh tế quốc dân), Sư phạm, Mỏ-địa chất, Y dược... Có nhiều bạn trẻ mới học xong năm thứ nhất, nhưng cũng có người sắp tốt nghiệp, chuẩn bị đi tu nghiệp nước ngoài. Hành trang họ mang theo vào chiến trường sinh tử không chỉ súng đạn mà còn cả những ước mơ, hoài bão tuổi trẻ, cùng khát vọng và niềm tin vào một tương lai tự do cho quê hương. Tất cả họ đã trở thành biểu tượng cho một thế hệ tri thức “Xếp bút nghiên lên đường cầm súng/Học người xưa đi cứu non sông”.

 

Sống hoài bão xông pha, chết kiên cường rực rỡ    

Ngày 6/9/1971, lễ xuất quân lớn nhất diễn ra ngay tại sân nhiều trường đại học với bạn bè, thầy cô đưa tiễn. Những anh lính sinh viên tinh nghịch bắt bạn bè phải gọi là chú bộ đội, những khuôn mặt thư sinh, mặc nguyên áo trắng lên đường tòng quân với tâm trạng phơi phới niềm tin. Bên cạnh quân tư trang, nhiều sinh viên vẫn mang theo sách vở, như lời nhắc nhở bản thân rằng cuộc đời chiến đấu chỉ là tạm thời, và ngày chiến thắng sẽ là ngày họ trở lại với giảng đường và giấc mơ học tập.

Trong nhật ký “Mãi mãi tuổi 20”, người liệt sỹ - sinh viên trường Tổng hợp Nguyễn Văn Thạc đã ghi lại ngày lịch sử ấy. Ba ngàn sinh viên Hà Nội xuất quân trong ngày Hà Nội mưa trắng trời. Cùng bạn bè đứng dưới sân trường Đại học Tổng hợp trong lễ ra quân, bài Quốc ca anh đã nghe bao lần, lá cờ Tổ quốc quá đỗi thân thuộc, nhưng chỉ khi ấy anh mới cảm nhận rõ rệt và thấm thía đó là máu của chính mình…

Toàn bộ sinh viên nhập ngũ được đưa đi huấn luyện về chiến thuật, chiến lược, kỹ thuật sử dụng vũ khí và tác chiến. Từ những thư sinh chỉ miệt mài với đèn sách, trong kỳ huấn luyện, họ phải đeo đến 20kg đất đựng trong sọt tre mà đi, chạy, để rèn sức dẻo dai cho chuyến hành quân vào chiến trường miền Nam ngay sau đó.

Kết thúc đợt huấn luyện ngắn, các sinh viên được sắp xếp tham gia vào lực lượng bộ đội chủ lực hoặc binh chủng phù hợp, như sinh viên Bách khoa thì vào pháo binh, thông tin; sinh viên trường Y thì vào quân y; Mỏ - địa chất vào công binh; trường Kinh tế, Tổng hợp vào bộ binh… nhưng phần đông được biên chế vào các đơn vị chiến đấu như trung đoàn 95, 101, 18 của Sư đoàn 325; 338; 308, trực tiếp tham chiến ở mặt trận Bình-Trị-Thiên.

Đầu năm 1972, chuyến tàu chở bộ đội, chủ yếu là tân binh sinh viên đi thẳng từ ga Kép (Bắc Giang) đến ga Vinh, để từ đây, họ bắt đầu hành quân vào chiến trường. Khi tàu đi qua ga Hàng Cỏ (ga Hà Nội ngày nay), những lá thư từ các toa được thả xuống trắng đường. Ngoài bì thư chỉ ghi vội dòng chữ “Nhờ ai nhặt được thư này chuyển đến giúp số nhà... Hẹn trở về, Hà Nội mến yêu” hay “Đi B, ngày”…

Những người lính sinh viên ấy có mặt trên khắp trận tuyến, từ Thành cổ Quảng Trị đến chiến trường Đông Nam Bộ, tham gia giải phóng Buôn Ma Thuột, có mặt ở Sài Gòn vào ngày toàn thắng 30/4/1975. Nhưng không phải ai cũng may mắn đi đến ngày thống nhất. Trong số hơn 10.000 người lên đường trong giai đoạn các liệt nhất, hơn 5.000 người đã hy sinh tại các mặt trận phía Nam, mặt trận Lào và phần lớn là trong chiến dịch khốc liệt 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Bao nhiêu cuốn nhật ký trong quân trang nằm lại cùng các anh trong đất mẹ Tổ quốc. Những trang giấy tinh khôi mang màu của tri thức đã chuyển sang màu đỏ của máu và lửa chiến trường. Lời hẹn “trở về” đã có hơn một nửa mãi mãi không thực hiện được. Họ, những người lính - sinh viên đã ở lại với tuổi 20 tươi đẹp, trắng trong hoài bão ở một vạt rừng, một trận chiến ác liệt, hay một nơi nào đó trong thành cổ thâm u…

 

Những người lính tuổi 18, 20 tham gia mặt trận Vị Xuyên. (Ảnh: vov.vn)

Những người lính - sinh viên may mắn trở về, họ đã tiếp tục sống và cống hiến cuộc đời mình cho Tổ quốc trong một tâm thế mới, nhưng chất thép và nghị lực của họ vẫn là nguồn cảm hứng sống cho bao thế hệ trẻ hôm nay. Thế hệ đó đã trở thành gạch nối giữa quá khứ với hiện tại, là câu chuyện chưa bao giờ cũ để thế hệ hôm nay mãi tự hào về truyền thống dân tộc. Sống hoài bão xông pha, chết kiên cường rực rỡ, những ký ức về một thế hệ “xếp bút nghiên” đã vượt ra phạm vi của một cuộc kháng chiến, trở thành bản anh hùng ca của tuổi trẻ, là minh chứng cho sức mạnh của ý chí và lòng yêu nước. Những chàng trai, cô gái đó đã chiến đấu và đã chiến thắng, không chỉ bằng vũ khí, mà còn bằng tình yêu, bằng tinh thần tự nguyện dấn thân và sự hy sinh vô bờ bến dành cho Tổ quốc, cho gia đình. Một thế hệ đã viết nên những trang sử hào hùng bằng máu và nước mắt, bằng ước mơ và lý tưởng, mãi mãi trở thành một biểu tượng của tinh thần dân tộc Việt Nam./.

 

Theo TTXVN

 

Tag:

File đính kèm