Mục tiêu xuyên suốt của Đảng, Nhà nước Việt Nam là không ngừng nỗ lực để người dân được bảo đảm, thụ hưởng một cách đầy đủ nhất các quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Những thành quả mà Việt Nam đã đạt được sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới chính là sự khẳng định cho tính đúng đắn và nỗ lực, quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong công cuộc xây dựng một xã hội mà trong đó sự phát triển là thật sự vì con người.
Việt Nam phấn đấu cấp nước sạch toàn bộ nông thôn vào năm 2045.
Nhìn lại chặng đường gần 40 năm đất nước thực hiện công cuộc đổi mới, nhất là từ Đại hội XIII đến nay, chúng ta có quyền tự hào về những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được. Từ một nước đói nghèo, lạc hậu, trình độ thấp, bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã trở thành một quốc gia đang phát triển, trong nhóm 40 nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới và 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài; có quan hệ ngoại giao với 193 nước là thành viên Liên hợp quốc; xây dựng các mối quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với tất cả các cường quốc trên thế giới và khu vực. Quy mô nền kinh tế năm 2023 tăng gấp 96 lần so với năm 1986-thời điểm bắt đầu công cuộc đổi mới.
Quan trọng hơn cả, những thành tựu ấy đến từ việc Đảng và Nhà nước ta đã xây dựng, ban hành thành công nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm phát huy cao nhất nội lực, đặt con người là trung tâm của quá trình phát triển, lấy quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân là mục đích cao nhất của mọi hoạt động kinh tế-xã hội. Đây là một đặc trưng cơ bản của định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường Việt Nam khi đặt ra yêu cầu tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển văn hóa và bảo vệ môi trường. Đồng nghĩa, mỗi chính sách kinh tế đều phải gắn liền với chính sách xã hội để không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, bảo đảm người dân được thụ hưởng đầy đủ các quyền con người cơ bản. Bởi vậy, bất chấp những hệ quả kéo dài của đại dịch Covid-19, sự suy thoái chung của nền kinh tế toàn cầu và ảnh hưởng tiêu cực của thiên tai, Việt Nam đã và đang gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng trên lĩnh vực quyền con người.
Đáng chú ý, những tiến bộ về nhân quyền mà Việt Nam đạt được mang tính toàn diện, bao trùm, bền vững trên hầu hết các mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong đó, có những điểm sáng được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Ngày 20/3, Báo cáo Hạnh phúc thế giới năm 2024 xếp Việt Nam trong số sáu quốc gia, vùng lãnh thổ hạnh phúc nhất châu Á (xếp hạng thứ 54 thế giới) dựa trên các tiêu chí khảo sát tuổi thọ, sức khỏe, thu nhập bình quân đầu người, hỗ trợ xã hội trong thời kỳ khó khăn, mức độ tham nhũng và lòng tin xã hội. Báo cáo Phát triển con người (HDR) 2023/24 có tiêu đề “Phá vỡ tình trạng bế tắc: Tái hình dung sự hợp tác trong một thế giới phân cực” của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) khen ngợi Việt Nam nằm trong nhóm phát triển con người cao. Trưởng Đại diện thường trú của UNDP Ramla Khalidi ghi nhận: “Việt Nam vẫn là quốc gia có mức phát triển con người cao trong suốt những năm khó khăn của đại dịch Covid-19. Phát triển con người tiếp tục là trọng tâm trong chiến lược phát triển của đất nước và chúng tôi đã thấy những kết quả đáng kể trong những thập kỷ qua”.
Gần đây, ngày 17/10/2024, Báo cáo Cập nhật tình trạng nghèo và bình đẳng ở Việt Nam: Hướng tới các thành phố phát triển bao trùm hơn của Tổ chức Ngân hàng Thế giới (World Bank-WB) một lần nữa khẳng định Việt Nam đã có một thập kỷ giảm nghèo thành công trước khi bị chững lại do đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, với việc tăng trưởng kinh tế trở lại, thu nhập và tỷ lệ giảm nghèo đang được cải thiện. WB nhận định chỉ số thu nhập từ việc làm năm 2023 đang phục hồi về mức trước dịch Covid-19. Ở khu vực nông nghiệp, thu nhập thậm chí của người dân còn cao hơn dự kiến trước đại dịch dù vẫn còn thấp so với các lĩnh vực khác. Do đó, báo cáo tin tưởng Việt Nam sẽ hoàn thành chặng đường hướng tới mức sống ở nhóm quốc gia có thu nhập trung bình cao và tiếp đó là nhóm quốc gia có thu nhập cao nếu tạo ra nhiều cơ hội kinh tế hơn để xây dựng tầng lớp trung lưu vững mạnh, đồng thời mở rộng hỗ trợ cho các hộ gia đình có thu nhập thấp và dễ bị tổn thương về kinh tế.
Song song với những thành tựu trong nước về phát triển con người, Việt Nam đã có nhiều đóng góp hiệu quả cho công việc chung của các tổ chức khu vực và quốc tế, góp phần giải quyết các vấn đề và thách thức mang tính toàn cầu có thể đe dọa nhân quyền. Những nỗ lực bền bỉ của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế công nhận và ủng hộ, nhất trí bầu vào các vị trí quan trọng điều hành các cơ quan của Liên hợp quốc như Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 77 (2022-2023), thành viên Hội đồng Chấp hành Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), thành viên Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) các nhiệm kỳ 1998-2000 và 2016-2018, Chủ tịch Đại hội đồng Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) nhiệm kỳ 2018-2019...
Là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Việt Nam đã và đang để lại những dấu ấn đậm nét, thể hiện qua những ý tưởng, sáng kiến đến hành động cụ thể. Nổi bật là các hoạt động khởi xướng và bảo trợ sáng kiến, tập trung vào các lĩnh vực quyền kinh tế-xã hội, văn hóa; bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương; bất bình đẳng giới, chống phân biệt đối xử; vận động xóa bỏ các biện pháp cấm vận đơn phương ảnh hưởng đến thụ hưởng quyền con người. Bên cạnh đó, Việt Nam thể hiện cách tiếp cận, mang tính xây dựng, tìm tiếng nói chung trong giải quyết các vấn đề còn đang tồn tại nhiều khác biệt, bị chính trị hóa. Thông qua đó, Việt Nam đã góp phần không nhỏ trong việc khẳng định quyền của các nước đang phát triển trên cơ sở bảo vệ nguyên tắc không sử dụng các vấn đề nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền.
Mặt khác, trên diễn đàn quốc tế song phương và đa phương, Việt Nam đã chứng tỏ là một quốc gia cầu thị, sẵng sàng đối thoại, hợp tác với các quốc gia, tổ chức có thiện chí để cùng xây dựng giải pháp phát triển tối ưu trên lĩnh vực quyền con người. Điều này được thể hiện bằng việc Việt Nam luôn nghiêm túc tham gia vào các chu kỳ cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) trong suốt 18 năm qua kể từ khi cơ chế này được thành lập. Sau mỗi kỳ rà soát, Việt Nam đều thể hiện thiện chí và nỗ lực cam kết thực hiện các khuyến nghị đã chấp thuận từ Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Ngày 27/9/2024, Việt Nam thông báo quyết định chấp thuận 271 trên tổng số 320 khuyến nghị các nước đưa ra, đạt tỷ lệ 84,7% cao nhất trong bốn chu kỳ, khẳng định mong muốn và quyết tâm của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.
Trong năm 2024, năm bản lề của nhiệm kỳ thành viên Hội đồng Nhân quyền 2023-2025, Việt Nam đã tham gia thúc đẩy các sáng kiến thể hiện dấu ấn, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao như tham gia Nhóm nòng cốt tại Hội đồng nhân quyền về “Biến đổi khí hậu và quyền con người”. Nghị quyết một lần nữa khẳng định biến đổi khí hậu có những tác động tiêu cực đến việc thụ hưởng các quyền con người, như: Quyền sống, sức khỏe, nước sạch và vệ sinh, cũng như quyền phát triển, nhất là với đối tượng dễ bị tổn thương, như người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người già và người khuyết tật. Từ đó, nghị quyết kêu gọi các biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu cần phải đặc biệt quan tâm đến những nhóm này.
Từ ngày 22-24/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79. Đây là sự kiện mang ý nghĩa hết sức quan trọng bởi lần đầu tiên, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tham dự trực tiếp các phiên họp cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc. Điều này đã khẳng định cam kết mạnh mẽ ở cấp cao nhất về sự chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện của Việt Nam nhằm chia sẻ tầm nhìn, giải pháp về các vấn đề lớn của thế giới nói chung và quyền con người nói riêng. Trong đó, nhấn mạnh Việt Nam tiếp tục khẳng định trách nhiệm của mình đối với các công việc chung của cộng đồng quốc tế bằng những đóng góp tích cực, chủ động. Việt Nam được Liên hợp quốc đánh giá là một trong những quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs). Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức song Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (net-zero) vào năm 2050. Như vậy, có thể khẳng định thành công của Việt Nam trên lĩnh vực nhân quyền là kết quả của việc phát huy sức mạnh nội sinh kết hợp với tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng, sự ủng hộ quý báu và hiệu quả của bạn bè quốc tế. Sự đồng hành, ủng hộ của các quốc gia, tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng đã giúp Việt Nam nhanh chóng đạt được các thành tựu vượt bậc về nhân quyền.
Trên hành trình bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, quyền con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực phát triển đất nước vẫn là mục tiêu kiên định, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Bên cạnh những thành tựu đạt được, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật; chú trọng triển khai hiệu quả các chính sách, biện pháp bảo vệ, bảo đảm quyền của các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương; tăng cường công tác truyền thông về quyền con người; kịp thời đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về tình hình nhân quyền tại Việt Nam.
Theo NDO