Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” (từ ngày 18 đến 29/12/1972) là sự tiếp nối truyền thống và là một sự kiện biểu trưng cho bản lĩnh, trí tuệ của con người Việt Nam, cho ý chí quật cường của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Đây là chiến thắng có ý nghĩa lịch sử và thời đại sâu sắc, góp phần rất quan trọng đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Lời tiên tri của Bác và sự chủ động chuẩn bị về mọi mặt
Ngay từ những năm đầu của cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, sớm nhận rõ và dự báo chính xác tình hình, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã xác định quyết tâm chiến lược, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, động viên quân và dân miền bắc chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt...
Cuối năm 1967, đầu năm 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước tình huống này càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị... Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.
Sau thất bại liên tiếp tại chiến trường miền Nam Việt Nam, Mỹ đơn phương tuyên bố hoãn không thời hạn Hội nghị Paris, đồng thời mở cuộc tập kích chiến lược bằng đường không vào miền Bắc nước ta tháng 12/1972, với tên gọi Chiến dịch “Linebacker” nhằm đánh phá, hủy diệt tiềm lực kinh tế, quốc phòng miền bắc, gây sức ép buộc ta phải chấp nhận ký Hiệp định Paris theo các điều khoản có lợi cho Mỹ. Đây là cuộc tập kích huy động lực lượng lớn nhất của Mỹ kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, với hàng trăm máy bay ném bom chiến lược B-52, được mệnh danh là “Siêu pháo đài bay” - “thần tượng bất khả chiến bại” cùng hàng ngàn máy bay chiến thuật và nhiều tàu sân bay, tàu chiến tối tân, hiện đại.
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quân ủy Trung ương, Quân chủng Phòng không-Không quân đã chủ động xây dựng kế hoạch tác chiến đánh trả cuộc tập kích bằng B-52 của Mỹ.
Ngày 24/11/1972, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng cùng các Tham mưu phó: Trần Quý Hai, Vương Thừa Vũ, Cao Văn Khánh, Phùng Thế Tài đã thông qua và phê chuẩn kế hoạch đánh B-52 bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng của Quân chủng Phòng không-Không quân. Đây là một kế hoạch mang tầm vóc chiến dịch, một chiến dịch phòng không được tiến hành chủ yếu bằng lực lượng phòng không ba thứ quân trên miền Bắc, lấy Quân chủng PK-KQ làm nòng cốt. Như vậy có thể nói về mặt chiến lược, chúng ta không hề bị bất ngờ trước mưu thâm, kế độc của Mỹ.
Để có cơ sở xây dựng quyết tâm và kế hoạch đánh B-52, ngay từ tháng 5-1966, Quân chủng PK-KQ đã tổ chức cho Trung đoàn tên lửa 238 (Sư đoàn 363) cơ động chiến đấu, trực tiếp nghiên cứu cách đánh tại chiến trường Vĩnh Linh. Như vậy, về mặt chiến dịch đã được ta chuẩn bị chu đáo và thực tế là đêm 18/12/1972, khi Mỹ tiến hành chiến dịch tập kích đường không vào Hà Nội, chúng ta đã hoàn toàn chủ động đối phó, không bị bất ngờ.
Bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh
Khi đế quốc Mỹ mở chiến dịch tập kích 24/24 giờ bằng máy bay chiến lược B-52 vào Thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng, dân tộc Việt Nam đứng trước cuộc chiến tranh điện tử hiện đại bậc nhất của thế kỷ XX. Hà Nội đứng trước nguy cơ bị “đưa về thời kỳ đồ đá”.
Trong 12 ngày đêm, giặc Mỹ muốn biến Hà Nội thành bãi chiến trường của cuộc đọ sức cuối cùng mà chúng tưởng nắm chắc phần thắng trong tay. Chúng nuôi ảo vọng, sau chiến dịch công kích bằng B-52 này sẽ gây tổn thất lớn về người và của cải, vật chất, làm cho ta phải mất nhiều thời gian khôi phục, do đó không đủ sức tiếp tục cuộc kháng chiến ở miền Nam; giúp cho quân đội và chính quyền Sài Gòn có thời gian tăng cường lực lượng, tạo thế mạnh cho các giải pháp chính trị sau này.
Trong 12 ngày đêm đánh phá, đế quốc Mỹ đã trút xuống miền Bắc hơn 100 nghìn tấn bom đạn (riêng Hà Nội là hơn 10 nghìn tấn) với sức công phá bằng hai quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống Nhật Bản vào năm 1945. Tổng thống Níchxơn đã ra lệnh cho B-52 rải thảm phố Khâm Thiên - một khu vực có mật độ dân số đông nhất Hà Nội. Bom Mỹ đã tàn phá cả chiều dài khu phố trên 1.200 mét, gần 2.000 ngôi nhà, đền chùa, trường học, trạm xá bị phá sập, 287 người chết, 290 người bị thương. Máy bay B-52 của Mỹ còn Máy bay B52 rải bom xuống hơn 100 điểm dân cư trong Thành phố Hà Nội (Bệnh viện Bạch Mai, Gia Lâm, Yên Viên, Uy Nỗ, An Dương...) làm hơn 1.000 người bị thương vong.
Nhưng, tất cả mọi tính toán điên cuồng đó đều bị đảo lộn hoàn toàn. Quân và dân Thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng và một số địa phương miền bắc phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn chưa từng có của đế quốc Mỹ, làm nên một chiến công vô cùng chói lọi!
Với ý chí “Quyết đánh”, “Biết đánh” và “Quyết thắng”, ngay từ trận đầu ra quân, đêm 18/12/1972, quân và dân ta đã bắn rơi tại chỗ “siêu pháo đài bay B-52”, mở màn cho những thắng lợi vang dội trong những trận đánh tiếp theo.
Trong 12 ngày đêm chiến đấu anh dũng, mưu trí, sáng tạo, với ý chí kiên cường, niềm tin sắt đá, nêu cao tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, quân và dân Thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng và một số địa phương miền Bắc phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang, nòng cốt là Quân chủng Phòng không-Không quân Quân đội nhân dân Việt Nam đã đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn chưa từng có, bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 chiếc B-52, tiêu diệt và bắt sống hàng trăm giặc lái Mỹ.
Chiến thắng đã làm nức lòng đồng bào, chiến sĩ cả nước và nhân loại tiến bộ, được thế giới biết đến với tên gọi “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”; là kỳ tích có một không hai, mang tầm vóc lịch sử ở thế kỷ XX, bản hùng ca chói lọi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm, giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Chiến thắng đã buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam. Đây là tiền đề quan trọng để cả nước làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thu non sông về một mối. Sức mạnh ấy là tầm cao của thời đại, là những dấu mốc không bao giờ phai mờ; làm cho Hà Nội thành một Thủ đô văn hiến, Thành phố vì hòa bình, “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”.
Hơn 50 năm đã qua, nhưng Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vẫn mãi mãi là bản hùng ca bất diệt, là biểu tượng sáng ngời của ý chí kiên cường, bất khuất, thông minh, sáng tạo; là niềm tự hào của dân tộc ta, nhân dân ta, quân đội ta, là một trong những chiến công hiển hách trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam anh hùng trong thời đại Hồ Chí Minh. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm giữ gìn và phát huy cao độ truyền thống vẻ vang đó trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay./.
Theo TTXVN