Đồng thời, qua đó, truyền tải thông điệp của Ngày Chuyển đổi số quốc gia là “Chuyển đổi số một cách tổng thể, xuyên suốt, toàn diện, bao trùm, liên thông nhưng có trọng tâm trọng điểm; với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp, mang lại lợi ích thiết thực cho quốc gia, dân tộc và cho chính người dân, doanh nghiệp là yếu tố quyết định bảo đảm sự thành công trong chuyển đổi số quốc gia”.
Việt Nam đã xác định tầm nhìn đến năm 2030 trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp. Chương trình chuyển đổi số quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ tháng 6/2020. Đây có thể coi là mốc thời gian đánh dấu việc Việt Nam chuyển từ giai đoạn ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), phát triển Chính phủ điện tử sang giai đoạn tập trung chuyển đổi số toàn dân, toàn diện, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
|
|
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Chương trình chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10) năm 2023. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Trong phát biểu tại chương trình chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023 có chủ đề "Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị" vừa diễn ra sáng 10/10 tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số nhận định, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng trên thế giới. Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ cũng đã chỉ rõ, Chính phủ Việt Nam xác định mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Thời gian qua, công tác chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt dữ liệu số năm 2023, đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đáng trân trọng như trong kết nối chia sẻ dữ liệu; khai thác dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp; phát triển hạ tầng dữ liệu số; số hóa dữ liệu. Cụ thể, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia hoạt động hiệu quả, năng lực phục vụ được tăng cường (1,6 triệu giao dịch hàng ngày); cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) dân cư tiếp nhận gần 1,2 tỷ yêu cầu tra cứu, xác thực thông tin; CSDLQG bảo hiểm đã xác thực thông tin trên 91 triệu nhân khẩu với CSDLQG về dân cư; CSDL về hộ tịch điện tử đã có trên 45 triệu dữ liệu đăng ký khai sinh, trong đó có trên 9,2 triệu trẻ em được cấp Số định danh cá nhân; CSDLQG về cán bộ, công chức, viên chức đã kết nối, đồng bộ dữ liệu với 100% các bộ, ngành, địa phương; đồng bộ trên 2,1 triệu dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức (đạt tỷ lệ 95%).
Hệ thống thông tin của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kết nối dữ liệu với 80 bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước và đã chia sẻ dữ liệu thử nghiệm hàng ngày, hàng tháng từ các bộ, ngành cho 15 địa phương để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành.
Tính tiên phong của các doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu Việt Nam như VNPT, FPT, Viettel… trong triển khai các CSDLQG, chuyên ngành, xây dựng nền tảng số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, tài chính, thanh toán và dịch vụ gia tăng đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam thời gian qua.
Đáng chú ý, chương trình "Tháng 10 - Tháng tiêu dùng số" năm 2023, một hoạt động chính hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia do Bộ TT&TT chủ trì, đã tạo cơ hội để nhiều người dân trên cả nước được thụ hưởng những lợi ích của chuyển đổi số, các doanh nghiệp công nghệ số được tiếp cận với đông đảo khách hàng tiềm năng.
Cũng trong thời gian qua, nhiều văn kiện và nghị quyết của Đảng đã đề cập sâu sắc về chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số trong các mục tiêu, quan điểm phát triển và đột phá chiến lược; xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, mới nhất, Đại hội XIII của Đảng đặc biệt nhấn mạnh chủ trương chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trong các văn kiện Đại hội. Nội dung về chuyển đổi số được đề cập đến nhiều lần trong các văn kiện Đại hội XIII; được đưa vào Báo cáo chính trị thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm và các đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ Đại hội XIII. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Chính phủ cũng đã ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị. Trên cơ sở đó, ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".
Năm 2023 này là năm Dữ liệu số quốc gia với quan điểm dữ liệu số là tài nguyên quốc gia, là nền tảng của phát triển, hơn lúc nào hết, cần nắm bắt, tận dụng cơ hội để khai thác, phát huy giá trị của dữ liệu số trở thành nguồn lực quan trọng cho phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Theo tầm nhìn về chuyển đổi số quốc gia đến 2030, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số, phát triển thịnh vượng, tiên phong ứng dụng các công nghệ mới và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện phương thức quản lý, điều hành của Chính phủ; sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; lối sống, làm việc và học tập của người dân; phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, bao trùm, rộng khắp. Chính phủ Việt Nam xác định mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực cạnh tranh toàn cầu để hiện thực hóa khát vọng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, người dân được phồn vinh, ấm no và hạnh phúc.
Thủ tướng Chính phủ nhận định, để thực hiện được chuyển đổi số quốc gia một cách hiệu quả, thực chất đòi hỏi phải có chiến lược bài bản, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự thay đổi phương thức quản lý, vận hành, quản trị xã hội. Quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực, nguồn lực của chuyển đổi số.
Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và chính họ sẽ tạo ra nguồn lực cho sự phát triển, phải có tầm nhìn chiến lược và đổi mới từ tư duy, nhận thức, hành động cho phù hợp điều kiện thực tiễn; kế thừa, phát huy hơn nữa những kết quả đạt được thời gian qua; vượt qua rào cản, khó khăn, thách thức, tạo đột phá hơn nữa với quan điểm toàn dân, toàn diện, tổng thể, không để ai bị bỏ lại phía sau. Đặc biệt, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và nỗ lực đột phá vượt lên trong xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. “Chuyển đổi số quốc gia phải triển khai một cách tổng thể, toàn diện nhưng phải ưu tiên chất lượng hơn chạy theo số lượng và tập trung vào 4 ưu tiên chính: Ưu tiên phát triển dữ liệu số; ưu tiên phát triển các dịch vụ công trực tuyến gắn với người dân, doanh nghiệp và có đối tượng bao phủ lớn; ưu tiên phát triển các nền tảng số (nhất là cơ sở dữ liệu quốc gia); ưu tiên bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin"- Thủ tướng nói.
|
|
Ý nghĩa việc tổ chức Ngày Chuyển đối số quốc gia hằng năm (Ảnh chụp màn hình) |
Thủ tướng khẳng định, cơ sở dữ liệu quốc gia là nguồn tài nguyên mới và là nền tảng quan trọng cho chuyển đổi số quốc gia nên phải có tính liên kết, liên thông, chia sẻ cao giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa các cấp chính quyền, giữa công và tư; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực cán bộ thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát, đề cao trách nhiệm người đứng đầu.
Phát huy tính chủ động, sáng tạo; huy động mọi nguồn lực, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp; để người dân và doanh nghiệp hiểu, ủng hộ và tham gia tích cực. Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, làm mục tiêu, động lực, nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2023 là năm Dữ liệu số quốc gia, với quan điểm dữ liệu là tài nguyên của quốc gia, chúng ta cần nắm bắt, tận dụng cơ hội để khai thác, phát huy giá trị của dữ liệu số trở thành nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của kỷ nguyên số. Đồng thời, với thông điệp “tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới”, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách cho hạ tầng số, nền tảng số và nguồn nhân lực số để thúc đẩy dữ liệu số phát triển ổn định, bền vững; đẩy mạnh việc tạo lập dữ liệu thông qua triển khai xây dựng, phát triển, kết nối, chia sẻ, khai thác các CSDL quốc gia, chuyên ngành là yếu tố quan trọng trong chuyển đổi số, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra giá trị mới.
Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương và đề nghị chung tay tháo gỡ những điểm nghẽn trong triển khai Đề án 06 và xác định, đây là yếu tố quyết định mọi sự thành công của chuyển đổi số quốc gia trong thời gian tới, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.
“Chúng ta tin tưởng rằng, công cuộc chuyển đổi số quốc gia và phát triển dữ liệu số sẽ có nhiều chuyển biến toàn diện, tích cực, góp phần quan trọng hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và Kế hoạch 5 năm 2021-2025, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân” - người đứng đầu Chính phủ bày tỏ.
Thiết nghĩ, chuyển đổi số là hành trình dài và hành trình này chỉ có thể thành công nếu lấy người dân làm trung tâm, huy động được sự tham gia của toàn dân. Hơn bao giờ hết, cần tập trung củng cố thêm nhận thức của toàn dân về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với cuộc sống của mỗi người dân nói riêng, với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước nói chung.
Để đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia trong giai đoạn mới theo chủ trương của Đảng, Chính phủ, ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 505/QĐ-TTg lấy ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia với ý nghĩa của số "1" và số "0" là hai số của hệ thống số nhị phân - là ngôn ngữ của công nghệ thông tin và công nghệ số; gắn với chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số.
Ngày Chuyển đổi số quốc gia được tổ chức hằng năm nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đồng thời nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số và thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.
Ngày Chuyển đổi số quốc gia sẽ là hoạt động thường niên để đánh giá kết quả chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương trong năm và chia sẻ kinh nghiệm, cách làm mới để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Ngày Chuyển đổi số quốc gia không chỉ mang ý nghĩa chào mừng, tôn vinh, khen thưởng các tổ chức, cá nhân đã tham gia vào tiến trình chuyển đổi số quốc gia, mà còn là dấu mốc để đánh giá hoạt động chuyển đổi số hằng năm.
Đây cũng là dịp khơi dậy và lan tỏa niềm tự hào dân tộc, thổi bùng lên nhiệt huyết và tinh thần đóng góp cho dân tộc, đất nước bằng sự đổi mới, sáng tạo, thực hiện có hiệu quả những chương trình, nhiệm vụ để chuyển đổi số thành công. Đồng thời, việc tổ chức thường niên Ngày Chuyển đổi số quốc gia hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức của người dân trong toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số, đồng thời, thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân, nhằm bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số. Các hoạt động của Ngày Chuyển đổi số quốc gia hằng năm cũng giúp đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
|