|
|
PGS.TS Đào Duy Quát trao đổi với phóng viên. |
Một trong những nội dung quan trọng được bàn thảo tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XIII) diễn ra vào đầu tháng 10/2023, đó là tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 6/8/2008 của Hội nghị Trung ương 7 khóa X về "Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".
Tại Hội nghị này, Trung ương đã nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, cụ thể, toàn diện tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức, chỉ ra những kết quả chủ yếu đã đạt được, những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; phân tích, dự báo bối cảnh tình hình mới.
Kết thúc Hội nghị Trung ương 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất và ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới
|
|
Thể chế hóa cơ chế chính sách, pháp luật về xây dựng đội ngũ trí thức |
Đây cũng là nội dung trao đổi của chúng tôi với PGS.TS Đào Duy Quát, nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương).
PV: Thưa đồng chí, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 27, theo cảm nhận của mình, đồng chí thấy kết quả đạt được là như thế nào, nhất là mục tiêu xây dựng đội ngũ trí thức lớn mạnh, đạt chất lượng cao, số lượng và cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, từng bước tiến lên ngang tầm với trình độ của trí thức các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới?
PGS.TS Đào Duy Quát: Tại Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra nghị quyết chuyên đề rất quan trọng, đó là Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 6/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương khoá X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Theo tôi, để đánh giá việc thực hiện mục tiêu Nghị quyết đề ra, cần nắm lại quan niệm về trí thức và đặc điểm của trí thức Việt Nam cũng như mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 27.
Thứ nhất là quan niệm về trí thức. Trí thức theo quan niệm tại Nghị quyết 27, đó là đội ngũ những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, có sứ mệnh phải truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị phục vụ cho sự phát triển xã hội. Còn hiện nay là phục vụ cho sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ngoài những quan niệm chung về trí thức, tôi muốn nói đến nội dung cụ thể Nghị quyết 27 đã đề cập. Đó là trí thức Việt Nam xuất thân từ nhiều giai cấp, tầng lớp xã hội. Nhưng phải rất chú ý, họ xuất thân phần lớn, chủ yếu và trưởng thành từ công nhân, nông dân.
Bây giờ nói đến đội ngũ trí thức theo Nghị quyết 27 đề ra là nói đến đội ngũ trí thức trưởng thành trong chế độ mới của chúng ta. Điều đó có nghĩa là họ cũng khoảng 60 tuổi rồi. Đó chính là lớp trí thức được đào tạo bắt đầu từ sự nghiệp đổi mới năm 1986 đến nay.
Một trong những mục tiêu được đặt ra trong Nghị quyết số 27 là đến năm 2020, xây dựng đội ngũ trí thức lớn mạnh, đạt chất lượng cao, số lượng và cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, từng bước tiến lên ngang tầm với trình độ của trí thức các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới.
Cùng với đó là mục tiêu đến năm 2020 phải xây dựng được đội ngũ trí thức gắn bó vững chắc với Đảng, Nhà nước và Đảng, Nhà nước cũng gắn bó rất chặt chẽ với đội ngũ trí thức để tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đặc biệt trên nền tảng công, nông, trí. Chính liên minh công nhân, nông dân, trí thức là hạt nhân, nền tảng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Một mục tiêu nữa mà Nghị quyết 27 nêu ra lúc đó là trước mắt (có nghĩa là trong khoảng 5 năm) thì thể chế hóa được các cơ chế, chính sách đã ban hành... Và có một mục tiêu rất quan trọng là xây dựng chiến lược quốc gia về trí thức, phải thể chế rõ bằng các mục tiêu, giải pháp, pháp luật, cơ chế chính sách để thực hiện các nhiệm vụ, để đạt các mục tiêu đề ra...
Từ những mục tiêu đề ra đó, tôi thấy 15 năm qua, đội ngũ trí thức Việt Nam có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đội ngũ trí thức thực sự là lực lượng đi đầu trong nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, hội nhập quốc tế,... Họ đã có đóng góp rất quan trọng vào những thành tựu có ý nghĩa toàn diện, mang tính lịch sử, nâng tiềm năng, vị thế đất nước. Họ thực sự là những người yêu nước, gắn bó với Đảng, Nhà nước, Nhân dân, làm nòng cốt trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân... Đây là một trong những sức mạnh rất to lớn.
Nhưng so với mục tiêu, tôi cảm nhận là vẫn chưa đạt. Trong đó, việc thể chế hóa Nghị quyết có thể nói rất chậm. Chỉ lấy một ví dụ thế này. Từ năm 2008 để đạt được các mục tiêu mà Nghị quyết đã đặt ra đến năm 2020 thì phải có các giải pháp, các chính sách pháp luật, các cơ chế... Nghị quyết có 6 nhóm giải pháp, sau đó phải hình thành chiến lược. Thế nhưng đến năm 2020 vẫn chưa có chiến lược và chiến lược quốc gia mà Chính phủ thông qua là cuối năm 2022. Riêng việc ban hành chậm một chiến lược quốc gia nên hành động theo nghị quyết, quan điểm, tư tưởng chứ chưa thành một chương trình hành động tổng thể. Đấy cũng là một trong những nguyên nhân làm cho nghị quyết chưa đi sâu vào cuộc sống. Cho nên hàng loạt các mục tiêu cụ thể chúng ta đạt được còn thấp, chưa đạt yêu cầu của các mục tiêu đến năm 2020 mà bây giờ đã là cuối năm 2023.
|
|
PGS.TS Đào Duy Quát: Đội ngũ trí thức thực sự là lực lượng đi đầu trong nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, hội nhập quốc tế,... |
PV: Đội ngũ trí thức là nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển. Theo đánh giá của đồng chí, trên thực tế, sức mạnh này đã thực sự được phát huy ra sao ở đội ngũ trí thức nước ta? Và đồng chí có suy nghĩ như thế nào khi hiện nay dư luận cảm thấy rất băn khoăn trước thực trạng một số công trình nghiên cứu của các viện, các trường đại học vẫn nằm trong “ngăn kéo” chứ không gắn bó mật thiết với thực tiễn sản xuất, kinh doanh và đời sống?
PGS.TS Đào Duy Quát: Đúng là trong Nghị quyết Đảng ta đã nhận thức và phân định đội ngũ trí thức Việt Nam là nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của quốc gia, để quốc gia phát triển bền vững để chúng ta xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc sự nghiệp này. Kết quả tổng thể của đất nước ta sau 35 năm đổi mới có vai trò đóng góp rất quan trọng của đội ngũ tri thức. Sức mạnh ấy đã được Đảng, Nhà nước ta chăm lo, phát huy và đã đóng góp một bước phát triển trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, đối ngoại, quốc phòng, an ninh...
Nhưng đúng là với quan điểm nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, đánh giá đúng sự thật, chúng ta thấy việc phát huy này còn nhiều hạn chế, bất cập. Ví dụ, trong việc thực hiện các giải pháp mà các Nghị quyết đề ra có nội dung rất chậm, có nội dung không đồng bộ, có nội dung ban hành ra nhưng chưa thực hiện được. Đặc biệt việc bồi dưỡng, trọng dụng, phát huy nhân tài chưa đạt yêu cầu.
Tôi theo dõi 15 năm qua, trong các cuộc thi quốc tế, các trí thức trẻ đã đạt được rất nhiều danh hiệu, huy chương vàng, bạc, đồng các loại trên tất cả các lĩnh vực như toán, vật lý, hóa học, sinh học, tin học... Đây là một nguồn lực cực kỳ quý nhưng điều không vui là trong số các em đó có rất ít em quay về phục vụ quê hương, đất nước...
Còn nữa, chúng ta rất coi trọng việc xây dựng một nền kinh tế tri thức, bây giờ là kinh tế số, xã hội số. Tuy nhiên, đội ngũ này chất lượng đào tạo còn nhiều bất cập, làm cho sức mạnh của đội ngũ trí thức ấy chưa được phát huy một cách triệt để... Rồi tình trạng chạy bằng cấp, chạy điểm, chạy trường, chạy bằng tốt nghiệp, chạy chỗ làm việc, rồi khi có việc làm thì lại là các loại tiêu cực khác..., dẫn đến có một bộ phận trí thức có trình độ chuyên môn cao nhưng chưa sâu, chưa sáng tạo, chưa đạt được yêu cầu... Rồi một số lượng các công trình khoa học, các công trình ứng dụng khoa học chưa đạt được yêu cầu, dẫn đến hàng loạt các công trình, các đề tài nghiên cứu khoa học (cả khoa học công nghệ, khoa học xã hội) đều không được ứng dụng… Điều này rất là lãng phí, dẫn đến sức mạnh đội ngũ trí thức chưa được phát huy ở tất cả các khâu, từ đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, trọng dụng và phát huy dẫn đến những hạn chế, bất cập…
PV: Thực tế cho thấy hiện nay vẫn còn một bộ phận trí thức, kể cả người có trình độ học vấn cao giảm sút đạo đức nghề nghiệp, thiếu ý thức trách nhiệm, có biểu hiện chạy theo bằng cấp. Thậm chí có một số trí thức chạy theo lợi ích trước mắt, thiếu ý chí phấn đấu vươn lên về chuyên môn. Đồng chí bình luận như thế nào về thực tế này?
PGS.TS Đào Duy Quát: Những mặt hạn chế, yếu kém này đặt trong tổng thể những điều mà Đảng ta đã nhận định. Đó là hiện nay chúng ta đang đối mặt với một nguy cơ là sự suy thoái cả về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có đội ngũ trí thức. Một số người đã nói đây là cuộc khủng hoảng văn hóa, tức là các giá trị đang bị đảo lộn. Mấy giá trị cốt lõi nhất chân, thiện, mỹ cũng bị ảnh hưởng...
Trong đội ngũ tiên phong này có bộ phận không nhỏ suy thoái thì bộ phận đó cũng là bộ phận trí thức, bộ phận tinh hoa... Kể cả những người có học vấn cao cỡ tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư thì cũng xuất hiện tình trạng chạy các tiêu chuẩn để được công nhận; có tình trạng “mua” các bài báo đăng quốc tế, các công trình đăng trên các tạp chí quốc tế... Đây là một thực tế rất đau lòng và khi thực hiện nghị quyết mới của Trung ương lần này cần phải nhìn thẳng để có những giải pháp đẩy lùi và khắc phục cho được.
PV: Thưa PGS.TS Đào Duy Quát, để đội ngũ trí thức phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình, đạt được các mục tiêu, yêu cầu đề ra thì chúng ta cần có những giải pháp nào?
PGS.TS Đào Duy Quát: Sau Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII vừa rồi, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW“về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới”. Trong nghị quyết này đã nêu 5 nhóm giải pháp. Trong đó, nhóm giải pháp thứ nhất, toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị và cả xã hội tiếp tục nâng nhận thức thực sự về vị trí, vai trò của tri thức. Nhận thức ở đây phải trở thành nhận thức của từng cán bộ, đảng viên, nhất là các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các cấp ủy, lãnh đạo các cấp chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội, phải trở thành trách nhiệm, tình cảm để thực hiện...
Trung ương lần này muốn nhấn mạnh giải pháp đầu tiên là phải tiếp tục nâng cao nhận thức, nhanh chóng đổi mới cho được, cho thực chất việc học tập nghị quyết để cán bộ, đảng viên, hệ thống chính trị và đặc biệt cả đội ngũ trí thức phải thực sự nhận thức rất rõ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của mình trong sự nghiệp phát triển đất nước theo mục tiêu nhanh, bền vững, đến năm 2045 chúng ta phải trở thành nước phát triển có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Giải pháp thứ hai, đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh trí thức. Đây là vấn đề cực kỳ khó khăn. Riêng vấn đề tiền lương cho đội ngũ trí thức còn rất nhiều điều đáng nói. Nhiều em đi học đại học nước ngoài trong 5 năm hết bao nhiêu tiền nhưng về nước vào được biên chế thì lương khởi đầu được mấy triệu nên hầu như các em đi đào tạo nước ngoài về không vào làm trong hệ thống nhà nước.
Hay đổi mới đào tạo, chúng ta coi giáo dục đào tạo là quốc sách nhưng đến nay, việc thực hiện dù có một số kết quả bước đầu nhưng còn rất lúng túng. Hay vấn đề sách giáo khoa, việc thực hiện một chương trình nhiều sách giáo khoa đến bây giờ lại có vẻ băn khoăn... Rồi chất lượng đào tạo do tác động xấu của cơ chế thị trường cũng bị ảnh hưởng... Cho nên đổi mới đào tạo, đổi mới bồi dưỡng đội ngũ trí thức phải thực hiện một cách rất quyết liệt.
|
|
PGS.TS Đào Duy Quát: Tăng cường quản lý Nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách đối với đội ngũ trí thức. |
Về trọng dụng nhân tài, chính sách chưa rõ dẫn đến bao nhiêu tài năng nhưng mình không mời, không trọng dụng được. Trọng dụng nhân tài không chỉ là lương, chỗ làm việc mà rất cần môi trường. Môi trường để cho trí thức làm việc phải dân chủ trong nghiên cứu, kể cả trong khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và khoa học công nghệ... Môi trường và điều kiện làm việc phải đổi mới quyết liệt mới tạo bước đột phá.... Tóm lại, giải pháp đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh cần rất quyết liệt, triệt để.
Giải pháp thứ ba, tăng cường quản lý Nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách đối với đội ngũ trí thức. Với giải pháp này, tôi đề nghị, tăng cường quản lý Nhà nước, hoàn thiện cơ chế chính sách, bởi việc thể chế hóa Nghị quyết trên thực tế là chậm. Ở đây liên quan đến việc chỉ đạo, tổ chức. Tôi thấy mô hình ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng gồm có cả Đảng, Nhà nước, các ngành trong một ban chỉ đạo do đồng chí lãnh đạo cao nhất đứng đầu làm cho việc thể chế hóa rất nhanh các Nghị quyết chuyển thành hành động, cho nên trong khóa XIII này, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực có bước tiến rất hiệu quả. Vì vậy, việc thực hiện Nghị quyết này cần phải có ban chỉ đạo gắn với trách nhiệm để thể chế hóa...
Giải pháp thứ tư, tăng cường nguồn lực cho đội ngũ trí thức chủ động, tích cực, hội nhập quốc tế. Nguồn lực bao gồm cả nguồn lực về tinh thần, vật chất, tiền lương... Để tăng cường nguồn lực, cần rất nhiều nguồn lực, cần có cơ chế, chính sách, hành động một cách quyết liệt.
Giải pháp cuối cùng, phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các hội trí thức. Tức là, làm sao để cho trí thức thực sự có trách nhiệm với xã hội, tự tôn tự trọng và có độc lập trong tư duy, say mê, sáng tạo để đóng góp với đất nước. Muốn thế phải giáo dục bồi dưỡng, giáo dục từ hệ thống giáo dục tiểu học đến đại học, phải coi trọng giáo dục làm người, giáo dục nhân cách phải rất tốt...
Hiện nay, các hội, nhất là hội trí thức, hội liên hiệp, các hội khoa học kĩ thuật, các hội liên hiệp trí thức làm sao phải thực sự tập hợp được trí thức, giáo dục trí thức, bảo vệ các quyền lợi trí thức, tạo được kiến nghị với Đảng, Nhà nước để tạo môi trường thuận lợi cho trí thức thì các hội này cần hoạt động có hiệu quả, thực chất.
Tổng quát chung cả 5 giải pháp này cần được quán triệt, cần được triển khai tổ chức một cách đồng bộ, thực sự đi vào thực chất mới có hiệu quả.
PV: Trong các giải pháp mà đồng chí vừa đề cập, thì đâu là giải pháp “đòn bẩy” góp phần tạo đột phá nhằm thúc đẩy tính sáng tạo của đội ngũ trí thức trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật?
PGS.TS Đào Duy Quát: Theo tôi cả 5 giải pháp này phải được triển khai một cách đồng bộ, thiết thực. Nhưng để kết hợp được, làm được phải gắn chặt công tác tư tưởng với công tác tổ chức cán bộ để triển khai đồng bộ cả 5 giải pháp. Tức là, phải thành lập được Ban Chỉ đạo của Trung ương hay của quốc gia. Theo tôi, Nghị quyết về trí thức thì có Ban Chỉ đạo quốc gia do Thủ tướng đứng đầu, có các bộ, ngành, các cơ quan Quốc hội, Chính phủ, Đoàn thể tham gia. Trước hết, phải xây dựng chiến lược, bổ sung chiến lược, sau sẽ tập chung vào công tác quán triệt, nâng cao nhận thức, nhưng quan trọng nhất là thể chế hóa thành cơ chế chính sách, pháp luật. Cùng với đó, đột phá vào hai khâu là bồi dưỡng, đào tạo, trọng dụng, tôn vinh nhân tài và tạo môi trường, điều kiện để phát huy vai trò trí thức cả vật chất lẫn tinh thần.
|
|
PGS.TS Đào Duy Quát: Tôi mong sau nghị quyết này, cần quy rõ trách nhiệm (cả ưu điểm lẫn khuyết điểm Trung ương chỉ rất rõ) để trí thức phát huy bằng các chương trình hành động mới, chắc chắn sẽ tạo ra sự chuyển biến. |
PV: Từ những phân tích của mình, đồng chí có kỳ vọng gì về Nghị quyết mới trong bối cảnh hiện nay?
PGS.TS Đào Duy Quát: Việc ra đời được Nghị quyết này rất quan trọng, nhưng theo tôi phải đổi mới ngay khâu quán triệt để quy định rõ trách nhiệm cho từng cấp, cả lãnh đạo, quản lý và bản thân đội ngũ trí thức cũng thấy tự hào và tự thấy trách nhiệm của mình để có ý thức thực sự phấn đấu. Đội ngũ trí thức phải trở thành người yêu nước rất nồng nàn, có tư duy độc lập ngoài chuyên môn chuyên sâu, rất cao... Từ đó hình thành chương trình hành động...
Tôi mong sau nghị quyết này, cần quy rõ trách nhiệm (cả ưu điểm lẫn khuyết điểm Trung ương chỉ rất rõ) để trí thức phát huy bằng các chương trình hành động mới, chắc chắn sẽ tạo ra sự chuyển biến.
PV: Xin trân trọng cảm ơn PGS.TS Đào Duy Quát!