Phát biểu dẫn đề tọa đàm, TS Nguyễn Tuấn Khanh cho biết Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 20/11/2018, chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2019, gồm 10 chương, 96 điều. Đây là một trong những đạo luật quan trọng của nước ta nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Trải qua hơn 3 năm thực hiện trong thực tiễn Luật PCTN đã đạt được những kết quả và còn có những hạn chế nhất định. Tọa đàm lần này được thực hiện dựa trên văn bản yêu cầu của Cục Phòng, Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ về đánh giá việc thực hiện Luật PCTN trong 3 năm qua. Phó Viện trưởng Viện CLKHTT mong muốn được chia sẻ, lắng nghe ý kiến của đại biểu về những bất cập khi thực hiện Luật PCTN trong thực tiễn.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu tham dự cùng thảo luận chia sẻ nhiều ý kiến xoay quanh những bất cập của Luật PCTN năm 2018 như: quy định về kê biên phong tỏa tài sản, xử lý vật chứng, thu hồi tài sản tham nhũng, việc chuyển đổi vị trí công tác… là những bất cập cần được nêu trong báo cáo đánh giá qua 03 năm thực hiện Luật PCTN.
Chia sẻ tại tọa đàm, TS Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ cho biết, Luật PCTN năm 2018 còn một số vướng mắc về công khai minh bạch hay về trách nhiệm giải trình hoặc về chuyển đổi vị trí công tác.
Bên cạnh đó, các quy định về đối tượng thực hiện kiểm soát tài sản thu nhập hay việc kê khai tài sản và cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập cũng là những vấn đề gặp khó khăn trong thực tiễn triển khai Luật. Ngoài ra, việc thu hồi tài sản hay việc thực hiện công khai bản kê khai tài sản cũng gặp những khó khăn nhất định.