Sign In

Đẩy mạnh và nâng cao ứng dụng công nghệ số trong hoạt động thanh tra

07:57 05/12/2024
Ngày 4/12, Hội đồng khoa học Thanh tra Chính phủ đã tổ chức hội nghị nghiệm thu đề tài khoa học cấp bộ “Ứng dụng công nghệ số trong hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng” do TS. Nguyễn Huy Hoàng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra làm chủ nhiệm.

Trình bày kết quả nghiên cứu, TS. Nguyễn Huy Hoàng cho biết, thời gian vừa qua, nhiều cơ quan ở trung ương và một số địa phương đã chủ động, tích cực triển khai việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý nhà nước. Trong lĩnh vực hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) và phòng, chống tham nhũng (PCTN) cũng đã bước đầu ghi nhận những kết quả tích cực từ việc ứng dụng công nghệ số.

Nhận thức được vai trò của công nghệ số, Thanh tra Chính phủ (TTCP), với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước cao nhất thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC và PCTN trong phạm vi cả nước, thời gian qua đã có nhiều bước đi cụ thể, đáng ghi nhận trong ứng dụng công nghệ số vào hoạt động của cơ quan và ngành Thanh tra.

Đó là, việc đã triển khai và đưa vào sử dụng trong toàn quốc hệ thống cơ sở dữ liệu về báo cáo công tác thanh tra, giải quyết KNTC và PCTN theo quy định của Thông tư số 02/2021/TT-TTCP về chế độ báo cáo công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC và PCTN; đầu tư và triển khai thực hiện các dự án “Xây dựng nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung” và “Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập”.

Trước đó, TTCP cũng đã xây dựng và vận hành các phần mềm như phần mềm quản lý hồ sơ lưu trữ đoàn thanh tra; phần mềm đặt lịch và trả lịch hẹn tiếp công dân; hệ thống cơ sở dữ liệu Quốc gia về KNTC…

Bên cạnh đó, nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ số, tháng 4/2022 TTCP đã ban hành Chương trình chuyển đổi số của TTCP đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Bên cạnh đặt ra những mục tiêu cụ thể, TTCP còn đề ra kỳ vọng ở mức độ cao khi ứng dụng công nghệ số như sử dụng các công cụ phân tích thông minh để giúp lãnh đạo kịp thời đưa ra các quyết sách trong công tác quản lý nhà nước về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC và PCTN.

Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC và PCTN vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần phải tiếp tục nghiên cứu nhằm tìm ra các giải pháp đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả.

Chủ nhiệm đề tài cho biết, kết quả nghiên cứu sẽ cung cấp những cơ sở lý luận, pháp lý cũng như thực tiễn cho việc đề xuất các giải pháp nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ số trong hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC và PCTN thời gian tới. 

Theo chủ nhiệm đề tài, lộ trình ứng dụng công nghệ số vào hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC và PCTN, có thể chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn 1, từ nay đến hết năm 2025; giai đoạn 2: từ 2025 đến hết năm 2030. Trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2025, rà soát, đánh giá các phần mềm của TTCP, các bộ, ngành địa phương trong cả 3 lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC và PCTN, trên cơ sở đó nâng cấp, hoàn thiện, tích hợp các tính năng của các phần mềm này đảm thực hiện thông suốt từ Trung ương đến địa phương.

Bên cạnh đó, căn cứ vào các lĩnh vực công tác của ngành, TTCP chủ trì, phối hợp với các địa phương tiếp tục xây dựng và triển khai các phần mềm ứng dụng mới trong hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC và PCTN. Giai đoạn từ 2026 đến 2030, tiếp tục phát triển các cơ sở dữ liệu chuyên ngành trong lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC và PCTN phục vụ ứng dụng, dịch vụ Chính phủ số trong nội bộ của ngành thanh tra; thực hiện chia sẻ hiệu quả dữ liệu chuyên ngành của TTCP với các địa phương; mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật.
Xây dựng hệ thống phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp trong lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC và PCTN nhằm lưu trữ tập trung, tổng hợp, phân tích, xử lý dữ liệu số từ các nguồn khác nhau, từ đó tạo ra thông tin mới, dịch vụ dữ liệu mới phục vụ Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số. Để đạt được lộ trình như vậy, chủ nhiệm đề tài đề xuất các giải pháp tăng cường ứng dụng công nghệ số vào hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC và PCTN.
Theo đó, cần nâng cao nhận thức số cho đội ngũ công chức trong việc thực hiện ứng dụng công nghệ số; hoàn thiện thể chế về ứng dụng công nghệ số; tiếp tục quan tâm đầu tư kinh phí, phương tiện làm việc phục vụ chuyển đổi số.
Ban hành quy định của Tổng Thanh tra về: “Xây dựng phần mềm hệ thống quản lý thống nhất và xuyên suốt các hoạt động nghiệp vụ thanh tra: từ giai đoạn xây dựng kế hoạch thanh tra, tiến hành thanh tra, kiểm tra và theo dõi, đôn đốc, kiểm tra sau thanh tra và quản lý lưu trữ hồ sơ Đoàn thanh tra”, tạo cơ sở pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động thanh tra, đồng bộ với Nghị định 55/2022/NĐ-CP của Chính phủ về xây dựng cơ sở dữ liệu về KNTC và Luật PCTN 2018 về xây dựng cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập.
Xây dựng và ban hành thông tư hướng dẫn về chia sẻ thông tin, dữ liệu của ngành Thanh tra trong đó, xác định các nhiệm vụ triển khai kết nối các cơ sở dữ liệu dùng chung quốc gia vào các hoạt động nghiệp vụ; thực hiện kết nối chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nướ; mở dữ liệu và tạo dữ liệu mở về các lĩnh vực chuyên ngành tạo điều kiện phát triển kinh tế số, xã hội số; xây dựng và ban hành quy định quản lý, vận hành các ứng dụng công nghệ số thuộc phạm vi quản lý thống nhất của ngành thanh tra, như phần mềm KNTC, kiểm soát tài sản thu nhập.
Xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ chuyên trách CNTT đang công tác tại đơn vị trực thuộc TTCP và cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo.
Đánh giá kết quả nghiên cứu, Hội đồng nghiệm thu nhấn mạnh tính cấp thiết của đề tài. Đề tài đã luận giải được nhũng vấn đề lý luận và thực tiễn về công nghệ số và ứng dụng công nghệ số vào hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC và PCTN.
Đồng thời, đề tài được nghiên cứu công phu, nghiêm túc, có chất lượng tốt, có nhiều nội dung mới, có ý nghĩa về lý luận và thực tiễn đối với việc nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ số vào hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC và PCTN,
Đề tài cũng đã đánh giá được khá toàn diện thực trạng ứng dụng công nghệ số vào hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC và PCTN về kết quả, hạn chế, nguyên nhân và bất cập.
Ban chủ nhiệm cũng đã đề xuất được 3 quan điểm và 8 giải pháp nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ số vào hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC và PCTN trong tình hình mới. Những giải pháp, kiến nghị của đề tài khá toàn diện, có tính khả thi. Kết quả nghiên cứu đề tài cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng thể chế pháp luật, cho lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ứng dụng công nghệ số vào hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC và PCTN.
Với những kết quả đạt được, Hội đồng nghiệm thu thống nhất đề tài xếp loại xuất sắc.

  

 

Tag:

File đính kèm