(Dangbodanang.vn) - Sáng 16/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đồng chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Quang Nam chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng.
|
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (giữa), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà (trái), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị (phải) đồng chủ trì hội nghị. Ảnh: VGP |
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và mục tiêu đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc.
Trong đó, nhà ở là một trong 3 trụ cột của công tác an sinh xã hội. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã đề cập nhiều nội dung để bảo đảm quyền tiếp cận bình đẳng về nhà ở cho công dân, phát triển nhà ở xã hội.
Thủ tướng nhấn mạnh một số kết quả đạt được trong phát triển nhà ở xã hội, thực hiện xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, đặc biệt là nhiều dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đã được triển khai và hoàn thành, góp phần hỗ trợ người có thu nhập thấp, công nhân, người lao động “an cư lạc nghiệp” với 499 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai có quy mô hơn 411.000 căn hộ (trong đó 72 dự án đã hoàn thành có quy mô hơn 38.000 căn hộ; 129 dự án đã khởi công với gần 115.000 căn hộ; 298 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với gần 259.000 căn hộ).
Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở xã hội so với mục tiêu, yêu cầu và mong muốn của Chính phủ thì chưa đạt được và còn một số tồn tại, khó khăn. Nhiều địa phương chưa có sẵn quỹ đất sạch để làm nhà ở xã hội.
Một số dự án nhà ở xã hội tại một số địa phương có quy hoạch nhưng lại cấp cho các nhà đầu tư còn yếu về năng lực, trong khi có doanh nghiệp lại thiếu động lực triển khai vì hiệu quả không cao dẫn đến chậm triển khai dự án....
Việc giải ngân gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng còn chậm so với mong muốn và nhu cầu thực tiễn (mới cam kết cấp tín dụng được 5,8%, giải ngân chưa được 1%).
Để phát triển nhà ở xã hội, trong đó triển khai nhanh, hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”, Thủ tướng kêu gọi, tất cả các chủ thể có liên quan, mỗi người, mỗi tổ chức trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải phát huy hết khả năng, tâm huyết của mình, tinh thần trách nhiệm cao nhất; chủ động, sáng tạo, kịp thời và đạo đức với xã hội để thực hiện tốt các công việc, chung tay, góp sức tạo phong trào, xu thế phát triển nhà ở xã hội đúng nghĩa.
Với tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên Môi trường, Ngân hàng Nhà nước tập trung xây dựng, sớm ban hành các nghị định, văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn liên quan đến việc triển khai các dự án nhà ở xã hội như: Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); trong đó, tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trên tinh thần cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền để giảm tối đa thời gian, chi phí thực hiện dự án nhà ở xã hội.
Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng quy trình rút gọn các thủ tục hành chính lựa chọn nhà đầu tư, triển khai dự án nhà ở xã hội để tiết kiệm thời gian, khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội.
Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước lớn chung tay cùng doanh nghiệp nghiên cứu, xây dựng và cung cấp gói tín dụng cho người mua với thời gian 10 - 15 năm với lãi suất thấp hơn từ 3-5% so với cho vay thương mại; nghiên cứu, xem xét hạ mức lãi suất cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng phù hợp.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ sung nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện cho vay nhà ở xã hội thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2024 - 2025 theo quy định pháp luật về nhà ở.
Bộ Tài chính nghiên cứu thành lập Quỹ Nhà ở xã hội, chính sách thuế phù hợp.
|
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Quang Nam chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng. Ảnh: Hoàng Hiệp |
Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương đăng ký chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội trong năm 2024; Bộ Công an, Bộ Quốc phòng phấn đấu trong năm 2024 thực hiện 10.000 căn hộ nhà ở xã hội; Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phấn đấu trong năm 2024 thực hiện 2.000 căn hộ nhà ở xã hội.
Các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội lập tiến độ, chuẩn bị đầy đủ nguồn lực, tài chính, áp dụng công nghệ mới nhằm rút ngắn thời gian thi công; khẩn trương hoàn thiện các thủ tục pháp lý để khởi công xây dựng theo các đồ án quy hoạch và chấp thuận chủ trương đầu tư đã được phê duyệt; khẩn trương triển khai khởi công, bảo đảm tiến độ hoàn thành các công trình trên quỹ đất 20% cho nhà ở xã hội...
Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Xây dựng, các địa phương nghiên cứu việc đưa chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển nhà ở xã hội thành chỉ tiêu pháp lệnh, hằng năm phải có báo cáo. Các cấp ủy địa phương có nghị quyết để lãnh đạo việc phát triển nhà ở xã hội, HĐND ban hành các chính sách, quy định phù hợp với đặc thù địa phương.
Thủ tướng cũng yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết tâm thực hiện bằng được mục tiêu, số lượng nhà ở xã hội năm 2024. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn. Bộ Xây dựng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các địa phương hoàn thành mục tiêu đề ra.
Thủ tướng cũng đề nghị các chủ thể liên quan tích cực tham gia phong trào xóa nhà tạm trên phạm vi toàn quốc được phát động trong thời gian tới.
Theo Hoàng Hiệp (baodanang.vn)