Sign In

Sự phát triển tư duy lý luận của Đảng ta về xây dựng Đảng về chính trị

14:38 19/09/2023
Thể hiện sâu sắc tính khoa học và sáng tạo

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chung vui Ngày hội Đại đoàn kết cùng đồng bào xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana, Đắk Lắk, ngày 11/11/2018. Ảnh: TTXVN.


Từ khi ra đời cho đến nay, tư duy lý luận của Đảng ta về công tác xây dựng Đảng về chính trị có bước phát triển mới ngày càng phản ánh đúng đắn hiện thực thể hiện sâu sắc tính khoa học và sáng tạo của Đảng ta về công tác đặc biệt quan trọng này.

Đảng ta đã xác định nền tảng quan trọng để xây dựng Đảng về chính trị trước hết là: kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới; kiên định những vấn đề có tính nguyên tắc trong công tác xây dựng Đảng. Không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo (1930-1945) và năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng từ năm 1945 đến nay và sau này, năng lực hoạch định đường lối, chính sách phù hợp với quy luật khách quan, điều kiện cụ thể của Việt Nam, nâng cao bản lĩnh chính trị và trình độ trí tuệ của toàn Đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Không dao động trong bất kỳ tình huống nào, dù khó khăn đến đâu cũng chủ động vượt qua, luôn giữ vững và phát huy bản chất cách mạng của Đảng.

Đảng đã xác định nhiệm vụ quan trọng cần tập trung trong công tác xây dựng Đảng thời kỳ đổi mới là nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tư tưởng, lý luận. Tăng cường nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, làm sáng tỏ một số vấn đề về đảng cầm quyền, về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta và những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình tiến hành sự nghiệp đổi mới. Từ đó “Tư duy lý luận của Đảng có bước phát triển. Hệ thống lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam tiếp tục được bổ sung, phát triển”(1).

Trong bối cảnh hiện nay, tư duy lý luận về công tác xây dựng Đảng về chính trị càng được Đảng ta đặc biệt chú trọng. Đảng ta đã luôn vững vàng và hơn bao giờ hết, Đảng chủ động tăng cường xây dựng Đảng về chính trị với tiêu chí của tư duy lý luận khoa học đúng đắn, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn và soi đường, chỉ đạo cho thực tiễn phát triển phù hợp với quy luật khách quan của thời đại. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta khẳng định: “Kiên định và không ngừng vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong từng giai đoạn. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Kiên định đường lối đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng, kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng. Nâng cao bản lĩnh, năng lực dự báo và chất lượng công tác hoạch định đường lối, chính sách phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu hướng phát triển của thời đại. Kịp thời thể chế hóa, cụ thể hoá, triển khai đúng đắn, hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, khắc phục sự yếu kém trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Nâng cao lập trường, bản lĩnh chính trị, trình độ, trí tuệ, tính chiến đấu của cấp uỷ, tổ chức đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp, cán bộ cấp chiến lược”(2).

Đại hội lần thứ XIII của Đảng là sự kế thừa và phát triển quan điểm của các kỳ đại hội trước, đặc biệt là từ nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XII về nguyên tắc tiên quyết trong công tác xây dựng Đảng về chính trị phải liên hệ chặt chẽ với bảo vệ (xây dựng gắn liền với chỉnh đốn) nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch với khẳng định: “Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”(3). Điểm phát triển mới về tư duy lý luận ở đây là Đảng ta bổ sung cụm từ “kiên định” trong nghị quyết nhằm nhấn mạnh đây là yếu tố quan trọng hàng đầu trong xây dựng Đảng về chính trị và trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đây là sự phản ánh kịp thời, chính xác đối tượng hiện thực của tư duy, thể hiện tư duy lý luận nhạy bén, sắc sảo của Đảng trong việc nắm bắt xu thế tất yếu của thời đại.

Kết luận số 21-KL/TW khóa XIII về “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa được ban hành đã thể hiện tính toàn diện, khách quan, khoa học của tư duy lý luận: gắn xây dựng Đảng về chính trị với tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; đồng thời mở rộng xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng ra cả hệ thống chính trị. Điều đó thể hiện sự phát triển tư duy lý luận hoàn toàn đứng đắn và khoa học. Mặt nữa là thể hiện quyết tâm chính trị cao độ và hành động quyết liệt của Đảng trong đẩy mạnh công tác xây dựng xây dựng Đảng cề chính trị.

Thực tiễn hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, hơn 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên tất cả các lĩnh vực. Với những thành tựu to lớn đó, chúng ta có thể tự tin khẳng định rằng “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(4). Những thành tựu đó cũng là minh chứng sống động nhất khẳng định rằng: đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, sáng tạo; Đảng đã tuyệt đối trung thành và vận dụng, bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn của cách mạng Việt Nam; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn đất nước và xu thế phát triển của thời đại; Hơn lúc nào hết, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam ngày càng hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa.

Là chính đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, Đảng ta luôn nhất quán lấy “chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại, nắm vững quy luật khách quan, xu thế thời đại và thực tiễn của đất nước để đề ra Cương lĩnh chính trị, đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân”(5). Do vậy, Đảng ta luôn xác định vị trí, vai trò hàng đầu của công tác tư tưởng lý luận, coi đó là một bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng; là lĩnh vực trọng yếu để xây dựng, bồi đắp nền tảng chính trị của chế độ, tuyên truyền, giáo dục, động viên và tổ chức nhân dân thực hiện các nhiệm vụ cách mạng. Tổng kết 35 năm đổi mới ở Việt Nam, Đảng ta tiếp tục khẳng định: ”Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”(6). Đây được coi là một trong những vấn đề “mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”(7).

Tóm lại, tư duy lý luận về công tác xây dựng Đảng về chính trị được thể hiện qua các nghị quyết của Đảng từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đến nay ngày càng hoàn thiện, nhất quán, xuyên suốt. Đảng ta luôn xuất phát từ tình hình thực tiễn thế giới, khu vực và trong nước, căn cứ vào nhiệm vụ cụ thể mỗi giai đoạn cách mạng, trên cơ sở trung thành và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch của các thế lực chống phá trong và ngoài nước. Bằng sự kết tinh trí tuệ, ý chí, quyết tâm của Đảng, tư duy lý luận, hệ thống các quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ, giải pháp được đề ra trong các văn kiện đại hội, hội nghị Trung ương trong thời kỳ đổi mới luôn được cập nhật, bổ sung, phát triển toàn diện, đồng bộ và phù hợp các mặt của công tác xây dựng Đảng về chính trị đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao của công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước. Để hiện thực hóa mục tiêu “đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”(8), toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải “tiếp tục kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội và đường lối đổi mới của Đảng”(9). Có thể khẳng định, tư duy lý luận của Đảng ta về xây dựng Đảng về chính trị ngày càng phát triển, kết quả nghiên cứu lý luận từng bước đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.

Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai kết luận và quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.


Lý luận phải vươn lên dẫn đường và đồng hành với thực tiễn

Tuy nhiên, quá trình phát triển tư duy lý luận của Đảng ta nói chung và trong công tác xây dựng Đảng nói riêng cũng còn những hạn chế cần phải được khắc phục. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta cũng đã chỉ ra một số hạn chế về tư duy lý luận đòi hỏi toàn Đảng phải nghiêm túc nhìn nhận, nỗ lực phấn đấu để khắc phục, tiếp tục lãnh đạo đất nước phát triển nhanh, bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa: “Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa được quan tâm đúng mức, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu; một số vấn đề mới, khó, phức tạp chưa được làm sáng tỏ... Việc cụ thể hóa, tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng của một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa kịp thời, chưa sát thực tế, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện một số chủ trương, nghị quyết có nơi, có lúc chưa quyết liệt, còn yếu kém, chậm trễ nhưng chưa xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu. Một bộ phận cán bộ, đảng viên bản lĩnh chính trị không vững vàng, suy thoái về tư tưởng chính trị, còn hoài nghi, mơ hồ về mục tiêu, lý tưởng của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; một số ít hoang mang, dao động, mất lòng tin; cá biệt còn phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới của Đảng”(10).

Qua thực tiễn hoạt động lãnh đạo, quản lý ở địa phương cơ sở cho thấy, tư duy lý luận trong công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là xây dựng Đảng về chính trị của cán bộ lãnh đạo, quản lý nói chung đã có bước phát triển mới, song cũng vẫn còn nhiều hạn chế. Tùy theo mức độ nặng nhẹ, số không ít cán bộ thường mắc phải những căn bệnh như: “bệnh giáo điều”, “bệnh chủ quan duy ý chí” và “bệnh kinh nghiệm”. Những căn bệnh này thực chất là đã tách rời lý luận với thực tiễn; xa rời những nguyên tắc của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh dẫn đến những hạn chế, thậm chí là sai lầm trong tư duy lý luận. Triệu chứng hay biểu hiện của những căn bệnh này thể hiện rất rõ ở những cán bộ lãnh đạo, quản lý “đơn giản hóa”, thậm chí “tầm thường hóa” tư duy lý luận. Những biểu hiện của việc đơn giản hóa, tầm thường hóa tư duy lý luận là ở chỗ, người ta thường vận dụng rập khuôn, máy móc những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin. Trong thực tiễn, việc vận dụng rập khuôn, máy móc những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin rất có thể dẫn con người đến những suy diễn chủ quan và kết luận phi lý, không có cơ sở khoa học.

Giản đơn hóa trong tư duy lý luận biểu hiện ở tư tưởng chủ quan, nóng vội, đốt cháy giai đoạn. Chính hạn chế này làm cho tư duy lý luận thiếu tính khoa học, mang nặng tính chủ quan, thậm chí “ảo tưởng”. Về mặt lý luận, người ta luôn khẳng định phải xuất phát từ thực tế “tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan” nhưng trong thực tiễn họ lại hành động theo sự “điều khiển” của ý chí, nguyện vọng chủ quan. Trong trường hợp này dù ý muốn chủ quan, nguyện vọng chủ quan là thiện, là tốt nhưng rút cục vẫn cứ dẫn đến thất bại theo công thức “nhiệt tình cộng với ngu dốt thành phá hoại”. Phân tích từ hạn chế này càng cho thấy tầm quan trong và vai trò to lớn của tư duy lý luận. Vì vậy, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được triển khai quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, thường xuyên cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ để khắc phục có hiệu quả những hạn chế trên.

 

Quá trình hình thành, phát triển và hoàn thiện tư duy lý luận về xây dựng Đảng về chính trị của cán bộ lãnh đạo, quản lý nói chung là một quá trình biện chứng, phức tạp. Tư duy lý luận chỉ được hình thành, phát triển thông qua con đường hoạt động thực tiễn cải tạo tự nhiên và xã hội, hay nói cách khác hoạt động thực tiễn là phương thức hình thành tư duy rồi phát triển thành tư duy lý luận khoa học bằng suy luận lôgic. Theo phương pháp Hồ Chí Minh: “Thực hành sinh ra hiểu biết. Hiểu biết tiến lên thành lý luận. Lý luận lãnh đạo thực hành”, thì giải pháp cơ bản mang tính khoa học để khắc phục những hạn chế về tư duy lý luận: một là, tích cực học tập có hiệu quả lý luận, tri thức khoa học; hai là, vận dụng rèn luyện trong thực tiễn, không ngừng nâng cao bản lĩnh, năng lực công tác, phong cách lãnh đạo.

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc bên cạnh thời cơ, thuận lợi, đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhiều vấn đề lý luận, thực tiễn mới đang đặt ra đối với đổi mới tư duy lý luận của đảng… Đặc biệt, trước yêu cầu “không thể để kéo dài tình trạng còn lạc hậu của lý luận so với sự vận động và đòi hỏi của thực tiễn. Lý luận phải vươn lên dẫn đường và đồng hành với thực tiễn”(11), “phải có tầm nhìn vượt trước”(12),càng đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn nữa của đội ngũ lý luận trên cả nước.

Để có đường lối đúng đắn đảm bảo yêu cầu đặc biệt quan trọng của xây dựng Đảng về chính trị trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần mở rộng hợp tác quốc tế, trao đổi lý luận với các đảng cầm quyền, đảng tham chính trên thế giới. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và đề ra các quyết sách, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, Đảng ta “không thể chỉ xuất phát từ thực tiễn của đất nước và dân tộc mình, mà còn phải nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm từ thực tiễn của thế giới và thời đại... Chúng ta cần tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống”(13)./.

PGS. TS. Nguyễn Văn Vĩnh
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Nguồn: Tạp chí Tuyên giáo

---------------------

(1) (2) (3) (4) (6) (7) (8) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, H, 2021, t.I, tr.74-75, 180-181, 33, 103-104, 33, 33, 111-112.

(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb. Sự thật, H, 1991, tr.21.

(9) (10) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.II, tr. 228, 165-168.

(11) (12) Hội đồng Lý luận Trung ương: “Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị tổng kết Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2016 - 2021”, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2022, tr. 21.

(13)  Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2022, tr. 37-38.

Tag:

File đính kèm