Thành uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu tại tọa đàm
Thành phố Hà Nội đang đối diện với vấn đề ô nhiễm không khí nghiêm trọng, đặc biệt là tại các khu vực đô thị đông dân cư, ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân. Nhằm giải quyết tình trạng này, thành phố đã triển khai nhiều chính sách, trong đó tập trung vào phát triển giao thông xanh, khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng và giảm thiểu phương tiện cá nhân.
Theo đó, Hà Nội đã đẩy mạnh đầu tư vào hệ thống giao thông công cộng với hơn 132 tuyến xe buýt, trong đó nhiều xe sử dụng điện và khí CNG – những giải pháp thân thiện với môi trường. Đặc biệt, sự xuất hiện của hai tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà Nội đã tạo nên bước ngoặt trong việc giảm ùn tắc và ô nhiễm không khí.
Tại tọa đàm "Giảm khí thải bằng chuyển đổi phương tiện xanh: Câu chuyện không phải dễ hay khó", PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị nhấn mạnh, trước tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch quản lý chất lượng không khí đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, ít nhất 75-80% số ngày trong năm có chất lượng không khí ở mức tốt hoặc trung bình, đồng thời giảm 20% lượng bụi PM2.5 từ các nguồn thải chính so với năm 2019.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, Hà Nội cần tập trung giảm nguồn phát thải, cụ thể là hạn chế phương tiện cá nhân, tăng cường sử dụng phương tiện công cộng và phát triển các phương tiện giao thông xanh. Theo TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí Sạch Việt Nam khẳng định việc chuyển đổi này là thách thức nhưng không thể tránh khỏi, bởi nó không chỉ là lựa chọn mà còn là yêu cầu cần thiết để bảo vệ sức khỏe con người và phát triển bền vững.
Nêu ý kiến tại toạ đàm, PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển Cộng đồng cho rằng xu thế chuyển đổi sang giao thông xanh là tất yếu và không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, để hệ thống giao thông công cộng thực sự hiệu quả, Hà Nội cần đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng như bến bãi, trạm sạc điện, cùng hệ thống kết nối giao thông liên vùng.
Phát biểu tại toạ đàm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, trong quy hoạch Thủ đô, việc giải quyết ùn tắc và ô nhiễm môi trường là vấn đề cấp bách. Ô nhiễm và ùn tắc giao thông đang gây cản trở lớn đối với sự phát triển của Thủ đô và cuộc sống của người dân. Quy hoạch mới của Hà Nội tập trung vào ba chuyển đổi chính, trong đó chuyển đổi xanh yêu cầu sự đồng bộ từ nhiều phía.
Tọa đàm đã nhấn mạnh rằng chuyển đổi sang phương tiện xanh không chỉ là câu chuyện dễ hay khó, mà là sự chung tay của cả cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường sống và thực hiện cam kết quốc gia về giảm phát thải tại COP26.
Được tổ chức nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, tọa đàm "Giảm khí thải bằng chuyển đổi phương tiện xanh: Câu chuyện không phải dễ hay khó" là hoạt động thiết thực của Báo Kinh tế & Đô thị, nhằm đẩy mạnh tuyên truyền về việc bảo vệ môi trường, hướng đến tương lai phát triển bền vững cho Thủ đô Hà Nội.
Minh Phương