Sign In

Những dấu ấn về Đảng lãnh đạo văn hóa qua bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

10:15 23/02/2024
Trải qua các chặng lịch sử với nền tảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sự ủng hộ của nhân dân và bạn bè quốc tế, Đảng đã làm tròn sứ mệnh là đội quân tiên phong của giai cấp công nhân và toàn thể nhân dân lao động Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước đã được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực văn hóa.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng.

Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2024), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài viết Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng. Bài viết điểm lại những dấu mốc quan trọng trong quá trình Đảng ra đời, lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, tiến hành thành công công cuộc đổi mới, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội; nhìn lại hành trình gần một thế kỷ với những thành tựu, kết quả đạt được và cả những khó khăn thách thức mà Đảng đã, đang và sẽ phải đối diện để từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, định hướng con đường, tương lai phát triển của dân tộc, đất nước là yêu cầu mang tính cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xem in tranh dân gian Đông Hồ tại Di tích lịch sử - văn hóa Đền Đô ở khu phố Thượng, phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

 

Bài viết được kết cấu thành 3 nội dung lớn: Đảng ta ra đời, lãnh đạo đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đảng lãnh đạo khắc phục hậu quả chiến tranh; tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế; xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Phát huy hơn nữa truyền thống yêu nước và cách mạng vẻ vang, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025 và năm 2030, xây dựng một nước việt nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng.

Trải qua các chặng lịch sử với nền tảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sự ủng hộ của nhân dân và bạn bè quốc tế, Đảng đã làm tròn sứ mệnh là đội quân tiên phong của giai cấp công nhân và toàn thể nhân dân lao động Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước đã được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực văn hóa.

Việt Nam có vị trí địa chính trị đặc biệt quan trọng, ở ngã ba đường thông thương quốc tế, cửa ngõ đi vào đi vào khu vực Đông Nam Á. Với vị trí có ý nghĩa chiến lược về chính trị, an ninh, quốc phòng đối với khu vực và quốc tế nên trong lịch sử Việt Nam luôn bị các thế lực ở phương Bắc, phương Tây nhòm ngó, xâm lăng. Trong điều kiện sức người, sức của có hạn, thường xuyên chịu tác động của điều kiện thời tiết khắc nghiệt như thiên tai, bão lũ, mất mùa, để chống lại âm mưu xâm lược, sự tấn công của kẻ thù, các thế hệ cha anh đã biết dựa vào sức mạnh của truyền thống văn hóa, đó là lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đại đoàn kết và khát vọng không ngừng vươn lên, không chịu đầu hàng, khuất phục trước âm mưu, dã tâm xâm lược của kẻ thù để bảo vệ và gìn giữ nền độc lập, tự do của dân tộc.

Kế thừa truyền thống lịch sử, văn hóa kết hợp với sức mạnh và tinh thần thời đại, trong đường lối lãnh đạo của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực văn hóa nhằm khai thác và phát huy sức mạnh của lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Sau 13 năm kể từ ngày thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943), trong đó đề ra 3 nguyên tắc vận động của nền văn hóa mới: Dân tộc hóa, Đại chúng hóa và Khoa học hóa. Đến nay, sau hơn 80 năm, những nguyên tắc đó vẫn vẹn nguyên giá trị và tinh thần thời đại, định hướng con đường vận động và phát triển của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Với đường lối lãnh đạo đúng đắn, kịp thời, thường xuyên tổng kết thực tiễn để đề ra chủ trương thích hợp với từng giai đoạn, thời kỳ, Đảng đã phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tập hợp được các giai tầng, trong đó có đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức tự nguyện đứng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, một lòng một dạ đi theo tiếng gọi của non sông, đất nước, viết lên những tác phẩm lớn, phản ánh không khí thời đại, cổ vũ tinh thần anh dũng, quật cường của nhân dân, đồng thời lên án, tố cáo tội ác của quân xâm lược. Hình ảnh của những nhà văn - chiến sĩ với lý tưởng cao cả, sẵn sàng ba cùng với nhân dân, có mặt ở những tuyến đầu của cuộc chiến đấu, không quản ngại gian khổ, hy sinh để ghi lại thời khắc thiêng liêng của dân tộc anh hùng. Hình ảnh và lý tưởng cao đẹp đó đã để lại những cảm xúc lớn, truyền đi những thông điệp nhân văn, góp phần làm nên chiến công vĩ đại của dân tộc, đất nước.

 

 

Những giá trị tinh thần được các thế hệ cha anh sáng tạo, đúc kết lên bằng mồ hôi, máu và nước mắt, đã tạo nên bản sắc, truyền thống của dân tộc, tạo sức mạnh để dân tộc vượt qua những sóng gió, thực hiện thành công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Bước vào thời kỳ đổi mới, bên cạnh những cơ hội thuận lợi là những khó khăn, thách thức từ bối cảnh bất lợi của tình hình trong và ngoài nước, nhưng với tư duy nhạy bén, thức thời, “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, Đảng đã lãnh đạo nhân dân thực hiện thành công công cuộc đổi mới, đồng thời tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng.

Trên lĩnh vực văn hóa, Đảng đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, kết luận quan trọng nhằm định hướng kịp thời con đường phát triển của nền văn hóa dân tộc trên cơ sở tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Tiêu biểu như Nghị quyết số 05-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa VI (1987) về Đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật và văn hoá, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học, nghệ thuật và văn hoá phát triển lên một bước mới; Nghị quyết số 04-NQ/HNTW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII (1993) về Một số nhiệm vụ văn hoá, văn nghệ những năm trước mắt; Nghị quyết số 03-NQ/TW, của Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII (1998) về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X (2008) về Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới; Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (2014) về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Qua việc xây dựng, ban hành nghị quyết về văn hóa cho thấy quá trình đổi mới tư duy lý luận của Đảng về văn hóa không ngừng được bổ sung, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu tình hình thực tiễn đang đặt ra, trong đó Đảng luôn đề cao vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của văn hóa đối với sự tồn vong của dân tộc, quyết định đến quá trình phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Nhấn mạnh vai trò, vị trí, tầm quan trọng của văn hóa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh lại những quan điểm của Đảng, khẳng định: “Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”. Trước đó, phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư từng nói: “Văn hoá là hồn cốt của Dân tộc, nói lên bản sắc của Dân tộc. Văn hoá còn thì Dân tộc còn”. Tức là văn hóa có liên quan mật thiết sự tồn vong, thịnh suy, phát triển, trường tồn của dân tộc, đất nước. Vì thế trong quá trình phát triển phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là nền tảng tinh thần, động lực phát triển, và soi đường cho quốc dân đi.

Về đặc trưng, mục tiêu xây dựng nền văn hóa dân tộc trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, Tổng Bí thư khẳng định: “Nền văn hoá mà chúng ta xây dựng là nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, một nền văn hoá thống nhất trong đa dạng, dựa trên các giá trị tiến bộ, nhân văn; chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội; kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của tất cả các dân tộc trong nước, tiếp thu những thành tựu, tinh hoa văn hoá nhân loại”.

Khi xây dựng, phát triển nền văn hóa dân tộc, Tổng Bí thư cho rằng: cần phải xử lý và giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa “phát triển văn hoá đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội”, đó là “một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Cần tập trung ưu tiên thực hiện thắng lợi đồng bộ các nhiệm vụ chính trị: “Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”. Như vậy, trong mối quan hệ với kinh tế, xã hội, chính trị, quốc phòng, an ninh, văn hóa được xác định là một trụ cột quan trọng, đảm bảo quá trình phát triển bền vững đất nước trong giai đoạn mới.

Cần phải quan tâm, ưu tiên dành những nguồn lực cần thiết để đầu tư phát triển văn hóa. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.“Cần quan tâm hơn nữa đến nhiệm vụ phát triển văn hoá, xã hội, hài hoà và ngang tầm với phát triển kinh tế; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân”.

Về mối quan hệ giữa phát triển văn hóa với phát triển con người, Tổng Bí thư cho rằng trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng kháng chiến và thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng ta luôn xác định: “Con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hoá, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới”. Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (2014) về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước từng nhấn mạnh đến mối quan hệ biện chứng giữa phát triển văn hóa với phát triển con người. Đó là “Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”.

 

Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 được tổ chức tại phòng họp Diên Hồng của tòa nhà Quốc hội

 

Trong bài viết của mình, Tổng Bí thư một lần nữa khẳng định mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là một tất yếu khách quan với khát vọng cao đẹp là “phấn đấu xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực, lối sống và thẩm mỹ ngày càng cao”.

Để tạo ra đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú, Tổng Bí thư nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là phải “Nâng cao hiệu quả của các thiết chế văn hoá, nhất là ở các khu công nghiệp, khu đô thị mới; bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, văn hoá tốt đẹp. Xây dựng nếp sống văn hoá lành mạnh; ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức, lối sống và quan tâm hơn nữa đến việc phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em và tệ nạn xã hội”.

Việc xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa đồng bộ, hiện đại, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ở các khu công nghiệp, khu chế xuất sẽ có ý nghĩa quan trọng để tạo ra không gian, môi trường sinh hoạt, thực hành, trao truyền và thụ hưởng văn hóa của các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, làm tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, xây dựng nếp sống, lối sống có văn hóa, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lan tỏa và nhân lên những điều tốt đẹp trong đời sống cộng đồng.

Có thể khẳng định rằng, gần một thế kỷ đồng hành cùng dân tộc, đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân thực hiện thành công sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Để làm nên thành công đó, Đảng đã khơi dậy và phát huy mạnh mẽ truyền thống lịch sử, văn hóa, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời, định hướng con đường xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Nhìn lại hành trình 94 năm qua với những sự kiện lịch sử, chính trị quan trọng, trong đó có những dấu ấn đặc biệt về Đảng lãnh đạo trên lĩnh vực văn hóa, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng góp phần củng cố và khơi dậy niềm tự hào về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, Dân tộc Việt Nam anh hùng; tăng cường niềm tin đối với sự lãnh đạo của Đảng và tương lai tươi sáng của Đất nước ta, Dân tộc ta; cũng như nêu cao hơn nữa trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong toàn hệ thống chính trị, tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước và cách mạng của toàn dân tộc, quyết tâm xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng./.

Nguồn: Tạp chí Tuyên giáo điện tử

Link:https://www.tuyengiao.vn/nhung-dau-an-ve-dang-lanh-dao-van-hoa-qua-bai-viet-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-152956

Tag:

File đính kèm