Sign In

Bài 1: Những giá trị rất quan trọng rút ra từ tác phẩm

21:14 02/04/2024
Cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Ðảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản nhân dịp 93 năm thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam (3/2/2023). Tác giả cuốn sách đã luận giải và làm sáng rõ thêm bước phát triển mới về quan điểm, nhận thức, tư duy lý luận của Ðảng ta, yêu cầu và tầm quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cũng như thể hiện sự đồng lòng, ủng hộ và đoàn kết cao của toàn Ðảng, toàn dân.

Hội nghị sinh hoạt chính trị, tư tưởng về tác phẩm "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Ðảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" tại Chi bộ Tuyên giáo, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. (Ảnh ÐỨC THUẬN)

Cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Ðảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" gồm những bài viết, phát biểu, nói chuyện của đồng chí Tổng Bí thư thời gian qua, trong đó thể hiện tư tưởng nhất quán, đồng bộ của người đứng đầu Ðảng ta với tinh thần chỉ đạo quyết liệt, quyết tâm rất lớn trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.

Trên cơ sở này, chúng tôi nhận thấy có nhiều giá trị rất quan trọng được rút ra từ tác phẩm cần được vận dụng trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng và xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật hình sự Việt Nam trong giai đoạn tới.

Là cẩm nang giá trị, tầm ảnh hưởng lớn

Cuốn sách là cẩm nang có giá trị, tầm ảnh hưởng lớn trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được xem là cuộc đấu tranh chống "giặc ở trong lòng", "giặc nội xâm" (1). Tổng Bí thư đã khẳng định: "Ðấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là "một việc làm cần thiết, tất yếu, một xu thế không thể đảo ngược" (2). Những tri thức khoa học được tổng kết, đúc rút từ thực tiễn đã tạo nên học thuyết lý luận và thể hiện qua nội dung Phần thứ nhất-Một số vấn đề rút ra từ thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam, đặc biệt là bài viết tổng quan của người đứng đầu Ðảng ta về đánh giá lại công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam từ năm 2013 đến nay, cũng như các kết luận của Tổng Bí thư tại các hội nghị toàn quốc, phiên họp, cuộc họp về công tác phòng, chống tham nhũng.

Ðiều này đã tạo nên cuốn cẩm nang có giá trị cao trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật hình sự, kiểm soát quyền lực nhà nước vì "quyền lực luôn luôn có nguy cơ bị "tha hóa"; tham nhũng, tiêu cực là "khuyết tật bẩm sinh" của quyền lực (3), nêu ra kinh nghiệm và giải pháp trong thực tiễn đấu tranh, xử lý tội phạm do người chức vụ, quyền hạn thực hiện trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ, cũng như cả vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng, nhấn mạnh giải pháp quan trọng nhất vẫn là về vấn đề con người (4).

Những số liệu về xử lý hình sự được phân tích, nêu ra trong cuốn sách là sự răn đe nghiêm khắc nhất đối với tội phạm tham nhũng, đồng thời cảnh tỉnh bất kỳ người có chức vụ, quyền hạn nào "không dám tham nhũng". Theo đó, xử lý kỷ luật của Ðảng, xử lý hành chính và xử lý hình sự tạo hệ thống đồng bộ trong phòng ngừa, ngăn chặn và trừng phạt các hành vi vi phạm pháp luật và phạm tội tham nhũng. Những số liệu về xử lý hình sự chính là sự cảnh báo, răn đe nghiêm khắc nhất đối với tội phạm tham nhũng, đối với những ai lạm dụng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước và của nhân dân, quay lưng và đi ngược lại lợi ích của quốc gia, dân tộc.

Báo cáo số 06-BC/TW ngày 23-7-2022 của Bộ Chính trị về tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 đã thể hiện rõ: Tội phạm tham nhũng đã bị khởi tố, điều tra là 2.657 vụ với 5.841 bị can, truy tố 2.628 vụ với 6.199 bị can; đưa ra xét xử 2.439 vụ với 5.647 bị cáo.

Riêng từ đầu nhiệm kỳ Ðại hội XIII đến nay, đã khởi tố, điều tra gần 4.200 vụ với 7.572 bị can về các tội tham nhũng, tội phạm về chức vụ, kinh tế, trong đó về tội phạm tham nhũng đã khởi tố, điều tra 455 vụ với 1.054 bị can (5), với nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp; nhiều cán bộ cấp cao đã bị xử lý hình sự bên cạnh xử lý kỷ luật của Ðảng.

Ðiều đó minh chứng rõ nét nhất việc "nói đi đôi với làm" của Ðảng, Nhà nước, không chỉ là tuyên ngôn mà đã trở thành quyết tâm chính trị và hành động thực tế (6), qua đó, góp phần bảo đảm không có vùng cấm, vùng trống, vùng tối, không có bất kỳ ngoại lệ nào. Nhiều vụ án nghiêm trọng liên quan nhiều bộ, ngành, địa phương, công ty, tập đoàn, ngân hàng, liên quan nhiều tổ chức đảng, đảng viên, các cán bộ lãnh đạo các cấp có sai phạm trong thời gian gần đây là thí dụ sinh động và bài học đắt giá (như Việt Á, AIC, Vạn Thịnh Phát, SCB...).

Từ đây, người có chức vụ, quyền hạn nhìn vào để tự soi, tự nhắc nhở bản thân về "danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất" (7), trọng liêm sỉ, về "đạo" làm quan khi có trong tay "quyền lực". Nếu không biết kiềm chế lòng tham, không chịu tu dưỡng, rèn luyện, gương mẫu; nếu bị cám dỗ vật chất, tiền bạc, vì lợi ích cho người thân, gia đình thì trước sau cũng sẽ bị pháp luật xử lý, trừng phạt nghiêm khắc. Xã hội, cộng đồng và nhân dân nhìn vào thực tế đó càng củng cố thêm niềm tin vào tính nghiêm minh và sự thượng tôn Hiến pháp, pháp luật, vào công lý, trật tự kỷ cương.

Ðiểm ấn tượng nữa qua cuốn sách là đã làm sáng rõ thêm nhận thức mới, tư duy mới trong phòng, chống tội phạm tham nhũng, phạm vi và phương thức đấu tranh kết hợp, toàn diện, đồng bộ đối với loại tội phạm này.

Trên phương diện nhận thức mới, tư duy mới, nếu trước đây, khi xử lý chúng ta chủ yếu quan tâm đến thiệt hại về vật chất (tiền bạc, tài sản), thì hiện nay, đã phát sinh dạng tham nhũng chính sách, luật pháp và yêu cầu phải quyết tâm ngăn chặn, phòng ngừa nguy cơ nảy sinh ngay từ khâu "xây dựng chính sách, luật pháp" (8). Do đó, chính sách, luật pháp về quy định, xử lý tham nhũng, tội phạm tham nhũng phải bảo đảm tuân thủ nghiêm ngặt, chặt chẽ các yêu cầu về nội dung và hình thức (kỹ thuật), không bỏ lọt, bỏ sót "hành vi" nguy hiểm cho xã hội nào mà chưa được tội phạm hóa, phải phù hợp đòi hỏi của thực tiễn, mặt khác, phải bảo đảm tương xứng giữa mức độ hành vi-nhân thân người phạm tội, yêu cầu phòng ngừa tội phạm-khả năng điều tra, phát hiện, xử lý và trách nhiệm cá nhân với trách nhiệm của xã hội, của Nhà nước, cũng như yêu cầu của việc bảo vệ lợi ích của quốc gia, dân tộc, đất nước lên trên hết, trước hết.

Nếu từ khâu xây dựng chính sách đến công đoạn xây dựng pháp luật bị tác động, chi phối hay điều khiển bởi một nhóm lợi ích "tiêu cực" hay bị "cài cắm" lợi ích "nhóm" nào đó thì hết sức nguy hiểm, tạo ra một văn bản pháp luật không có khả năng thi hành, gây lãng phí và làm cạn kiệt nguồn lực, ảnh hưởng đời sống xã hội, đến hệ thống chính trị và nguy hiểm nhất là "mái che" an toàn pháp lý cho hành vi, tội phạm tham nhũng nảy sinh và "lách luật" một cách hợp pháp.

Ngoài ra, phạm vi đấu tranh được tập trung không chỉ trong khu vực nhà nước mà còn mở rộng ra cả khu vực ngoài nhà nước (9). Ðiều này đã được thể hiện rõ tại Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 (Ðiều 2) và Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 (gọi tắt là Bộ luật Hình sự năm 2015) đã quy định bảy hành vi quy định là tội phạm (tại các Ðiều 353-359), trong đó có một số tội danh có liên quan khu vực ngoài nhà nước (như tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ...), mà đại án Vạn Thịnh Phát gần đây là thí dụ.

Nhận diện rõ tội phạm tham nhũng - vấn đề nhức nhối của các quốc gia

Nhận diện vấn đề tội phạm tham nhũng có tính quốc tế và đang là vấn đề nhức nhối của các quốc gia nên nhiệm vụ chúng ta phải đẩy mạnh đàm phán, ký các hiệp định tương trợ tư pháp, các thỏa thuận về hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm với các nước; phối hợp chặt chẽ với cơ quan tư pháp của các nước, các tổ chức quốc tế để truy bắt, dẫn độ số đối tượng phạm tội tham nhũng lẩn trốn, chuyển giao tài liệu, chứng cứ và thu hồi tài sản tham nhũng tẩu tán ra nước ngoài... (10).

Nội dung quan trọng nữa là từng bước nghiên cứu, nội luật hóa và thực thi Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng theo đúng lộ trình, phù hợp điều kiện và pháp luật của Việt Nam. Trên cơ sở này, nhận diện đúng, sớm, từ xa để phòng ngừa, xử lý các mối quan hệ "không bình thường" và "có lợi ích không chính đáng" hay "trục lợi" của người có chức vụ, quyền hạn trong quan hệ với doanh nghiệp, tổ chức hay cá nhân nào đó, mà kinh nghiệm các quốc gia đã từng phòng, chống tội phạm này rất hiệu quả như Ðức, Singapore...

Nhận thức về phương thức đấu tranh mới cũng được Tổng Bí thư nêu ra trong cuốn sách, theo đó, phải tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, "không nghỉ", "không ngừng" ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực-không có vùng cấm, vùng trống, vùng tối; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự; với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm (11).

Ðiều này đòi hỏi phải xử lý đồng bộ, hệ thống giữa thi hành kỷ luật của Ðảng với kỷ luật hành chính và xử lý hình sự, nghiêm minh nhưng cũng rất nhân văn, khoan hồng (12). Về vấn đề này, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định chế tài nghiêm khắc nhất-hình phạt tử hình đối với tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ tại khoản 4 Ðiều 353, khoản 4 Ðiều 354; quy định không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và không áp dụng thời hiệu thi hành bản án đối với hai tội phạm nêu trên trong các trường hợp tại khoản 3 và khoản 4 các Ðiều 353, Ðiều 354 (Ðiều 28 và Ðiều 61)-có nghĩa là bất kỳ khi nào phát hiện ra trong các trường hợp nêu trên người phạm tội đều bị xử lý, không có bất kỳ ngoại lệ nào.

Nhưng bên cạnh đó, chính sách hình sự nước ta còn chứa đựng sự nhân văn, khoan hồng, phát huy nhân đạo và tính hướng thiện, điểm c khoản 3 Ðiều 40 Bộ luật Hình sự năm 2015 còn quy định nếu người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không bị thi hành hình phạt tử hình mà được ân giảm xuống thành hình phạt tù chung thân.

Hoặc khoản 3 Ðiều 5 Nghị quyết số 03/2020/NQ-HÐTP ngày 30/12/2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hướng dẫn một số quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ quy định chính sách hình sự đặc biệt-miễn hình phạt đối với người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Ðiều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 hoặc họ là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể thuộc một trong các trường hợp sau: Người phạm tội không vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, mà chỉ vì muốn đổi mới, dám đột phá vì sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc; người phạm tội là người có quan hệ lệ thuộc (như cấp dưới đối với cấp trên, người làm công hưởng lương, chấp hành nhiệm vụ theo chỉ đạo của cấp trên), không ý thức được đầy đủ hành vi phạm tội của mình, không vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, không được hưởng lợi; đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, góp phần có hiệu quả vào việc điều tra, xử lý tội phạm...

 (Còn nữa)

Nguồn: Báo Nhân dân điện tử

Link:https://nhandan.vn/bai-1-nhung-gia-tri-rat-quan-trong-rut-ra-tu-tac-pham-post802687.html

(1), (2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9), (10), (11), (12) Nguyễn Phú Trọng, Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Ðảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, các tr.14-15, 17-19, 22, 25, 27-29, 34-39, 47-49, 51.

Tag:

File đính kèm