Sign In

Từ quyết tâm đổi mới đến cách làm căn cơ, bài bản

11:30 18/04/2023
Sau hơn hai năm triển khai thực hiện, Chương trình số 01-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) đem lại những dấu ấn nổi bật trên các mặt công tác xây dựng Đảng. Từ quyết tâm đổi mới, cách làm căn cơ, bài bản, Thành ủy đã thúc đẩy tinh thần chủ động, linh hoạt, sáng tạo của các ban Đảng và các cấp ủy Đảng từ thành phố xuống cơ sở.

Những dấu ấn đổi mới 

Thực hiện Chương trình số 01-CTr/TU với trọng tâm là nâng cao chất lượng đảng viên, Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội đã dành gần một năm để thực hiện Đề tài khoa học “Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên Đảng bộ thành phố Hà Nội - thực trạng, nhiệm vụ và giải pháp đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới” (Mã số 01X-11/08-2021-2). Từ các sản phẩm ứng dụng của đề tài, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành 2 văn bản quan trọng về sàng lọc đảng viên và phát triển đảng viên. Là Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cấp thành phố đối với đề tài trên, GS.TS Phùng Hữu Phú, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương nhìn nhận: Đây là cách làm mở ra hướng đi mới cho công tác xây dựng Đảng.

Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ phát biểu chỉ đạo tại hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ, Đảng bộ Khối các cơ quan thành phố 

Không chỉ riêng lĩnh vực trên, từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, ngành Tổ chức, xây dựng Đảng thành phố đã không ngừng tìm tòi, đổi mới, tham mưu Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy các giải pháp căn cơ về công tác cán bộ, đảng viên. Tiêu biểu là ban hành và triển khai Nghị quyết chuyên đề số 04-NQ/TU về “Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và những năm tiếp theo”; ban hành kế hoạch, quy định về luân chuyển cán bộ; bổ sung, hoàn thiện quy định, ứng dụng công nghệ thông tin vào đánh giá cán bộ; ban hành và tổ chức thực hiện Đề án số 11-ĐA/TU về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thuộc Đảng bộ thành phố Hà Nội trong tình hình mới”; triển khai phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử” và phần mềm “Điều hành tác nghiệp quản lý đảng viên”...

Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn dự hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ Đảng bộ Tổng Công ty UDIC

Ngay sau khi Chương trình số 01-CTr/TU được ban hành, các ban Đảng Thành ủy, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội được phân công đã khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các đề án, chuyên đề. Đến nay, hàng chục đề án, chuyên đề đã đi vào đời sống, phát huy hiệu quả. Các lĩnh vực tuyên giáo, kiểm tra, dân vận, nội chính đều có nhiều chuyển biến mạnh mẽ với những dấu ấn đổi mới.  

Trong đó, Ban Tuyên giáo Thành ủy đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin, “chuyển đổi số” vào công tác, với kế hoạch, lộ trình cụ thể, tổ chức hội thảo bàn sâu về vấn đề này... Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, bằng cách làm chủ động, linh hoạt, sáng tạo, tổ chức trực tiếp, kết hợp trực tuyến, việc học tập quán triệt, triển khai các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương vẫn bảo đảm thông suốt, liên tục. Không chỉ vậy, Ban còn có sáng kiến tổ chức thi tìm hiểu về Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thu hút triệu lượt người tham gia, qua đó giúp cho chỉ đạo của Trung ương thấm sâu, tạo đồng thuận trong cán bộ và nhân dân.

Ngành Kiểm tra Đảng thành phố đã chủ động, quyết liệt thực hiện kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm; đẩy mạnh giám sát chuyên đề có trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã triển khai thực hiện ráo riết, hiệu quả theo chỉ đạo của Trung ương về kiểm tra, khảo sát các tổ chức, đảng viên liên quan đến những vụ án lớn như Việt Á, chuyến bay giải cứu... Ủy ban Kiểm tra Thành ủy còn vào cuộc từ sớm để phòng ngừa từ xa những vi phạm trong thực hiện những nhiệm vụ chính trị quan trọng như triển khai Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội...

Ngành Nội chính tham mưu giúp Thành ủy Hà Nội trở thành đơn vị đầu tiên thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đặc biệt đã tham mưu đưa hàng chục vụ án, vụ việc phức tạp, nổi cộm vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi; qua đó giúp đẩy nhanh tiến độ giải quyết, gắn với việc khắc phục những lỗ hổng về cơ chế, chính sách để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, lãng phí...

Công tác dân vận phát huy hiệu quả hơn 9.600 mô hình “dân vận khéo”. Từ cách triển khai quyết liệt, bài bản của Ban Dân vận Thành ủy, gần 5.000 tổ dân vận ở thôn, tổ dân phố đã trở thành cầu nối đưa nghị quyết, chỉ thị của Đảng vào cuộc sống. Đặc biệt, đã huy động được sức mạnh tổng hợp của nhân dân tham gia vào những nhiệm vụ lớn của thành phố, tiêu biểu là thành quả đẩy lùi đại dịch Covid-19, phục hồi kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Đề cao trách nhiệm và sự gương mẫu của người đứng đầu

Bám sát những định hướng lớn tại Chương trình số 01-CTr/TU của Thành ủy, các địa phương, đơn vị đã có những cách làm bài bản, sáng tạo.

Trong đó, Đảng bộ quận Tây Hồ triển khai kế hoạch xây dựng “Chi bộ 4 tốt”, “Đảng viên 4 tốt”. Đảng bộ quận Long Biên tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; triển khai Đề án “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2021-2025” và ban hành “bộ Tiêu chí đánh giá sự chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động quận Long Biên”.

Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong phát biểu chỉ đạo tại hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ Đảng bộ huyện Phú Xuyên 

Triển khai sáng tạo công tác dân vận, Ban Thường vụ Huyện ủy Thanh Trì đã chỉ đạo xây dựng và ban hành 4 quy chế dân chủ trong loại hình mới, xây dựng và triển khai 2 đề án về nâng cao hiệu quả thực hiện Quy chế dân chủ ở xã, thị trấn. Huyện ủy cũng đã chỉ đạo các cơ quan tham mưu tập trung xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo; chú trọng tự kiểm tra, giám sát nội bộ, ngăn chặn những hành vi tiêu cực trong quá trình thực thi công vụ… Qua đó, đã chủ động phát hiện, xử lý 3 vụ việc tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn, được dư luận xã hội đồng tình, đánh giá cao... 

Huyện ủy Chương Mỹ lại chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng. Qua đó, đã kiểm tra 21 đảng viên và 8 tổ chức Đảng khi có dấu hiệu vi phạm; kiểm tra 250 tổ chức và 7 đảng viên trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra… Kết quả, đã thi hành kỷ luật 249 đảng viên, 4 tổ chức và đình chỉ sinh hoạt Đảng 16 đảng viên. 

Đánh giá việc triển khai Chương trình số 01-CTr/TU trên địa bàn thành phố, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình cho rằng, những kết quả mà các địa phương, đơn vị đạt được thời gian qua đã thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm, có nhiều cố gắng, đổi mới, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện Chương trình số 01-CTr/TU và thành tích chung của thành phố trên các lĩnh vực.

Theo Trưởng ban Chỉ đạo, điểm nổi bật trong triển khai chương trình là Ban Chỉ đạo, các cấp ủy, tổ chức Đảng đã lựa chọn được những vấn đề quan trọng, cấp thiết, cấp bách làm trọng tâm, trọng điểm để tập trung, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo. Nhờ đó, không chỉ tạo chuyển biến trong triển khai thực hiện chương trình mà còn lan tỏa cách làm mới, sáng tạo đến cơ sở.

“Thông qua thực hiện Chương trình số 01-CTr/TU có thể rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý cho những năm tiếp theo, nhất là bài học về huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đề cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy gắn với cá thể hóa trách nhiệm, nhất là trách nhiệm và sự gương mẫu của người đứng đầu” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phân tích.

Hoàng Lan - Hoàng Mai

Tag:

File đính kèm