Trước hết, phải khẳng định việc Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo xây dựng chỉ thị này là hoàn toàn đúng đắn, cần thiết, đúng thời điểm. Vấn đề cán bộ, công chức có biểu hiện đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, sợ sai, có tâm lý “bàn lùi”... gần đây đang nổi lên không chỉ ở Hà Nội. Thực trạng phổ biến ở nhiều bộ, ngành, địa phương đã khiến Thủ tướng Chính phủ phải ban hành Công điện số 280/CĐ-TTg, ngày 19-4-2023 về “Chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương”.
Lãnh đạo Sở Nội vụ Hà Nội kiểm tra đột xuất việc thực hiện kỷ luật kỷ cương, cải cách hành chính tại UBND phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa
Tại Hà Nội, tổng hợp đánh giá của Ban Tổ chức Thành ủy chỉ ra rằng, có lúc, có nơi kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ chưa nghiêm, cá biệt có nơi buông lỏng. Vai trò, trách nhiệm, năng lực của người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị còn yếu kém. Không ít tập thể, cá nhân không dám tham mưu, đề xuất, thậm chí không dám quyết định những nội dung công việc thuộc thẩm quyền; tìm cách đẩy việc lên cơ quan cấp trên hoặc chuyển ngang sang cơ quan, đơn vị khác; thiếu chủ động trong tham mưu hoặc tham mưu “lòng vòng”... Thậm chí, một số cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện nhũng nhiễu, phiền hà trong giải quyết công việc của người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
Chưa kể, thảo luận tại tổ ở hội nghị, nhiều đại biểu còn chỉ ra hàng loạt biểu hiện cho tình trạng trên. Do đó, hơn lúc nào hết, đây là lúc phải có ngay biện pháp chấn chỉnh.
Việc Ban Thường vụ Thành ủy trình, xin ý kiến Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về dự thảo Chỉ thị về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm trong xử lý công việc của các cấp ủy, địa phương, đơn vị thuộc thành phố Hà Nội là quyết định rất cần thiết. Đây là một trong những ví dụ rõ nhất cho thấy sự đổi mới phương thức lãnh đạo, cụ thể là việc ban hành các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị. Thông qua thảo luận và xin ý kiến tại hội nghị, có thể thấy trước khi ban hành, chỉ thị đã có sự thống nhất cao về nhận thức trong đội ngũ cán bộ chủ chốt, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trọng yếu của Thủ đô.
Một kết quả quan trọng khác là thông qua việc lấy ý kiến, Ban Thường vụ Thành ủy đã tranh thủ được trí tuệ tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, qua đó bảo đảm chất lượng nội dung, hình thức của chỉ thị. Thực tế, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến rất ý nghĩa, tiêu biểu như yêu cầu phải cụ thể hóa các biểu hiện đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của cán bộ, công chức, phiên thành phụ lục để làm căn cứ kiểm tra, giám sát...
Thực tế cho thấy, khi đã đạt được sự thống nhất về tư tưởng, lại bảo đảm về chất lượng, tính khả thi thì việc chỉ thị sớm được ban hành và nhanh chóng đi vào cuộc sống, đem lại kết quả là nằm trong tầm tay.
Điều quan trọng là không phải chờ đến khi chỉ thị được ban hành, mà ngay sau hội nghị, các đại biểu hay cũng chính là cán bộ chủ chốt thành phố phải chủ động tổ chức rà soát, chấn chỉnh tình trạng cán bộ, công chức có những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm; đề ra các giải pháp căn cơ, bài bản, toàn diện nâng cao trách nhiệm trong thực thi công vụ. Tất cả phải nhằm thực hiện bằng được như yêu cầu của đồng chí Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng là siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phải làm cho công việc phải chạy, phải tốt lên, người dân phải được nhờ.
Linh Vũ