Nêu cao trách nhiệm của tổ chức và cá nhân, nhất là người đứng đầu
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối, phụ trách Đảng bộ Khối Dân - Chính - Đảng TP Nguyễn Thị Kim Dung nhấn mạnh, đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị là nội dung cơ bản, quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng hiện nay. Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới đã nêu rõ: “Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng phải kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ; làm rõ hơn nữa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, gắn với nêu cao trách nhiệm của tổ chức và cá nhân, nhất là người đứng đầu; giữ vững sự lãnh đạo tập trung, thống nhất, kỷ luật, kỷ cương; bảo đảm nguyên tắc quyền lực đi đôi với trách nhiệm, mọi cán bộ, đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, nguyên tắc và kỷ luật của Đảng”.
Tại Hội thảo, các ý kiến đều thống nhất về sự cần thiết, tầm quan trọng của việc đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW. Việc đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị hiện nay cần đặt trong mối quan hệ với yêu cầu tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng vững mạnh, toàn diện, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
Toàn cảnh hội thảo. Theo TS Trần Thị Hà Vân, Trưởng Khoa Xây dựng Đảng, Học viện Cán bộ TP, thực tiễn đặt ra cần đẩy mạnh và hiệu quả hơn nữa việc đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Đây là vấn đề lớn, bao quát toàn bộ quy trình lãnh đạo của Đảng; phạm vi, đối tượng tác động rộng; liên quan đến tổ chức, bộ máy, con người. Vì vậy, cần có sự vào cuộc quyết liệt, sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng của cả hệ thống chính trị; ý thức trách nhiệm cao của cán bộ, đảng viên mà trước hết là cấp ủy, người đứng đầu.
Theo nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị nhằm đáp ứng đòi hỏi của sự phát triển đất nước, đòi hỏi của nhân dân và sự tự đòi hỏi để đổi mới chính mình. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là yếu tố “động” đòi hỏi phải gắn với thực tiễn sinh động của đất nước và xu thế thời đại để lãnh đạo, cầm quyền tốt hơn trong giai đoạn mới, trong điều kiện mới, nhiều cơ hội và cũng nhiều thách thức. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng chính là tiền đề tạo ra sự đổi mới mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, đưa đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc.
Phát huy sự chủ động, sáng tạo
Các ý kiến tại hội thảo đã khẳng định những kết quả quan trọng đã đạt được trong quá trình đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị thời gian qua. Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 28-NQ/TW trong thực tiễn, đòi hỏi cần có sự lãnh đạo chặt chẽ của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, sự quyết tâm của các cấp ủy đảng, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị.
Để sớm đưa Nghị quyết số 28-NQ/TW vào cuộc sống, đồng chí Phạm Phương Thảo đề xuất các nhóm giải pháp. Trong đó, tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế theo hướng tinh gọn, phù hợp mô hình đô thị, nông thôn, quy mô và tính chất đặc thù của địa bàn. Làm rõ chức năng nhiệm vụ của từng cấp, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, sớm khắc phục sự chồng chéo, không rõ chế độ trách nhiệm.
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Dung phát biểu tại Hội thảo. Về nội dung này, TS Trần Thị Hà Vân cho rằng cấp ủy các cấp nắm vững, hiểu rõ tinh thần của Nghị quyết 28-NQ/TW để tạo nên sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động. Đổi mới phương thức lãnh đạo không phải là việc của lãnh đạo các cấp trên mà phải quyết liệt, đồng bộ đổi mới từ cơ sở, tạo sự chuyển biến tích cực ngay trong từng cơ quan, đơn vị.
Theo nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, nguyên Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TPHCM Trần Thế Lưu, cần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy theo hướng nâng cao hiệu quả lãnh đạo, tránh bao biện, hình thức, chồng chéo nội dung lãnh đạo của Đảng và sự quản lý, chỉ đạo, điều hành của Nhà nước; vừa bảo đảm yêu cầu lãnh đạo của Đảng, vừa phát huy sự chủ động, sáng tạo, vai trò, trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội trong tổ chức và hoạt động, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Cùng với đó là xác định nội dung, phương thức lãnh đạo, quản lý cụ thể hơn để các cấp ủy phát huy vai trò lãnh đạo, khơi dậy sức dân, sự chủ động của các cơ quan Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội, đẩy mạnh nâng cao hiệu quả phong trào hành động cách mạng, phong trào thi đua yêu nước trong Nhân dân TP. Đồng thời triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung theo Kết luận số 14-KL/TW ngày 22 tháng 9 năm 2021 của Bộ Chính trị.
Đồng chí Phạm Phương Thảo phát biểu tại Hội thảo. Cần sự nỗ lực với quyết tâm cao
Tại Hội thảo, một số đại biểu cũng đã nêu bật việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng bộ Khối Dân – Chính – Đảng TPHCM sau hơn 15 năm thành lập và phát triển. Nhiều ý kiến cho rằng, Đảng ủy Khối Dân - Chính - Đảng TP cần tiếp tục chủ động đổi mới phương thức lãnh đạo, chủ động đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác xây dựng Đảng; định hướng và tạo sự lan tỏa đến cấp ủy, các tổ chức cơ sở đảng về sự năng động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.
Đồng chí Nguyễn Tấn Phát phát biểu tổng kết Hội thảo. Theo đồng chí Vũ Hữu Minh, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy Khối Dân - Chính - Đảng TPHCM, để có những phương thức lãnh đạo cụ thể, vừa đúng nguyên tắc, quy định, vừa phù hợp, sát với thực tiễn, có hiệu quả của một tổ chức đảng cụ thể thì phải do chính tổ chức đảng đó thường xuyên xây dựng, đổi mới và thực hiện. Phương thức lãnh đạo của Đảng ủy Khối Dân - Chính - Đảng TP không thể giống hoàn toàn với phương thức lãnh đạo của các đơn vị đảng ủy cấp trên cơ sở không có chính quyền cùng cấp khác trong TPHCM, của các Đảng ủy khối Dân - Chính - Đảng ở các tỉnh, thành bạn và càng không thể giống hoàn toàn ở mỗi giai đoạn, thời kỳ của chính Đảng ủy Khối Dân - Chính - Đảng TP. Muốn vậy, rất cần sự nỗ lực với quyết tâm cao, không ngừng vươn lên của Đảng ủy Khối và toàn hệ thống chính trị của Đảng bộ Khối Dân - Chính - Đảng TP.
Phát biểu tổng kết Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Tấn Phát cho biết, Ban tổ chức hội thảo đã nhận, lựa chọn và biên tập đưa vào Kỷ yếu hội thảo 50 bài viết tham luận của các tác giả là các đồng chí lãnh đạo, các cấp ủy, nhà khoa học. Nhìn chung, nội dung Kỷ yếu và các ý kiến trao đổi, thảo luận tại hội thảo đã bám sát vào mục tiêu, chủ đề hội thảo; cung cấp nhiều luận cứ khoa học, gợi mở những vấn đề vừa mang tính thực tiễn vừa mang tính lý luận dưới các góc nhìn khác nhau về chủ đề Hội thảo.