Sign In

Lãnh đạo TPHCM gặp gỡ, lắng nghe thiếu nhi năm 2023

11:15 03/06/2023

Các em thiếu nhi trình bày tại chương trình

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 3/6, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP tổ chức chương trình lãnh đạo gặp gỡ, lắng nghe thiếu nhi năm 2023.

Đến dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Văn Nên; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ.

Xứng đáng với danh hiệu Đội viên Đội TNTP Hồ Chí Minh

Phát biểu đề dẫn, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ cho biết, năm học 2022 – 2023, trải qua những khó khăn bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, TP phải bắt tay ngay vào phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, ổn định đời sống Nhân dân, các em học sinh phải “vượt khó”, củng cố kiến thức sau một thời gian dài học online nhất là đối với các em thiếu thốn trang thiết bị học trực tuyến… Nhưng với truyền thống hiếu học, thiếu nhi TP đã tự tin, vượt khó, chăm ngoan, học tốt và đạt những thành quả hết sức tự hào; các cháu đã rất cố gắng, cùng giúp đỡ nhau, nỗ lực trong học tập, rèn luyện trong phong trào Đội và tiếp tục đạt được nhiều thành tích tốt, là con ngoan, trò giỏi, bạn tốt, cháu ngoan Bác Hồ, nổi bật có những cháu thiếu nhi dự chương trình hôm nay đã đạt huy chương các kỳ thi Quốc tế, Quốc gia, gương điển hình “Thiếu nhi làm nghìn việc tốt toàn quốc”, gương “Dũng sĩ nhỏ cần kiệm”, là những học sinh giỏi liên tục nhiều năm liền, tấm gương vượt khó học tốt, rèn luyện chăm ngoan, đặc biệt có nhiều bạn là gương tài năng trẻ, vận động viên đạt huy chương tại đấu trường Seagames 32 vừa qua.

Đồng chí Nguyễn Thị Lệ phát biểu đề dẫn tại chương trình Đồng chí Nguyễn Thị Lệ phát biểu đề dẫn tại chương trình

“Các cháu đã rất xứng đáng với danh hiệu Đội viên Đội TNTP Hồ Chí Minh, là những cháu ngoan Bác Hồ, xứng đáng là công dân nhỏ tuổi của TPHCM – TP anh hùng.”- đồng chí Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh.

Với phương châm “Hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em”, đồng chí Nguyễn Thị Lệ cho biết, thời gian qua, TP đã triển khai nhiều giải pháp, vận động nhiều nguồn lực chăm lo cho thiếu nhi, duy trì và phát huy những hoạt động bổ ích, những hình thức lắng nghe ý kiến trẻ em, phát huy quyền tham gia của trẻ em về những vấn đề liên quan. Bên cạnh đó, lãnh đạo TP cũng đã trực tiếp đến các mái ấm, nhà mở, gia đình các cháu thiếu nhi khó khăn, mồ côi, các cháu khuyết tật,… để thăm và trao học bổng nhằm động viên tinh thần các cháu với mong muốn các cháu cảm thấy vui hơn, vững tin hơn, lạc quan và nỗ lực nhiều hơn trong học tập và trong cuộc sống; mong muốn các cháu được tiếp tục đến trường để sau này trở thành người công dân có ích cho gia đình và xã hội…

Tại lần thứ 11 Hội đồng Trẻ em TP, các cháu đã nêu ra nhiều vấn đề liên quan 6 chủ đề về “Giáo dục”, “Lịch sử - Văn hóa”, “Y tế”, “Môi trường”, “Khoa học sáng tạo”, “Rèn luyện kỹ năng, phát triển năng khiếu, Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP cùng Thành Đoàn, Hội đồng đội TP đã tổng hợp đầy đủ chuyển đến các ngành, đơn vị, địa phương để ghi nhận và có các giải pháp cụ thể nhằm kịp thời giải quyết các vấn đề mà thiếu nhi quan tâm.

Trong chương trình gặp gỡ thiếu nhi với chủ đề “Em yêu TP của em”, đồng chí Nguyễn Thị Lệ mong muốn được lắng nghe trực tiếp từ các cháu thiếu nhi TP, qua đó, góp phần đưa tiếng nói của các cháu vào việc xây dựng các chính sách, chương trình, kế hoạch liên quan đến thiếu nhi tạo những bước chuyển lớn về nhận thức, tầm nhìn và hành động cho “Sự nghiệp trăm năm trồng người” theo lời dạy của Bác Hồ.

Đồng chí Nguyễn Thị Lệ mong muốn các cháu có thể chia sẻ, bày tỏ những cảm xúc, cảm nhận của bản thân về TP, về sự hình thành và phát triển của TP qua từng giai đoạn lịch sử; về việc học tập, rèn luyện và nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh của mình; qua lăng kính, góc nhìn, sự hiểu biết của bản thân, các cháu mong muốn TP trong tương lai thực sự trở thành đô thị thông minh, thân thiện với trẻ em.

Đồng chí Nguyễn Thị Lệ đề nghị lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể TP cùng Thành Đoàn, Hội đồng đội TP tập trung lắng nghe và ghi nhận đầy đủ các ý kiến của các cháu để trao đổi, thông tin lại kịp thời, đồng thời đưa ra các nhóm giải pháp cụ thể trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của đơn vị.

Áp dụng nhiều phương pháp học khác

Tại chương trình, các em thiếu nhi mong muốn TP cần có thêm các hoạt động nâng cao sức khỏe tinh thần cho học sinh, nâng cao chất lượng phòng tư vấn tâm lý học đường trong trường học; có chính sách hỗ trợ áp dụng bảo hiểm y tế cho học sinh và tuyên truyền về sự quan trọng của bảo hiểm y tế trong trường học.

Bên cạnh đó, cần có các hoạt động phát triển năng khiếu trong trường học như: thanh nhạc, nhạc cụ dân tộc,… đã được đưa vào trường học, tuy nhiên, các trường chưa được đầu tư, cung cấp các dụng cụ phù hợp với môn học; cần nghiên cứu các phương pháp giảng dạy sáng tạo, hấp dẫn hơn để phù hợp với sự phát triển của trẻ em hiện nay.

Thiếu nhi cũng đề xuất TP mở rộng các môn học ngoại ngữ bên cạnh môn Tiếng Anh; tổ chức các cuộc thi hùng biện Tiếng Anh, Ngày hội tiếng Anh để tạo môi trường giao lưu cho các bạn được giao lưu, học tập. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của nhà trường cần được đầu tư tốt hơn, phù hợp hơn, nhiều mảng xanh, thiết bị vui chơi để các em được vui chơi, học tập hiệu quả, giúp học sinh học tập trực quan hơn; cần thêm các buổi tham vấn tâm lý cho học sinh để có thể lắng nghe và giải quyết các vấn đề các bạn quan tâm.

Về cách dạy môn Lịch sử, hiện nay khá rập khuôn, dễ gây nhàm chán cho học sinh, nên thiết kế cho học sinh trải nghiệm, tìm hiểu đến các địa chỉ đỏ, di tích lịch sử..., khuyến khích các em tự tìm hiểu, qua việc tham quan thực tế còn giúp các em thêm tự hào về lịch sử nước nhà. Các tiết học kỹ năng về kiểm soát cảm xúc, giao tiếp, thuyết trình không được áp dụng vào thực tiễn nên không được các bạn học tâm đắc và thực hành. Các phương pháp học như sơ đồ tư duy, làm video ngắn, thuyết trình không phù hợp với một số bạn nhưng vẫn bị ép buộc làm để có điểm. Nên áp dụng nhiều phương pháp học khác nhau tùy vào khả năng tư duy của học sinh.

Một số ý kiến cũng mong muốn nhà trường cần có nhiều buổi trao đổi, sinh hoạt với phụ huynh về phương pháp đồng hành và dạy con phù hợp với giai đoạn hiện nay, không gây áp lực cho con trong học tập, giúp con phát triển toàn diện; công tác tuyên truyền, phòng chống dịch bệnh cần tiếp tục tăng cường hơn.

Bên cạnh đó, trong trường học cần mở thêm nhiều CLB, đội nhóm để học sinh có thể tự nguyện tham gia và rèn luyện; Môn giáo dục địa phương là một môn học thiết thực, bổ ích tuy nhiên hiện chưa có sách giáo khoa nên gây cản trở trong học tập. Ngoài ra, cần lồng ghép các kỹ năng thực hành xã hội và tiết học. Cần thực hành nhiều hơn “học vẹt”.

Long Hồ

Tag:

File đính kèm