Sign In

An Giang: 10 điểm nhấn giữa nhiệm kỳ

22:01 28/11/2023
 Nửa chặng đường thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025) trong bối cảnh vô cùng đặc biệt, gắn liền với quá trình phòng, chống dịch COVID-19. Vượt qua đại dịch, thành tích đã đạt được chất chứa sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tỉnh nhà. Trong đó, 10 điểm nhấn lớn của tỉnh được thể hiện rõ ở các lĩnh vực.

“Vượt lên chính mình”

Điều này được minh chứng khi 15/16 chỉ tiêu chủ yếu của nghị quyết đại hội được thực hiện vượt và đạt tiến độ từ 50% so kế hoạch. Riêng chỉ tiêu GRDP giai đoạn 2020 - 2023 đạt mức tăng bình quân 5,08%. Tuy còn thấp, nhưng đây là mức tăng khá trong điều kiện chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Cụ thể, có 2 chỉ tiêu vượt, gồm: 75% tổ chức cơ sở Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên hàng năm (chỉ tiêu đề ra từ 70% trở lên); 98,7% UBMTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên hàng năm (chỉ tiêu từ 80% trở lên). Tỉnh thực hiện đạt 100% chỉ tiêu về mức giảm tỷ lệ hộ nghèo (từ 1 - 1,2%/năm), tổ chức cơ sở Đảng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hàng năm (từ 20%). Nhiều chỉ tiêu đạt từ 90% trở lên, như: Tỷ lệ đô thị hóa, trường học đạt chuẩn quốc gia, số bác sĩ trên 10.000 dân, tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân, xã đạt chuẩn nông thôn mới - nông thôn mới nâng cao…

Đột phá hạ tầng giao thông

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh phân bổ nguồn vốn đầu tư công (bao gồm vốn ngân sách địa phương, ngân sách Trung ương và Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội) cho 69 dự án hạ tầng giao thông, khoảng 17.691 tỷ đồng, chiếm gần 50% so với tổng nguồn vốn đầu tư công toàn tỉnh. Một số dự án lớn được triển khai, như: Tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên (dài 17,3km, tổng mức đầu tư 2.100 tỷ đồng); khởi công dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (toàn tuyến dài 188km, đoạn qua tỉnh An Giang dài 57km, tổng mức đầu tư gần 14.000 tỷ đồng).

Ngoài ra, các địa phương huy động nguồn lực xã hội, xây dựng 102 cầu giao thông nông thôn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của Nhân dân.

“Không có vùng cấm, không có ngoại lệ”

Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm lãnh, chỉ đạo và triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Công tác phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực được chỉ đạo và thực hiện ngày càng đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, thể hiện quyết tâm cao với tinh thần “Tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó, không phân biệt người có hành vi tham nhũng là ai, đã có dấu hiệu tội phạm phải khởi tố, điều tra và đã kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử”.

Ủy ban kiểm tra cấp huyện phát hiện, kiến nghị khởi tố 3 vụ việc sai phạm liên quan 5 đối tượng; cơ quan thanh tra phát hiện, kiến nghị chuyển cơ quan điều tra để xác minh làm rõ 8 vụ việc sai phạm, liên quan 24 đối tượng. Đến nay, đã xét xử xong 1 vụ án (4 bị can); khởi tố, điều tra 1 vụ án (9 bị can). Cơ quan cảnh sát điều tra cấp tỉnh, cấp huyện đang thụ lý, xác minh làm rõ 4 vụ việc…

Sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn

Tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình hành động 19-CTr/TU, ngày 19/4/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và nghị quyết, kết luận của Trung ương về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Theo đó, tạm dừng thí điểm các mô hình kiêm nhiệm đứng đầu kiểm tra - thanh tra, tổ chức - nội vụ, văn phòng chung; tiếp tục duy trì mô hình trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm chính trị; trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch UBMTTQ cấp huyện.

Ở cấp xã, thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã tại 138/156 xã, phường, thị trấn; mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng khóm, ấp được triển khai thực hiện thành công ở 879/879 khóm, ấp. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn tỉnh kết nạp 3.311 đảng viên mới, nâng tổng số lên 66.335 đảng viên. Đồng thời, sàng lọc và kiên quyết đưa 941 đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng.

Đặc biệt, toàn tỉnh đã phát động thi đua xây dựng “Chi bộ bốn tốt”, “Đảng bộ cơ sở bốn tốt”, tạo bước chuyển mới trong nâng cao chất lượng tổ chức Đảng và đảng viên, phát huy vai trò hạt nhân chính trị, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ở cơ sở.

Đổi mới mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục là động lực của nền kinh tế với mức tăng trưởng ổn định (bình quân 2,55%/năm); sản lượng lúa duy trì khoảng 4 triệu tấn/năm. Chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh theo hướng phát huy lợi thế của từng vùng, từng địa phương, gắn với nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, quy mô lớn có liên kết với doanh nghiệp và truy xuất nguồn gốc, ứng dụng khoa học - công nghệ ngày càng được chú trọng.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được tập trung thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh có 92 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai thực chất, mang lại hiệu quả tích cực. Đến cuối năm 2023, dự kiến 76 xã đạt chuẩn nông thôn mới (tỷ lệ 69,1%); 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Ngoài ra, 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc và huyện Thoại Sơn).

Thương mại điện tử “lên ngôi”

Hiện nay, các nền tảng phục vụ thương mại điện tử được khai thác hiệu quả; hạ tầng thương mại điện tử ngày càng phát triển; dịch vụ ví điện tử và phần mềm hỗ trợ thanh toán online phát triển vượt trội, góp phần thực hiện lộ trình thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh có 1,7 triệu người dân có tài khoản ngân hàng (tăng 81,7% so năm 2021); 1.241 máy POS, 255 máy ATM phủ khắp tỉnh; 11 “chợ 4.0” áp dụng mô hình thanh toán không dùng tiền mặt; 60 cửa hàng xăng dầu và nhiều cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hỗ trợ phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Thỏa thuận hợp tác một số nội dung trọng tâm ngành công thương giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố ĐBSCL đến năm 2025

Hướng mạnh liên kết vùng

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh tập trung, ưu tiên phân bổ vốn đầu tư công cho các dự án lớn có tính chất liên kết vùng, dự án trọng điểm, góp phần quan trọng vào việc xây dựng, cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Nhiều dự án sử dụng vốn đầu tư công hoàn thành đã giải quyết yêu cầu bức thiết trong đời sống, thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện đời sống Nhân dân, tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh

Hoạt động hợp tác, liên kết vùng được chú trọng. Năm 2022 và 2023, An Giang đã ký kết bản thỏa thuận hợp tác toàn diện kinh tế - xã hội với các tỉnh Đồng Tháp, Tuyên Quang và TP. Hồ Chí Minh, thúc đẩy hợp tác với TP. Cần Thơ, tỉnh Kiên Giang nhằm phát huy thế mạnh của tỉnh; kết nối cơ hội đầu tư, kinh doanh; thúc đẩy thương mại, dịch vụ; phát triển cơ sở hạ tầng…

Chăm lo người dân vượt “bão COVID”

Giữa “tâm bão” COVID-19, An Giang tập trung điều trị bệnh, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị y tế, xét nghiệm; cách ly y tế tập trung; bảo đảm chế độ, phụ cấp cho cán bộ tham gia phòng, chống dịch. MTTQ các cấp trong tỉnh tiếp nhận gần 150 tỷ đồng đóng góp vào Quỹ Phòng, chống dịch COVID-19; tiếp nhận hiện vật (lương thực, nhu yếu phẩm, vật tư y tế…) quy tiền hơn 220 tỷ đồng.

Các chính sách an sinh xã hội được tỉnh tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, nhất là hỗ trợ người nghèo, người lao động chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19; thực hiện kịp thời, đầy đủ chính sách ưu đãi người có công và thân nhân người có công, đối tượng chính sách.

Tích cực đối ngoại để phát triển

Khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, tỉnh tích cực triển khai nhiều hoạt động đối ngoại, nhằm nối lại và triển khai các mối quan hệ hợp tác với đối tác quốc tế, thu hút đầu tư, mở rộng thị trường; duy trì mối quan hệ hợp tác quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa, xã hội với các tỉnh giáp biên. Điển hình như: Tiếp Tổng thống Sierra Leone, tiếp Tỉnh trưởng tỉnh Champasak (Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào), tiếp Tổng lãnh sự Ấn Độ, thăm và chúc Tết Tổng lãnh sự các nước tại TP. Hồ Chí Minh, mời tỉnh Kandal và Takeo (Vương quốc Campuchia) sang họp định kỳ, họp tổng kết chương trình hợp tác An Giang - Pitea (Thụy Điển), tiếp Tổng lãnh sự Nhật Bản, Đại sứ Thụy Sĩ, Đại sứ Thụy Điển...

Công tác đối ngoại nhân dân tiếp tục khẳng định vai trò là một trụ cột quan trọng của công tác đối ngoại. Công tác bảo hộ công dân, vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài được triển khai hiệu quả. Công tác phân giới cắm mốc đã hoàn thành 35/46 mốc chính, 92/92 mốc phụ, 63/63 cọc dấu tiếp giáp tỉnh Takeo và 152 điểm đặc trưng trên đường biên giới, phân giới được 76,4km đường bộ và đường sông.

Đầu tư cho giáo dục và đào tạo

An Giang nỗ lực phát triển giáo dục và đào tạo gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chung. Đến nay, mạng lưới trường mầm non, tiểu học, THCS đã phủ kín xã, phường, thị trấn. Mỗi huyện, thị xã, thành phố có từ 3 - 7 trường THPT. Cơ sở vật chất giáo dục tiếp tục được đầu tư cả lượng và chất; 50,8% trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia.

Giai đoạn 2021 - 2023, ước tổng số gần 40.000 nhân lực được đào tạo, bồi dưỡng (đạt 61,3% kế hoạch giai đoạn 2). Trong đó, 21.084 nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao; 2.420 người phục vụ phát triển du lịch; 16.380 nhân lực nguồn trong học sinh phổ thông.

Ngoài ra, tỉnh đảm bảo 100% sinh viên đại học tốt nghiệp đạt chuẩn đầu ra, sẵn sàng gia nhập thị trường lao động; tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trên tổng giảng viên tăng từ 18,1% lên 21,9%; phát triển mới 2 chương trình đào tạo trình độ đại học và 2 chương trình đào tạo sau đại học; tăng cường hợp tác, trao đổi học thuật với các viện, trường quốc tế. Ước đến cuối năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo là 69,5%, lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 28,5%.

GIA KHÁNH

Tag:

File đính kèm